Các phương pháp lựa chọn địa điểm

Quyết định về địa điểm là một quyết định có tầm quan trọng chiến lược. Địa điểm tác động lâu dài đến hoạt động và lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng lâu dài đến cư dân quang vùng.

Địa điểm là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến định phí và biến phí của sản phẩm, cũng như sự tiện lợi trong hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm, chọn được một địa điểm phù hợp, có thể giảm được chi phí giá thành sản phẩm xuống hơn 10%. Nếu địa điểm không tốt sẽ gây nhiều bất lợi ngay từ đầu và rất khó khắc phục.

1. Nguyên tắc lựa chọn địa điểm

Khi nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng dự án cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

– Lựa chọn vùng đặt địa điểm, sau đó mới chọn địa điểm cụ thể.

– Khi lựa chọn địa điểm thì các tiêu chuẩn về kỹ thuật bao giờ cũng được xem xét trước, rồi mới đến các tiêu chuẩn kinh tế vì tính tối ưu của kinh tế chỉ có thể thực hiện được nếu các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép.

– Địa điểm được chọn phải phù hợp với quy hoạch chung, bảo đảm an ninh, không gây ô nhiễm môi trường.

– Môi trường tự nhiên của địa điểm phù hợp với yêu cầu đặt ra của dự án.

– Địa điểm được chọn nên có diện tích đủ rộng để dễ bố trí các cơ sở sản xuất, dịch vụ của dự án và dễ mở rộng dự án sau này.

– Khi lựa chọn địa điểm phải đảm bảo trữ lượng của tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho khâu vận hành của dự án được đầy đủ về số lượng và chất lượng.

– Địa điểm nên gần nguồn cung cấp nguyên liệu hoặc thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án, hoặc gần nguồn cung cấp  lao động.

– Địa điểm được chọn nên có cơ sở hạ tầng thuận lợi nhất là về điện, nước, giao thông vận tải, thông tin liên lạc…

– Địa điểm nên có điều kiện thuận lợi trong hợp tác với các cơ sở sản xuất  trong vùng, đồng thời bảo đảm ưu thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng loại.

– Phải xét đến tính kinh tế của địa điểm.

– Nên có nhiều phương án địa điểm để chọn được phương án tối ưu. Khi so sánh các phương án địa điểm, tùy theo đặc điểm của từng dự án mà có thể áp dụng các phương pháp so sánh sau: phương pháp dùng một chỉ tiêu kinh tế tổng quát, phương pháp tìm điểm trọng tâm… hoặc ứng dụng bài toán vận tải khi lựa chọn địa điểm cho dự án.

Trên đây là các ngyên tắc lựa chọn địa điểm cho dự án sản xuất. Khi tham khảo để áp dụng cho các dự án phi sản xuất như khách sạn, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, khu du lịch… thì bên cạnh tiêu chuẩn về kinh tế, còn phải đặc biệt chú ý đến các điều kiện về thuận tiện cho người được phục vụ và chất lượng phục vụ do địa điểm đem lại.

2. Các bước chọn địa điểm

Đối với dự án có quy mô lớn và vừa (nhóm A và nhóm B) thường được tiến hành theo 2 bước:

– Chọn khu vực địa điểm

– Chọn địa điểm cụ thể

Khu vực địa điểm được xét trên phạm vi rộng: tỉnh, thành phố, quận, huyện.
Địa điểm cụ thể xét trên phạm vị hẹp hơn: số nhà, đường phố, phường, xã ứng với tọa độ địa lý cụ thể.

Hai bước chọn địa điểm bao gồm những công việc sau:

2.1 Chọn khu vực địa điểm:

Khi xem xét lựa chọn khu vực địa điểm thực hiện dự án, thực chất là xem xét các khía cạnh về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội, kỹ thuật… có liên quan đến sự hoạt động và hiệu quả hoạt động sau này của dự án. Các vấn đề cụ thể cần xem xét ở từng khía cạnh bao gồm:

– Các chính sách kinh tế – xã hội tại khu vực hoạt động của dự án, đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư và các chính sách tài chính có liên quan. Các chủ trương  chính về phân bố các ngành, các cơ sở sản xuất để tránh ô nhiễm môi trường, để phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc.

