Đề tài biện pháp giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trong thời gian gần đây, từ những vụ việc mà báo chí đưa tin về xâm hại trẻ em, từ thực tế đặc điểm của học sinh tiểu học. Các em chưa biết cách vệ sinh thân thể đúng cách cũng như chưa có các kĩ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại, nên năm học 2016-2017, tôi đã tìm tòi và nghiên cứu về chuyên đề: Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học để các em có một số kỹ năng cơ bản cần thiết cho bản thân.

II. THỰC TRẠNG:

Mục tiêu của giáo dục giới tính là giúp trẻ sống đúng với giới tính của mình. Đặc biệt là giáo dục các em biết trân trọng giá trị của bản thân, từ đó biết quý trọng người khác. Trẻ hiểu bản thân, giới tính của mình mới biết bảo vệ mình khỏi những cám dỗ, xâm hại bên ngoài cũng như biết tôn trọng thân thể người khác. Đó chính là quá trình giúp các em hoàn thiện nhân cách an toàn cho bản thân. Chúng ta có thể áp dụng chương trình học như nước Anh là:

+ Từ 5-7 tuổi: Trẻ bắt đầu tìm hiểu tên gọi các bộ phận trên cơ thể người, các em được biết rằng con người có thể mang thai và tạo ra thế hệ sau. Đồng thời có thể phân biệt được sự khác nhau trên cơ thể.

+ Từ 8-10 tuổi: Chủ yếu nắm bắt các giai đoạn chính trong chu kì của đời người như sinh đẻ, tăng trưởng,

+ Từ 11-13 tuổi: Hiểu được sự thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn tuổi trẻ, thế nào gọi là kinh nguyệt, sự thụ tinh,

Học sinh Việt Nam bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính qua sách Khoa học lớp 5. Các em cũng được học về cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thaiTuy nhiên, việc có đưa chương trình giới tính lên sớm hay không vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng điều kiện dinh dưỡng ngày càng tốt hơn cộng với tác động của nhiều yếu tố xã hội mà tỉ lệ các bé dậy thì sớm ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó còn có một số phụ huynh và các giáo viên vẫn còn e ngại và lúng túng khi đề cập đến vấn đề này. Nhiều cha mẹ còn cho rằng đây là điều tế nhị và tự biết. Nếu nói ra thì giống như vẽ đường cho hươu chạy nên họ sẽ không bao giờ nói ra các vấn đề này với con mình khi còn là học sinh tiểu học.

Thực tế cứ diễn ra xung quanh chúng ta cứ văng vẳng đâu đó có tin cháu gái này, cháu gái nọ đang tuổi tiểu học ........ cứ bị xâm hại từ các kẻ độc ác, tàn nhẫn kia. .. Và hàng năm, số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội báo cáo của cả nước là phát hiện gần 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nghĩa là mỗi ngày có khoảng 3 em bị xâm hại tình dục. Bên cạnh đó có các trường hợp còn bị các em còn bị tổn thương về sức khỏe, và trở thành những bà mẹ bất đắc dĩ cứ diễn ra thường xuyên.

Các hiện tượng này không chỉ phản ảnh mặt trái của xã hội mà còn giống lên một hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hỏng trong trong công tác giáo dục giới tính. Những lỗ hỏng này tưởng đơn giản nhưng nếu không có sự chung tay của nhà trường và gia đình thì hậu quả sẽ là mối tiềm tàng rất lớn.

Qua đây, chúng ta cần phải giáo dục giới tính cho học sinh để các em có thể hiểu rõ hơn về giới tính của mình cũng như các em cần biết các cách thức chăm sóc, bảo vệ cơ thể khi các em bước vào tuổi dậy thì. Vấn đề đặt ra là đối với học sinh tiểu học - giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, vậy chúng ta cần phải giáo dục giới tính cho các em nhưng không làm mất đi vẻ thơ ngây, trong sáng của chính lứa tuổi của mình. Đây chính là mấu chốt để tôi phải nghiên cứu phải tìm ra một số giải pháp giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học là điều rất cần thiết nhất hiện nay.

