Cách làm nước diệp lục

Trên TikTok, hashtag về diệp lục #chlorophyll có hơn 148 triệu lượt xem. Nhà nhà kháo nhau rằng chỉ cần nhỏ 15 giọt diệp lục vào nước thì sẽ giúp làn da sáng mịn, hỗ trợ giảm cân và thậm chí là giảm mùi cơ thể. 

Thực hư chuyện này thế nào? Liệu phong trào làm đẹp thiên nhiên có đưa bạn đến bến bờ hạnh phúc?

Nước diệp lục là gì?

Trước tiên, hãy nghía mắt một chút sang chất diệp lục (chlorophyll).  Chúng là một chất trong tế bào thực vật, sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra “thức ăn” từ carbon dioxide và nước, đồng thời tạo ra oxy như một sản phẩm phụ. Điều quan trọng là: thực vật cần diệp lục, nhưng con người thì có thật sự cần không? Vì về cơ bản, chúng ta không hoạt động như thực vật và việc bổ sung diệp lục cho cơ thể cần được xem xét một cách rõ ràng hơn.

Nước diệp lục hóa ra lại là một sản phẩm nhân tạo, được chiết xuất từ diệp lục tự nhiên | Nguồn: MAED

Và sẽ bất ngờ hơn khi bạn biết rằng, cái gọi là nước diệp lục (liquid chlorophyll) thật ra không phải được ép từ lá cây hay rau mà là một chất tổng hợp.

Sammi Haber Brondo, chuyên gia dinh dưỡng có đăng ký tại NYC và là tác giả của Cuốn sách "The Essential Vegetable Cookbook" giải thích: Thực phẩm chức năng nước diệp lục - chlorophyllin, thực chất là một dẫn xuất hòa tan trong nước từ chất diệp lục tự nhiên. Với dạng này, chúng dễ dàng được cơ thể hấp thu hơn (diệp lục nguyên chất từ tự nhiên chỉ tan trong dầu).

Tóm lại là, chất diệp lục tự nhiên là Chlorophyll, còn nước diệp lục lại là một sản phẩm nhân tạo!

Nước diệp lục có thật sự tốt?

Nước diệp lục được cho là có tiềm năng lợi ích sức khỏe (potential health benefits). Lí do sử dụng “tiềm năng” là bởi vì nghiên cứu về hiệu quả của nước diệp lục còn ít và lợi ích thật sự của nó vẫn còn khá mơ hồ. Bản thân trong ngành, các bác sĩ cũng có những kết luận khác nhau về lợi ích của nước diệp lục.  

  • Ý kiến trái chiều về lợi ích cho da

Tiến sĩ da liễu Azadeh Shirazi, cho biết nước diệp lục không có hại cho sức khỏe, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy chúng tốt như lời đồn. Tiến sĩ Shirazi giải thích: “Mặc dù nó đã được chứng minh là làm giảm viêm và sự phát triển của vi khuẩn trên da, nhưng có rất ít dữ liệu cho thấy việc uống nó sẽ thực sự cải thiện mụn trứng cá.”

nước diệp lụcCác lợi ích cho da của nước diệp lục hiện chưa rõ ràng | Nguồn: Savoir Flair

Zain Syed, một bác sĩ da liễu ở Lutherville và là chủ tịch của Hiệp hội Da liễu Maryland cho biết “Các nghiên cứu cho thấy diệp lục tác dụng rất nhẹ đối với mụn trứng cá. Và cũng không có nghiên cứu về việc bổ sung chất diệp lục bằng đường uống.”

Trong khi đó, bài viết "Làm thế nào diệp lục giữ cho làn da của bạn láng mịn và sáng" trên Zoe Report lại đi sâu vào chi tiết về lợi ích của diệp lục đối với việc chăm sóc da. Tiến sĩ Devika Icecreamwala, bác sĩ da liễu được hội đồng T.P San Francisco chứng nhận, xác nhận với Zoe Report: “Chất diệp lục chắc chắn có thể giúp ích khi giữ cho làn da của bạn trông trẻ và khỏe mạnh hơn bằng các cách tự nhiên.”