– Ảnh hưởng của khu vực địa điểm đến sự thuận tiện và chi phí trong cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với những dự án khác nhau, yêu cầu về địa điểm khác nhau.

Các dự án khai thác và chế biến tài nguyên phải được thực hiện ở nơi có tài nguyên đó. Điều này sẽ làm cho giá thành sản phẩm thấp vì chi phí vận chuyển thấp (như khai thác đá vôi và sản xuất xi măng, khai thác gỗ, tre, nữa và sản xuất giấy, khai thác và chế biến hải sản, chế biến rau quả tươi, thịt gia súc, gia cầm)

Các dự án sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nên đặt gần cửa khẩu và cảng.

Các dự án sản xuất các loại sản phẩm mà chi phí vận chuyển lớn (kể cả hao hụt tổn thất trong quá trình vận chuyển) thì nên đặt ở gần thị trường tiêu thụ (các dự án trồng và cung cấp rau quả tươi đặt gần nơi đông dân, gần các nhà máy chế biến. Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng cồng kềnh, dễ vỡ khi vận chuyển nên đặt ở gần những nơi có nhu cầu xây dựng lớn)

Nhu vậy, dự án có thể chọn địa điểm ở gần thị trường tiêu thụ hoặc ở gần nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Tuy nhiên, một số loại dự án có thể chọn địa điểm ở trung gian vùng cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, như sản xuất các sản phẩm dầu hỏa, hàng tiêu dùng, sản phẩm hàm lượng kỹ thuật cao (chi tiết máy, linh kiện điện tử)

Ngoài các vấn đề đã nêu ở trên, cần đặc biệt quan tâm vấn đề giao thông có liên quan đến cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm của dự án. Đối với giao thông đường biển cần làm rõ các chi tiết về các tiện nghi ở cảng, độ sâu, công suất bốc dỡ hàng, cỡ tàu sẽ sử dụng, các phương tiện dự trữ và chi phí. Đối với giao thông đường bộ, cần làm rõ độ rộng của đường và cầu, khoảng trống và sức chịu tải của cầu, tình trạng chất lượng của đường, luật lệ và chi phí giao thông. Nếu phải xây dựng cầu, đường mới thì phải xem xét kế hoạch xây dựng và dự tính chi phí đầu tư. Đối với giao thông đường sắt, cần xem xét khả năng vận tải hàng hóa, các phương tiện bốc dỡ, kho trữ và mọi trở ngại về thời vụ, chi phí vận tải từ trạm chính đến trạm gần nhà máy nhất. Đối với giao thông đường sông, cần biết về bề rộng, độ sâu của kênh rạch, sông ngòi, khả năng của xà lan, ghe thuyền sử dụng… chi phí chuyên chở.

  • Môi trường kinh tế – xã hội của khu vực địa điểm

Môi trường kinh tế – xã hội bao gồm nhiều vấn đề có liên quan đến sự hoạt động của dự án như:

– Về lao động có thể tuyển chọn lao động nói chung và lao động có chuyên môn hoặc đào tạo chuyên môn từ dân cư của địa phương là tốt nhất. Điều này sẽ làm giảm chi phí và tạo nhiều thuận lợi cho sự hoạt động cua dự án sau này.

– Về trình độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, luật lệ, phong tục tập quán và vấn đề an ninh. Bộ máy tổ chức quản lý hành chính kinh tế – xã hội của địa phương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thuận lợi hoặc trở ngại cho sự hoạt động của dự án.

– Các điều kiện về địa hình, khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ và sự hoạt động liên tục của công trình. Chẳng hạn, sự ổn định của điều kiện địa chất (núi lửa, động đất), của thời tiết, khí hậu (mưa, nắng, bão lụt, độ ẩm, nhiệt độ…)

2.2 Chọn địa điểm cụ thể

Địa điểm cụ thể là vị trí địa lý cụ thể để xây dựng công trình. Tại bước chọn địa điểm cụ thể, ta cần giải quyết những vấn đề sau:

– Tại địa điểm dự kiến, mặt bằng có đủ rộng để dự án có thể hoạt động thuận lợi và mở rộng sự hoạt động khi cần thiết sau này từ 5-15 năm hay không?

