Ví dụ về phương pháp giải quyết vấn đề môn tnxh

Giới thiệu

1. Tên sáng kiến: Nâng cao hiệu quả môn Tự nhiên và xã hội lớp 2

2. Lĩnh vực áp dung: Giáo dục Tiểu học

3. Mô tả bản chất của sáng kiến

3.1. Tình trạng giải pháp đã biết

Môn Tự nhiên và xã hội là một trong những môn học góp phần giáo dục học sinh một cách toàn diện, có thể nói môn Tự nhiên và xã hội ở lớp 2 là nền móng để các em học tốt ở các môn có liên quan đến tự nhiên và xã hội ở các lớp cao hơn. Tuy nhiên ở môn học này lại không được sự quan tâm đúng mức của mọi người, nhất là các bậc phụ huynh luôn có suy nghĩ rằng môn Tự nhiên và xã hội là môn phụ nên bị xem nhẹ. Do vậy, học sinh thường không có hứng thú trong quá trình học môn này. Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để tạo hứng thú cho các em khi học môn này? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đã lựa chọn cho mình đề tài: Nâng cao hiệu quả môn Tự nhiên và xã hội lớp 2.

a] Ưu điểm

- Được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo cấp trên, của nhà trường;

- Đa số các em có ý thức học tập;

- Học sinh trong lớp có chuyển biến rõ rệt về nề nếp học tập cũng như nếp sinh hoạt tập thể đã trở thành thói quen của mỗi học sinh;

- Chất lượng học tập của học sinh cũng được nâng lên, các em luôn chủ động trong việc học tập.

b] Hạn chế

- Trình độ học sinh không đồng đều, một số em quá hiếu động nên ngồi học ít tập trung;

- Cha mẹ các em lo làm lụng vất vả nên không có thời gian chăm lo, kèm cặp cho các em mà giao phó cho nhà trường;

- Bên cạnh đó đa phần các em chưa biết chữ do vậy việc dạy học môn Tự nhiên và xã hội cũng gặp khó khăn nhất định;

- Đặc biệt ở lứa tuổi này đặc điểm tâm sinh lý các em chưa ổn định, các em thích chơi hơn học, mau quên chóng chán.

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến

3.2.1. Mục đích của giải pháp

Nhằm khơi dậy niềm hứng thú, niềm say mê học tập cho học sinh. Kích thích tính độc lập chủ động sáng tạo trong việc lĩnh hội tri thức, tạo không khí sôi nổi trong giờ Tự nhiên và xã hội.

3.2.2. Nội dung của giải pháp

Tính mới của giải pháp:

Học sinh có trí thông minh khá nhạy bén sắc sảo, có óc tưởng tượng phong phú. Các em rất thích thảo luận, biết bày tỏ ý kiến của mình, mạnh dạn nêu thắc mắc khi giáo viên sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột:

- Sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học;

- Tổ chức tốt các hoạt động trên lớp;

- Tăng cường bồi dưỡng vốn kiến thức cho giáo viên và học sinh;

- Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học;

- Phối hợp Tự nhiên và xã hội với các môn học khác.

Các bước thực hiện của giải pháp:

a] Sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học

Khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, việc sử dụng đồ dùng dạy học là cực kỳ quan trọng với tất cả các môn học. Đồ dùng dạy học quyết định sự thành công của một tiết dạy. Vì vậy, trước mỗi tiết dạy người giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng phục vụ cho tiết dạy của mình. Giáo viên phải có phương pháp sử dụng thích hợp đối với mỗi loại thiết bị dạy học. Giáo viên cần sử dụng thiết bị dạy học như một nguồn cung cấp kiến thức chứ không phải để minh hoạ cho bài học, làm đẹp cho giờ học. Ngày nay khi bùng nổ công nghệ thông tin thì việc đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy là một thuận lợi lớn đối với mỗi tiết dạy. Vì vậy, để làm được những tiết giáo án điện tử thành công người giáo viên cần tìm tòi, sáng tạo, sưu tầm tranh ảnh trong thực tế để đưa vào bài giảng những hình ảnh đẹp nhất. Khi sử dụng đồ dùng dạy học, giáo viên cần phải lưu ý một số điểm sau:

- Lựa chọn đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung bài học;

- Cần nghiên cứu, sử dụng thành thạo các loại đồ dùng;

- Lựa chọn đúng thời điểm phù hợp để đưa ra đồ dùng;

- Cần huy động tối đa những đồ dùng học tập học sinh có thể chuẩn bị được để phục vụ cho các hoạt động tập thể, tranh ảnh, vật thật.

