Vứt điện thoại cũ ở đâu

Tái chế điện thoại thông minh cũ không chỉ là hành động có ích cho môi trường. Giờ đây, nó đã trở thành một ngành kinh doanh tiềm năng sinh lợi cho các công ty rác thải điện tử ở Trung Quốc

Điện thoại thông minh được tháo rời thành các phần riêng biệt, bao gồm vỏ, màn hình, pin và bảng mạch, để tái chế. [Ảnh: Handout]

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng [Hong Kong, Trung Quốc], giống như nhiều người trẻ Trung Quốc, Lin Chenru, 24 tuổi, thường nâng cấp điện thoại di động của mình vài năm một lần. Tuy nhiên, sau đó anh không quan tâm đến việc mình đã để những chiếc điện thoại cũ đó ở đâu.

“Tôi nghĩ chúng vẫn còn ở trong phòng, nhưng không biết vị trí chính xác. Tôi không vứt điện thoại cũ đi sau khi mua đồ mới. Nhưng thời gian trôi qua, tôi không còn để ý đến chúng”, Lin nói.

Lý do Lin và hầu hết người tiêu dùng muốn giữ những chiếc điện thoại cũ là vì vẫn còn nhiều dữ liệu quan trọng được lưu trữ trong đó.

“Tôi giữ chúng phòng trường hợp vẫn còn thứ gì đó hữu ích lưu lại bên trong,” anh Lin nói.

Lin không phải là người duy nhất giữ những chiếc điện thoại thông minh đã cũ ở một góc bị lãng quên. Nghiên cứu của Greenpeace East Asia, một tổ chức phi chính phủ chuyên về môi trường, ước tính tỉ lệ tái chế điện thoại thông minh của Trung Quốc là dưới 2%. Điều này có nghĩa là chỉ có 2 trong số 100 chiếc điện thoại cũ được tái chế đúng cách thay vì bị vứt xó.

Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng các thiết bị mới và tốt hơn mỗi năm, sẽ có một lượng lớn rác điện tử trong các thiết bị cũ có thể được thu gom để tái chế chuyên nghiệp, bao gồm các kim loại quý như đồng và vàng.

Trung Quốc từng được coi là “bãi rác thải điện tử” của thế giới. Thị trấn Guiyu ở tỉnh Quảng Đông nổi tiếng với hàng nghìn xưởng nhỏ chuyên phá dỡ máy tính và thiết bị điện tử cũ để thu gom vật liệu tái chế.

Tuy nhiên, những ngày này đã qua đi khi chính phủ cấm nhập khẩu rác thải rắn, tăng cường giám sát việc xử lý các thiết bị điện tử. Điều này thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Công việc tái chế rác thải điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người lao động cũng như môi trường. [Ảnh: Reuters]

Tại một nhà máy ở ngoại ô Thượng Hải do công ty rác thải điện tử TES có trụ sở tại Singapore điều hành, các công nhân lành nghề mặc đồng phục, đeo kính bảo hộ và khẩu trang để phân loại điện thoại thông minh đã qua sử dụng chỉ trong vài phút. Họ phân loại vỏ điện thoại, màn hình, pin và bảng mạch vào các thùng riêng để tái chế.

Giám đốc tiếp thị của TES tại Trung Quốc, ông Richard Wang, giải thích quá trình này bắt đầu bằng việc sử dụng phương pháp xử lý hóa học để hòa tan và tinh chế bất kỳ kim loại quý nào, chẳng hạn như vàng, có trên bảng mạch. Bước tiếp theo là nghiền các bảng mạch thành bột rồi tách đồng và nhựa.

Bên cạnh đó, các phương pháp vật lý như tĩnh điện cũng được sử dụng để chiết xuất bột có chứa kim loại như đồng. Trong khi đó, các phương pháp tương tự được sử dụng để chiết xuất bột có chứa các nguyên tố phi kim loại.

Ông Wang cho biết việc tái chế 100 triệu chiếc điện thoại, về lý thuyết, có thể tạo ra hơn 120 kg vàng, với độ tinh khiết trên 99,9% sau khi tinh chế.