– Tình hình ô nhiễm môi trường ở thời điểm hiện tại và khả năng xử lý chất thải chống ô nhiễm môi trường trong tương lai?

– Cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc,…) thích hợp đến mức nào? Có cần phải đầu tư thêm không? Mức độ đầu tư có chấp nhận được không?

– Điều kiện tự nhiên của địa điểm như thế nào? Đây là vấn đề rất quan trọng ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh phí đầu tư để xây dựng công trình. Điều tra điều kiện tự nhiên bao gồm đo đạc địa hình, khảo sát khoan dò địa chất, điều tra tính toán thủy văn.

Việc khảo sát, khoan dò địa chất cho ta biết rõ cấu tạo địa tầng, tính chất cơ lý hóa của đất và nước trong đất. Từ đó mới giải quyết được các vấn đề về nền và móng công trình, lựa chọn được các giải pháp kết cấu công trình và tính toán được kinh phí xây dựng phần dưới mặt đất cũng như phần trên mặt đất của công trình.

Trong điều tra điều kiện tự nhiên, khi cần thiết, có thể phải điều tra thêm về khí tượng: mưa, nắng, gió, nhiệt độ, độ ẩm… có ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi công, tổ chức sản xuất, phân phối, bảo quản sản phẩm…

Cần lưu ý rằng trong quá trình chọn địa điểm cụ thể, tùy theo tính chất từng công trình mà quyết định tỷ lệ bản đồ địa hình. Trên cơ sở bản đồ địa hình, người soạn thảo bố trí giới hạn công trình, sau đó làm việc với bộ phận quy hoạch, xin chứng chỉ quy hoạch và phải được sự thỏa mãn, cho phép của chính quyền địa phương.

Sau khi đã lựa chọn địa điểm để xây dựng dự án, phải thực hiện mô tả chi tiết địa điểm trên bản đồ có tỷ lệ thích hợp với các thông tin cần thiết:

– Mô tả vị trí: tọa độ địa lý hoặc khu vực hành chính của vùng đặt địa điểm. Ranh giới, quan hệ của địa điểm với quy  hoạch chung, quan hệ của địa điểm với vùng nguyên liệu và với thị trường của dự án (phần này thường mô tả trên bản đồ)

– Mô tả địa điểm cụ thể:

  •  Sơ đồ khu vực địa điểm và sơ đồ hiện trạng tổng mặt bằng (có phụ lục kèm theo)
  • Các số liệu mô tả diện tích ranh giới
  • Môi trường tự nhiên của địa điểm: bao gồm các số liệu về khảo sát địa chất công trình…
  • Cơ sở hạ tầng: hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng của địa điểm như: đường sá, cầu cảng, điện nước, thoát nước, thông tin liên lạc…
  • Môi trường xã hội: dân cư,  phong tục tập quán, dịch vụ công cộng… ảnh hưởng hay thuận lợi như thế nào cho quá trình xây dựng và vận hành dự án.

– Các chi phí về địa điểm

  • Tiền đấtTiền đền bù: tính khối lượng đền bù, di chuyển cần thực hiện để giải phóng mặt bằng, bao gồm nhà ơ, cơ sở sản xuất, mồ mả, cây cối, hoa màu… cho biết khối lượng, đơn giá, thành tiền từng hạng mục và tổng chi phí đền bù.Tiền san lấp mặt bằng: khối lượng, đơn giá và thành tiền; cuối cùng là tổng chi phí san lấp mặt bằng.
    • Nếu thuê mướn mặt bằng: cần nêu rõ diện tích, đơn giá, thành tiền, thời hạn thuê.
    • Nếu mua: chi phí thực chi
    • Nếu  được nhà nước cấp đất : tính toán giá trị quyền sử dụng mặt đất (hoặc mặt nước)
  • Các nội dung khác :

– Những thuận lợi và không thuận lợi cho dự án khi chọn địa điểm này, so sánh với 1 vài dự án khả thi khác

– Những ảnh hưởng của dự án đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa và dân cư trong khu vực…