Đánh giá hiện trạng chất thải rắn tại việt nam năm 2024

Đánh giá toàn diện công tác quản lý CTR sinh hoạt tại Đà Nẵng, những vấn đề tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý môi quản lý CTR sinh hoạt.

I. Thực trạng quản lý Chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố Đà Nẵng

Những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố Đà Nẵng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2019, khối lượng CTRSH thu gom toàn thành phố vào khoảng 1.100 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom khoảng 95%), được vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn để chôn lấp. Theo dự báo, CTRSH của thành phố đến năm 2025 trên 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng trên 2.400 tấn/ngày, và đến năm 2040 khoảng trên 3.000 tấn/ngày. Về năng lực thu gom, vận chuyển CTRSH (do Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện) thời gian qua chưa được đầu tư tương ứng với quá trình phát triển đô thị, mở rộng địa bàn dân cư. Kể từ năm 2006 đến nay, các trạm trung chuyển rác trong đô thị của thành phố đã giảm từ 11 trạm còn 5 trạm đang hoạt động, công suất trung chuyển rác chỉ đạt ở mức 7%. Các trạm này sau hơn 10 năm vận hành đã xuống cấp, công nghệ ép ngang, hở nên phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác. Về khoảng cách an toàn môi trường nhỏ nhất giữa hàng rào của trạm trung chuyển cố định đến chân xây dựng công trình khác theo quy định phải lớn hơn hoặc bằng 20m. Nhưng thực tế, các trạm trung chuyển đa phần xen lẫn trong khu dân cư nên không tránh khỏi mùi hôi đến các hộ dân liền kề. Do thiếu trạm trung chuyển, công tác vận chuyển rác thải dựa vào các điểm tập kết tạm bợ tại các lô đất trống hoặc vỉa hè của các tuyến đường, góp phần ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường cục bộ. Về mặt quản lý, từ đầu năm 2018, UBND thành phố đã triển khai phân cấp công tác quản lý dịch vụ vệ sinh môi trường đến các quận, huyện. Tuy nhiên, nhân lực hiện có ở cấp quận, huyện cũng rất mỏng, khó khăn trong việc đảm trách giám sát dịch vụ vệ sinh môi trường. Về xử lý CTRSH của thành phố, khu xử lý chất thải Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/2007, đến nay đã chôn lấp hơn 3,2 triệu tấn rác thải. Cuối năm 2018, thành phố đã đưa vào vận hành HTXL nước rỉ rác 700 m3/ngày, xử lý lượng nước rỉ rác đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm hoạt động, một số vấn đề vẫn còn tồn tại tại Bãi rác Khánh Sơn như sau: - Công tác quản lý ngay tại khu vực bãi rác chưa thực sự chú trọng, để kéo dài tình trạng nhếch nhác, bừa bãi trong khuôn viên Bãi rác, thiếu các giải pháp, công cụ kiểm soát công tác vận hành chôn lấp. Các loại rác thải khác như công nghiệp không nguy hại, bùn thải nạo vét cống thoát nước; bùn thải không nguy hại từ các hệ thống xử lý nước thải; phân bùn bể phốt (sau khi xử lý) đều được chôn lấp chung, làm giảm sức chứa của các hộc rác thải sinh hoạt. - Lượng rác thải phát sinh của thành phố hiện nay có xu hướng tăng cao, các hộc rác chôn lấp ngày càng cao nên dễ phát sinh, phát tán mùi hôi ra khu vực xung quanh, chưa thực hiện thu hồi khí ga tại các hộc chôn lấp rác đô thị. - Tại bãi rác luôn có lực lượng lao động thu lượm (từ 250 đến 300 người) gây khó khăn cho công tác san ủi và phun xử lý mùi hôi (rác đổ xuống không thể cày liền mà phải chờ cho người dân lượm xong, quá trình phun xử lý mùi hôi cũng không thể thực hiện khi người dân đang lượm rác tại các vùng rác xe mới đổ xuống). Mặt khác, việc để tràn lan phế liệu thu gom trên bãi rác gây khó khăn trong việc tạo mặt bằng phủ lấp đất, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. - Ngân sách thành phố chi trả cho công tác xử lý CTRSH tại Bãi rác Khánh Sơn ở mức thấp, không đủ để thực hiện theo quy trình chôn lấp (trước năm 2018 trung bình khoảng 28.000 đồng/tấn và từ năm 2018 là 42.000 đồng/tấn). - Khoảng cách từ tường rào Khu xử lý Khánh Sơn đến khu vực dân cư xung quanh (khoảng 200m) không đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 07:2010/BXD (≥1.000m); chưa có vùng đệm cây xanh cách ly giữa Khu xử lý Khánh Sơn và khu dân cư nên chịu áp lực của người dân phản ánh về mùi hôi, ô nhiễm.

