Đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo

Đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo

Các nhà báo tác nghiệp trong một sự kiện.(Ảnh: Nguyễn Hoàng)

(Thanhuytphcm.vn) - Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi của con người đối với nhau và đối với xã hội. Các nguyên tắc đạo đức giống như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác. Lý tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của mỗi công dân. Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội. Đạo đức nghề nghiệp bao gồm các nguyên tắc xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những hành vi không đúng đắn. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức này và dựa vào tính chất của những hành vi, mỗi người sẽ phải điều chỉnh hành vi của mỗi người phù hợp với lợi ích và sự tiến bộ xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo còn gọi là đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí.

Trong thế giới ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí ngày càng được nâng lên. Báo chí đang trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của con người. Báo chí còn tham gia vào tiến trình lịch sử, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực của đời sống. Gắn bó với đất nước,dân tộc, nhân dân, với Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là người tuyên truyền, cổ động tập thể (Lê-nin) mà còn góp phần lý giải những định hướng phát triển đất nước trên cơ sở những định hướng phát triển xã hội của Đảng; là thước đo kiểm định tính đúng đắn của các quyết sách kinh tế, văn hóa xã hội trong đời sống. Báo chí còn phản ánh những bức xúc của nhân dân, các tầng lớp xã hội, những phản biện có tính xây dựng về các chính sách không phù hợp quy luật phát triển, không phù hợp với quyền lợi của quảng đại quần chúng nhân dân.

Những xu hướng tích cực

Đánh giá về báo chí hiện nay, nhiều kết luận trong các văn bản của Đảng đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí với công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới.

– Đông đảo những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định với con đường CNXH, một lòng theo Đảng, trung thành với lợi ích Tổ quốc, nhân dân; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chọn lựa viết và đăng tải thông tin xuất phát từ lợi ích dân tộc, giai cấp và tổ quốc. Thông tin đúng bản chất, khách quan, có định hướng.

– Báo chí phát hiện những nhân tố mới, trong đó có những nhân tố điển hình nảy sinh từ thực tiễn, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách cho ra đời những chính sách kinh tế xã hội phù hợp với thực tiễn và quy luật phát triển, phát hiện những phẩm chất anh hùng, những tấm gương người tốt, những tấm lòng nhân ái. Đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực xã hội, những biểu hiện phi nhân loại, phản nhân văn, những tiêu cực trong nội bộ Đảng và nhân dân.

– Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đi liền với đấu tranh chống những biểu hiện văn hóa thị trường, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Bồi đắp tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc; nâng cao dân trí, nâng cao trình độ văn hóa thỏa mãn nhu cầu thông tin, giải trí của công chúng.

– Gắn bó với đất nước, gắn bó với nhân dân, đa số các nhà báo lăn lộn với thực tiễn, với công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước từ biên giới, hải đảo, vùng sâu,vùng xa, thiên tai, địch họa. Từ đó lựa chọn, thể hiện đề tài đáp ứng những nhu cầu chính trị văn hóa xã hội, phục vụ hiệu quả chủ trương tuyên truyền của Đảng và Nhà nước

– Các nhà báo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những vùng bão lũ, thiên tai, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vùng các bà con dân tộc thiểu số. Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí TP Hồ Chí Minh đã đi đầu trong công tác xã hội sau mặt báo, không chỉ góp phần vào việc khẳng định uy tín của báo chí mà còn góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt công tác xã hội.

