Chủ thể sử dụng đất có thể thực hiện tất cả các hình thức giao dịch quyền sử dụng đất là

Đặc san 01/2013

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Bản chất của hình thức sử dụng đất
  • 2.Thực trạng hình thức sử dụng đất và một số vấn đề đặt ra
  • 3.Kiến nghị
  • 4.Tài liệu tham khảo

Bàn về “hình thức sử dụng đất” và một số kiến nghị đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

LƯU QUỐC THÁI*

Đặc san 01/2013 - 2013, Trang 6-12

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Hình thức sử dụng đất là một khái niệm tương ứng [đồng bộ hóa] với các hình thức phân phối đất đai của Nhà nước và gắn liền với từng trường hợp sử dụng đất. Hình thức sử dụng đất chính là biểu hiện của hình thức phân phối đất đai mà Nhà nước áp dụng đối với một [loại] chủ thể sử dụng đất nhất định đang sử dụng đất vào một mục đích cụ thể nào đó. Đây là yếu tố trực tiếp “quyết định” quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất. Bài viết này cố gắng đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình thức sử dụng đất nhằm góp phần đảm bảo sự hợp lý, công bằng trong các quy định về quyền và nghĩa vụ cho người sử dụng đất.


ABSTRACT:

Form of land use is a corresponding concept [synchronized] with the form of land distribution of the State and the circumstances associated with land use. Form of land use right is an expression of the form of land distribution which the state applies to a [kind of] subjects were given land use right on a particular purpose. This is the determining factor to decision specific rights and obligations of land users. This article aims to make recommendations to improve the provisions of the law on land use patterns to help ensure fair, equitable regulations on the rights and obligations of land users.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,

Trích dẫn:

×

LƯU QUỐC THÁI*, Bàn về “hình thức sử dụng đất” và một số kiến nghị đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Đặc san 01/2013, Trang 6-12

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=ea669c6c-d1ba-4f24-bfda-b2ba5b3c3757

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Trong điều kiện chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người sử dụng đất là chủ thể trung tâm của quan hệ sử dụng đất. Họ là những người trực tiếp khai thác, sử dụng đất chứ không phải chủ sở hữu – Nhà nước. Quyền sử dụng đất [QSDĐ] của người SDĐ có thể được xác lập thông qua hoạt động phân phối đất đai của Nhà nước [như giao đất, cho thuê đất], thông qua việc nhận chuyển QSDĐ hoặc thông qua việc Nhà nước công nhận QSDĐ thực tế của họ. Cho dù có được QSDĐ theo cách thức nào thì người SDĐ cũng là chủ thể có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến việc đầu tư, khai thác và hiệu quả của việc sử dụng đất. Thái độ của họ trong việc thực hiện hành vi sử dụng đất có tác động mạnh mẽ đến hiệu suất sử dụng đất, đến thu nhập có được từ đất đai cũng như sự bền vững trong việc sử dụng loại tài nguyên hạn chế về nguồn cung nhưng vô cùng quý báu này. Tất cả những điều này phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố:quyền[bao gồm cả quyền lợi] được hưởng vànghĩa vụmà họ phải thực hiện với tư cách là người SDĐ theo quy định của pháp luật đất đai. Quyền và nghĩa vụ có thể là động lực thúc đẩy người SDĐ vận dụng hết mọi khả năng, sự sáng tạo của mình để khai thác SDĐ sao cho có hiệu quả nhất, một khi pháp luật có quy định thỏa đáng; hoặc có thể là rào cản đối với những nhân tố tích cực trên nếu như quy định của pháp luật không phù hợp.

Theo quy định của pháp luật đất đai, các quyền và nghĩa vụ nói trên của người SDĐ phụ thuộc vào 3 yếu tố: loại chủ thể SDĐ; mục đích SDĐ; và hình thức SDĐ[1]. Trong các yếu tố này, yếu tố thứ 3 mặc dù muốn xác định dựa phải vào 2 yếu tố đầu tiên, nhưng lại là yếu tố trực tiếp “quyết định” quyền và nghĩa vụ cụ thể của người SDĐ. Chính vì vậy, làm rõ khái niệm “hình thức sử dụng đất” và có quy định phù hợp về nó là nhiệm vụ rất quan trọng mà Luật Đất đai nhất thiết phải giải quyết tốt.


