Bách khoa toàn thư có nghĩa là gì

PGS.TS NGUYỄN KIM THẢN

LỜI TOÀ SOẠN Đây là bài viết của cố Phó Giáo sư Nguyễn Kim Thản, công bố năm 1984 [được in lại trong Nguyễn Kim Thản - Tuyển tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 647-655]. Tác giả đề cập tới những vấn đề cơ bản liên quan đến các khái niệm và nội dung của bách khoa thư, từ điển bách khoa, bách khoa toàn thư, mà theo chúng tôi, rất hữu ích cho những ai bước đầu làm quen với sự nghiệp từ điển học và bách khoa thư nói chung. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1 Bách khoa thư [BKT] là thuật ngữ dịch từ tiếng Pháp: encysclopédie hoặc tiếng Anh: encylopaedia Từ này thì có nguồn gốc Hi Lạp: en trong, kyklios hoặc kuklios vòng, chu trình, paideia giáo dục, nghĩa đen là giáo dục trong một chu trình, tức là giảng dạy tất cả các tri thức.

Từ Hi Lạp này có từ thời Platon. Trong tác phẩm Nền cộng hoà, ông đã phân biệt ba nền giáo dục: giáo dục về ngôn ngữ, giáo dục về bách khoa tức giáo dục về tất cả các khoa học khác, và bồi dưỡng người công dân tốt. Song ở Hi Lạp cổ đại, không thấy một quyển sách nào mang tên bách khoa như trên. Ở Roma cổ đại cũng vậy: các bộ sách có tính chất bách khoa mang những tên khác nhau như Các môn học, Lịch sử của tự nhiên hoặc Toàn thư [Summa], v.v. Phải đến 1531, từ bách khoa mới tái hiện ở Anh. Thomas Elyot viết trong tác phẩm Viên tổng trấn [The Boke named the Govenour] rằng: Từ encyclopaedia của người Hi Lạp đồng nhất với hệ thống kiến thức; năm 1538, tác giả nói trên còn giải thích trong Từ điển Latin của mình: encyclopaedia có nghĩa là tất cả các lĩnh khoa học và nghiên cứu tự do. Ở Pháp, Rabelais là người đầu tiên dùng từ encyclopédie [trong tác phẩm Pantagruel, 1533].

Đến 1599 mới có người lần đầu dùng từ encyclopaedia để đặt tên sách. Đó là học giả Hunggari Paulus Scalichus de Lika, với tác phẩm Bách khoa thư hay chu trình các bộ môn kiến thức [Encyclopaedia, seu orbis disciplinarum epistemum]. Sau đó, 1620, J. H.Alsted - một người Đức ở Anh - viết bộ Bách khoa thư, bảy tập [Encyclopaedia septem tomis distincta]. Cái tên này còn được E. Chambers đặt cho bộ bách khoa thư của mình soạn năm 1738: Encyclopaedia, or an universal dictionary of arts and sciences Tác phẩm này kích thích sự ra đời của Bách khoa thư, hay từ điển luận giải các khoa học, các nghệ thuật và các nghề nghiệp [Encyclopédie, ou dictionnaire raisonné des sciences des arts et des métiers] do D. Diderot chủ trì [1751-1772]. Từ đó, thuật ngữ Bách khoa thư được dùng ngày càng phổ biến.

Như vậy, theo nghĩa đầu, bách khoa thư là công trình hệ thống hoá toàn bộ các tri thức, nhằm mục đích giáo dục người đọc.

2. Song sự phát triển nhanh chóng của sự nghiệp giáo dục và xuất bản của các ngành khoa học làm cho tác dụng và ý nghĩa của bách khoa thư biến đổi.

Bên cạnh bách khoa thư, còn có từ điển bách khoa ngày nay, sự phân biệt đã rõ rệt. Ngoài hai loại công trình trên, còn có hàng loạt sách giáo khoa, giáo trình, học báo, v.v.; chính những xuất bản phẩm này mới có chức năng chủ yếu là làm công cụ giáo dục. Khoa học, trong mấy thế kỉ gần đây, phát triển theo cấp số nhân. Tri thức của một khoa học, thậm chí của một ngành nhỏ trong một khoa học, hay tri thức về một hoạt động thực tiễn nào đó, ngày nay vô cùng phong phú; hệ thống hoá những tri thức chuyên ngành hay chuyên đề này cũng càng ngày càng trở nên cần thiết cho đời sống.