Đối với học sinh cần phải chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng học tập đã được giáo viên giao, tham gia xây dựng bài học một cách hiệu quả.

Ví dụ: Bài 24: Cây sống ở đâu?

Học sinh phải chuẩn bị sưu tầm tranh ảnh, cây, lá thật quanh các em để phục vụ cho bài học.

Bài 25: Một số loài cây sống trên cạn

Giáo viên cần chuẩn bị các loài cây có xung quanh như: Cây ngô, cành thông, cây đu đủ, cây sả, cây lạc,

Bài 28: Một số loài vật sống trên cạn.

Việc đưa tranh ảnh với các con vật có trong bài. Giáo viên đã sưu tầm thêm tranh ảnh con vật khác gần gũi với các em, để giới thiệu thêm cho các em rõ hơn về loài vật sống trên cạn, nhưng ở xứ nóng, xứ lạnh. Loài vật sống hoang dã, hoặc vật nuôi. Để các em tìm hiểu thêm về ích lợi của các con vật đó.

b] Tổ chức tốt các hoạt động trên lớp

- Giáo viên cần khéo léo sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, các hình thức tổ chức, dẫn dắt học sinh đạt được đích cần đến sau những hoạt động;

- Không tách rời các hoạt động mà phải có sự đan xen, liên kết, hỗ trợ giữa các hoạt động với nhau;

- Để tiết dạy nhẹ nhàng có hiệu quả giáo viên cần giao việc rõ ràng, chốt nội dung kiến thức ở từng hoạt động. Luôn tôn trọng mọi suy nghĩ đóng góp, ý

kiến hoặc câu trả lời của học sinh;

- Đặc biệt cần động viên khuyến khích, học sinh thường xuyên. Giúp học sinh tự tin hơn, chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh tri thức.

- Giáo viên cần khéo léo tổ chức các hoạt động dẫn dắt học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới theo hướng hoạt động tích cực hoá. Muốn vậy người giáo viên cần xác định đúng tầm quan trọng của môn học, ý nghĩa của môn học để đảm bảo các yêu cầu:

+ Dạy đủ thời gian, đi đúng quy trình đã thống nhất của một tiết dạy khi thiết kế bài học;

+ Dạy đúng theo hướng đổi mới các phương pháp tổ chức, các hoạt động học tập để học sinh tích cực tham gia xây dựng bài học. Đồng thời: Khi tổ chức dạy học, giáo viên cũng cần chú ý đến nghệ thuật thu hút học sinh, cần tạo ra những động cơ thúc đẩy các em học tập, như tuyên dương, khen ngợi, Kĩ thuật giao việc của giáo viên cũng cần phải khéo léo, mỗi câu hỏi nêu ra cần đảm bảo tính vừa sức, tính phù hợp, làm sao để mỗi đối tượng học sinh đều lĩnh hội được kiến thức của bài học một cách đầy đủ, sáng tạo. Học sinh phải thấy được chính các em là người tìm ra kiến thức và có hứng thú xây dựng bài học.

c]Tăng cường bồi dưỡng vốn kiến thức cho giáo viên và học sinh

Tự nhiên và Xã hội là môn học mang trong mình nhiều kiến thức thực tế hết sức phong phú và gần gũi về thế giới Tự nhiên và xã hội, thế giới con người. Vì vậy, tăng cường bồi dưỡng vốn kiến thức thực tế cho giáo viên, học sinh là việc làm quan trọng đóng góp vào thành công trong công việc đổi mới phương pháp dạy học môn Tự nhiên và xã hội không chỉ ở lớp 2 mà đối với tất cả các lớp tiểu học.

Đối với giáo viên: Thực tế cuộc sống rất phong phú đòi hỏi mỗi người cần phải không ngừng học và bồi dưỡng vốn hiểu biết. Kiến thức của người giáo viên cần được cập nhật và hoàn thiện cùng với sự phát triển của xã hội. Chúng ta không chỉ học ở sách báo, tạp chí, mà còn học ở đồng nghiệp, học ở mọi người xung quanh. Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn sinh hoạt theo định kỳ, bàn bạc, giải quyết những vướn mắc trong chuyên môn.