III. CÁC GIẢI PHÁP:

  1. Giải pháp 1: Giáo dục ý thức cho học sinh.

Giáo dục giới tính cho học sinh là hình thành ở các em những tiêu chuẩn đạo đức của hành vi có liên quan đến những lĩnh vực riêng tư, thầm kín nhất của đời sống con người, hình thành những quan hệ đạo đức lành mạnh giữa em trai và em gái, giữa nam và nữ. Giáo dục giới tính tập trung vào khía cạnh giới tính của cá nhân, giúp cho thế hệ trẻ có thái độ, có hiểu biết và suy nghĩ đúng đắn, lành mạnh về giới tính cũng như biết các cách thức để tự bảo vệ mình. Việc giáo dục giới tính đúng cách có thể mang lại một số tác dụng hoặc hiệu quả như sau:
- Khi trẻ dậy thì, sự tò mò và khao khát khám phá những thay đổi của cơ thể là một nhu cầu và việc giáo dục giới tính sẽ giúp giải quyết nhu cầu này.
- Kế nữa là khi trẻ đã hiểu được một phần nào đó về giới tính thì trẻ sẽ có khả năng tự chăm sóc bản thân, nhất là những bộ phận giới tính
- Sự hiểu biết này còn giúp trẻ phòng tránh hoặc đối phó với những nguy cơ xâm hại đến bản thân.

- Từ những hiểu biết đó trẻ sẽ tự tin và xây dựng những mối quan hệ giới tính lành mạnh và phù hợp với những chuẩn mực xã hội.

- Và điều quan trọng nhất là tạo mối quan hệ thân thiết trong gia đình, một khi cha mẹ giáo dục đúng cách sẽ tạo nên sự gần gũi, tin cậy giữa cha mẹ và con trẻ.

Giáo dục giới tính là một bộ phận của giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng. Tuy nhiên không thể hòa tan giáo dục giới tính bởi những đặc trưng, ý nghĩa và mục đích riêng của nó.

Qua việc giáo dục ý thức cho học sinh, giáo viên cũng như trao đổi với các đồng nghiệp tôi nhận thấy:

- Hầu hết học sinh có rất ít hiểu biết về kiến thức giới tính cũng như các kĩ năng phân tích phán đoán, kĩ năng ứng phó, ứng xử với các tình huống có thể bị xâm hại,

- Đa số học sinh đều rất ngại ngùng với những vấn đề liên quan đến giới tính và khi có thắc mắc thường ít hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô.

- Đối với những học sinh đã trải qua giai đoạn tuổi dậy thì, các em đều đồng tình với việc đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình lớp 3, 4, 5 điều đó không hề sớm.

- Đa số phụ huynh và giáo viên còn ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề giới tính, họ lúng túng khi các em thắc mắc với mình về những vấn đề này.

- Chưa có một hướng dẫn hay nội dung, phương pháp có hiệu quả nào về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5.

Trong chương trình dạy học chính khóa, học sinh bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính thông qua chủ điểm: Con người và sức khỏe ở môn Khoa học. Trong chủ điểm này có các bài học có thể lồng ghép giáo dục giới tính cho các em là:

Bài 1: Sự sinh sản.

Bài 2: Nam hay nữ?

Bài 3: Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?

Bài 5: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe.

Bài 6: Từ lúc sinh ra đến tuổi dậy thì.

Bài 7: Tuổi vị thành niên đến tuổi già.

Bài 8: Vệ sinh tuổi dậy thì.

Bài 9: Phòng tránh bị xâm hại.

