Bia và rượu khác nhau như thế nào

TRANG CHỦ > CƠ SỞ KHOA HỌC

Bia và rượu tác động theo những cách khác nhau

Ít có loại thức uống nào gây chia rẽ cho nhân loại như bia và rượu. Tất nhiên là không tính đến mùi vị - nhưng hai loại thức uống này tác động đến cơ thể và sức khoẻ của bạn theo những cách khác nhau.

Loại nào gây béo hơn loại nào? Tác động về tim của chúng ra sao? Và loại nào khiến bạn mệt mỏi hơn sau cơn say?

Cùng điểm lại một số dữ liệu để lật tấm màn bí ẩn đằng sau hai loại thức uống được ưa chuộng nhất thế giới nhé!

Bia hay rượu khiến bạn chóng say hơn?

Một pint [gần 570ml] bia hay một ly rượu đầy trung bình có chứa nồng độ cồn ngang nhau, tính theo tiêu chuẩn Anh là tương đương 2-3 đơn vị cồn [16-24g].

Tuy nhiên, việc bạn bị say phụ thuộc vào huyết mạch của bạn. Chuyện bạn bị say nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào loại thức uống.

Mack Mitchell, từ Đại học Texas Southwestern Medical Centre, gần đây đã yêu cầu một nhóm 15 người đàn ông uống đến say bằng các loại thức uống khác nhau mỗi ngày.

Ông đảm bảo để lượng cồn hấp thu tương ứng với trọng lượng của mỗi người, và mỗi người tiêu thụ với một cường độ ngang nhau trong khoảng thời gian 20 phút.

Như dự đoán, rượu mạnh hoà vào huyết mạch nhanh nhất, dẫn đến nồng độ cồn trong máu cao nhất - kế đó là rượu thường [tăng lên mức cao nhất về nồng độ trong máu 54 phút sau khi uống] và sau đó là bia [62 phút sau khi uống].

Nói cách khác, rượu khiến bạn dễ say hơn bia.

Kết luận: Bia sẽ ít có khả năng làm bạn rơi vào những tình huống đáng xấu hổ hơn.

Cái nào làm bụng phệ hơn?

Câu chuyện về ‘bụng bia’ là có thật.

Các chất cồn có chứa calories, đó là chưa tính đến các loại đường khiến cho những món nước uống ưa thích của chúng ta có mùi vị thật quyến rũ.

Một pint bia [gần 570ml] chứa khoảng 180 calories, cao hơn 50% so với một ly rượu nhỏ - đủ để khiến bạn tăng ký.

Đối với những người uống vừa phải, sự khác biệt lại khá nhỏ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy cả rượu và bia không gây tăng ký về ngắn hạn.

Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng nghiên cứu kéo dài nhất cũng chỉ vào khoảng 10 tuần.

Như vậy, những nghiên cứu trên có thể đã bỏ lỡ những trường hợp tăng ký.

Ví dụ, chỉ cần tăng 1kg trong thời gian này cũng đồng nghĩa với việc một cá nhân sẽ tăng 25kg trong vòng 5 năm tới - ngang với mang bầu 10 đứa bé gần tới ngày sinh cùng một lúc.

[Nhìn về khía cạnh tươi sáng của vấn đề, ý kiến cho rằng bia khiến ngực đàn ông bị to và nhão là điều đến nay vẫn chưa được chứng thực].

Kết luận: Sự khác biệt là khá nhỏ, nhưng rượu có thể có ưu thế hơn.

Loại nào gây cảm giác khó chịu hơn sau cơn say?

Bất chấp những nỗ lực không nhỏ, các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh bại được kẻ thù lớn nhất của những người thích uống: Sự khó chịu sau cơn say vào ngày hôm sau.

Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu điều gì gây ra cảm giác này.

Tình trạng thiếu nước nhiều khả năng là một yếu tố quan trọng [chất cồn làm chúng ta đi tiểu nhiều hơn lượng nước chúng ta hấp thụ], tuy nhiên nó cũng có thể bắt nguồn từ các sản phẩm phụ của quá trình lên men.


 

Được gọi là chất phụ sinh, những phân tử này mang lại cho mỗi loại thức uống mùi vị đặc trưng của chúng.

Tuy nhiên chúng cũng có thể có hại cho cơ thể - gây cảm giác nhức đầu và chóng mặt vốn thường xuất hiện sau một đêm say xỉn.

Nói chung, các loại thức uống sẫm màu hơn thường được cho là chứa nhiều chất phụ sinh hơn.

Tuy nhiên trên thực tế, các bằng chứng cho điều này vẫn chưa rõ ràng.

Mặc dù một số loại rượu mạnh như bourbon thường gây cảm giác khó chịu ngày hôm sau hơn là vodka trong suốt, các loại bia và rượu khác nhau dường như có ảnh hưởng ngang nhau.

