Vật lý y khoa -- Đại học Bách khoa

VẬT LÝ Y KHOA : VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM, PHÂN LOẠI CẤP BẬC VÀ ĐÀO TẠO - TS. Đặng Thanh Lương - Khoa Y, Ngành Vật lý y sinh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh14:38:00 16/11/2021

ĐỊNH NGHĨA NGÀNH VẬT LÝ Y KHOA, VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM

Cuối năm 2020, có một số văn bản pháp luật liên quan tới ngành vật lý y khoa đã được ban hành, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ngành này ở Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa là vai trò của các nhà vật lý y khoa đã dần được các cơ quan quản lý thừa nhận. Ngày 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề Việt Nam. Lần đầu tiên, nhà vật lý y khoa được nêu tên và được xếp chung nhóm ngành Vật lý và Thiên văn học với mã ngành 2111 trong danh mục nghề của Việt Nam. Nhóm ngành này bao gồm các nhà vật lý, vật lý hạt nhân, vật lý y khoa và nhà thiên văn học. Danh mục ngành này được biên soạn dựa trên văn bản gốc “Danh mục nghề ISCO-08” được xuất bản năm 2012 của Tổ chức Lao động Thế giới [ILO]. Một trong những điểm nhấn của văn bản này được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế [IAEA] và Tổ chức Y tế thế giới [WHO] đánh giá cao là đã ghi nhận vai trò của nhà vật lý y khoa là thành viên không thể thiếu trong ekip y tế tham gia vào công việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, thuộc nhóm nghề khối sức khoẻ 22 bao gồm bác sĩ điện quang, bác sĩ xạ trị, bác sĩ y học hạt nhân và kỹ thuật viên[1]. Sau đó ít lâu, ngày 09/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Trong Nghị định này, nguồn nhân lực vật lý y khoa được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để cấp phép hoạt động cho các công việc bức xạ liên quan đến xạ trị và y học hạt nhân. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của nhà vật lý y khoa đã được pháp luật thừa nhận đối với việc nâng cao chất lượng điều trị và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong y học bức xạ. Tuy nhiên, các quy định về điều kiện đối với nhà vật lý y khoa trong chẩn đoán X-quang chưa được nêu trong Nghị định 142/2020/NĐ-CP, điều này cần được bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Theo một số tổ chức quốc tế, ngành vật lý y khoa được định nghĩa như sau:

- Vật lý y khoa là ngành khoa học ứng dụng, áp dụng các kiến thức vật lý, bao gồm các quy luật và hiện tượng vật lý cũng như các nguyên lý kỹ thuật vào sinh học và y học để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Chuyên ngành vật lý y khoa tập trung vào nghiên cứu các vấn đề liên quan tới bức xạ ion hoá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Vật lý y khoa là cầu nối giữa vật lý và y học, nhà vật lý y khoa là cầu nối giữa bác sĩ và công nghệ, vật lý y khoa giữ một vị trí quan trọng trong các ê kíp chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Nhà vật lý y khoa: được dùng chung cho các chức danh kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vật lý y khoa được đào tạo và có bằng cấp tương ứng về chuyên ngành vật lý y khoa.

Theo Danh mục nghề ISCO của ILO hay theo Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg, nghề/ngành vật lý y khoa có vai trò và trách nhiệm chính sau:

a] Áp dụng các nguyên tắc, kỹ thuật và quy trình vật lý để phát triển hoặc cải tiến ứng dụng trong y tế và các ứng dụng thực tiễn khác;

b] Đảm bảo an toàn và phân phối liều bức xạ hiệu quả [ion hóa] cho bệnh nhân để đạt được kết quả chẩn đoán hoặc điều trị theo chỉ định của bác sỹ;

c] Đảm bảo đo lường và mô tả chính xác các đại lượng vật lý được sử dụng trong các ứng dụng y tế;

d] Thử nghiệm, vận hành và đánh giá chất lượng thiết bị được sử dụng trong các ứng dụng như hình ảnh, điều trị y khoa và đo liều;

đ] Tham vấn và tư vấn với các bác sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khác trong việc tối ưu hóa sự cân bằng giữa tác động có lợi và có hại của bức xạ;

e] Xây dựng, thực hiện, duy trì các tiêu chuẩn, quy trình đo đạc các hiện tượng, các đại lượng vật lý được áp dụng trong các lĩnh vực công nghệ hạt nhân, y tế.