Dù giáo dục giới tính cũng đã ít nhiều được đưa vào chương trình chính khóa nhưng đây là một phần kiến thức của môn học nên giáo viên chủ yếu dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức và học tập trung cả lớp nên chưa có sự tương tác, học sinh không hứng thú. Do đó cần phải có những phương pháp giáo dục giới tính từ lớp 3 mới nhằm giúp các em tiếp cận với những kiến thức về giới tính sớm để các em có khoảng thời gian tìm hiểu, còn nểu để đến khi dậy thì rồi mà các em không nắm vững kiến thức, không kiểm soát hành vi của mình thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Giải pháp 2: Phổ biến kiến thức về giáo dục giới tính cho giáo viên.

Hơn ai hết giáo viên muốn truyền thụ kiến thức về giới tính cho học sinh thì việc đầu tiên là phải nắm vững các kiến thức về giới tính. Giáo viên cần nắm rõ một số nội dung chính sau:

2.1. Khái niệm: Giới tính là gì?

Có thể hiểu một cách khái quát, ngắn gọn giới tính là tất cả những đặc điểm riêng biệt tạo nên sự khác nhau giữa nam và nữ.

2.2. Nguồn gốc của giới tính:

Giới tính được quy định từ hai nguồn gốc: nguồn gốc sinh học và nguồn gốc xã hội.

- Nguồn gốc sinh học của con người trước hết do tế bào sinh sản quy định.

- Nguồn gốc xã hội ảnh hưởng tới giới tính của con người ở nhiều mặt. Phong tục tập quán ở từng nước đòi hỏi ở mỗi giới những phẩm chất và tác phong khác nhau phù hợp với giới tính của mình.

Ví dụ như xã hội Việt Nam đòi hỏi ở người con gái tính dịu dàng, hiền hậu, tính đảm đang, biết giữ gìn phẩm hạnh, có ý tứ,. Những người con trai phải thể hiện tính cương quyết, thái độ đàng hoàng, đĩnh đạc. Hoặc như trong quan hệ nam nữ, xã hội ta đòi hỏi sự cư xử đúng mực giữa nam và nữ, thể hiện trong tác phong, tư thế hàng ngày, ở một khoảng cách nhất định trong quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ.

2.3. Những biểu hiện của sự khác biệt giới tính.

a. Những sự khác biệt về sinh học:

- Bộ xương của nữ thường nhỏ hơn nam, xương chậu của nữ thường rộng và thấp, xương chân tay ngắn hơn.

- Lượng mỡ trong cơ thể nữ nhiều hơn nam nhất là ở vùng mông, ngực, bụng

- Cấu tạo và chức năng của hệ sinh dục của nam và nữ hoàn toàn khác nhau. Đây là sự khác biệt quan trọng nhất, quy định sự tồn tại của hai giới về mặt sinh học.

b. Những sự khác biệt về tâm lý:

- Về hứng thú: Học sinh trai thích học tập thể dục, thể thao hơn còn học sinh gái thường thích những trò chơi nhẹ nhàng hơn, không ồn ào.

- Về tình cảm: Phụ nữ dễ xúc động hơn nam, còn nam giới dễ chế ngự cảm xúc của mình hơn.

- Về tính cách: Phụ nữ thường cẩn thận, tỷ mỉ, nhẫn nại hơn nam giới

- Về năng lực: Phụ nữ thể hiện tính khéo léo, nhạy cảm còn nam giới nổi trội hơn trong các phản ứng.

2.4. Vai trò của giới tính.

- Giới tạo nên những cảm xúc đặc biệt khi có sự giao tiếp đặc biệt giữa hai người khác giới, làm cho con người trở nên ý tứ, tế nhị, duyên dáng hơn hoặc thận trọng hơn trong quan hệ nam nữ và lịch sự hơn trong giao tiếp

- Giới tính cũng chi phối những hành vi, cử chỉ, tư thế, tác phong, nếp sống.

- Giới tính làm cho quan hệ giao tiếp giữa hai người khác giới khác hẳn quan hệ giao tiếp giữa hai người cùng giới, làm cho giữa nam và nữ có những khoảng cách nhất định.