Hình 1. Hiện trạng khu xử lý CTR Khánh Sơn, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (Tháng 7/2019)

Ngoài khu xử lý chôn lấp rác, năm 2009, thành phố cấp Giấy Chứng nhận đầu tư đối với Dự án “Nhà máy xử lý CTR tại Khánh Sơn - Đà Nẵng” của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam tại khu vực xử lý Khánh Sơn. Năm 2014, Dự án này được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, dự án này không hoạt động. Đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đề xuất được phép chuyển đổi công nghệ Đốt rác phát điện. Hiện nay, dự án đang được các Bộ, ngành liên quan xem xét các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Cho đến thời điểm hiện tại, Thành phố chỉ có khu vực xử lý chôn lấp rác hợp vệ sinh tại Khánh Sơn. Theo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng tính toán, đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, khu chôn lấp rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình thiết kế (+52m). Do đó, thành phố sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh thành phố nếu thành phố không sớm có các giải pháp đầu tư cấp thiết.

II. Chủ trương về quản lý CTRSH của thành phố Đà Nẵng đến năm 2025

Trước thực trạng quản lý CTRSH của thành phố nêu trên, ngày 19/12/2018, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, trong đó đề ra các mục tiêu như sau: - Tất cả các phường, xã tổ chức phân loại CTRSH tại hộ gia đình, 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. - Tỷ lệ CTRSH tái chế, tái sử dụng đạt 12% năm 2020 và 15% năm 2025. - 95% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý. - Đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. - Đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi CTRSH tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển. - Đến năm 2020, dừng hoạt động chôn lấp CTRSH không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý CTR và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ Bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. - Đầu tư cơ sở xử lý CTRSH có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%. Với các mục tiêu trên, HĐND thành phố đã ban hành các chủ trương đầu tư cụ thể: Nghị quyết số 187/NQ-HĐND ngày 19/10/2018 về đầu tư dự án “Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn”; Nghị quyết số 223/NQ-HĐND ngày 17/5/2019 về đầu tư dự án “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác (giai đoạn 2)”; Nghị quyết số 253/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 về đầu tư dự án “Trạm trung chuyển rác tại khu vực đường Lê Thanh Nghị”.

III. Các giải pháp cụ thể trong công tác quản lý CTRSH của thành phố

Công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần được đầu tư đồng bộ, dài hạn, xử lý kịp thời lượng rác thải phát sinh, có tính dự phòng, đảm bảo các mục tiêu của quốc gia, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường và an ninh về rác của thành phố. Ngày 23/8/2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3770/QĐ-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết 204/NQ-HĐND của HĐND thành phố, UBND thành phố đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau: 1. Tăng cường công tác quản lý, thu gom CTRSH trong đô thị Để xử lý tình trạng rác thải phát sinh bừa bãi, tồn đọng kéo dài trong đô thị, khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện tổ chức chấn chỉnh, yêu cầu đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện đảm bảo hợp đồng; giám sát việc triển khai, có biện pháp xử lý, xử phạt đối với đơn vị dịch vụ không có trách nhiệm và chủ nguồn thải xả thải gây ô nhiễm. Theo đó, UBND các quận, huyện có trách nhiệm xem xét, kiểm tra lại phương án thu gom rác trên địa bàn quận, huyện đã phê duyệt để đảm bảo quy định tại Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND thành phố; đồng thời, phối hợp với đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn quận, huyện tổ chức tuyên truyền, thông báo cho người dân, các chủ dự án, công trình về thời gian, địa điểm thu gom rác theo phương án thu gom rác đã được phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho Đội kiểm tra quy tắc đô thị của UBND các quận, huyện để thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời kiểm tra kết quả thực hiện của UBND các quận, huyện về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; báo cáo UBND thành phố các trường hợp không đảm bảo và đề xuất các giải pháp xử lý theo quy định. 2. Quy hoạch, đầu tư các trạm trung chuyển rác hiện đại, đảm bảo công suất, công năng trung chuyển và kết hợp chương trình phân loại rác thành phố Trong giai đoạn 2019-2020, UBND thành phố đã thực hiện thủ tục đầu tư và chuẩn bị đầu tư 02 trạm trung chuyển Lê Thanh Nghị (500 tấn/ngày) và Thọ Quang (300 tấn/ngày). Trong giai đoạn 2021-2022, thành phố sẽ đầu tư thêm 02 trạm trung chuyển tại các địa phương Quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Đối với các trạm trung chuyển hiện hữu, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai rà soát thực hiện đầu tư trang thiết bị và xây dựng các trạm trung chuyển rác sinh hoạt đủ về số lượng, có công nghệ tiên tiến và đảm bảo khoảng cách ly về vệ sinh môi trường đáp ứng công tác thu gom; đồng thời tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý CTR, quy hoạch đô thị phù hợp với Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn 2050.