Đối với học sinh: Cần tạo cho học sinh thói quen quan sát thế giới xung quanh. Các em đã được quan sát, tham quan nghề truyền thống của địa phương.

Song song với hoạt động này, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên đi tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp của đất nước. Hay về với di tích để tích lũy và sưu tầm thêm tư liệu giảng dạy.

Tóm lại: Để tăng cường hoạt động của học sinh, thực hiên tốt phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng dạy học môn Tự nhiên và xã hội cần phải có sự kết hợp các biện pháp nêu trên. Người giáo viên cần có sự gắn kết, sâu chuỗi nhịp nhàng giữa các hoạt động của thầy và hoạt động của trò, định hướng cho học sinh con đường tự lĩnh hội, tự phát hiện ra kiến thức.

Tất cả các biện pháp nêu trên, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là sau khi học xong mỗi tiết Tự nhiên và xã hội nói riêng và hoàn thành chương trình Tự nhiên và xã hội lớp 2 nói chung, học sinh tích lũy được vốn hiểu biết về tự nhiên và xã hội, về cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể của con người, ý thức được trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, yêu thiên nhiên, đất nước và bảo vệ môi trường sống.

d] Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học

Các phương pháp dạy học Tự nhiên và xã hội rất đa dạng. Nó bao gồm cả phương pháp truyền thống và phương pháp mới. Mỗi phương pháp có mặt hay và hạn chế riêng vì vậy khi sử dụng các phương pháp dạy học giáo viên cần nắm vững các phương pháp hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn kết hợp các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài dạy và chủ điểm của bài học đó. Căn cứ vào đối tượng học sinh mà sử dụng các phương pháp dạy học một cách hợp lí, linh hoạt và đúng mức.

Trong quá trình giảng dạy môn Tự nhiên và xã hội lớp 2, tôi thấy có thể chia các phương pháp dạy học thành các nhóm phương pháp sau:

Nhóm 1: Phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp động não và phương pháp nghiên cứu tình huống đóng vai

Ở phương pháp thảo luận, giáo viên tổ chức đối thoại giữa mình và học sinh hoặc giữa học sinh với học sinh, nhằm huy động trí tuệ của tập thể, giải quyết một vấn đề do thực tế cuộc sống đòi hỏi để tìm hiểu hoặc đưa ra những giải pháp, những kiến nghị, những quan niệm mới. Học sinh giữ vai trò tích cực và chủ động tham gia thảo luận và tranh luận. Giáo viên giữ vai trò nêu vấn đề gợi ý khi cần thiết và tổng kết thảo luận. Khi tổ chức hoạt động giáo viên có sử dụng phương pháp thảo luận, cần dự kiến rõ thời gian, hình thức thảo luận, nội dung thảo luận để học sinh thảo luận hướng vào mục tiêu bài học, huy động kiến thức thực tế để xây dựng bài học. Giáo viên cần nêu ra những vấn đề để học sinh tìm cách giải quyết và rút ra kết luận khoa học. Đây chính là giáo viên kết hợp giữa phương pháp thảo luận và phương pháp động não.

Với học sinh lớp 2 giáo viên chỉ nên đề xuất những vấn đề đơn giản phù hợp với nhận thức của các em vì tư duy của các em còn mang tính khái quát. Cũng với cách tổ chức như vậy nhưng giáo viên đưa ra những tình huống của nội dung học tập gắn liền với thực tế cuộc sống để học sinh tham gia giải quyết bằng cách diễn đạt không cần kịch bản. Đó chính là cách giáo viên sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống và đóng vai.

Để phát huy được ưu thế của phương pháp này người giáo viên cần thực hiện theo các bước sau:

- Lựa chọn tình huống;

- Chọn người tham gia;

- Chuẩn bị diễn xuất;

- Đánh giá kết quả.

Đây là nhóm phương pháp đặc trưng, sử dụng chính trong chủ đề Xã hội. Tập cho học sinh kĩ năng nghiên cứu giải quyết vấn đề về kiến thức do bài học đặt ra.

Ví dụ: Bài 13 Giữ sạch môi trường xung quanh nhà ở

*Hoạt động 1: Giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát các hình trong SGK/28 - 29, sau đó thảo luận theo nhóm nội dung các câu hỏi trong phiếu học tập như sau:

- Mọi người trong từng hình đang làm gì để môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ?