Ngoài ra giáo viên cần nắm được một số kĩ năng tự bảo vệ, cách thức ứng phó với các nguy cơ bị xâm hại,

Khi thầy cô nắm vững các kiến thức về giới, cộng thêm sự cởi mở, thân thiện, gần gũi trong giao tiếp sẽ giúp các em tiếp cận những kiến thức về giới một cách hứng thú hơn.

Giải pháp 3: Giáo dục giới tính thông qua chủ điểm: Con người và sức khỏe- môn Khoa học lớp 5.

Trước hết giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung chương trình để xem xét đưa nội dung giáo dục giới tính vào từng bài học cho phù hợp, không quá ôm đồm khó hiểu. Tùy vào nội dung bài học mà có thể dạy toàn lớp hoặc chia lớp thành 2 đối tượng: học sinh nam và nữ để thuận tiện cho việc giảng dạy.

VD: Bài: Vệ sinh tuổi dậy thì giáo viên có thể tách thành 2 đối tượng để các em tiếp thu nội dung bài học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không có cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ.

Bài: Sự sinh sản, học sinh cần biết tất cả mọi người đều do bố mẹ sinh ra và có những đặc điểm giống với bố mẹ mình.

Bài: Nam hay nữ? Ở bài học này giúp học sinh biết được những điểm khác biệt trên cơ thể giữa nam và nữ đồng thời các em biết tôn trọng các bạn cùng giới và khác giới, không phân biệt nam, nữ.

Bài: Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào? HS biết cơ thể chúng ta được hình thành từ sự kết hợp giữa tinh trùng của bố và trứng của người mẹ

Bài: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe? Học sinh biết được chỉ có phụ nữ mới có khả năng mang thai và sau quá trình mang thai em bé sẽ chào đời từ đó nêu được những việc nên và không nên làm để chăm sóc phụ nữ mang thai.

Bài: Từ lúc sinh ra đến tuổi dậy thì. Học sinh nêu được các giai đoạn phát triển của con người từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì. Nêu được một số thay đổi về sinh học và mối quan hệ xã hội ở tuổi dậy thì, quan trọng là các em biết mình đang bước đến ngưỡng cửa của tuổi dậy thì - lứa tuổi có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc đời mỗi con người.

Bài: Vệ sinh tuổi dậy thì - đây là bài học rất quan trọng đối với các em đặc biệt là các em học sinh ở vùng nông thôn bởi do điều kiện sống còn khó khăn, cha mẹ các em đi làm ăn xa phải gửi con cho ông bà, dì chú nên các em không được bố mẹ hướng dẫn cụ thể cách vệ sinh cá nhân. Có những em có bố mẹ bên cạnh nhưng vì hiểu biết còn hạn chế nên các em nhận được rất ít sự chỉ bảo về cách thức vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh khi đến tuổi dậy thì. Ở bài học này giáo viên nên chia lớp thành 2 đối tượng là nam và nữ để dễ dàng trao đổi, hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể các bước vệ sinh cá nhân khi các em đến tuổi dậy thì.

Trong chủ điểm này giáo viên cần lưu ý bài học: Phòng tránh bị xâm hại. Đây là một bài học vô cùng quan trọng đối với các em, sau bài học học sinh cần biết:

+ Một số tình huống có thể dẫn đến nguy cơ bị xâm hại và những điểm cần chú ý để phòng tránh bị xâm hại.

+ Rèn luyện kĩ năng ứng phó với nguy cơ bị xâm hại.

+ Liệt kê danh sách những người có thể tin cậy, chia sẻ tâm sự, nhờ giúp đỡ bản thân khi bị xâm hại.

Khi dạy bài học này giáo viên có thể khai thác các thông tin trên mạng Internet để cung cấp thêm các biện pháp, giúp học sinh biết ứng phó với các tình huống, nguy cơ bị xâm hại. Ngoài ra giáo viên còn đưa ra những tình huống cụ thể, yêu cầu học sinh đưa ra cách xử lí của mình sau đó giáo viên sẽ kết luận cách ứng phó với từng tình huống cụ thể đó.