Một số biểu hiện tiêu cực

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số cơ quan báo chí và nhà báo hiện nay đang bộc lộ một số mặt tiêu cực cần được khắc phục:

– Thiếu tính định hướng, chạy theo những thông tin tiêu cực: Bên cạnh những nét tích cực, nhiều nhà báo, thậm chí có những tờ báo có xu hướng xa rời vai trò định hướng của báo chí cách mạng. Nhiều nhà báo không hào hứng với những thông tin tích cực, những điển hình tiên tiến mà có xu hướng chạy theo những những thông tin tiêu cực, những vụ án hình sự thiếu định hướng dư luận, thiếu tính giáo dục. Lạm dụng đề tài giới tính, tình yêu hôn nhân để đưa những thông tin dung tục, câu khách, những mặt tối, thậm chí những bê bối trong đời tư nghệ sĩ, những người nổi tiếng, đưa những thông tin về lối sống trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Lợi dụng nhận thức mới về đời sống tâm linh, khai thác thông tin mê tín dị đoan, tiếp tay cho những hủ tục lạc hậu, thiếu cơ sở khoa học. Những thông tin đó đã gây ra những nhận thức sai lệch bức tranh chân thực của xã hội, gây mơ hồ, thậm chí bi quan trong dư luận, có tác động tiêu cực đến việc xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

– Xa rời chuẩn mực trung thực, khách quan của báo chí: Chạy theo xu hướng giật gân, câu khách. Thời gian qua có hiện tượng một số nhà báo và một số cơ quan báo chí đã đưa thông tin sai sự thật, hoặc một nửa sự thật, thậm chí bịa đặt vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực trung thực, khách quan của báo chí. Trên một số tờ báo đã xuất hiện nhiều thông tin về giá cả, hóa chất trong thủy sản, rau nhiễm độc, bưởi, sầu riêng gây ung thư, điển hình gần đây nhất là vụ nước mắm nhiễm asen. Những thông tin kiểu này không chỉ làm tổn hại đến uy tín tổ chức, doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đất nước và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đó là chưa kể việc một số nhà báo, nhân danh công luận, thực ra là vì lợi ích cá nhân, đứng về phía lợi ích nhóm để thông tin sai lệch làm tổn hại lợi ích của các đối thủ. Cũng chưa kể đến hiện tượng nhiều nhà báo, vì sự an toàn của bản thân, lãnh đạm, quay lưng trước những vấn đề nóng của đời sống, trước bức xúc của dư luận, không dám dấn thân, không dám đấu tranh, không dám nói những điều cần nói, thậm chí không dám bảo vệ những điều cần bảo vệ.

– Thiếu trách nhiệm xã hội, tinh thần công dân và tính nhân văn: Phản ánh về những vấn đề trọng đại của đất nước, thông tin về cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, một số báo thông tin thiếu tính xây dựng, thậm chí mang tính định kiến, suy diễn, chủ quan. Nhiều bài báo nhằm mục tiêu câu khách đã rút tít lập lờ giật gân, không đúng bản chất sự việc. Nhiều thông tin đưa ra thiếu trách nhiệm, làm phức tạp thêm những vấn đề phức tạp, dễ bị kẻ thù lợi dụng, thậm chí lộ bí mật quốc gia. Nhiều tin tức đưa ra không cân nhắc đến vai trò ổn định xã hội của báo chí, đưa tin không đúng thời điểm, thiếu cân nhắc đến lợi ích đất nước, lợi ích cộng đồng. Nhiều bài báo thông tin về các vấn đề tiêu cực xã hội theo hướng mô tả quá chi tiết hành vi tội ác, dâm ô, bạo lực thiếu tính văn hóa và thẩm mỹ làm ô nhiễm tâm hồn lớp trẻ. Nhiều bài báo có xu hướng cổ vũ cho tiêu dùng một cách quá lố, dẫn đến tâm lý vọng ngoại, tôn thờ chủ nghĩa vật chất. Nhiều thông tin quốc tế được đưa một chiều thiếu kiểm chứng, thậm chí thông tin một chiều theo quan điểm của phương Tây làm phương hại đến lợi ích quốc gia. Nhiều nhà báo khi bình luận về các vấn đề quốc tế, các điểm nóng, các điểm xung đột đã thiếu thận trọng khi đi quá sâu vào các vấn đề nội bộ các nước, trái với quan điểm đối ngoại của Đảng ta, gây hiểu nhầm bất lợi cho quan hệ giữa Nhà nước ta với các nước khác.