ĐÀO TẠO VẬT LÝ Y KHOA VÀ PHÂN LOẠI CẤP BẬC

Đào tạo vật lý y khoa

     Theo thông lệ quốc tế, nhà vật lý y khoa được đào tạo chính quy ở bậc cao học, nghĩa là được đào tạo sau khi đã được trang bị những kiến thức về các môn khoa học cơ bản [toán học, vật lý, sinh học, hoá học] trong thời gian từ 3-4 năm tương đương tốt nghiệp đại học. Các ứng viên này sẽ có đủ điều kiện tham gia khoá đào tạo thạc sĩ vật lý y khoa [thời gian từ 1-2 năm]. Để trở thành nhà vật lý y khoa lâm sàng có trình độ, nhà vật lý y khoa phải học thêm chuyên khoa vật lý y khoa lâm sàng [giống như đào đạo bác sĩ] theo một trong ba chuyên khoa: xạ trị, y học hạt nhân hoặc chẩn đoán X-quang trong vòng 1-2 năm [xem sơ đồ đào tạo vật lý y khoa trên Hình 1].

Hình 1. Sơ đồ đào tạo vật lý y khoa, vật lý y khoa lâm sàng theo tài liệu HSS 25[2] của IAEA.

Đối với các thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các khối ngành kỹ thuật khác, trước khi tham gia vào chương trình vật lý y khoa lâm sàng phải qua một khoá bổ túc về vật lý y khoa.

Theo kinh nghiệm quốc tế, vị trí việc làm của nhà vật lý y khoa là biên chế cố định phải có trong cơ cấu của một cơ sở y tế và giữ vai trò không thể thay thế trong mắt xích chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ông Bozidar Casar, một nhà vật lý y khoa nổi tiếng làm việc tại Viện Ung thư Slovenia đã khẳng định: "Khi các nhà vật lý y khoa bị đẩy ra bên lề đội ngũ y tế khám chữa bệnh sẽ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân".

Theo tài liệu HSS 25, vai trò và trách nhiệm của nhà vật lý y khoa lâm sàng trong các chuyên ngành xạ trị, y học hạt nhân và chẩn đoán được tập trung vào 6 nhiệm vụ chính sau:

  1. Thiết kế lắp đặt, thiết lập các đặc trưng kỹ thuật, nghiệm thu, vận hành thử và bảo trì thiết bị;
  2. Đảm bảo an toàn và bảo vệ chống bức xạ cho bệnh nhân, nhân viên và công chúng;
  3. Đo liều lượng bức xạ cho bệnh nhân;
  4. Tối ưu hoá các khía cạnh vật lý trong các thủ tục y tế;
  5. Quản lý chất lượng đối với các khía cạnh vật lý và kỹ thuật;
  6. Hợp tác với các chuyên gia lâm sàng với tư cách là thành viên chính trong ekip làm việc.

Đối với mỗi chuyên ngành, các nhiệm vụ nêu trên sẽ có những yêu cầu cụ thể được nêu trong Bảng 1 của Tài liệu này.

Ở Việt Nam, trước năm 2017, chưa có trường đại học nào đào tạo ngành vật lý y khoa. Chỉ có một số trường đào tạo khối ngành vật lý kỹ thuật có một số chuyên đề định hướng ứng dụng bức xạ trong y tế như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên. Tháng 8/2017, theo Quyết định số 3167/QĐ-BGDĐT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào taọ cho phép đào tạo thí điểm ngành vật lý y khoa trình độ đại học hệ chính quy. Chương trình đào tạo đại học vật lý y khoa của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xây dựng trong khuôn khổ Dự án hợp tác Kỹ thuật VIE 6030 với IAEA. Chương trình đào tạo vật lý y khoa của Trường có 150 tín chỉ được đào tạo trong 4 năm. Phần cơ bản phù hợp với Bộ chương trình khung giáo dục đào tạo khối ngành kỹ thuật trình độ đại học theo Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT. Phần cơ sở ngành và chuyên ngành, theo chuyên gia của IAEA đánh giá, có nội dung phù hợp với chương trình khung chuẩn đào tạo vật lý y khoa TCS 56 của IAEA. Chương trình này được Hiệp hội các nhà vật lý y khoa quốc tế [IOMP] công nhận. Ngành Vật lý Y Sinh của Trường có đội ngũ giảng viên nhiệt tình, năng động gồm 6 tiến sĩ, 9 thạc sĩ và có phòng thí nghiệm chuyên đề tiên tiến và thực hành y trên cơ sở hợp tác chiến lược với Bệnh viện Chợ Rẫy. Sở dĩ, trường Đại học Nguyễn Tất Thành chưa thể tổ chức đào tạo Vật lý khoa trình độ thạc sĩ là vì luật pháp Việt Nam không cho phép đào tạo bậc thạc sĩ ở một lĩnh vực mà chưa có đào tạo cử nhân của lĩnh vực đó và hơn thế nữa Việt Nam chưa có đủ số tiến sĩ vật lý y khoa để đào tạo cao học ngành này. Từ năm 2020, có thêm một số trường tự mở ngành đào tạo vật lý y khoa.