VD: Em sẽ làm gì trong các trường hợp sau:

a. Khi có người lạ tặng quà cho em.

b. Khi người lạ muốn vào nhà mà bố mẹ ở nhà, bố mẹ vắng nhà.

c. Khi người lạ trêu ghẹo hoặc có hành động gây bối rối, khó chịu với bản thân.

VD: Để phòng tránh bị xâm hại chúng ta cần lưu ý:

a. Không đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ.

b. Không ở trong phòng kín một mình với người lạ.

c. Không đi nhờ xe người lạ.

d. Không để người lạ vào nhà, nhất là khi chỉ có một mình.

e. Tất cả các ý kiến trên.

Gỉai pháp 4: Thiết lập hộp thư : Điều em muốn nói

Mỗi lớp học có một hộp thư: Điều em muốn nói [có thể làm bằng hộp giấy, hộp nhôm kính, ]. Chiếc hộp này được trang trí một cách bắt mắt, gồm nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Với chiếc hộp này các em có thể gửi những thắc mắc của mình hay đơn giản chỉ là những suy nghĩ của các em về bạn bè, về học tập,....

Hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm sẽ mở hộp ra và giải đáp những thắc mắc của các em, chia sẻ với các em về học tập, về tình cảm bạn bè, gia đình,một cách thân thiện, cởi mở, gần gũi giúp các em cảm thấy vững tin hơn, vui vẻ hơn, từ đó thúc đẩy hiệu quả học tập cho các em. Trong quá trình dạy tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi mà các em gửi qua hộp thư này.

VD: Cô ơi, bạn Tuấn là con trai mà giờ ra chơi không chơi với các bạn nam, lúc nào cũng chơi với các bạn nữ. Chúng em có nên cho bạn Tuấn chơi với không?

Khi gặp những câu hỏi mang tính cá nhân như thế này giáo viên không nên đọc to câu hỏi cho cả lớp cùng nghe mà vào giờ sinh hoạt lớp giáo viên chỉ nhắc nhở học sinh rằng các em phải chơi với nhau hòa đồng, không phân biệt nam hay nữ. Trong quá trình vui chơi các em sẽ có thêm bạn và sẽ dần dần hình thành những tình bạn đẹp. Còn với Tuấn, tôi sẽ gần gũi em hơn, khuyến khích động viên em chơi các trò chơi mà các bạn nam thường tham gia chơi như đá bóng, chơi bi, tạc hìnhđể em có thể dần dần bộc lộ những nét tính cách của nam giới. Để giải đáp được những thắc mắc của các em, giáo viên phải hiểu rõ đặc điểm tâm lí lứa tuổi, hiểu được tính cách của từng em để dần hướng các em đến chân, thiện, mĩ,.

Gỉai pháp 5: Giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các buổi trao đổi ngoại khóa thân thiện.

Ở các tiết sinh hoạt ngoại khóa giáo viên có thể trao đổi cởi mở, trò chuyện tâm tình với các em, tổ chức cho các em xem các trang web về giáo dục giới tính hoặc mời các chuyên viên tư vấn có kiến thức về giới tính về nói chuyện với các em để các em bớt rụt rè hơn khi tìm hiểu kiến thức về giới tính, giúp các em mạnh dạn, cởi mở, tự tin hơn. Thông qua các buổi hoạt động ngoại khóa này thầy cô giáo, các anh chị tổng phụ trách trao đổi , hướng dẫn các em các kĩ năng sống: kĩ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm, kĩ năng tự bảo vệ, .

Gỉai pháp 6: Cung cấp kiến thức cho phụ huynh, giúp họ sử dụng kinh nghiệm và kỹ năng để trao đổi tâm sự với con cái.

Qua trao đổi điện thoại, các buổi họp phụ huynh hay tranh thủ thời gian ngắn ngủi lúc phụ huynh đón con cuối buổi học giáo viên có thể trao đổi, cung cấp một số thông tin, kĩ năng để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho con em mình. Từ đó phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục giới tính cũng như có các biện pháp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại cho trẻ.