Vì vậy, các công trình bách khoa ngày nay có chức năng chung là làm công cụ tra cứu - học tập, và đặc điểm chung là hệ thống hoá tri thức, song khác nhau về chức năng cụ thể, về nội dung, phạm vi đề cập, quy mô, cấu trúc, đối tượng phục vụ, phương thức xuất bản, phương thức biểu đạt.

3.Căn cứ vào những sự giống nhau và khác nhau nói trên, có thể thấy các công trình bách khoa ngày nay có sự phân loại phong phú hơn những công trình tiền bối của chúng.

3.1. Trước hết, có thể phân loại công trình bách khoa theo chức năng cụ thể. Theo cách phân loại này, có bách khoa thư [BKT] và từ điển bách khoa [TĐBK].

3.2. BKT encyclopédie là loại sách có chức năng dạy những tri thức cơ bản của một ngành [Bách khoa thư chuyên ngành, viết tắt: BKTCN] hay toàn bộ các ngành [Bách khoa thư tổng hợp, viết tắt: BKTTH] khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật hay hoạt động thực tiễn khiến cho người đọc nó, tra cứu nó, có thể thu lượm được những thông tin đầy đủ nhưng cô đọng, sâu sắc, không những về nội dung các khái niệm do các từ được thu thập biểu thị, mà còn cả về lịch sử, quá trình phát triển các khái niệm, theo các trường phái, phương pháp khác nhau, sự đấu tranh giữa các quan điểm khác nhau chung quanh khái niệm được trình bày, đồng thời còn giới thiệu các thư tịch cần thiết. Đó là loại sách chủ yếu là để học tập, để nghiên cứu.

3.3. TĐBK là loại sách có chức năng cung cấp những thông tin vắn tắt nhằm giải đáp các thắc mắc thường không phức tạp lắm, nảy sinh trong ngày thường, chung quanh những khái niệm khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật hay những tri thức thực tiễn khác. Đây là loại sách chủ yếu để người ta tra cứu, tìm hiểu.

Một số từ điển bách khoa còn mang thêm một phần nội dung của từ điển ngôn ngữ; người ta đưa vào đây để giải nghĩa một số từ trong lớp từ văn hoá [thường có nguồn gốc ngoại lai]. Từ điển Bách khoa Xô viết lần xuất bản thứ ba [in một tập], Nouveau Petit Larouse thuộc về loại ấy. Trong từ điển này, có cả một phần gọi là phần lịch sử trong đó có những thông tin về lịch sử, địa lí, nhân vật, sự kiện, tác phẩm văn hoá, v.v. [những danh từ riêng], và ở phần ngôn ngữ, sau khi giải thích từ ngữ, nhiều khi người ta thêm hẳn một phần gọi là Bách khoa thư để cung cấp những thông tin có tính chất bách khoa, có khi còn in kèm tranh ảnh, sơ đồ lịch sử, v.v. để minh hoạ cho những thuật ngữ khoa học - kĩ thuật.

3.4. Theo nội dung, các công trình BK chia làm hai loại chính: tổng hợp [TH] và chuyên ngành [CN].

a. Loại tổng hợp chứa đựng tri thức về mọi ngành khoa học [tự nhiên, xã hội], kĩ thuật, nghệ thuật. Các BKTTH [còn gọi là Bách khoa toàn thư BKTT] cỡ lớn và cỡ nhỏ của Liên Xô [Bolshaja Sovetskaja Enciklopedija, Malaja Sovetskaja Enciclopedija], của Anh [Encyclopaedia Britannica], của Mĩ [Encyclopaedia Americana] của Pháp [Encyclopaedia Universalis, Grande Encyclopédie, Grand Larousse Encyclopédique, v.v.] thuộc vào loại này.

TĐBK thường có tính chất tổng hợp. Từ điển Bách khoa Xô viết của Liên Xô, Từ điển Bách khoa Meier, của Cộng hoà Dân chủ Đức, Nouveau Larousse Universel,... của Pháp v.v. thuộc về loại này.

b. Loại chuyên ngành chứa đựng tri thức về một ngành khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật nhất định như BKT về kĩ thuật, nông nghiệp, y học, triết học, sử học, văn học, quân sự, âm nhạc, mĩ thuật, địa lí, v.v.