* TS. Luật học, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Xem thêm Nguyễn Quang Tuyến và Đỗ Xuân Trọng, Bàn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, //land.hcmunre.edu.vn/data/file/Tai%20lieu/Chinh%20sach%20-%20Phap%20luat/34_Tuyen_Trong.pdf [website Trường Đ.H Tài nguyên và Môi trường].

1. Bản chất của hình thức sử dụng đất

Cụm từ “hình thức sử dụng đất” đầy đủ nguyên văn với tư cách là một thuật ngữ pháp lý chính thức chưa một lần được ghi nhận trong các Luật Đất đai trước đây. Kể từ khi Luật Đất đai 2003 cho phép người sử dụng đất, trong một số trường hợp nhất định, được lựa chọn giữa hình thức được Nhà nước “giao đất có thu tiền sử dụng đất” hoặc “cho thuê đất”[2], khái niệm “hình thức sử dụng đất” bắt đầu được đề cập đến vừa như là một khái niệm học thuật, vừa là thuật ngữ pháp lý.

Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, văn bản pháp luật “đồ sộ” nhất trong số các văn bản quy định thi hành Luật Đất đai 2003, đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “hình thức” liên quan đến việc sử dụng đất. Khoản 3 Điều 38 Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định về các trường hợp đăng ký biến động đất đai có trường hợp người SDĐ “chuyển đổi từhình thứcNhà nước cho thuê đất sanghình thứcNhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất” [điểm e]. Khái niệm “hình thức” trong trường hợp này rõ ràng muốn nói đến hình thức phân phối đất đai [giao đất, cho thuê đất] mà Nhà nước dùng để chuyển giao đất đến người sử dụng đất.

Sau đó, khi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà chung cư, nhà tập thể thì tại điểm c khoản 2 Điều 46 Nghị định 181/2004/NĐ-CP có nội dung: “Trường hợp chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư bán căn hộ của nhà chung cư thì người mua căn hộ của nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư được chỉnh lý cho phù hợp với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung”. Cụm từ “hình thức sử dụng đất” trong trường hợp này lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác, nó chỉ nhóm chủ thể có quyền sử dụng đối với phần diện đất sử dụng chung của trong một trường hợp cụ thể chứ không liên quan gì đến hình thức phân phối đất đai[3].

Cũng trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP, thuật ngữ “hình thức sử dụng” tiếp tục được nhắc đến khi khoản 1 Điều 84 có quy định:

“1. Khu công nghiệp được thành lập trên đất mà trước đó Nhà nước đã giao, cho thuê để sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng đất được lựa chọnhình thức sử dụngnhư sau:

a] Tiếp tục giữ nguyênhình thứcđược Nhà nước giao đất, cho thuê đất; tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được Nhà nước cho thuê đất nếu có nhu cầu thì được chuyển sanghình thức giao đấtcó thu tiền sử dụng đất;

b] Thuê lại đất của doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…”

Quy định trên có nội dung tương tự như quy định tại Điều 90 Luật Đất đai 2003. Trong trường hợp này, hình thức sử dụng đất được hiểu khá rộng: vừa là một biểu hiện của hình thức phân phối đất đai [giao hoặc thuê], vừa là phương thức xác lập QSDĐ [thuê lại đất của doanh nghiệp khác…][4].

Như vậy cho đến hiện nay, dù pháp luật đất đai chưa có sự thống nhất trong việc xác định nội hàm khái niệm “hình thức sử dụng đất” nhưng phần lớn đều coi hình thức SDĐ chính là hình thức phân phối đất đai. Nguyên nhân của sự thiếu thống nhất này chính là sự thiếu vắng một khái niệm chính thức về “hình thức sử dụng đất” trong Luật Đất đai. Điều này có thể gây khó khăn, nhầm lẫn cho người SDĐ và cả các cơ quan nhà nước trong việc hiểu, áp dụng pháp luật sao cho đúng đắn.