Hình 2. Mô hình kiến trúc Trạm trung chuyển CTRSH tại địa điểm Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng

3. Tổ chức đồng bộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2025 Phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phù hợp với chiến lược quốc gia, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị; giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn như giảm diện tích bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý khối lượng CTR cần xử lý, đồng thời tận dụng được các loại CTR khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế. Ngày 11/4/2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025, trong đó thành phố thực hiện theo phương thức phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình thành 03 nhóm: (1) Rác tái chế (Giấy, nhựa, Kim Loại); (2) Rác nguy hại (pin, bóng đèn, đồ đựng hóa chất còn thừa,…); (3) Rác còn lại. Giai đoạn 2019-2020, các Sở, ban, ngành của thành phố sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn và cung cấp trang thiết bị, dụng cụ thực hiện công tác tuyên truyền, phân loại CTRSH tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố. Giai đoạn năm 2020-2022 tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phân loại; triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng; tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Giai đoạn năm 2023-2025 tiếp tục triển khai, hoàn thành kế hoạch phân loại CTRSH, đồng thời tổ chức đánh giá tổng kết kế hoạch, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới.

Hình 3. Phương thức chung về phân loại CTRSH tại nguồn của thành phố Đà Nẵng (Theo QĐ số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố) Hình 4: Bảng hướng dẫn phân loại CTRSH tại hộ gia đình - một trong những tài liệu tuyên truyền được cung cấp cho hộ gia đình trong năm 2019

4. Cải thiện chất lượng môi trường, nâng cấp, đầu tư Khu xử lý CTR Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý CTR của thành phố Thực hiện Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/ 2013 của Thủ tướng chính phủ về điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định khu xử lý CTR Khánh Sơn là địa điểm xử lý CTR tập trung của thành phố, có diện tích 100ha; HĐND thành phố đã thống nhất triển khai đầu tư nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với các mục tiêu cụ thể: - Giải quyết ngay vấn đề xử lý chất thải rắn đang rất cấp bách, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, xã hội, ô nhiễm môi trường; - Phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ) và đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý CTRSH (Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ); - Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực; cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh. Với các mục tiêu trên, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương triển khai các dự án, cụ thể: (1) Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn để tiếp tục cải thiện môi trường của bãi rác để bãi rác Khánh Sơn thực sự là Khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh; (2) Khẩn trương khắc phục, kiểm soát quy trình vận hành chôn lấp rác hiện hữu, tổ chức phủ bạt giảm thiểu mùi hôi, nước rỉ rác; (3) Tiếp tục đầu tư các hạ tầng kỹ thuật tại khu liên hợp và nâng công suất HTXL nước rỉ rác (Giai đoạn 2); (4) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ quy trình chôn lấp hợp vệ sinh, (5) Xây dựng Đề án phát triển KTXH khu vực Khánh Sơn và có các chính sách hỗ trợ đối với người dân khu vực chịu ảnh hưởng môi trường từ Bãi rác; (6) Đổi mới công nghệ để tiếp tục hoạt động Nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam; (7) Tổ chức chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy xử lý CTRSH của thành phố 1.000 tấn/ngày,...

Hình 5: Hạng mục phủ bạt toàn bộ diện tích các hộc chôn lấp rác thải đô thị tại Bãi rác Khánh Sơn: Khởi công trong tháng 9/2019 và kết thúc trong tháng 12/2019


Tình trạng thùng rác hư hỏng, mất nắp hoặc bể làm phát sinh nước rỉ rác, mùi không được sửa chữa, thay thế kịp thời. Một số tuyến đường, điểm đặt không đúng số lượng thùng theo yêu cầu, dẫn đến tình trạng người dân bỏ rác ngoài thùng gây mất vệ sinh môi trường. Thiếu phương tiện thu gom, nhiều nơi không đảm bảo tần suất, dẫn đến tình trạng rác thải ứ đọng dài ngày ở các khu dân cư, nhất là khu vực phát triển nhanh và các khu vực ven đô thị, nông thôn. Ngoài ra, chưa có kế hoạch, phương án thu gom rác cụ thể trên từng khu vực hoặc liên tục thay đổi, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổ rác đúng giờ của các địa phương, đoàn thể.