Cũng còn có thể phân chia ra từ các BKT chuyên ngành một loại nhỏ nữa, tạm gọi là BKT chuyên đề. Loại này chứa đựng những tri thức về một chủ đề khoa học - kĩ thuật, nghệ thuật nhất định hay về một hoạt động thực tiễn nhất định. Thí dụ các BKT về Cách mạng tháng Mười, về Thần thoại thế giới, về Tiếng Nga, về Công việc gia đình, v.v. đã xuất bản ở Liên Xô, hoặc các BKT về tên người, đồ mộc, công việc gia đình, tiếng Pháp chuẩn mực, điện tử, việc lặt vặt, v.v. ở Pháp, về những điều chưa biết, về hành vi giới tính, ở Mĩ, v.v.

Theo quy mô của công trình các loại BKT và TĐBK thường chia làm hai cỡ chính: lớn và nhỏ; ở Liên Xô, còn có loại tóm tắt [kratkaja]; ở Đức, có loại bỏ túi. Các cỡ lớn, nhỏ và tóm tắt nói trên tuỳ theo từng nước mà định. Ở các nước tư bản chủ nghĩa thì còn tuỳ theo nhà xuất bản mà định. Với khổ sách 21x26cm, mỗi tập độ 600-700 trang, BKTT cỡ lớn của Liên Xô, Anh, Mĩ hiện nay đều gồm 30 tập [không kể hàng năm, từ sau khi xuất bản tập 30, còn ra một niên giám hoặc sách trong năm để bổ sung những tri thức mới]. Song ở Pháp hiện nay, cỡ lớn thường gồm 20 tập như Grande Encyclopédie, Encyclopaedia Universalis, thậm chí 10 tập như Grand Larousse Encyclopédique. Còn trước đây, thì BKTT cỡ lớn, có thể gồm nhiều tập hơn, thậm chí vài trăm tập, như Bách khoa toàn thư theo môn loại [Encyclopédie méthodique], 1782-1832 của Panckoucke và Agausse, 201 tập; Bách khoa thư thần học của Linh mục Mingne [1844-1860], 168 tập; Bách khoa thư tổng hợp [Encyclopédie Universelle] của Gruber, 167 tập [từ 1818]; Bách khoa toàn thư Tây Ban Nha, 92 tập; Từ điển Bách khoa Nga [cuối thời Nga hoàng], 82 tập; BKTT Tây Ban Nha - Mĩ [1805-1933], 80 tập; Bách khoa thư tổng hợp Âu - Mĩ có minh hoạ [Barcelona, 1905-1955], 70 tập, v.v.

Còn BKTT cỡ nhỏ thì có thể có từ vài ba tập đến 10 tập; BKTT Xô viết cỡ nhỏ: 10 tập; BKTT Bungari cỡ nhỏ: 5 tập [1963-1969]; BKTT Hunggari loại mới: 7 tập [1959-1972]; ở Pháp có BKTT tự học loại mới của Kié tái bản năm 1965: 5 tập; BKTT Larousse, theo môn loại: 2 tập.

Các BKT chuyên ngành cũng có các cỡ lớn, nhỏ, song không phải là BKT chuyên ngành có quy mô nhỏ hơn hoặc có số tập ít hơn BKT tổng hợp. Chẳng hạn, ở Liên Xô, BKT Kĩ thuật cỡ lớn: 36 tập; BKT Y học cỡ lớn, lần xuất bản thứ nhất: 35 tập, lần thứ hai: 36 tập, lần thứ ba: 31 tập; BKT Lịch sử: 16 tập; bộ Le Million của Pháp nói về địa lí các nước gồm 17 tập. Về BKTCN cỡ nhỏ ở Liên Xô: BKT Y học cỡ nhỏ: 12 tập, BKT Văn học tóm tắt: 9 tập.

Các BKT chuyên đề thường không phân biệt lớn nhỏ; ở Liên Xô, bộ Nghệ thuật của các nước và các dân tộc trên thế giới gồm 5 tập, bộ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, 1 tập; quyển Tiếng Nga chỉ là một quyển sách nhỏ, khổ13x19 cm.