Văn bản pháp luật đầu tiên sử dụng chính xác cụm từ “hình thức sử dụng đất” với tư cách là một yếu tố thể hiện hình thức phân phối đất đai chính là Quyết định 56/2012/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 của UBND Tp. Hồ Chí Minh về “Quy định về trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyểnhình thức sử dụng đấttừ thuê đất sang giao đất tại thành phố Hồ Chí Minh”. Theo tác giả, việc xác định “hình thức sử dụng đất” như là hình thức phân phối đất đai trong Quyết định này là hoàn toàn hợp lý. Như đã trình bày ở trên, việc Nhà nước giao đất [hoặc cho thuê đất] chỉ là một trong 3 căn cứ xác lập QSDĐ cho người SDĐ, bên cạnh việc nhận chuyển QSDĐ và trường hợp được Nhà nước công nhận QSDĐ đang tồn tại trên thực tế. Đối với hai trường hợp sau, khi cấp GCN đối với QSDĐ cho người SDĐ thì Nhà nước cũng cần phải “quy” hình thức sử dụng đất của họ về một trong những hình thức phân phối đất đai nói trên [giao hoặc cho thuê], dù trên thực tế không ra quyết định giao, hay cho thuê đất để có thể áp dụng một chế độ SDĐ thống nhất cho các chủ thể giống nhau về loại và mục đích SDĐ nhưng có “nguồn gốc đất” sử dụng không giống nhau. Vì vậy, cách hiểu này tạo ra cơ sở rõ ràng, phù hợp để xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất trong trường hợp đất đó không phải do Nhà nước trực tiếp ban hành quyết định giao [hoặc cho thuê], đặc biệt là những trường hợp đang sử dụng đất được Nhà nước công nhận QSDĐ.[5]

Như vậy, hình thức sử dụng đất, theo quan điểm của tác giả trong bài viết này, là một khái niệm có liên quan, tương ứng [đồng bộ hóa] với các hình thức phân phối đất đai của Nhà nước và gắn liền với từng trường hợp sử dụng đất. Hình thức SDĐ chính là biểu hiện của hình thức phân phối đất đai mà Nhà nước áp dụng đối với một [loại] chủ thể SDĐ nhất định đang SDĐ vào một mục đích cụ thể nào đó.[6]

Do đó, theo quy định hiện hành, hình thức sử dụng đất sẽ bao gồm: hình thức giao đất [trong đó có thể chia thành 2 trường hợp là:giao đất không thu tiền sử dụng đấtvàgiao đất có thu tiền sử dụng đất] và hình thức thuê đất. Việc xác định một chủ thể sử dụng đất dưới hình thức nào sẽ được dựa vào hai yếu tố:loại chủ thểvàmục đích sử dụng đất- giống như khi xác định hình thức phân phối đất đai mà pháp luật quy định.

[2] Điều 108 Luật Đất đai 2003.

[3] Cách hiểu này tiếp tục được lặp lại trong Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

[4] Khoản 4 Điều 90 Luật Đất đai 2003 có quy định: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp được lựa chọn hình thức nhận giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất của Nhà nước; nhận chuyển nhượng, thuê đất, thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp”.

[5] Tại điểm g khoản 1 Điều 5 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT có quy định:

“Trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất mà không chuyển sang thuê đất thì ghi như sau:

+ “Công nhận QSDĐ như giao đất có thu tiền sử dụng đất” đối với trường hợp sử dụng đất thuộc chế độ giao đất có thu tiền theo quy định của pháp luật về đất đai, kể cả hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp thuộc chế độ giao đất có thu tiền mà được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất thì ghi thêm việc miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất như quy định đối với trường hợp được miễn, giảm khi được Nhà nước giao đất có thu tiền;

+ “Công nhận QSDĐ như giao đất không thu tiền sử dụng đất” đối với trường hợp sử dụng đất thuộc chế độ giao đất không thu tiền;…”

[6] Xem thêm Giáo trình Luật Đất đai, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, NXB. Hồng Đức, 2012.

2. Thực trạng hình thức sử dụng đất và một số vấn đề đặt ra

Việc xác định hình thức sử dụng đất, như đã trình bày, được căn cứ vào các hình thức phân phối đất đai mà pháp luật quy định tùy thuộc vào hai yếu tố:loại chủ thểvàmục đích sử dụng đất. Việc coi mục đích SDĐ là một căn cứ để quy định hình thức phân phối đất đai là có thể chấp nhận được, bởi mỗi mục đích SDĐ có thể chỉ phù hợp với một, một số hoặc tất cả các hình thức SDĐ. Tuy nhiên, nếu căn cứ loại chủ thể SDĐ để ấn định hình thức SDĐ sẽ tạo ra những bất cập khó lý giải, cũng như khả năng dẫn đến những phân biệt đối xử không cần thiết.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2003, chủ thể sử dụng đất được chia thành 2 nhóm:[7]

[i] Chủ thể sử dụng đất trong nước

Nhóm chủ thể này bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhângiao đất, cho thuê đất;

- Các tổ chức trong nước bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ được Nhà nướcgiao đất, cho thuê đất;

- Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ đượcNhà nước giao đất;

- Cơ sở tôn giáo gồm: chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo đượcNhà nước giao đất.