- Những hình nào cho biết mọi người trong nhà đều tham gia làm vệ sinh xung quanh nhà ở?

- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở có lợi gì?

Sau khi nghe các nhóm trình bày ý kiến, nhóm khác bổ sung, giáo viên nêu rõ tác dụng của việc giữ sạch môi trường xung quanh nhà ở và kết luận.

* Hoạt động 2: Giáo viên tổ chức cho học sinh đóng vai theo tình huống: Bạn Hoàng ở đầu ngõ rủ em chơi đá bóng trong khi em đang quét sân, em sẽ ứng xử như thế nào?

Giáo viên theo dõi diễn xuất của các em, hướng dẫn các em còn lại nhận xét đánh giá cách ứng xử của các bạn.

Ví dụ: Bài 17 Phòng tránh té ngã khi ở trường.

Giáo viên nêu câu hỏi để học sinh động não: Hãy kể tên những hoạt động dễ gây nguy hiểm ở trường. Sau đó giáo viên tiến hành tổ chức cho học sinh quan sát, thảo luận rồi tự rút ra kết luận: Những hành động chạy đuổi nhau trong sân trường, chạy và xô đẩy nhau ở cầu thang, trèo cây, bẻ cành,là nguy hiểm không chỉ cho bản thân, đôi khi còn gây nguy hiểm cho người khác.

Chú ý: Khi sử dụng phương pháp này giáo viên cần đưa ra câu hỏi thảo luận; nêu rõ mục đích thảo luận để hướng học sinh vào hoạt động. Tránh tình trạng chỉ có một học sinh làm việc, còn lại nói chuyện hoặc xem tranh ảnh khác trong sách, gây mất tập trung cho cả nhóm, gây ồn ào không khí lớp học, giáo viên không bao quát được. Khi nêu câu hỏi động não giáo viên cần đưa câu hỏi vừa sức, mang tính thực tế học sinh có thể vận dụng kiến thức vốn sống thực tế vào bài học được dễ dàng. Khi tổ chức nghiên cứu tình huống và đóng vai giáo viên nên đưa ra những tình huống đơn giản, gần gũi, dễ giải quyết để học sinh nhập vai và thể hiện thành công vai diễn của mình.

Nhóm 2: Phương pháp trò chơi và phương pháp luyện tập thực hành

Ở phương pháp trò chơi giáo viên tổ chức học sinh tham gia trò chơi một cách có chủ định mà không cần luyện tập trước. Đây là một dạng hoạt động mang tính sáng tạo. Khi tổ chức giáo viên cần đóng vai trò là trọng tài điều khiển cuộc chơi, học sinh là người thực hiện.Còn phương pháp luyện tập thực hành thì giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành luyện tập để củng cố lại những kiến thức mà bài dạy hoặc chủ điểm đã đặt ra. Để thực hành luyện tập giáo viên có thể tổ chức nhiều hình thức như: làm phiếu bài tập, triển lãm hoặc tham quan.

Nhóm phương pháp này là nhóm phương pháp đặc trưng kết hợp thành một nhóm sử dụng chính trong chủ đề: Con người và sức khoẻ. Nó giúp học

sinh tập luyện theo hiểu biết kiến thức đã học.

Ví dụ: Bài 5: Cơ quan tiêu hoá.

Giáo viên có thể tổ chức trò chơi: Chế biến thức ăn. Để học sinh thấy được qúa trình tiêu hoá thức ăn trong cơ thể con người.

Ví dụ: Bài 10: Ôn tập: Con người và sức khoẻ

Giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành luyện tập, để củng cố và khắc sâu kiến thức về vệ sinh ăn uống và hoạt động của các cơ quan vận động tiêu hoá.

- Học sinh làm phiếu bài tập với nội dung:

Đánh dấu + vào trước câu trả lời đúng:

Trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ.

Không nên ăn nhiều rau trong bữa ăn.

Tập thể dục buổi sáng là rất tốt đối với sức khoẻ.

Nên ăn nhiều cá, thịt để cơ thể khoẻ mạnh và chóng lớn.

Sau khi kiểm tra nội dung của phiếu học tập, giáo viên nên đặt câu hỏi để học sinh nêu rõ lí do vì sao lại trả lời như vậy.

