Chiếc gậy trường sơn qua sáng tác năm nào

Dòng chữ ''Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'' được khắc trên chiếc gậy Trường Sơn - Ảnh Chinhphu.vn

Đầu năm 1967, miền Bắc bị đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt. Lúc này cả miền Bắc sôi nổi các phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu: “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ”. Trong không khí ấy, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa [Hà Tây cũ] đã trở thành một điển hình cho tinh thần “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là thắng...” lúc bấy giờ.

Có 3 người con của quê hương Hòa Xá là Phùng Văn Quán, Lưu Tiến Long và Đỗ Tít là bạn thân cùng lên đường nhập ngũ. Gần hai tháng trời, cuộc hành quân băng đèo lội suối vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường không biết bao nhiêu vất vả, hiểm nguy. Khi đoàn quân của ông Quán đến Hương Sơn – Hòa Bình, trong lúc giải lao, ông Quán rủ hai người bạn đi chặt cây làm gậy đi đường cho đỡ mệt.

Ông Tít chặt một cây trúc bằng nắm tay, còn ông Long chọn ngọn một cây tre to vừa làm gậy vừa làm điếu hút thuốc lào, ông Quán thì chọn một cây gỗ rừng. Chỉ nghĩ đơn giản tìm một cái gậy đi đường, không ngờ việc làm của họ được các đồng đội hưởng ứng và lan rộng ra các đơn vị bạn.

Chiếc gậy ngay lập tức phát huy tác dụng. Nó giúp các chiến sĩ băng rừng lội suối một cách an toàn qua những đoạn đường trơn, dốc đá. Từ đó, chiếc gậy còn trở thành một người bạn tâm tình của các anh bộ đội cụ Hồ trên đường đi chiến đấu.

Vài tháng sau, khi đơn vị ông Quán chiến đấu ở Quảng Trị, tình cờ ông gặp người chú cùng quê trên đường ra Bắc. Chia tay gấp gáp, ba chàng thanh niên đưa cho ông chú mang hộ 3 chiếc gậy đã từng bên mình từ những ngày đầu hành quân vào Nam chiến đấu thay cho lời nhắn nhủ gửi về gia đình, làng xóm, quê hương Hòa Xá.

Huyền thoại không thể nào quên

Chiếc gậy Trường Sơn được vợ chồng ông Quán nâng niu như một báu vật - Ảnh Chinhphu.vn

3 chiếc gậy ấy khi trở về quê hương lập tức được nhân dân Hòa Xá trân trọng, lưu vào phòng truyền thống của xã. Những người già trong làng nảy ra sáng kiến “trao gậy” cho thanh niên xã trước khi lên đường nhập ngũ những mong các chiến sĩ “chân cứng đá mềm”.

Trong một lần về thăm Hòa Xá vào tháng 7/1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động trước không khí lên đường đánh giặc của nhân dân nơi đây, nhất là việc trao gậy cho thanh niên, gợi tứ cho nhạc sĩ sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” nổi tiếng. Bài hát đã nhanh chóng được đón nhận.

Một lần khi đứng gác, tình cờ ông Quán nghe được chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài của đơn vị. “Từng lời bài hát vang lên rộn ràng về chiếc gậy Trường Sơn của chúng tôi. Lúc ấy tôi như không tin vào tai mình nữa, tôi hét lên sung sướng “gậy đã về nhà!” trước sự tò mò và ngạc nhiên của đồng đội”, ông Quán nhớ lại cảm xúc ngày nào.

Năm 1970, ông Quán bị thương rất nặng phải lui về tuyến sau điều trị, rồi xuất ngũ trở về quê hương. “Thời gian ấy tôi mới biết người chú của mình và Đỗ Tít đã hi sinh mà có lẽ chưa được nghe bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Vì vậy khi về quê hương, ông Quán muốn tìm cho được ba chiếc gậy để giữ làm kỉ vật, mới biết mỗi chiếc lạc mỗi nơi. Chiếc của ông Đỗ Tít được Quân khu 3 xin về làm kỉ vật. Chiếc của Tiến Long về với Tỉnh đội Hà Tây cũ. Chiếc gậy của ông trưng bày ở phòng truyền thống của xã, nhưng khi ông đến tìm thì đã bị thất lạc không ai rõ.

Gậy được ông Quán trân trọng để trên bàn thờ - Ảnh Chinhphu.vn

Cách đây 5 năm, tình cờ một bà cụ hàng xóm của con gái ông Quán chống gậy sang nhà chơi, cô chợt thấy chữ Phùng Quán khắc trên đó, mới nhìn kĩ thì biết ngay đó là chiếc gậy mà cha cô bao năm tìm kiếm.

Nhận lại cây gậy, ông Quán ôm nó vào lòng như người bạn thân thiết và nhận ra dòng chữ “Thà Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trường Sơn 1-4-67” do chính tay ông khắc cách đây 30 năm. Vậy là cuối cùng chiếc gậy huyền thoại đã trở về với chủ nhân của nó .

Ông Quán lấy từ chỗ bàn thờ một chiếc túi vải trong sự ngạc nhiên của chúng tôi. Trong đó có cây gỗ nhẵn nhụi, dài khoảng 1,2m, còn rất săn chắc và dòng chữ khắc vẫn rõ nét. Ông vừa tháo dây túi vừa nói “nó nhắc tôi nhớ tới những đồng đội đã nằm lại chiến trường, tới chính tôi năm xưa. Đó là báu vật của tôi và của những năm tháng không thể nào quên”.

Tại triển lãm những kỷ vật của chiến tranh tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2010, “chiếc gậy Trường Sơn” của ông Quán đã thu hút đông đảo người xem, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, những người được nghe bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên mà chưa biết rõ ngọn nguồn của “chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại.

Chủ Đề