Cơ sở tại Thượng Hải là 1 trong 4 cơ sở mà TES hoạt động tại Trung Quốc. Ba cơ sở còn lại ở Quảng Châu, Bắc Kinh và Tô Châu. Nhà máy ở Thượng Hải hiện đã hợp tác với “gã khổng lồ viễn thông” Huawei.

Liu Hua, chuyên gia chiến dịch rác thải và tài nguyên tại Greenpeace East Asia, cho biết các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Huawei thường hợp tác với các công ty chuyên xử lý rác thải điện tử để tái chế điện thoại thông minh.

Năm 2019, Apple cho biết họ đã nhận được gần 1 triệu thiết bị thông qua chương trình khuyến khích người tiêu dùng Mỹ trả lại điện thoại cũ. Những chiếc điện thoại này sau đó sẽ được tái chế bởi một loại robot có tên Daisy. Robot có thể tháo rời 15 mẫu iPhone khác nhau với tốc độ 200 chiếc/giờ.

Theo Greenpeace East Asia, giá trị số kim loại bị bỏ lại dưới dạng rác thải điện tử ở Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 23,8 tỉ USD vào năm 2030. Khoản tiền này có thể được thu hồi thông qua tái chế, rẻ hơn nhiều so với việc khai thác kim loại từ quặng.

Điện thoại thông minh được phá vỡ để tái chế. [Ảnh: Handout]

[Theo baotintuc.vn]

Tái chế là quá trình tiêu hủy các sản phẩm cũ và xử lý chúng thành sản phẩm mới có thể tái sử dụng. Tuy nhiên việc tái chế không hề đơn giản và nền công nghiệp này trên toàn cầu lại phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.

Bạn có biết: Lượng vàng quý hiếm tồn đọng trong khối lượng 1 tấn điện thoại di động còn nhiều hơn cả trữ lượng có sẵn trong một mỏ vàng trung bình trên thế giới không?

Đó là thông tin từ Federico Magalini - một trong những chuyên gia nghiên cứu về rác thải công nghệ trên thế giới. Ấy thế mà thay vì đem ra các cơ sở tái chế để góp phần không bỏ phí nguồn tài nguyên ấy, chúng ta lại cứ vô tình khiến chiếc điện thoại lưu lạc mất ở phương trời nào mỗi khi đã cũ hoặc không dùng nữa, hay thậm chí là... cứ để mãi ở xó xỉnh trong nhà rồi thất lạc mãi mãi. Vậy nếu để tận dụng đúng cách một thiết bị không còn nhu cầu sử dụng thì phải làm sao?

Những chiếc điện thoại và laptop sẽ đi đâu về đâu khi không được sử dụng nữa?

Cùng tham gia một buổi phỏng vấn với Magalini để hiểu thêm về vấn đề thú vị này nhé:

Rác thải công nghệ là gì? Có phải nó chỉ bao gồm những chiếc điện thoại và laptop vứt đi là hết không?

Thực ra định nghĩa của nó liên quan đến mọi thiết bị có chứa pin và ổ cắm, vẫn còn hoạt động được nhưng lại bị vứt đi. Vì thế, ngay cả một cục pin cũng có thể coi là rác thải công nghệ. Trung bình một gia đình có trong tay đến hàng chục thiết bị điện tử và công nghệ được tính trong phạm trù này.

Vấn đề hiện nay chúng ta đang gặp phải là việc không rõ phải làm gì với chúng khi không có nhu cầu sử dụng nữa, chính xác hơn là không biết vứt đi kiểu gì. Rác thải công nghệ không phải như thức ăn hay vật liệu bỏ đi. Những chiếc smartphone hay camera bị hỏng, chúng ta vẫn cứ giữ lại rồi để đâu đó trong nhà coi như một vật kỷ niệm. Đó thực sự là một thói quen gây lãng phí đối với giá trị của vật liệu có thể tái chế.

Tái chế thời nay cũng có thể được coi như một cách "đào mỏ" nguyên vật liệu quý phải không?

Đúng thế, đó cũng không phải một thứ gì quá xa lạ nữa. Lấy ngay ví dụ về vàng, một kim loại quý và được săn lùng rất nhiều hiện nay. Vàng có trong tự nhiên thường đạt tỷ lệ và mật độ khai thác chỉ khoảng 0,5g cho mỗi tấn nguyên liệu thông thường. Nói cách khác, chẳng hạn bạn ra vườn và đào lấy đào để, đào lên 1 tấn đá cục và hàng loạt những nguyên liệu lỉnh kỉnh chả biết từ đâu lôi lên từ lòng đất, bạn có cơ hội trung bình để tìm ra 0,5g vàng từ đống đất đá đó mà thôi.Dĩ nhiên, đối với các mỏ vàng thì lại khác, vì thế con số 0,5g trên là lượng vàng trung bình chia đều ra trên toàn bộ thế giới rồi.

Bên trong những chiếc điện thoại vứt đi là cả một mỏ vàng lớn hơn nhiều so với trữ lượng tự nhiên.

Nhưng còn ở trong những chiếc điện thoại di động hiện nay thì sao? Với mỗi tấn điện thoại di động, chúng ta có thể trích xuất được 350g vàng - cao hơn gấp 80 lần so với tiêu chuẩn chung trên Trái Đất. Đó là lí do vì sao họ lại gọi đây là một phương thức "đào mỏ" mới của thời công nghệ đấy! Mật độ và tỷ lệ chất có chứa vàng trong vật liệu làm ra điện thoại cao hơn nhiều so với thông thường.

Những vật liệu làm nên điện thoại và các đồ công nghệ khác mà chúng ta có thể tái chế là gì? Có phải chúng toàn là kim loại?

Chủ yếu những chất cấu tạo nên các thiết bị công nghệ là sắt, đồng, nhôm, nhựa, quý hiếm hơn có thể là bạc, vàng, paladi,iridi và một vài cái tên quý hiếm hơn tùy nhu cầu sản xuất và sử dụng. Kim loại thì gần như là có thể tái chế để tái sử dụng vĩnh viễn, nhưng nhựa thì không, nên chúng cần được chăm sóc và xử lý cẩn thận.

Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc laptop/điện thoại khi được quyết định đem đi vứt bỏ và tái chế? Chúng sẽ đi đâu về đâu?

Ở châu Âu, nhà sản xuất của thiết bị phải chịu trách nhiệm nghiêm ngặt về việc thu hồi lại sản phẩm và tái chế đúng cách. Người dùng sẽ có thể giúp đỡ bằng cách mang laptop/điện thoại đã dùng trở lại nơi bán để cửa hàng liên hệ cơ sở gốc và hoàn trả.

Ở Mỹ, mỗi địa phương và khu vực lại có một cách xử lý khác nhau. Chẳng hạn như California, mỗi khi mua laptop, bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí trong hóa đơn, không phải để bảo hành hay thuế má, mà là phần phụ chi dành cho quỹ đầu tư tái chế thiết bị, hoặc để trả lương cho những người làm công việc đó.

Tiếp tục, sau khi hoàn trả về cơ sở, sẽ có những người vận chuyển nó đến nhà máy tái chế để "tháo dỡ" chúng một cách hoàn toàn. Về cơ bản, một cỗ máy nghiền hoặc cắt sẽ phân tán các bộ phận thiết bị ra, sau đó lại có những người ngồi lọc chúng để gửi những phần cần thiết về điểm thích hợp cho từng nguyên liệu.

Màn hình là phần khó khăn và cần chú ý nhất mỗi khi tái chế.

Với những chiếc laptop, bộ phận cần lưu ý nhất là màn hình vì chúng thường được sản xuất ở định dạng LCD, có chứa thủy ngân trong các tấm nền sáng ban đầu. Không nói đến việc bị nhiễm độc vì không mang đồ bảo hộ, việc làm hỏng chúng và dây thủy ngân ra các thành phần khác cũng đủ để làm hỏng hoàn toàn quy trình tái chế rồi.

Các bộ phận khác như bo mạch chủ, chip, bàn phím... thì cứ được đưa vào máy nghiền là xong. Nếu có chứa sắt, đồng... các cơ sở sẽ cho vào lò nấu chảy để tái tạo. Vàng và bạch kim thường lẫn trong các bảng vi mạch điện tử, vì thế sẽ cần được xử lý qua các công đoạn phức tạp hơn.

Tham khảo: The Verge

Video liên quan

Chủ Đề