Phân loại cấp bậc vật lý y khoa

Có nhiều cách phân loại cấp bậc nhà vật lý y khoa. EU phân loại cấp bậc vật lý y khoa theo 4 bậc [5,6,7, và 8][3]. Bảng dưới đây, trình bày chi tiết cách phân loại cấp bậc các nhà vật lý y khoa theo Hiệp hội Vật lý y khoa Châu Á - Châu Đại Dương [AFOMP]:

Bảng 1. Cấp bậc vật lý y khoa theo Hiệp hội Vật lý y khoa Châu Á - Châu Đại Dương [AFOMP]

Bậc 1: tương đương chuyên viên thực tập

Bậc 2: tương đương chuyên viên

Bậc 3: tương đương chuyên viên chính

Bậc 4: tương đương chuyên viên cấp cao

  • Nhà vật lý y khoa bậc 1 là người đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học vật lý y khoa và đang trong những năm đầu làm việc sau khi hoàn thành chương trình học.
  • Các nhà vật lý y khoa này chưa phải chịu bất cứ trách nhiệm nào liên quan đến thiết bị hoặc các quy trình. Trách nhiệm của họ trong giai đoạn này là làm việc dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý y khoa ở bậc cao hơn.
  • Nhà vật lý y khoa bậc 3 là người có nhiều kinh nghiệm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vật lý y khoa lâm sàng chính quy và giữ nhiều trọng trách trong việc quản lý phòng ban.
  • Họ được công nhận như là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình và có nhiều đóng góp cho nghiên cứu và phát triển.
  • Nhà vật lý y khoa bậc 4 là người có trách nhiệm tổng thể trong việc lên kế hoạch, tổ chức và quản lý các nhà vật lý y khoa trong việc hỗ trợ các quá trình chẩn đoán và điều trị, hiệu chuẩn và thu thập dữ liệu thiết bị, đào tạo vật lý y khoa,… trong một bệnh viện hoặc một nhóm các bệnh viện.
  • Họ được công nhận ở cấp độ quốc gia và có thể được công nhận quốc tế như một chuyên gia trong tất cả các khía cạnh liên quan đến lĩnh vực của họ, và có khả năng lãnh đạo các nhà vật lý y khoa trong tất cả các hướng chuyên ngành.

KẾT LUẬN

Sau nhiều năm phấn đấu, vai trò và trách nhiệm của các nhà vật lý y khoa đã dần được xã hội, luật pháp thừa nhận - bằng chứng là gần đây nhiều văn bản pháp luật có liên quan đã được ban hành. Hy vọng trong tương lai, khi Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được thông qua, các nhà vật lý y khoa sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề như bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên… Khi đó, những nhà vật lý y khoa sẽ phát huy mọi khả năng của mình để đáp ứng các yêu cầu ngày càng phát triển của ngành y cũng như yêu cầu của quy hoạch phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và hạt nhân trong y tế, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả ứng dụng bức xạ ion hoá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nhân dịp này, tác giả thay mặt Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và IAEA cùng các cơ quan hữu quan đã ủng hộ và hỗ trợ trường xây dựng thành công Chương trình đào tạo Vật lý y khoa bậc đại học đầu tiên của Việt Nam. Với những chương trình đạo tạo như vậy cùng với sự quản lý chặt chẽ, khách quan của các cơ quan quản lý, chúng ta vững tin sẽ có một đội ngũ vật lý y khoa có khả năng đảm đương được vai trò và trách nhiệm của mình theo quy định của luật pháp cũng như yêu cầu của xã hội.

[1] Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề ISCO-08.

[2]Tài liệu IAEA HSS 25: Vai trò và trách nhiệm, yêu cầu đối với giáo dục và đào tạo nhà vật lý y khoa lâm sàng.

[3]Tài liệu RP174-EU-Hướng dẫn chuyên gia vật lý y khoa.

Nguồn Bản tin Năng lượng nguyên tử và Cuộc sống số 2 năm 2021.

Video liên quan

Chủ Đề