Trên thực tế, cả trẻ em trai và trẻ em gái đều bị xâm hại tình dục nhưng nạn nhân thường gặp hơn là trẻ em gái. Về độ tuổi, 51% trường hợp bị xâm hại tình dục ở khoảng tuổi 13-16, 40% ở khoảng tuổi 6-12, số trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 9,4%... Cũng theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học sống lang thang bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%. Ngoài ra, rất nhiều em mất cảnh giác khi cho rằng việc hàng xóm, người thân trong gia đình sẽ không lạm dụng tình dục mình. Theo kết quả điều tra thì có tới 54,8% số vụ xâm hại do hàng xóm gây ra, 35,5% do người không quen biết, 9,7% là người thân trong gia đình [ông, bố, chú, bác, anh...]. Trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, bởi vậy, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình là hết sức quan trọng. Các bậc cha mẹ phải tìm hiểu kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để tạo ra sự an toàn cho con em mình. Bố mẹ không được để các con nhỏ, chưa biết bảo vệ mình ở nhà một mình, ra đường, ra chỗ vắng một mình; không được cho con tiếp xúc với những người hàng xóm, hoặc kể cả họ hàng có biểu hiện xấu, nhân cách xấu, hay uống rượu, xem phim đen, những người ở hoàn cảnh vắng vợ, độc thân, bệnh lý, hoặc những em trai đang ở tuổi dậy thì, phát dục, chưa hoàn thiện nhân cách; không để các con đi chơi, ngủ trưa, ăn mặc hớ hênh nhất là các bé đang tuổi ăn tuổi lớn, phổng phao, dễ gây tò mò, kích thích các đối tượng bệnh hoạn. Bố mẹ cần dạy các con từ 4 tuổi trở lên về việc xấu, không cho làm như: Không cho ai sờ vào đây con nhé, Không cho ai bế, ôm, hôn, Nếu ai làm thế, con thét to lên và chạy nhanh... Tâm sự để con luôn dám thổ lộ, mách với bố mẹ những chuyện xảy ra với mình. Nói cho trẻ biết cách phản ứng xử lý với sự việc: Tìm cách tránh xa, gọi người xung quanh giúp đỡ. Tốt nhất là dạy con không tiếp xúc một mình với người lạ, không đi theo họ dù vì bất cứ lý do gì. Các bậc phụ huynh cần lưu ý những người quen biết ngắn hạn, mới xuất hiện như thợ xây nhà bên cạnh, người thuê nhà... và cũng hết sức cẩn trọng khi trao các bé cho những người thân, vì đã có trường hợp bạn thân của chú ruột lạm dụng bé gái.

TS.Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý Trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện đưa ra lời khuyên: Bố mẹ cần thường xuyên quan sát, để ý các biểu hiện cơ thể và tâm lý của con mình. Trẻ bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện: Trẻ hay qua lại nhà của một ai đó bất thường, nhất là cùng vào những thời điểm; trẻ giật mình vu vơ, hơi có biểu hiện ngơ ngơ hoặc đờ đẫn; sợ sệt, xấu hổ khi gặp một số người; đau khổ, khóc lóc, trốn tránh, nhưng lại sợ ngủ một mình, ác mộng; cơ thể có những vết bầm tím, xây xát đi lại, ngồi, sinh hoạt gượng, khó khăn, đau, có vết xây xát, sưng tấy, máu hoặc chất nhầy ở bộ phận sinh dục...

* Bố mẹ cần lưu ý cách nói chuyện giáo dục giới tính với con:

- Bố mẹ phải tôn trọng, chân thành, cởi mở, biết lắng nghe. Không trấn ép hù dọa tre.

- Khuyến khích, khen ngợi khi trẻ đặt câu hỏi. Khi con dùng tiếng lóng đừng cho là tục tĩu, chê bai, nhạo báng.