Các TĐBK cũng thường không ghi rõ cỡ lớn hay cỡ nhỏ, song trong thực tế, có thể căn cứ vào số lượng mục từ để biết được quy mô của công trình . Thí dụ Từ điển bách khoa Xô viết in lần thư ba có 800.000 mục từ, in chữ nhỏ, trên 1.600 trang khổ lớn, còn Từ điển bách khoa Meier của Cộng hoà Dân chủ Đức thì có khoảng 30.000 từ in trên 1.056 trang khổ 14x24 cm.

Mấy chục năm trở lại đây, theo đà phát triển của khoa học - kĩ thuật, các công trình bách khoa đều có khuynh hướng tăng số lượng mục từ nhưng rút bớt số tập. Để giải quyết mâu thuẫn ấy, người ta đòi hỏi viết ngắn gọn, có lượng thông tin cao.

Thí dụ, BKTT Xô viết cỡ lớn, in lần thứ nhất: 66 tập, lần thứ hai: 51 tập, còn lần thứ ba chỉ gồm 30 tập. TĐBK Xô viết, in lần thứ nhất [1953- 1955]: 3 tập, 40.000 mục từ; lần thứ hai [1963- 1964]: 2 tập, 41.000 mục từ, lần thứ ba [1979] chỉ in làm một tập, nhưng gồm 80.000 mục từ.

Về kĩ thuật, người ta dùng rất nhiều chữ tắt. Trên các công trình BK Liên Xô, hiện tượng này hết sức phổ biến.

3.5. Theo lứa tuổi của người đọc, bên cạnh những công trình bách khoa thư dành cho người lớn là thường thấy nhất, còn có những BKT cho thanh niên, thiếu niên hay nhi đồng.

BKTTH cho thanh niên đã xuất bản ở Cộng hoà Dân chủ Đức [1 tập], ở Pháp [4 tập]; ở Anh có nhiều loại như: Students Encyclopaedia; Comptons pictured World Book; Encyclopaedia Britannica Junior [15 tập, 1948]; Richards Encyclopaedia [15 tập, 1939] BKTCN cho thanh niên đã xuất ở Liên Xô [thí dụ: Nhà hoá học trẻ tuổi, Nhà thiên văn trẻ tuổi, v.v.].

BKHTH dành cho thiếu niên mà bạn đọc trẻ nước ta biết đến nhiều nhất là của Liên Xô [Detskaja Encyklopedija, xuất bản lần thứ ba, 12 tập]. Loại BKTTH này còn xuất bản ở Tiệp Khắc [in làm 3 tập], Bungari, Hunggari, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ấn Độ [16 tập], Anh [12 tập], Mĩ [20 tập], Ý [8 tập hoặc 5 tập], ở Pháp, CHLB Đức, v.v.

Người ta còn xuất bản, dưới dạng này hay dạng khác, những công trình bách khoa cho lứa tuổi nhi đồng. Chẳng hạn ở Liên Xô đã xuất bản từ năm 1968 một bộ sách [lần xuất bản sau cùng, gồm ba tập] rất thú vị, với nhan đề Là gì, là ai? dành cho học sinh lớp 3, lớp 4, do Viện Khoa học Giáo dục Liên Xô chủ trì, có sự tham gia của 113 nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn và 26 hoạ sĩ. Ở bộ sách xuất bản lần đầu, có khoảng 942 đề thuộc mọi mặt quan tâm hàng ngày của các em.

Ngoài ra, còn có BKT cho từng giới. Chẳng hạn ở một số nước, còn xuất bản BKT riêng cho nữ giới.

3.6. Có thể phân loại các công trình BK theo cấu trúc [hay cách trình bày]. Theo cách này, có hai loại: trình bày theo thứ tự chữ viết và trình bày theo đề tài [người Pháp còn gọi là theo phương pháp - méthodique].

Các bộ BKTT của Liên Xô, Anh, Mĩ, Pháp, CHDC Đức, Tây Ban Nha, v.v. mà ta gặp ngày nay, phần lớn trình bày theo cách thứ nhất.

