Cơ quan có thẩm quyền đăng ký bí mật kinh doanh

VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN CHÚ Ý LIÊN QUAN ĐẾN BÍ MẬT KINH DOANH

1. Bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Bí mật kinh doanh là một đối tượng của sở hữu trí tuệ được quy định ở khoản 2 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể bí mật kinh doanh là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

2. Điều kiện bảo hộ với bí mật kinh doanh

Không phải mọi bí mật kinh doanh đều được bảo hộ mà bí mật kinh doanh được bảo hộ chỉ khi đáp ứng được một số điều kiện trong mục 7 Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

Để đơn giản thì tức là bí mật kinh doanh không cần phải là thứ độc nhất vô nhị nhưng nó đặc biệt phải là thứ mà không phải ai cũng có thể hiểu và nghĩ ra được, sự đặc biệt có thể đến từ sự phức tạp của tài sản trí tuệ, ví dụ như kiến thức nếu như mà được công bố cho dân chúng biết một cách phổ thông như kiến thức trên các trang mạng uy tín hay trong sách giáo khoa, báo chí thì sẽ không được bảo hộ, … Một nguyên tắc tối quan trọng là bí mật kinh doanh phải gắn liền với kinh doanh tức là phải giúp cho chủ sở hữu của nó có lợi thế hơn hẳn các chủ thể khác không có bí mật này trong việc kinh doanh, kiếm ra lợi nhuận. Cuối cùng là bí mật kinh doanh cần phải được bảo vệ một cách cẩn mật và hết sức chú trọng và bên sở hữu bí mật phải chứng minh được rằng mình đã sử dụng các biện pháp bảo vệ giữ gìn tài sản trí tuệ này hết sức nhằm mục đích tài sản không bị đánh cắp. Điều này được thể hiện là khi ra toà, toà chỉ chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn nếu như nguyên đơn (chủ sở hữu tài sản trí tuệ) đã sử dụng các biện pháp thiết bị cần thiết mà vẫn không ngăn được việc tài sản của mình bị đánh cắp.

Quy định như vậy là để nhằm tránh các tranh chấp không đáng có liên quan đến vấn đề này.

Tương tự như điều kiện với bí mật kinh doanh được bảo hộ, Luật sở hữu trí tuệ 2005 còn đưa ra các trường hợp mà bí mật kinh doanh không được bảo hộ ở Điều 85.

“1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.”

3. Doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể bảo vệ bí mật kinh doanh của mình bằng cách nào?

3.1. Tự bảo vệ

Nhìn vào các tập đoàn khổng lồ liên quan đến ngành ăn uống đã phát triển lớn mạnh lên nhờ vào bí mật kinh doanh có một không hai, ta có thể thấy các hiện diện rõ ràng nhất là Coca Cola, KFC, Lotteria hay Mc Donald…Tất cả các tập đoàn lớn này đều sử dụng cách thức bảo vệ bí mật kinh doanh của mình cực kỳ chặt chẽ để lưu giữ công thức chế biến nhưng có một điểm chung là họ đều sử dụng phương pháp tự bảo vệ.

Phương pháp tự bảo vệ này theo luật Việt Nam được ghi nhận trong Điều 198, chương XVI : Quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Luật sở hữu trí tuệ 2005 như là một quyền tối thượng của chủ sở hữu trong việc tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bao gồm

  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm
  • Yêu cầu cá nhân, tổ chức xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và đặc biệt là chấm dứt hành vi xâm phạm
  • Khởi kiện ra toà án
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm

Ngoài ra chủ sở hữu bí mật kinh doanh còn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định dân sự hoặc hành chính về xử lý hành vi vi phạm về cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2018. Nếu như hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh có đủ cấu thành tội phạm thì hành vi đó còn có thể bị điều chỉnh bằng luật hình sự.

3.2. Đăng ký bằng sáng chế

Do hiện nay vẫn chưa có quy định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với đối tượng là bí mật kinh doanh nên ngoài việc tự bảo vệ ra, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể thực hiện việc bảo vệ bí mật kinh doanh thông qua việc đăng ký bằng sáng chế.

Tuy nhiên việc đăng ký với danh nghĩa là sáng chế sẽ luôn có một số bất lợi nhất định.

Thứ nhất ở Việt Nam thì việc đăng ký bằng độc quyền sáng chế sẽ rất khó bởi sản phẩm trí tuệ phải chưa từng có tiền lệ xuất hiện trước đó, tức là phải hoàn toàn mới và tính sáng tạo cao.