[ii] Nhóm chủ thể có yếu tố nước ngoài

Nhóm chủ thể này bao gồm:

- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ được Nhà nước Việt Namcho thuê đất;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hoá, hoạt động khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam được Nhà nước Việt Namgiao đất, cho thuê đất,được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Namcho thuê đất.

Như vậy, bên cạnh việc phân loại chủ thể sử dụng đất, Điều 9 Luật Đất đai 2003 cũng xác định luôn hình thức phân phối đất đai [hình thức SDĐ] mà Nhà nước áp dụng cho từng loại chủ thể. Theo đó, đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì Nhà nước có thể áp dụng cả 2 hình thức là giao và cho thuê đất. Trong khi cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư “chỉ được” áp dụng hình thức giao đất duy nhất thì mọi tổ chức, cá nhân nước ngoàiđều phải thuê đấtcủa Nhà nước.

Đi sâu vào tìm hiểu các quy định cụ thể về đối tượng được giao đất, cho thuê đất trong Luật Đất đai 2003 [các Điều 33, 34, 35] chúng ta thấy, việc áp dụng hình thức sử dụng đất trong một số trường hợp có biểu hiện phân biệt đối xử không có mục đích rõ ràng. Đáng chú ý là các trường hợp sau:

[i] Sự khác biệt về hình thức SDĐ giữa tổ chức kinh tế trong nước với hộ gia đình, cá nhân SDĐ nông nghiệp

Theo Luật Đất đai hiện hành, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước áp dụng một trong hai hình thức:giao đất không thu tiền sử dụng đất[đối với trường hợp trực tiếp sản xuất và có đất trong hạn mức giao đất] hoặcthuê đất[đối với đất được giao đất quá hạn mức hoặc không trực tiếp sản xuất]. Tuy nhiên cũng với mục đích SDĐ này, tổ chức kinh tế được áp dụnghình thức giao đất có thu tiền SDĐhoặcthuê đất.Việc áp dụng hình thức giao đất không thu tiền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân SDĐ nông nghiệp xuất phát từ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nông dân và lĩnh vực nông nghiệp. Đây là quy định phù hợp với điều kiện thực tế nên không có lý do gì để tranh luận. Tuy nhiên, việc không áp dụng hình thức giao đất có thu tiền SDĐ đối với đất nông nghiêp cho hộ gia đình, cá nhân trong khi vẫn áp dụng hình thức thuê đất cho họ là điều khó có thể lý giải thuyết phục, đặc biệt là khi mà pháp luật hiện hành chỉ cho phép họ trả tiền thuê hàng năm trong trường hợp thuê đất của Nhà nước. Nghĩa là, đối với đất nông nghiệp là đất thuê thì hộ gia đình, cá nhân sẽ không bao giờ có thể chuyển QSDĐ vì họ không được chọn hình thức trả tiền thuê một lần và cũng không được chuyển sang hình thức giao đất đất có thu tiền sử dụng đất để thỏa mãn điều kiện chuyển QSDĐ[8].

[ii]Sự khác biệt về hình thức SDĐgiữa tổ chức kinh tế trong nước với tổ chức, cá nhân nước ngoài

Theo quy định hiện hành, tổ chức kinh tế trong nước có thể được áp dụng các hình thức giao đất không thu tiền SDĐ, giao đất có thu tiền SDĐ hoặc thuê đất trả tiền thuê hàng năm. Trong khi đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được áp dụng hình thức duy nhất là thuê đất [có thể được lựa chọn phương thức trả tiền thuê hàng năm hoặc một lần]. Ngay cả doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cũng chịu chung số phận [chỉ được SDĐ dưới hình thức thuê], không phụ thuộc vào tỉ lệ vốn góp của các bên. Trường hợp duy nhất mà loại doanh nghiệp này được áp dụng chế độ SDĐ như hình thức giao đất có thu tiền SDĐ là trường hợp doanh nghiệp liên doanh hình thành từ việc góp vốn bằng QSDĐ của tổ chức kinh tế trong nước mà đất đó không phải là thuê. Doanh nghiệp này sẽ phải chuyển sang thuê đất khi chuyển thành doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.[9]