Còn theo cách thứ hai, người ta thường cung cấp tri thức theo các bộ môn khoa học, kĩ thuật và nghệ thuật mà ngày nay ta thường thấy như toán học, vật lí, hoá học triết học, sử học, xã hội học, mĩ thuật, âm nhạc, sân khấu, thể thao, v.v. Cũng có khi bên cạnh đó, còn có những tri thức thực hành, những chuyên môn hẹp như ngữ pháp của một ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, v.v. văn học các nước nói trên, kế toán, tốc kí, thậm chí cả phần để thành công trong đường đời. BKTTh [Encyclopédie universelle] ở Bỉ, BKTT Pháp [21 tập lớn], BKTT tự học Kiê [Pháp, 5 tập], BKTT Boóđát [Bordas Encyclopedia, của Italia, dịch sang tiến Pháp, 22 tập], v.v.. trình bày theo cách thứ hai.

3.6. Theo phạm vi đề cập tới, người ta chia các công trình BK ra làm hai loại: chung [toàn cục] và riêng [địa phương, dân tộc,]. Ở loại thứ nhất, người ta cung cấp thông tin về toàn thế giới và toàn quốc [liên bang, liên hiệp các nước] như các BKTT Liên Xô, Anh, Mĩ, Pháp, v.v. Ở loại thứ hai, người ta chỉ cung cấp thông tin về một bộ phân trong liên bang, liên hiệp ấy [một nước trong liên bang hay trong liên hiệp], tức là những tri thức địa lí, tự nhiên, xã hội, nhân vật v.v. của bộ phận ấy. Bách khoa thư nhiều nước cộng hoà liên bang ở Liên Xô như BKT Belorusja, Armenija, Gruzija v.v. thuộc về loại này. Gần đây nhất, mới xuất bản TĐBK Cuba, thiên thiên, con người, BKTT châu Phi. Các BKTT Australia, New Zealand, Canada trong Liên hiệp Anh cũng thuộc loại này. Ngoài ra, còn có những BKT về một thành phố, một tỉnh, như BKT về Moskva, BKT về Leningrad ở Liên Xô.

3.7. Theo phương thức xuất bản, có thể chia ra những BKT in làm nhiều tập [phần lớn thuộc về loại này] và những BKT chỉ in làm một tập như BKTT cho thanh niên và Từ điển bách khoa Meier của CHDC Đức, TĐBK Xô viết in lần thứ ba

Trong loại in làm nhiều tập, lại có thể chia làm hai kiểu: không định kì và định kì. Phần lớn BKT theo kiểu thứ nhất. Theo kiểu thứ hai, chúng tôi mới chỉ biết 4 trường hợp:

1] BKTT Britannica [lần xuất bản đầu tiên]

2] Larousse hàng tháng có minh hoạ [Larousse Mensuel Illustré] những năm 1906-1925.

3] BKTT Alpha [Alpha Encyclopédie] ra hàng tuần, tổng cộng in 260 số, trình bày theo thứ tự chữ cái.

4] Toàn bộ vũ trụ [Tout IUnivers], 192 số, theo thể thức tuần báo [từ năm 1961].

Trong những năm gần đây, ở một số nước Tây Âu, người ta còn dùng hình thức in rời từng đề mục để luôn luôn cập nhật hoá tri thức.

3.8. Cuối cùng, còn có thể phân loại BKT theo phương tiện truyền đạt [hay cách tiếp thụ] thông tin: một là bằng sách in [phần lớn thuộc loại này]; hai là bằng hình ảnh động và âm thanh như Bộ phim BKT về động vật của Ivan Toras [CHLB Đức], đã chiếu nhiều buổi trên màn ảnh truyền hình nước ta; ba là bằng âm thanh, như Từ điển âm thanh [Dictionnaire sonore] gồm 40 đĩa CD của Nhà xuất bản Larousse và Pathé Marconi; và bốn là bằng mùi vị, như Từ điển các loại rượu ở Pháp.

THƯ MỤC THAM KHẢO

[1] Bolshaja Sovetskaja Enciklopedia, xuất bản lần thứ ba, t. 30, mục Enciklopedia.

[2] Encyclopaedia Britannica, xuất bản lần thứ 15, t. 6, mục Encyclopaedia.

[3] Encyclopedia Americana, xuất bản năm 1967, t.10, mục Encyclopedia.

[4] Grande Encyclopédie, Larousse, Paris, 1973, t. 7, mục Encyclopédie.

[5] Encyclopaedia Universalis, París, 1968, t. 6, mục Encyclopédie.

Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 01, năm 2009

Video liên quan

Chủ Đề