Vì vậy bạn không cần đổ lỗi cho bản thân, trừ trường hợp bạn chủ động chọn các loại rượu mạnh nhất.

Kết luận: Các bằng chứng không đủ rõ ràng để kết luận.

Bia hay rượu tốt hơn cho sức khoẻ?

Chúng ta thường được nghe rằng một ly rượu mỗi ngày sẽ giúp làm cơ thể trẻ lại, giảm nguy cơ các bệnh liên quan tới tim, huyết áp cao và tiểu đường.

Chất bổ này được cho là đến từ ‘polyphenol’, [được tìm thấy rõ rệt nhất trong rượu đỏ], giúp làm dịu những chỗ viêm và dọn dẹp những hoá chất gây hại trong cơ thể.

Bia cũng chứa một lượng polyphenol đáng kể, và dường như chỉ mang lại những lợi ích khiêm tốn, na ná như rượu trắng nhưng kém tác dụng hơn rượu đỏ.


 

Tất nhiên tất cả những điều này không có nghĩa là bạn nên uống quá lố - nhưng việc uống một ly mỗi ngày có thể có lợi cho sức khoẻ.

Kết luận: Rượu đỏ thắng. Nhưng nếu không có rượu thì uống bia sẽ tốt hơn là không uống gì.

Kết luận chung

Khi nói đến lợi ích về sức khoẻ, rượu được cho là loại thuốc tốt.

Tuy nhiên, những người yêu thích bia ít nhất cũng có thể nói rằng loại thức uống của họ có bề dày lịch sử.

Một số nhà nhân chủng học cho rằng sự yêu thích bia của chúng ta có thể đã tạo tiền đề cho nông nghiệp và từ đó, tạo tiền đề cho cả nền văn minh của nhân loại.

Đó là điều có lẽ bạn sẽ muốn nghĩ đến lần tiếp theo vào quán bar.

Theo BBC


 

Tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống là bia hay rượu mà phụ thuộc vào lượng uống và cách thức uống, tần suất sử dụng.

Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, như vậy, nếu uống cùng một lượng bia hoặc rượu, thì bia nhẹ độ cồn hơn. Tuy nhiên, nhiều người thường uống một lúc quá nhiều bia. Cơ thể vì vậy cũng đào thải nhiều chất vi khoáng tốt. Do đó, “Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng cồn uống, cách thức uống, tần suất uống”, bác sĩ Hào nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Sức khỏe tâm thần Trung ương, khó có thể nói uống bao nhiêu rượu bia là nhiều. Hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Thực tế, nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học…

“Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, cũng khó xác định rượu hay bia độc hơn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ và cơ địa mỗi người”, ông Tuấn nói.

Trung bình trong 100 ml rượu 40 độ chứa 400 g ethanol, 100 ml rượu vang có 12 g ethanol, 100 ml bia chứa 5 g ethanol.

Liều lượng uống ít gây hại mỗi ngày đối với cơ thể là một lon bia khoảng 330 ml [5% alcohol] hoặc 100 ml rượu vang [12% alcohol] hay 40 ml whisky [40% alcohol], pha kèm với đá lạnh, theo ông Tuấn.

Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống bia rượu. Thai phụ vẫn sử dụng rượu thì nên dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.

Các tác hại của bia rượu

Thông thường, nồng độ cồn 0,16 – 0,2 g trong 100 ml máu là đủ làm một người say rượu, thị lực giảm. Từ 0,21 đến 0,3 g cồn trong 100 ml máu khiến người uống ngộ độc, nôn, không tự chủ được bản thân. Nồng độ cồn từ 0,5 g trong 100 ml máu có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt khi lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt.

Ngoài ra, chất cồn trong rượu bia gây nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của hệ thần kinh trung ương, làm giảm tỉnh táo, rối loạn ý thức, ảnh hưởng đến hành vi người uống. Người nghiện rượu, bia dễ suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, phản xạ chậm, ảo giác dẫn đến bạo lực gia đình, tai nạn giao thông…

Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Cồn là một chất hướng thần gây nghiện, nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Bên cạnh đó, rượu bia còn gây ảnh hưởng tới việc điều khiển phương tiện giao thông. Người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở cao làm ức chế thần kinh dễ gây buồn ngủ, hôn mê, ảo giác. Nguy hiểm hơn nó làm giảm khả năng nhận biết, phán đoán các tình huống nguy hiểm; giảm kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, tâm lý coi thường sự nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông .

Người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nếu không may để xảy ra tai nạn giao thông còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.

Rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ. Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng.

Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân, có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác. Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2020, nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nguồn: Theo Phòng khám chuyên khoa Gan Tâm Đức

Video liên quan

Chủ Đề