Như đã đề cập ở trên, pháp luật dường như có một quy định mang tính chất “an ủi” đối với các chủ thể SDĐ có yếu tố nước ngoài phải thuê đất của Nhà nước, đó là việc họ được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần hoặc hàng năm trong khi các chủ thể SDĐ trong nước khi thuê đất của Nhà nước từ ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực chỉ được trả tiền thuê theo phương thức thứ hai [cũng là một sự phân biệt đối xử nhưng được áp dụng đối với các chủ thể trong nước]. Chúng ta biết rằng, đi kèm với mỗi phương thức trả tiền thuê là một chế sộ SDĐ khác nhau. Theo quy định hiện này, chỉ trong những trường hợp trả tiền thuê đất một lần thì người SDĐ mới được quyền thực hiện các giao dịch QSDĐ [Điều 111, 114, 119 Luật Đất đai 2003]. Trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm thì người thuê đất chỉ được giao dịch tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất. Do đó, các chủ thể SDĐ trong nước thuê đất của Nhà nước nếu muốn giao dịch QSDĐ thì phải xin chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền SDĐ. Từ đây có thể kết luận rằng, quyền của chủ thể [có yếu tố nước ngoài] thuê đất trả tiền thuê một lần được quy định không khác gì so quyền của chủ thể [trong nước] được giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Điểm giống nhau về địa vị pháp lý giữa 2 nhóm chủ thể trên không dừng lại ở quyền được hưởng.[10]Nghĩa vụ tài chính của chủ thể SDĐ được giao đất có thu tiền SDĐ và thuê đất trả tiền một lần cũng không có sự biệt. Người được giao đất có thu tiền SDĐ đương nhiên phải nộp tiền SDĐ [trừ trường hợp được miễn]. Trong khi đó, người thuê đất nếu chọn cách thức trả tiền thuê một lần thì số tiền thuê đất phải nộp cũng được tính bằng với số tiền sử dụng đất phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất có cùng mục đích sử dụng đất và cùng thời hạn sử dụng đất [Điều 3 Nghị định 69/2009/NĐ-CP; khoản 4 Điều 5a Nghị định 142/2005/NĐ-CP đã được bổ sung bởi Nghị định 121/2010/NĐ-CP]. Tức là, tuy thuê đất nhưng người SDĐ vẫn phải nộp “tiền SDĐ” như người được giao đất có thu tiền SDĐ, mặc dù nghĩa vụ này được đặt dưới tên gọi là “tiền thuê đất”.[11]Và nếu trong trường hợp cùng SDĐ phi nông nghiệp, cả người SDĐ giao có thu tiền SDĐ và người thuê đất đều phải nộp thuế SDĐ phi nông nghiệp theo một cách tính chung duy nhất.[12]Điều này đồng nghĩa với việc, không có sự khác biệt cơ bản nào trong nghĩa vụ tài chính giữa hai đối tượng này. Do đó, việc đặt ra hai hình thức sử dụng đất có tên gọi khác nhau để áp dụng cho hai nhóm chủ thể sử dụng đất khác nhau rõ ràng là việc làm không cần thiết.

Có lẽ nhận thấy được những bất cập này, nhà làm luật đã có một số chỉnh sửa, bổ sung liên quan đến hình thức sử dụng đất trong Dự thảo Luật đất đai [sửa đổi]. Để “công bằng” hơn, Dự Luật này đã quy định thêm hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần cho các chủ thể SDĐ trong nước [Điều 56] và bổ sung thêm một loại chủ thể SDĐ “trung dung” không phải trong nước cũng không thuộc nhóm chủ thể nước ngoài, đó là “tổ chức kinh tế liên doanh” [Điều 5 Dự thảo]. Chủ thể này được hưởng hình thức giao đất như các chủ thể SDĐ trong nước nhưng lại có quyền và nghĩa vụ của nhóm chủ thể có yếu tố nước ngoài.[13]Ngoài ra, cũng theo Dự thảo, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán cũng sẽ được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất như tổ chức kinh tế trong nước [Điều 55].