– Chạy theo xu hướng thương mại: Cùng với việc phát triển của kinh tế thị trường, xu hướng thương mại hóa báo chí đang diễn ra một cách khốc liệt. Biểu hiện thương mại hóa là muôn hình muôn vẻ nhưng dễ nhận thấy là những bài báo giật gân, câu khách; chú trọng đến việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, khêu gợi dung tục kích thích những thị hiếu thấp kém, tầm thường. Quá trình thương mại hóa đã dẫn đến quá trình tầm thường hóa báo chí, còn được gọi là báo chí lá cải. Việc lá cải hóa thông tin trên thực chất chính là việc hạ thấp chất lượng chính trị, khoa học, xã hội của báo chí. Xu hướng này đã dẫn tới việc đồng nhất báo chí – một cơ quan chính trị tư tưởng thành một doanh nghiệp kinh doanh kiếm tiền; biến cơ quan báo chí - một hàng hóa đặc biệt thành một công cụ nhằm mục tiêu lợi nhuận. Đó là lý do khiến nhiều cơ quan báo chí sẵn sàng bán măng – sét cho một cá nhân, hoặc một nhóm người, bán trang báo cho những đơn vị quảng cáo trá hình để kiếm tiền. Những tờ báo như vậy, trên thực tế đã đánh mất vai trò một cơ quan báo chí vì đã xa rời mục đích, tôn chỉ, chức năng chính trị tư tưởng, chức năng văn hóa thẩm mỹ của một cơ quan báo chí chân chính dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực

Nguyên nhân khách quan được coi là quan trọng nhất là ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức nhà báo trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Trong khi đó sự quản lý của các cơ quan chủ quản thường rất lỏng lẻo (trừ các cơ quan báo Đảng). Đó là chưa kể hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến cho những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ở cấp vĩ mô, đó là sự buông lỏng quản lý, cho ra đời tràn lan các cơ quan báo chí ở cấp bộ, cấp địa phương, cấp hội đoàn dẫn đến sự lạm phát các cơ quan báo chí không có khả năng làm kinh tế khiến việc chạy theo mọi giá để kiếm tiền nở rộ và có xu hướng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan. Trước hết đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí. Không nhận thức đúng vai trò và chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhỏ của nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu. Tất cả những lý do đó đã đẩy một số báo chí và một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực.

Để nâng cao đạo đức nghề báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tuy nhiên muốn thực hiện có hiệu quả 10 quy định này phải nâng cao công tác giáo dục đạo đức mà điều tiên quyết là phát huy tính tự giác, tự rèn luyện tu dưỡng của mỗi nhà báo; Tăng cường hệ miễn dịch cho các nhà báo bằng việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo; Giáo dục các truyền thống đạo đức dân tộc và ý thức công dân, gắn việc giáo dục nghề nghiệp với tăng cường năng lực chuyên môn báo chí, giáo dục lý luận chính trị và pháp luật cho những người hành nghề báo và sinh viên báo chí.

Những giải pháp có tính vĩ mô cũng cần được tính đến như tạo môi trường thuận lợi cho đạo đức nghề báo; Nâng cao thu nhập cho hoạt động báo chí; Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí từ giảng dạy, đào tạo, quản lý; Luật hóa những quy định về đạo đức nghề báo; Tăng cường quản lý của các cơ quan chủ quản, hội nhà báo và luật hóa vai trò giám sát của nhân dân với hoạt động báo chí. Quy hoạch lại hệ thống báo chí theo hướng tinh giản, thu gọn, dũng cảm giải thể một số ấn phẩm của các cơ quan bộ, địa phương, một số ấn phẩm phụ ăn theo để làm lành mạnh và trong sạch thị trường báo chí trên phạm vi cả nước.

Dương Trọng Dật

Nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin liên quan