- Quan tâm đến quan điểm của trẻ: Cần hỏi xem trẻ đã biết gì, biết đến đâu. Từ đó có thể điều chỉnh các sai lầm và cung cấp các kiến thức khoa học gắn liền với giá trị văn hóa cho trẻ.

- Đồng cảm với nỗi băn khoăn của trẻ, cho trẻ biết Ngày trước bố mẹ cũng có những lo lắng như con.

- Sử dụng các nguồn sách vở tin cậy hoặc tham vấn bác sĩ, nhà tâm lí.

IV. Bài học kinh nghiệm:

Qua việc thực hiện một số giải pháp về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học nên rất cần có sự phối hợp của cha mẹ và thầy cô vừa nêu như trên. Bản thân tôi đã rút ra một số bài học như sau:

. Phương pháp giảng dạy cần lồng ghép trong nhiều chương trình môn học chứ không riêng gì môn Khoa học lớp 5.

. Các thầy cô không nên đặt tư tưởng của mình vào suy nghĩ của các em. Nếu các thầy cô sử dụng những ngôn ngữ khoa học với một thái độ nghiêm túc thì các em cũng sẽ tiếp nhận một cách vui vẻ. Đồng thời, thầy cô cũng phải có sự đổi mới phương pháp giảng dạy như lồng ghép vào các buổi ngoại khóa, giúp các em tiếp cận một cách dễ dàng. Dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ.

.Giáo viên phải hết sức lưu ý từ ngữ chuẩn mực và phù hợp với lứa tuổi, giới tính của trẻ . Học sinh bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều hơn mình nghĩ. Giáo viên đứng lớp mà thẹn thùng thì sẽ luống cuống.

.Với học sinh có vấn đề, thầy cô chủ nhiệm cần tôn trọng riêng tư và chia sẻ mang tính thân thiện để giúp các em không tự đánh giá thấp bản thân, cố gắng học để vượt qua những khó khăn do dư luận xã hội chưa thông hiểu. Trực tiếp tư vấn các em và gia đình, không để các em lẫn tránh chính mình và xã hội.

V. Kiến nghị-đề xuất:

Cuối cùng, tôi xin đề xuất một số ý kiến cho các nhà giáo dục để nâng cao hiểu biết cho học sinh tiểu học về giới tính đó là:

- Đối với giáo viên: Nghiên cứu kĩ nội dung bài học để đưa nội dung giáo dục giới tính vào từng bài học, không quá ôm đồm. Cần quan tâm, gần gũi trò chuyện tâm tình với học sinh, thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin, in-tơ-nét, để hiểu rõ hơn về những phương pháp giáo dục giới tính mới, những nguy cơ có thể xảy ra với học sinh và cách phòng ngừa, ứng phó với nó. Đồng thời tăng cường phối hợp với gia đình các em để việc giáo dục giới tính mang lại hiệu quả cao.

- Đối với cấp Trường: Tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, mời các chuyên viên tâm lí về nói chuyện, trao đổi với các em đồng thời phối hợp với hội phụ nữ của phường trong việc tuyên truyền những kiến thức giáo dục giới tính cho cha mẹ, anh chị các em.

- Đối với cấp Phòng, Sở: Tổ chức các chuyên đề về giáo dục giới tính cho giáo viên, các phương thức tích hợp, nội dung tích hợp vào từng môn học, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp cụ thể để nâng cao hiểu biết về giới tính cho giáo viên. Tạo ra các trang web có nội dung giáo dục giới tính cho trẻ tuổi tiểu học, cho phụ huynh, giáo viên tham khảo.

Trên đây là chuyên đề mà tôi đưa ra nhằm nâng cao hiểu biết về giới tính cho học sinh tiểu học, chắc chắn còn nhiều thiếu sót, tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của anh chị em đồng nghiệp cũng như Ban giám hiệu nhà trường để chuyên đề này giúp cho tôi áp dụng vào việc giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học để tìm ra một số giải pháp hữu hiệu tác động trực tiếp vào quá trình giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Minh Khoa [ nguồn sưu tầm]

Video liên quan

Chủ Đề