Như vậy, theo Dự thảo Luật đất đai [sửa đổi], đối tượng áp dụng hình thức giao đất được “mở rộng” hơn. Trong số các chủ thể SDĐ có yếu tố nước ngoài thì chỉ có tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc trường hợp nói trên mới phải chịu áp dụng hình thức sử dụng đất “duy nhất” là thuê đất. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức kinh tế liên doanh đều có thể được Nhà nước giao đất. Đối với hình thức thuê đất, việc lựa chọn phương thức trả tiền thuê [giữa cách thức trả hàng năm hoặc trả một lần] đều sẽ được áp dụng đối với cả chủ thể “trong” và “ngoài” nước.

[7] Cách phân chia của tác giả căn cứ vào Điều 9 Luật Đất đai 2003 có lược bỏ một số nội dung để nhấn mạnh hình thức phân phối đất đai mà Nhà nước xác định áp dụng ngay từ đầu đối với từng loại chủ thể SDĐ.

[8] Xem các Điều 35, 108, 111 Luật Đất đai 2003. Theo quy định hiện hành, chủ thể thuê đất trả tiền thuê hàng năm không được thực hiện các giao dịch QSDĐ. Do đó, muốn giao dịch QSDĐ thì người SDĐ phải xin chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền SDĐ [nếu thuộc trường hợp được lựa chọn hình thức SDĐ].

[9] Xem khoản 2 Điều 107 Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

[10] Cần chú ý rằng, cho dù được Nhà nước giao đất hay cho thuê đất thì các chủ thể đều được gọi chung là “người sử dụng đất” và cùng được cấp giấy chứng nhận đối với QSDĐ.

[11] Điều 13 Nghị định 69/2009/NĐ-CP.

[12] Xem các Điều 6, 7, 8 Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn về Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

[13] Bao gồm: tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Xem Điều 179, 180 Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, bản ngày 17/4/2013. Như vậy, việc có thêm loại chủ thể SDĐ là “tổ chức kinh tế liên doanh” hoàn toàn không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích trên chúng ta thấy rằng, với quyền được hưởng và nghĩa vụ phải thực hiện theo quy định hiện hành, người đượcgiao đất có thu tiền SDĐvà ngườithuê đất trả tiền thuê một lầnkhông có sự khác biệt về địa vị pháp lý. Do đó, việc áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần hoàn toàn không có ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn, thậm chí có thể gây ngộ nhận về sự phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, việc chỉ áp dụng hình thức thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng cần nên xem xét lại. Theo tác giả, việc áp dụng hình thức giao đất [có thu tiền SDĐ] cho loại chủ thể này hoàn toàn không có ảnh hưởng xấu đến chế độ sở hữu đất đai, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Từ đây, tác giả có một số kiến nghị liên quan đến quy định về hình thức SDĐ trong Dự thảo Luật Đất đai như sau:

3.1. Về hình thức sử dụng đất

- Áp dụng hình thức giao đất có thu tiền SDĐ đối với tất cả các chủ thể gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài SDĐ để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc không thuộc trường hợp được ưu đãi về tài chính theo chính sách của Nhà nước. Những tổ chức cá nhân nước ngoài nếu đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam thì cần nên được áp dụng hình thức SDĐ thống nhất như đối với các doanh nghiệp trong nước [chỉnh sửa Điều 55 Dự thảo].

- Bãi bỏ hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần bởi sự không rõ ràng của nó [chỉnh sửa Điều 56 Dự thảo]. Tiếp tục duy trì hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm để áp dụng cho các chủ thể SDĐ hạn chế về khả năng tài chính, không có nhu cầu hoặc thuộc trường hợp không được phép giao dịch QSDĐ và các chủ thể là các tổ chức nước ngoài có cơ sở, chi nhánh hoạt động tại Việt Nam mà không thành lập pháp nhân theo pháp luật Việt Nam. Sự thay đổi này không chỉ thu hẹp khoảng cách về sự phân biệt đối xử trong quan hệ đất đai giữa các loại chủ thể SDĐ, làm giảm bớt sự rắc rối không cần thiết của pháp luật đất đai hiện nay mà đồng thời còn có tác dụng tạo sự “yên tâm” hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3.2. Về chủ thể sử dụng đất [Điều 5 Dự thảo]

Một khi đã thống nhất việc áp dụng hình thức SDĐ giữa các loại hình tổ chức kinh tế thì cơ cấu chủ thể SDĐ cũng cần có sự điều chỉnh. Theo tác giả, chủ thể SDĐ là các tổ chức kinh tế nên bao gồm cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Vì vậy, loại chủ thể là “tổ chức kinh tế liên doanh” trong dự thảo cần được loại bỏ. Nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân nước ngoài SDĐ chỉ nên bao gồm các tổ chức ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức khác của quốc tế SDĐ không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh và các tổ chức kinh tế nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh hoạt động tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân Việt Nam.