Thứ hai thì khi đăng ký sáng chế thì sẽ luôn có thời hạn nhất định và sẽ còn mất phí duy trì bằng sáng chế, cụ thể là đối với bằng độc quyền sáng chế thì sẽ có hạn là 20 năm kể từ ngày nộp đơn còn bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì có thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp đơn, hết thời hạn này thì chủ sở hữu sẽ không thể gia hạn được (theo thông tư 16/2016/TT-BKHCN) và tài sản trí tuệ sẽ không được bảo hộ nữa, đây là một thiệt thòi rất lớn nếu như cá nhân, doanh nghiệp muốn phát triển bí mật kinh doanh đó để thực hiện kinh doanh lâu dài về sau ( theo quy định tại khoản 2,3 Điều 93 và khoản 1 Điều 94 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009).

4. Ngoại lệ với bí mật kinh doanh

Trong phần này, chủ sở hữu không được cấm các chủ thể khác thực hiện các hành vi sau mặc dù chủ sở hữu có cho rằng đó là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh của mình.

Các hành vi đó được quy định trong khoản 3 điều 125 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

“a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này;

c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại;

d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.”

Trên đây là các lưu ý trong khi cá nhân, doanh nghiệp muốn bảo hộ bí mật kinh doanh của mình, trong quá trình bảo hộ nếu như chủ sở hữu có bất cứ một khúc mắc nào thì hãy vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi, DTD rất vui lòng được tư vấn!

5. BÍ MẬT KINH DOANH, TÊN THƯƠNG MẠI VÀ CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH      
          
Ngày 3 tháng 10 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2000/NĐ-CP, về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến “các đối tượng khác” được qui định tại Điều 780 Bộ luật Dân sự, bao gồm: tên thương mại, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, và cạnh tranh không lành mạnh. Đây là một bước phát triển mới trong việc hài hoà và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và phù hợp với các qui định của TRIPs và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với Hoa Kỳ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 10 năm 2000. Nghị định đã đưa ra các khái niệm về tên thương mại, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý và phạm vi bảo hộ đối với các đối tượng này. Nghị định cũng bao gồm các qui định về cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của các nhà sản xuất và kinh doanh.

Theo Nghị định, các quyền sở hữu trí công nghiệp đối với tên thương mại, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý sẽ được tự động xác lập mà không phải đăng ký, với điều kiện là các đối tượng này đáp ứng các điều kiện qui định trong Nghị định này.
Tuy nhiên, Luật SHTT 50/2005 ra đời trong đó không chỉ quy định về việc bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, và thiết kết bố trí mạch tích hợp bán dấn, theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS, Luật SHTT cũng đã đưa ra các quy định rõ ràng về việc  bảo hộ đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Luật SHTT ra đời đa thay thế Nghị định 54/NĐ-CP và có hiệu lực ngày 01/07/2006.

5.1 Bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được định nghĩa là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh và được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:    
           
(i)    Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; và 
(ii)   Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; và
(iii)  Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. 
     
Theo quy định của Luật SHTT, các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

(i)    Bí mật về nhân thân;
(ii)   Bí mật về quản lý nhà nước;
(iii)  Bí mật về quốc phòng, an ninh; 
(iv) Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
         
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Chủ sở hữu bí mậtkinh doanh có quyền áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá; và bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh sẽ phát sinh trên có sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Các quyền này sẽ được bảo hộ trong suốt thời gian bí mật kinh doanh còn đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ của bí mật kinh doanh.Theo quy định của Luật SHTT, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

(i)    Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
(ii)    Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
(iii)  Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh; 
(iv)  Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
(v)   Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền  i, ii, iii và iv nêu trên;
(vi)   Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật.

Lần đầu tiên, các giới hạn về quyền của chủ sở hữu đối với bí mật kinh doanh đã được đưa ra, trong đó, chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi (i) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp; (ii) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng; (iii) Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại; (iv) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập; (v) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

Luật SHTT cũng quy định nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh, trong đó có quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để các dữ liệu này không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ. 
    
5.2 Tên thương mại

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh và đáp ứng các điều kiện sau:    
           
(i)   Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng 
(ii)  Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh 
(iii) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng 
     
Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.     
Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân đã sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong quá trình kinh doanh. Chủ sở hữu tên thương mại có quyền sử dụng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trên các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, bao bì hàng hóa và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo. 
Tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình dưới tên thương mại đó. 
Luật SHTT cũng quy định hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Chủ sở hữu tên thương mại theo đó có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại, và/hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm, hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc có quan trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

5.3 Chống cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ được định nghĩa theo Luật SHTT là các hành vi sau đây    
           
(i)    Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ. 
(ii)    Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ; 
(iii)    Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
(iv)    Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng
     
Ngoài Luật SHTT, Luật cạnh tranh cũng quy định các hành vi sau đây được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:(i)    Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;
(ii)   Xâm phạm bí mật kinh doanh;
(iii)  Ép buộc kinh doanh; 
(iv)  Gièm pha doanh nghiệp khác;
(v)   Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
(vi)  Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
(vii)  Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
(viii) Phân biệt đối xử của hiệp hội;
(ix)   Bán hàng đa cấp bất chính;
(x)   Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác do Chính phủ quy định. 

Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh đối với các chủ thể vi phạm.