  • Lợi ích trong giảm cân

Một trong những hiểu biết phổ biến nhất liên quan đến chất diệp lục lỏng là hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, nghiên cứu về chủ đề này hiện còn rất hạn chế.

Mặc dù không thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, nhưng có một số bằng chứng hạn chế cho thấy việc đưa chất diệp lục lỏng vào lối sống hàng ngày có thể giúp giảm cân, đặc biệt là ở phụ nữ trưởng thành thừa cân.

Trong một nghiên cứu nhỏ (dưới 40 đối tượng), những người tiêu thụ chất bổ sung màng thực vật (như chất diệp lục dạng lỏng) giảm cân nhiều hơn những người không dùng chất bổ sung này sau 12 tuần sử dụng.

Ai nên dùng và ai không?

Aldeborgh (Chuyên gia dinh dưỡng có đăng ký tại Boston và là người sáng lập blog thực phẩm nổi tiếng, Daisy Beet) cho biết: “Không có nguy cơ sức khỏe lớn nào được biết đến khi sử dụng chất diệp lục dạng lỏng.”

nước diệp lụcTuy không gây hại nhưng có vài lưu ý bạn cần biết khi sử dụng nước diệp lục | Nguồn: Eat This Not That

Tuy nhiên, nếu bạn có bệnh lý hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên kiểm tra với bác sĩ trước để tránh các phản ứng không mong muốn. Ngoài ra, vì ảnh hưởng của nước diệp lục đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú vẫn chưa được nghiên cứu nên trước mắt đối tượng này hãy khoan dùng.

Các chuyên gia khuyên rằng nếu muốn dùng nước diệp lục thì nên giữ liều lượng từ 100-300 mg mỗi ngày.

Tác dụng phụ của nước diệp lục?

Bạn có nhớ chất diệp lục có vai trò trong quá trình quang hợp?

Hóa ra những gì tốt cho thực vật không nhất thiết phải tốt cho con người. Zain Syed, chủ tịch của Hiệp hội Da liễu Maryland cho biết: “Chất diệp lục là một chất nhạy cảm với ánh sáng. Nó giúp cây hấp thụ ánh sáng mặt trời (bao gồm cả tia UV) để tích trữ năng lượng”. 

nước diệp lụcDiệp lục cần cho thực vật, nhưng con người liệu có gặp tác dụng phụ khi dùng nước diệp lục? | Nguồn: Eat This Not That

Điều đó có nghĩa là một số người dùng chất bổ sung diệp lục có thể bị nhạy cảm với ánh sáng nghiêm trọng (dễ bị cháy nắng hơn nhiều) hoặc giả phản vệ, khiến da cực kỳ mỏng manh và hình thành mụn nước trên bàn tay và bàn chân.

Chất diệp lục tự nhiên và nước diệp lục không được cho là có hại. Nhưng có một số tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Phân xanh, vàng hoặc đen, có thể bị nhầm với xuất huyết tiêu hóa
  • Ngứa hoặc rát khi bôi tại chỗ

Có thể bổ sung diệp lục trong tự nhiên bằng cách nào?

Chất diệp lục xuất hiện tự nhiên trong hầu hết các loại thực vật chúng ta ăn, vì vậy tăng cường ăn nhiều rau xanh (đặc biệt là với các loại rau như rau bina, cải xoăn và bắp cải) là một cách tự nhiên để tăng lượng chất diệp lục trong chế độ ăn uống của bạn.

nước diệp lụcCó nhiều cách để bổ sung diệp lục từ các nguồn thiên nhiên | Nguồn: VeryWellFit

Tuy nhiên, nếu bạn thật sự quan tâm đến một loại thực phẩm nào có chứa nhiều diệp lục thì đó sẽ là cỏ lúa mì. Nghe có phần xa lạ nhưng cỏ lúa mì là một loại thực vật rất tốt cho sức khỏe (mặc dù mùi của chúng khá khó uống). Bạn nên ép chúng lấy nước hoặc sử dụng dưới dạng bột để dễ tiêu hóa hơn. 

Nhà dinh dưỡng học Haylie Pomroy nói thêm rằng cỏ lúa mì cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như “protein, vitamin E, magiê, phốt pho và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác”.