3.3. Về cách thức quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất

Việc quy định quyền nghĩa vụ của người SDĐ trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi vẫn còn theo cách thức cũ mà Luật Đất đai hiện hành đang sử dụng: căn cứ vào hình thức phân phối đất đai [được Nhà nước giao, cho thuê đất – Điều 169, 170]. Do đó, để khái quát hơn, Dự thảo cần quy định lại vấn đề này theo hình thức SDĐ [cụ thể là: quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất dưới hình thức giao đất hoặc thuê đất] để có thể bao quát cả các trường hợp SDĐ không do Nhà nước trực tiếp ban hành quyết định giao, cho thuê đất [ví dụ như trường hợp nhận chuyển QSDĐ]. Theo cách này, quy định về quyền và nghĩa vụ của người SDĐ sẽ được rút gọn, đỡ rối rắm hơn [hiện này có sự liệt kê khá dài dòng và đôi khi còn quy định theo căn cứ xác lập QSDĐ – chẳng hạn Điều 172, 173].

3.4. Về giải thích thuật ngữ giao đất, cho thuê đất trong Dự thảo Luật đất đai

Theo khoản 7, 8 Điều 3 của Dự thảo thì: “-Nhà nước giao đất là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.”và

- Nhà nước cho thuê đất là việc Nhà nước ban hành quyết định cho thuê đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.

Hai khái niệm này không cho thấy được sự khác biệt nào ngoài tên gọi của hai hình thức phân phối đất đai. Do đó, nhà làm luật cần bổ sung thêm những đặc trưng pháp lý để phân biệt giữa giao đất và cho thuê đất, ngoài điểm chung là “trao quyền QSDĐ cho đối tượng có nhu cầu bằng một quyết định”. Nếu không giải quyết được vấn đề này, Luật Đất đai chỉ nên áp dụng một hình thức phân phối duy nhất: giao đất hoặc cho thuê đất [có thể thu hoặc không thu tiền] cho đơn giản; hoặc là, không đưa thuật ngữ “giao đất”, “cho thuê đất” vào điều khoản giải thích từ ngữ nếu như không thể phân biệt chúng.

3.5. Xem xét lại thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ [Điều 58 Dự thảo]

Với tư cách là một nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động phân phối đất đai, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ cần phải được quy định phù hợp mới đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và tạo được sự thuận lợi cho người SDĐ. So với quy định hiện hành, Dự thảo có một thay đổi lớn là đưa trường hợp “Cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ; hoạt động khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; làm cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khác” vốn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện về UBND cấp tỉnh [điểm e khoản 1 điều 58]. Sự điều chỉnh này chẳng những không giúp làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tái lập sự phức tạp trong quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trước đây như Luật Đất đai 1993 [vừa căn cứ vào loại chủ thể, vừa căn cứ vào mục đích SDĐ]. Thiết nghĩ, thẩm quyền trong trường hợp này nên quy định cho chủ tịch UBND cấp huyện như Luật Đất đai hiện hành vừa để đảm bảo việc phân cấp thẩm quyền giao, cho thuê đất một cách thống nhất và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hộ gia đình, cá nhân thuê đất sản xuất kinh doanh, đồng thời chia sẻ công việc quản lý đất đai giữa UBND cấp tỉnh và cấp huyện một cách hài hòa.

Tóm lại, Luật Đất đai là lĩnh vực pháp luật có ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo qua việc loại bỏ những quy định không phù hợp, cố gắng tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của xã hội qua những nội dung chỉnh sửa, bổ sung. Tuy nhiên, Dự thảo này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện để trở thành một đạo luật tốt để có thể sử dụng ổn định lâu dài, mà đặc biệt là những nội dung liên quan đến chế độ sử dụng đất trong đó có vấn đề “Hình thức sử dụng đất”. Trong thời gian sắp tới, việc chỉnh sửa các đạo luật quan trọng có liên quan mật thiết với Luật Đất đai sẽ được thực hiện [như Bộ Luật dân sự, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản]. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu Dự thảo Luật Đất đai được chỉnh sửa hoàn thiện một cách đồng bộ, thông qua cùng thời gian với các đạo luật có liên quan này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề