Vì sao phải duy trì một nền hòa bình

Trong bối cảnh nhân loại đang đứng trước những diễn biến khó dự đoán hiện nay thì hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một trong những xu thế khách quan trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những vấn đề bất bình đẳng trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng, xung đột, chiến tranh cục bộ vẫn diễn ra khốc liệt tại Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á… Các vấn đề toàn cầu cấp bách, các vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa trực tiếp đến hòa bình, an ninh các dân tộc, quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu. Phong trào đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, tiến bộ, bình đẳng đang đứng trước nhiều thách thức… Trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới, cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập, bình đẳng và sự tiến bộ của quốc gia dân tộc càng cần được đẩy mạnh.

Từ các phong trào của nhân dân yêu hòa bình trong lịch sử như phong trào cộng sản công nhân quốc tế, phong trào không liên kết, phong trào phản chiến, phong trào đòi dân chủ, bình quyền nam - nữ… nhân loại đạt được những bước tiến trong quá trình phát triển. Các giá trị hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ của nhân loại được thể hiện thống nhất thông qua các quan điểm chủ đạo trong Hiến chương của Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những dân tộc yếu thế đều cần phải được tôn trọng, lắng nghe, đây là nền tảng cơ sở cho hòa bình, công bằng tiến bộ, phát triển bền vững của nhân loại.

Trong giai đoạn hiện nay, trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành, các cường quốc gia tăng quyền lực, một mặt, thông qua hợp tác kinh tế thương mại, thăm dò, gia tăng phụ thuộc lẫn nhau, mặt khác, cạnh tranh gay gắt với nhau. Chi tiêu quân sự năm 2019 toàn cầu đạt 1.917 nghìn tỷ USD - tăng 3,6% so với năm 2018 và đạt mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010[1], trong khi đó trên thế giới có tới 1,3 tỷ người “nghèo đa chiều”, hơn một nửa trong số này là trẻ em, nguyên nhân chủ yếu của đói nghèo, lạc hậu là do xung đột, chiến tranh, trình độ phát triển lạc hậu, thiên tai, dịch bệnh, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…

Tình trạng chênh lệch giàu nghèo trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia ngày càng tăng: tài sản của hơn 2.100 người giàu nhất thế giới lớn hơn tổng số tài sản của 4,6 tỷ người nghèo nhất trên thế giới, phụ nữ và trẻ em là những người chịu thiệt thòi nhất, khi họ bỏ ra tổng cộng 12,5 tỷ giờ/ngày để làm những công việc chăm sóc gia đình mà không được trả công. Ước tính 22 người đàn ông giàu nhất trên toàn cầu có số tài sản lớn hơn so với tổng số tài sản của tất cả phụ nữ ở châu Phi cộng lại[2].

Cuộc đấu tranh vì hòa bình dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội của các dân tộc trên thế giới trong bối cảnh ngày nay diễn ra rất đa dạng, phức tạp, tuy nhiên có thể phân chia thành hai nhóm: Thứ nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân ở các quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế chống lại sự áp đặt về chính trị, lệ thuộc, bao vây cấm vận về kinh tế, bất bình đẳng trong hợp tác kinh tế, sự thao túng áp đặt trên các lĩnh vực khác nhau. Thứ hai là cuộc đấu tranh của các chủ thể phi quốc gia, nhân dân các dân tộc trên thế giới ở các nước phát triển và đang phát triển có chung lợi ích, mối quan tâm hình thành các tổ chức, phong trào nhân dân đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống bất bình đẳng, bảo vệ môi trường sống ở các khu vực và trên thế giới.

1. Cuộc đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới gặp phải nhiều khó khăn sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1991

Sự phát triển không đồng đều và cạnh tranh tư bản chủ nghĩa đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo, trong đó cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I và Chiến tranh thế giới lần thứ II là hai cuộc chiến tranh gây ra hậu quả tàn khốc nhất. Sự cạnh tranh, thôn tính lẫn nhau, đàn áp bóc lột của chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết giai cấp, dân tộc nhằm mục tiêu chống áp bức, bóc lột, bất công, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, chống nô dịch, giành quyền bình đẳng của nhân loại. Các phong trào đấu tranh của nhân dân lao động tiến bộ, giai cấp công nhân diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp đại diện cho khát vọng hòa bình, công bằng tiến bộ và lương tri loài người đã buộc các chính phủ điều chỉnh chính sách, góp phần giữ gìn hòa bình ổn định tương đối trên thế giới.

Phong trào nhân dân đấu tranh vì hòa bình dân chủ, tiến bộ và công bằng ra đời và phát triển thời kỳ Chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trong giai đoạn ngày nay: Hội đồng hòa bình thế giới [WPC] thành lập năm 1950 nhằm mục đích ủng hộ việc giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, các chiến dịch chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập trên toàn cầu. Liên đoàn công đoàn thế giới [WFTU] thành lập năm 1945 nhằm mục đích chống lại chiến tranh, nguyên nhân của chiến tranh, đấu tranh cho một nền hòa bình bền vững. Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi [AAPASO] thành lập năm 1957 với mục đích phối hợp và thống nhất cuộc đấu tranh của nhân dân Á - Phi chống chủ nghĩa đế quốc, phân biệt chủng tộc, bảo đảm sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các nước thành viên và kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh [OSPAAAL] ra đời năm 1966 là tổ chức nhân dân liên châu lục kết nối các dân tộc đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân bảo vệ độc lập dân tộc vì dân chủ và tự do ở các nước thế giới thứ ba. Nhiều sáng kiến đoàn kết của OSPAAAL được sự hưởng ứng rộng rãi và gây được tiếng vang mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới [WIDF] thành lập năm 1945 nhằm mục đích tập hợp phụ nữ trên toàn thế giới không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo; cùng nhau hoạt động để giành quyền bình đẳng, chống chủ nghĩa đế quốc.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ năm 1991, các tổ chức diễn đàn hợp tác nhân dân đa phương này vẫn tiếp tục hoạt động và đứng trước nhiều khó khăn về đường lối, phương thức hoạt động, tập hợp lực lượng, phạm vi, nội dung và nhân lực già hóa, đều ít nhiều bị thu hẹp, khó khăn về tài chính và gặp phải sự chống phá mạnh mẽ từ các nước tư bản chủ nghĩa, các tổ chức phi chính phủ quốc tế có sự tài trợ của các nước tư bản. Những dấu hiệu tích cực trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng kinh tế, cường quyền áp đặt chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, phong trào đấu tranh của nhân dân các nước khu vực Mỹ Latinh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng CNXH những năm đầu thế kỷ XXI đã lắng xuống và gặp nhiều bất lợi trước sự can thiệp, chống phá của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù phong trào hiện nay đang rơi vào khủng hoảng, song vấn đề đoàn kết nhân dân bảo vệ hòa bình, độc lập, chống nô dịch, lệ thuộc, bất bình đẳng vẫn tiếp tục phát triển, có những điều chỉnh nhằm thích ứng với cục diện và xu hướng quan hệ quốc tế.

Cuộc đấu tranh của nhân dân các quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế chống lại sự áp đặt về chính trị, lệ thuộc, bao vây cấm vận về kinh tế, bất bình đẳng trong hợp tác kinh tế, thao túng thông tin, bất bình đẳng trong trật tự thông tin toàn cầu diễn ra thiếu sự kết hợp trên phạm vi rộng. Nội dung đấu tranh trên nhiều lĩnh vực song chủ yếu đơn lẻ. Bảo vệ môi trường, chống can thiệp nội bộ, chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong kinh tế thương mại, chống chính sách bao vây cấm vận do cường quốc đơn phương áp đặt đối với các nước khác đến thời kỳ này tuy không còn phổ biến, sôi động như thời kỳ Chiến tranh lạnh song vẫn còn ở một số nước như Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Venezuela và một số nước khác ở khu vực Mỹ Latinh...

Mối quan hệ nhân dân phát triển giữa các đảng cộng sản ở các nước trên thế giới, dựa trên ý thức hệ và đoàn kết giai cấp được củng cố phát triển, tuy nhiên giai cấp công nhân ngày nay cũng bị chia rẽ dưới tác động của kinh tế tư bản toàn cầu, bị phân hóa mạnh mẽ và trước những điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản. Đời sống người lao động được đảm bảo tốt hơn, vì vậy mục tiêu, phạm vi, lĩnh vực, nội dung và phương thức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước rất khác nhau. Điều này làm giảm tính đoàn kết, thống nhất trong phong trào đấu tranh của nhân dân trên thế giới, các đảng cộng sản duy trì gặp gỡ quốc tế hàng năm; Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á [ICAPP]; Diễn đàn Sao Paulo của các đảng cánh tả[3]…

Cơ chế tổ chức gặp gỡ quốc tế các đảng cộng sản và công nhân [IMCWP] ra đời năm 1998, thu hút sự tham gia của hơn 120 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới. Đây là diễn đàn các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh của CNXH, vì sự tiến bộ, dân chủ, bình đẳng trên thế giới. Tuy nhiên, những sự khác biệt về lợi ích, những bất đồng trong quan niệm và đường hướng đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản giai đoạn hiện nay đã làm giảm sự thống nhất và sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ.

Trong thời đại ngày nay, mâu thuẫn giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản vẫn đang diễn ra gay gắt. Mâu thuẫn giữa hai chiều hướng phát triển này đang diễn ra ngay trong lòng mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn thế giới và vẫn là mâu thuẫn cơ bản nhất, tác động nhiều mặt đến các mâu thuẫn khác: mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; mâu thuẫn trong quá trình cạnh tranh giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia ở các nước tư bản trên phạm vi toàn cầu; mâu thuẫn trong quá trình phát triển khi tư bản khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên dẫn đến những hệ quả về môi trường, an sinh xã hội mà nhân dân trên thế giới đều phải chịu hậu quả như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, trái đất nóng lên, nước biển dâng… Thực trạng này đã thúc đẩy sự ra đời các phong trào đấu tranh vì sự tiến bộ và phát triển bền vững trên khắp thế giới. Tuy nhiên, mỗi cộng đồng, dân tộc gặp phải các vấn đề khác nhau, vì vậy các hoạt động này chưa có sự phối hợp, đoàn kết chặt chẽ, làm giảm hiệu quả trong tổ chức lực lượng và hoạt động.

Ngoài ra, các trung tâm tư bản lớn luôn giành giật nhau gay gắt, cạnh tranh sống còn nhằm chiếm đoạt, kiểm soát nguồn tài nguyên, năng lượng, nhân lực chất lượng cao và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Trong quá trình đó, bản chất của chủ nghĩa tư bản không phải khi nào cũng thể hiện rõ, hợp tác và đấu tranh xâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau, đan cài phức tạp, làm cho quan hệ chuyển từ bạn sang thù diễn ra nhanh chóng trên cơ sở lợi ích và tương quan sức mạnh nhằm xác lập trật tự thế giới mới.

Trong quá trình này, nhiều cuộc xung đột, chiến tranh kinh tế, thương mại khốc liệt đẩy đời sống nhân dân gặp phải nhiều khó khăn, bất ổn, điều này thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh vì môi trường sống lành mạnh, bảo vệ môi trường, vì hòa bình dân sinh, dân chủ phát triển, song các phong trào này dễ bị lôi kéo, chia rẽ do khác biệt lợi ích và sự điều chỉnh, thỏa hiệp của chủ nghĩa tư bản trong quá trình bành trướng, mở rộng thị trường phạm vi toàn cầu.

Những mâu thuẫn của nước lớn có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến các xung đột cục bộ ở khu vực, xung đột biên giới, khu vực có nhiều tài nguyên và thường được giải quyết thông qua các cuộc chiến tranh mang tính chất “ủy thác” các nước lớn ủng hộ các bên đối lập nhau ở các điểm nóng, qua đó thể hiện sức mạnh nhằm chiếm ưu thế trong các cuộc chiến giành giật tài nguyên, thị trường, không gian ảnh hưởng,… điều này làm cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới phải đề cao cảnh giác khi đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, công bằng, dân chủ và tiến bộ.

 2. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển khoa học - công nghệ tạo ra những thuận lợi và thách thức đối với cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ bảo vệ hòa bình, chống bất bình đẳng trong các lĩnh vực khác nhau

Toàn cầu hóa là quá trình phổ biến và sự giao thoa trên phạm vi toàn cầu các giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tạo ra sự phân chia lại lao động trên phạm vi toàn cầu... Quá trình toàn cầu hóa kinh tế tạo điều kiện cho nhân dân các nước hiểu biết, kết nối với nhau dễ dàng, nhanh chóng, tạo ra sự đa dạng văn hóa, các giá trị và nền hòa bình chung của thế giới được giữ vững. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ của các dân tộc trên thế giới diễn ra thông qua liên kết, cơ chế hợp tác nhân dân xuyên biên giới tổ chức dưới hình thức các diễn đàn nhân dân, các tổ chức phi chính phủ quốc tế có xu hướng phát triển mạnh dưới tác động của toàn cầu hóa. Với sự hỗ trợ của mạng Internet, các mối liên hệ giữa người dân trở nên dễ dàng, công cụ tập hợp lực lượng và chia sẻ thông tin trở nên nhanh chóng, dễ dàng vượt qua khoảng cách về địa lý, kiểm duyệt, không gian và thời gian.

Tuy nhiên, các hoạt động, tổ chức nhân dân đấu tranh vì hòa bình, công bằng tiến bộ cũng dễ bị lôi kéo, chia rẽ do sự khác biệt về lợi ích và phân tầng trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Điều này khiến cho mục tiêu đấu tranh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình dễ bị phân tán.

Sự bất bình đẳng trong quá trình hợp tác kinh tế giữa các cường quốc kinh tế và các nước nhỏ, các nước chậm phát triển đang trở thành vấn đề tiềm ẩn mâu thuẫn, xung đột gay gắt khi mà các nền kinh tế lớn có lợi thế về vốn, khoa học công nghệ, nhân lực sẽ là những nước xây dựng các khuôn khổ, cơ chế hợp tác có lợi hơn cho các cường quốc. Khi tham gia các dự án, tổ chức kinh tế toàn cầu do các nước lớn lập ra, các nước nhỏ dễ rơi vào vòng nợ nần, bị chi phối, can thiệp công việc nội bộ. Thông qua ký kết các điều khoản hợp tác kinh tế, do các nước nhỏ thiếu vốn, nguồn lực hạn chế nên thường phải chấp nhận các quy định do nước lớn đề ra. Đơn cử việc Sri Lanka sau khi tham gia dự án kinh tế “Vành đai và con đường” của Trung Quốc đã bị rơi vào bẫy nợ và phải gia hạn cho thuê Hambantota...

Cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng kinh tế, thương mại và các hành động bảo hộ thương mại ngày nay của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công bằng tiến bộ rơi vào khó khăn do thiếu sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và do lợi ích quốc gia theo đuổi khác nhau nên khó có thể giành thắng lợi trước các cường quốc, tập đoàn kinh tế tư bản toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc ý thức hệ xã hội chủ nghĩa suy giảm, xu hướng đề cao lợi ích quốc gia dân tộc gia tăng khiến các nước lớn dễ dàng chi phối quan hệ quốc tế thông qua việc phân biệt đối xử, thông qua việc ủng hộ hay phản đối các phe nhóm chính trị, can thiệp công việc nội bộ các nước làm cho mục tiêu, lý tưởng đấu tranh vì hòa bình, công bằng tiến bộ càng gặp nhiều khó khăn.

Xu thế hợp tác, đối thoại và quá trình toàn cầu hóa kinh tế phát triển mạnh, xuất khẩu tư bản mở rộng trên phạm vi toàn cầu kéo theo đó là dòng chảy và phân tầng lao động trên thế giới. Trong quá trình đó, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các quốc gia, dân tộc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa với mức độ, phạm vi khác nhau. Sự gia tăng các liên hệ cá nhân xuyên biên giới, các dòng chảy thông tin, văn hóa, tri thức qua mạng xã hội phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ vượt qua không gian địa lý, làm thay đổi cách thức giao tiếp giữa chính phủ với nhân dân và nhân dân với nhân dân trên phạm vi toàn cầu.

Sự đa dạng về tư tưởng, văn hóa và sự cộng hưởng khuyếch tán, chế biến thông tin xuyên biên giới làm cho đời sống nhân dân phong phú, song cũng gây nhiễu loạn và khó đạt được sự thống nhất trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ của nhân dân thế giới. Các hoạt động nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” do các lực lượng phản động nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa, phủ nhận, phá hoại đoàn kết giai cấp, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Trên phương diện chính trị, bài học từ cuộc khủng hoảng ở các nước khu vực Bắc Phi cho thấy sự cần thiết phải đổi mới kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ đối ngoại. Vai trò và nguyện vọng của nhân dân trước các vấn đề dân chủ, tôn giáo, sắc tộc, di dân hay quá trình thay đổi chính quyền cần được quan tâm sát sao để tránh bị bên ngoài lợi dụng can thiệp, thông qua nhiều biện pháp trong đó có truyền thông.

Những điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản thông qua cổ phần hóa nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn kinh doanh, sử dụng một phần lợi nhuận đầu tư vào phúc lợi xã hội, ít nhiều làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân yêu hòa bình ở nhiều nước lắng xuống.

Tác động tiêu cực từ các mối quan hệ đầu tư, kinh tế thương mại bất bình đẳng dẫn đến sự tụt hậu về kinh tế, cạn kiệt tài nguyên ở các nước nghèo, tội phạm xuyên quốc gia, hủy hoại môi trường sinh thái, dịch bệnh gia tăng,… trong các nước chậm phát triển. Hệ quả của nó làm gia tăng làn sóng di cư, tỵ nạn đến các nước phát triển. Sức ép về các vấn đề xã hội do dòng người tị nạn, nhập cư bất hợp pháp là việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một bộ phận người dân sở tại do họ không muốn chia sẻ không gian và điều kiện sống của mình với dân nhập cư. Sự khác biệt văn hóa, các yếu tố dân tộc, sắc tộc trong bối cảnh đó dễ bị lợi dụng là các con bài chính trị, mảnh đất mầu mỡ cho các mâu thuẫn, xung đột phát sinh. Vì vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình cần dựa trên cơ sở đoàn kết rộng rãi nhân dân các dân tộc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời bảo vệ các giá trị chung của nhân loại.

3. Các vấn đề cấp bách toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống thúc đẩy sự hợp tác, liên kết đấu tranh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới ngày càng mạnh mẽ

Trước các vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay như dịch bệnh, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đói nghèo, bất bình đẳng, tụt hậu về kinh tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển làm cho phân hóa giàu nghèo trên thế giới ngày càng gia tăng; tội phạm xuyên quốc gia không giảm, cho thấy mức độ nguy hiểm đe dọa hòa bình an ninh nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó các chính phủ, các tổ chức quốc tế nỗ lực và có những hành động cụ thể góp phần giảm thiểu hậu quả.

Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, 190 chính phủ các nước đã ký kết Thỏa thuận Paris năm 2015 về cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, nhiều nước đã không thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đã ký, thậm chí Mỹ là nước công nghiệp phát triển đã rút khỏi thỏa thuận Paris vào 4.11.2020. Thực trạng này cho thấy tiếp cận từ lợi ích quốc gia trong cuộc đấu tranh vì công bằng, tiến bộ, dân chủ cũng đặt chính phủ và nhân dân các nước trước lựa chọn khó khăn là phải đặt lợi ích của nhân loại, vì công bằng, hòa bình, tiến bộ chung của nhân loại lên trên hết.

Ngoài ra, các cuộc “Cách mạng màu” đã đẩy một số quốc gia rơi vào tình trạng ly khai, mất kiểm soát, chia rẽ, phân hóa mạnh mẽ dựa trên chủ nghĩa sắc tộc, tôn giáo, tình trạng bạo lực, mất an ninh gia tăng tại Trung Đông, Bắc Phi, bán đảo Ban Căng, Trung Á. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia trở nên phức tạp, khó xác định địa bàn và phương thức hoạt động, gây ra những bất ổn và biến động chính trị trên phạm vi toàn cầu. Thông qua các tổ chức, dự án kinh tế, các tập đoàn truyền thông, nghiệp đoàn nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, công ty xuyên quốc gia... Mỹ và đồng minh đang thúc đẩy tư tưởng dân chủ, nhân quyền, tự do kiểu Mỹ và Tây Âu đến các nước khác. Cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ một trật tự thế giới công bằng trên các phương diện về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa thông tin, tránh bị áp đặt, chi phối của nhân loại tiến bộ hiện nay rơi vào khó khăn khi mà hầu hết các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế tư bản nắm giữ khoa học công nghệ, các ứng dụng khác nhau, nhất là thông tin liên lạc, công nghệ kết nối vạn vật...

4. Cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong cơ cấu chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội toàn cầu, điều này vừa thúc đẩy, vừa gây khó khăn cho sự hợp tác, đấu tranh bảo vệ hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới

Trong quá trình cạnh tranh quyền lực, các cường quốc đều muốn gia tăng quyền lực, tìm kiếm lợi ích, kiểm soát, chi phối cục diện thế giới, nhiều quốc gia, dân tộc bị lôi kéo vào vòng cạnh tranh tìm kiếm đồng minh của các nước lớn. Điều này khiến cho cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình có thể bị chia rẽ do khác biệt về lợi ích trong quan hệ với nước lớn. Trong cuộc cạnh tranh này, các cường quốc với các tập đoàn kinh tế tư bản bành trướng trên phạm vi toàn cầu thông qua sử dụng truyền thông, đầu tư, hoạt động kinh tế thương mại, hoạt động hỗ trợ tài trợ, viện trợ nhân đạo các hoạt động phi chính phủ quốc tế... tuyên truyền cho quan điểm, tư tưởng chính trị, hậu thuẫn cho các hoạt động kinh tế thương mại nhằm chinh phục, lôi kéo nhân dân các nước có các nguồn tài nguyên quan trọng nhằm củng cố vị thế quyền lực trên trường quốc tế và kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.

Các nước đang phát triển, các dân tộc nhỏ, yếu có thể ý thức được vấn đề này, song không dễ từ chối các lợi ích từ việc cho vay ưu đãi, cứu trợ, đầu tư quá hấp dẫn từ các nước, các tập đoàn tư bản toàn cầu của các nước lớn. Ngoài ra, các cơ chế hợp tác nhân dân trên thế giới đứng trước những khó khăn, sự chia rẽ trong quan hệ giữa các đảng cộng sản, phong trào công nhân và tầng lớp nhân dân lao động ở các nước khi mà vấn đề lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu như hiện nay.

Trong lịch sử nhân loại, cạnh tranh quyền lực nước lớn nhằm xác lập trật tự thế giới mới là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh, lôi kéo nhiều nước tham gia. Trong quá trình cạnh tranh đó, các nước “phên dậu” bên cạnh nước lớn, các khu vực địa lý có vị trí vai trò chiến lược về mặt giao thương, tài nguyên, nơi có thể phát huy ảnh hưởng sang các khu vực khác… trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc.

Điều này, một mặt, khiến cho nhân dân các nước ở các khu vực này có thể nhận được sự đầu tư nhất định về mặt kinh tế, song tiềm ẩn trở thành những điểm nóng, địa bàn cạnh tranh nước lớn trên nhiều phương diện. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết trong quan hệ quốc tế, bảo vệ của các quốc gia ở vào những khu vực này trở nên khó khăn, dễ bị lôi kéo, áp đặt,… sự khác biệt lợi ích của các bên dễ dẫn đến bị các nước lớn lôi kéo và chia rẽ.

5. Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội trên thế giới hiện nay

Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH của Việt Nam vì lợi ích chính đáng của quốc ga, dân tộc, đồng thời cũng là một bộ phận trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, công bằng, dân chủ và tiến bộ. Việt Nam luôn tích cực giữ mối liên hệ, tham gia các cơ chế hợp tác nhân dân truyền thống, tham gia tích cực vào quá trình tập hợp lực lượng, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm giữa các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới dựa trên 5 nguyên tắc: độc lập tự chủ; bình đẳng; tôn trọng lẫn nhau; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; đoàn kết và hữu nghị, đồng thời tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác nhân dân mới ra đời dưới ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa.

Mặc dù còn những khác biệt về quan điểm chiến lược, mục tiêu phương thức đấu tranh, phương thức tập hợp lực lượng, về con đường xây dựng CNXH, sự phân hóa trong đảng viên ở mỗi nước, hiện tượng đa đảng cộng sản làm suy yếu phong trào nhân dân đấu tranh vì hòa bình, công bằng và tiến bộ. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với trên 200 đảng ở 115 nước khắp các châu lục; trong đó có trên 100 đảng cộng sản và công nhân, hơn 40 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia Quốc hội - Nghị viện các nước. Ngày 8.8.2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 25-CT/TW, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó có các hoạt động ngoại giao đoàn kết với các tổ chức, phong trào đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, dân chủ.

Việt Nam phát huy vai trò gắn kết khi tham gia các hoạt động của các đảng cộng sản, công nhân trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc, gắn liền với lợi ích giai cấp và đoàn kết nhân dân lao động trên thế giới phù hợp với những giá trị chung của nhân loại và luật pháp quốc tế. Việt Nam tham gia Hội nghị Quốc tế các đảng cộng sản và công nhân [IMCWP] và tích cực đóng góp kinh nghiệm, có các hoạt động củng cố tình đoàn kết giữa các thành viên.

Tháng 10.2016, Việt Nam tổ chức thành công “Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và công nhân lần thứ 18” tại Hà Nội với hơn 100 đại biểu, đại diện cho các đảng cộng sản và công nhân các nước từ tất cả các châu lục trên thế giới tham dự. Dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị IMCWP đạt được sự đồng thuận cao để thông qua văn kiện chung sau nhiều năm gián đoạn, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất giữa các đảng cộng sản và công nhân của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thông qua tổ chức hội nghị, trao đổi lý luận, kinh nghiệm hoạt động với các đảng cộng sản, Việt Nam khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, coi trọng củng cố quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản và nhân dân lao động trên thế giới; khẳng định trách nhiệm, vai trò của Việt Nam trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Nội dung trong các cuộc gặp gỡ đặt ra yêu cầu trao đổi về tình hình quốc tế, lý luận và thực tiễn đấu tranh của các đảng cộng sản giai đoạn hiện nay, cần đổi mới các cơ chế phối hợp hành động chung giữa các đảng trong bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động trước các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, áp đặt, bất bình đẳng, khủng hoảng, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Đấu tranh vì hòa bình là mục tiêu nhất quán được các đảng cộng sản thống nhất, chống chiến tranh, chống xâm lược, chống can thiệp, bảo vệ độc lập chủ quyền của các quốc gia vì thế giới hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực tham gia cơ chế đối thoại, hợp tác đa phương như dự Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản [ICS] tổ chức thường niên cho đến khi cơ chế này ngừng hoạt động năm 2015; dự các hội thảo quốc tế, diễn đàn định kỳ tổ chức ở Cuba, khu vực Balkan, Diễn đàn Sao Paulo, các nước trong Phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh, các đảng cộng sản ở châu Âu; dự Hội báo Avanté của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Hội báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp…

Năm 2020, mặc dù vấp phải nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn nhân dân ASEAN dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng”. Diễn đàn thu hút 500 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ ở 10 nước Đông Nam Á tham dự. 11 chủ đề thảo luận tại diễn đàn: hòa bình - an ninh; nhân quyền và tiếp cận công lý; sinh thái bền vững; lao động và nhập cư; chủ nghĩa khu vực thay thế; kinh tế chuyển đổi và đoàn kết, thương mại, đầu tư và quyền lực doanh nghiệp; cuộc sống và phẩm giá; văn hóa và nghệ thuật; đổi mới, công nghệ mới và quyền kỹ thuật số; phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đều vì mục tiêu hòa bình. Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng vì hòa bình như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2017; Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 [APPF-26]…

Nghiên cứu và tham gia có chọn lọc vào cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc vì hòa bình, công bằng và tiến bộ trong bối cảnh hiện nay là góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Việt Nam luôn gắn lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chính đáng của nhân dân trên thế giới, tìm ra tiếng nói chung trong bảo vệ hòa bình, độc lập vì sự phát triển tiến bộ./.

__________________

[1] Theo báo cáo chính thức hàng năm của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm [SIPRI] công bố hôm 27.4.2020, năm 2019, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt 1.917 nghìn tỷ USD - tăng 3,6% so với năm 2018, //baohatinh.vn/binh-luan/buc-tranh-da-mau-ve-chi-tieu-quoc-phong-toan-cau/191457.htm.

[2] Báo cáo của Tổ chức viện trợ Oxfam công bố, theo báo cáo, phụ nữ và em gái là những người chịu thiệt thòi nhất. Họ đã bỏ ra tổng cộng 12,5 tỷ giờ/ngày để làm những công việc chăm sóc gia đình mà không được trả thù lao.

[3] //dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/duong-loi-doi-ngoai-cua-dang-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xii-mot-tam-cao-moi-544967.html

Video liên quan

Chủ Đề