Học sinh thực hiện một số động tác vận động, để thấy được hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Nhóm 3: Phương pháp điều tra và phương pháp hỏi đáp

Phương pháp điều tra giúp tổ chức và hướng dẫn học sinh tìm hiểu vấn đề, sau đó dựa trên thông tin thu nhập tiến hành phân tích so sánh, khái quát hoá để rút ra kết luận. Còn phương pháp hỏi đáp yêu cầu giáo viên tổ chức đối thoại với học sinh, nhằm dẫn dắt học sinh tự rút ra kết luận. Phương pháp này được coi là công cụ tốt nhất đến việc lĩnh hội kiến thức của học sinh, giúp giáo viên đánh giá kết quả thu nhận kiến thức đó và nhờ vậy giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy cho phù hợp.

Nhóm phương pháp này sử dụng chủ yếu trong chủ đề: Tự nhiên, nhằm kích thích học sinh tích cực nghiên cứu tìm hiểu kiến thức, học sinh có rất nhiều vốn sống, vốn hiểu biết để tham gia vào bài học. Những loài cây, con vật sống trên cạn, dưới nước. Mặt Trăng, Mặt Trời, các Vì Sao đều là những loài vật, sự vật trong thiên nhiên gần gũi với các em hàng ngày. Vì vậy, giáo viên nên chú ý tổ chức các hình thức học tập như: ở ngoài thiên nhiên, hoạt động triển lãm, trưng bày các vật thật, tranh ảnh.

Ví dụ: Bài 25: Một số loài cây sống trên cạn.

Sau khi tổ chức cho học sinh quan sát, giáo viên hướng dẫn cho học sinh đánh dấu vào phiếu điều tra, để nhận diện và thấy được ích lợi của một số loài cây sống trên cạn.

Ví dụ: Bài 27: Loài vật sống ở đâu?

  1. viên tổ chức triển lãm theo nhóm. Nhóm trưởng yêu cầu các thành viên trong nhóm đưa ra các tranh ảnh các loài vật đã sưu tầm cho cả nhóm xem. Thành viên trong nhóm cùng phân loại chúng thành 3 nhóm: nhóm dưới nước, nhóm sống trên cạn, nhóm bay lượn trên không. Sau đó giáo viên tổ chức cho các nhóm trưng bày sản phẩm của nhóm mình và đánh giá lẫn nhau. Học sinh tự rút ra kết luận: Trong tự nhiên có rất nhiều loài vật. Chúng có thể sống ở khắp mọi nơi. Chúng ta cần yêu quý và bảo vệ chúng.

Tuy nhiên khi sử dụng nhóm phương pháp này tôi nhận thấy cần lưu ý những điểm sau:

- Phiếu điều tra phát ra cho học sinh cần rõ ràng, cụ thể để học sinh tiện trả lời hoặc điền vào phiếu. Giáo viên cần khéo léo nêu câu hỏi để gây cho học sinh cảm giác chính học sinh là người tìm ra kiến thức mới;

- Câu hỏi phải thể hiện tính vừa sức, gần gũi giúp học sinh huy động tối đa vốn sống và kiến thức thực tế của mình để xây dựng bài học.

Ngoài 3 nhóm phương pháp trên, phương pháp quan sát là phương pháp đặc trưng nhất của môn Tự nhiên và xã hội. Phương pháp này có thể kết hợp với tất cả các phương pháp dạy học khác trong quá trình giảng dạy. Quan sát là nguồn gốc và phương tiện nhận thức và trí lực của con người. Cho nên, khi sử dụng phương pháp này giáo viên hướng dẫn học sinh biết cách quan sát để tìm tòi và phát hiện ra kiến thức mới. Khi tổ chức cho học sinh quan sát, giáo viên cần xây dựng cho học sinh trình tự quan sát như sau:

- Mục đích quan sát;

- Lựa chọn đối tượng quan sát;

- Hình thức quan sát;

- Trình tự quan sát.

Ví dụ: Bài 26: Một số loài cây sống dưới nước.

Giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát cây hoa súng, cây rau rút[vật thật] và trong sách giáo khoa để thấy được nhóm cây sống trôi nổi trên mặt nước và nhóm cây có rễ bám sâu vào bùn ở đáy nước. Đồng thời học sinh nêu được ích lợi của nhóm cây ấy.

đ] Phối hợp Tự nhiên và xã hội với các môn học khác

Trong trường tiểu học các môn học có tác dụng hổ trợ lẫn nhau, môn nọ là nền tảng để học tốt môn kia. Vì vậy môn Tự nhiên và Xã hội là tư liệu phục vụ cho bài học, chúng là thực tế Tự nhiên và Xã hội, con người quanh các em. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần phải tích hợp kiến thức của các môn học có liên quan như: Tiếng Việt, Đạo đức, để giúp học sinh có thêm kiến thức thu nhập thực tế vận dụng vào bài học.

Ví dụ: Chủ điểm: Sông biển, cây cối, muông thú ở các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 có mối liên hệ mật thiết với chủ đề Tự nhiên trong môn Tự nhiên và xã hội.

- Ở chủ điểm Sông biển bài tập đọc Tôm Càng và Cá Con, học sinh được biết cuộc sống thú vị ở dưới nước của các loài Tôm cá: Tôm Càng - Cá Con và đặc biệt biết có loài cá ăn thịt: Con cá dữ.

- Hoặc bài Luyện từ và câu tuần 26.

Học sinh biết xếp tên các loài cá trong tranh vào hai nhóm:

+ Cá nước mặn [cá biển];

+ Cá nước ngọt [cá ở sông, hồ, ao] và kể tên các con vật sống dưới nước như: sứa, ba ba, tôm, san hô,

Khi học Tự nhiên và xã hội chủ đề tự nhiên bài 29: Một số con vật sống dưới nước.

- Học sinh có thể liên hệ ngay đến các con vật sống dưới nước, hoặc biết rõ các loài cá nước mặn, nước ngọt, các loài cá dữ [ăn thịt];

- Hay ở chủ điểm Cây cối trong sách Tiếng Việt 2, học sinh được cung cấp những kiến thức về cây ăn quả, cây bóng mát, các em được liên hệ thực tế ở địa phương. Khi học Tự nhiên và Xã hội bài 24: Cây sống ở đâu?, Bài 25: Một số loài cây sống trên cạn, học sinh sẽ có hứng thú học tập.

Tóm lại: Nhờ phối hợp tốt Tự nhiên và xã hội với các môn học khác mà trong quá trình học tập học sinh đã tích cực học tập, có nhiều hứng thú say mê khám phá kiến thức của bài học.

3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp

- Những biện pháp này áp dụng trong phân môn Tự nhiên và xã hội ở Tiểu học;

- Giới thiệu đồng nghiệp ở trường bạn nghiên cứu áp dụng trong giảng dạy.

3. 4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp

Qua quá trình dạy học ở lớp 2, bản thân tôi đã vận dụng các biện pháp nêu trên và đạt được những kết quả cụ thể:

- Chất lượng giảng dạy và chất lượng học tập môn Tự nhiên và Xã hội đạt kết quả rõ rệt;

- Giáo viên đã tích cực học tập bồi dưỡng vững vàng hơn về chuyên môn, nắm chắc quy trình và phương pháp giảng dạy;

- Học sinh học tập tích cực, hứng thú, chủ động trong việc lĩnh hội tri thức, không khí lớp học sôi nổi, hào hứng, học sinh hứng thú với môn Tự nhiên và xã hội;

- Môn Tự nhiên và xã hội không còn là môn phụ, mà thực sự đã trở thành một môn học có tác dụng giáo dục quan trọng, góp phần rất hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động theo hướng đổi mới, tôi đã rút ra những bài học sau:

- Giáo viên cần nắm vững được kiến thức xuyên suốt trong toàn cấp học, đối với môn Tự nhiên và xã hội nói riêng và các môn học khác nói chung. Từ hệ thống kiến thức đó, giáo viên sâu chuỗi lại để có định hướng giảng dạy cung cấp kiến thức cho học sinh đúng trọng tâm hơn;

- Giáo viên cũng cần phải có kiến thức tích hợp trong từng bài, từng chủ điểm trong từng khối lớp, để thuận lợi trong việc thiết kế bài học, định hướng các phương pháp dạy học trong từng chủ điểm của môn học cho phù hợp.

- Giáo viên nắm vững nội dung cơ bản của bài học trong sách giáo khoa và những hướng dẫn cụ thể về mục tiêu cần đạt trong chuẩn kiến thức, kĩ năng;

- Tùy theo đặc điểm của từng bài hoc mà xây dựng kế hoach bài giảng cho phù hợp./.

................, ngày ... tháng ... năm ....

Video liên quan

Chủ Đề