Ứng dụng của máy tính trong kinh tế

PTo- Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp, những năm gần đây, hạ tầng công nghệ thông tin [CNTT] của tỉnh ngày càng phát triển, việc ứng dụng CNTT đã trở nên khá phổ biến và đang trong lộ trình đưa CNTT từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Bằng tính năng ưu việt và những tiện ích của mình, CNTT đã, đang và sẽ góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống và chỉ số phát triển con người.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hệ thống một cửa điện tử đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giúp người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với các dịch vụ hành chính công.

- Mô hình một cửa điện tử tại UBND thành phố Việt Trì.

Để có bước tiến trong phát triển CNTT như hiện nay, tỉnh ta đã sớm có những động thái tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên từng lĩnh vực. Ở tầm chỉ đạo vĩ mô, ngay từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2015, tiếp đó là kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về việc đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông đến năm 2020 và mới đây nhất là kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo CNTT để tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên lĩnh vực này…

Có thể thấy rằng, từ những bước đi và động thái tích cực như trên, hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh ngày càng phát triển, trong đó hạ tầng viễn thông và internet tiếp tục hoàn thiện theo hướng đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao tính tiện ích, chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Mạng viễn thông của tỉnh đã có trên 1.800 trạm thu phát sóng thông tin di động; có 1.988.878 thuê bao điện thoại, hơn 5.000 km cáp quang từ tỉnh đến huyện; internet tốc độ cao đã kết nối tới trung tâm 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 125.000 máy tính, 115.000 thuê bao internet, số máy tính trong các hộ gia đình ước có khoảng hơn 75.500 chiếc, số máy tính trong các doanh nghiệp có trên 27.000 chiếc, đạt tỷ lệ gần 4 máy/doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đã thiết lập hệ thống mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng.

Trên một bình diện khác, hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước hàng năm đều được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc, do vậy 93% cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị máy tính làm việc; 100% các cơ quan, đơn vị ở tỉnh và huyện có mạng nội bộ và kết nối internet tốc độ cao; các thiết bị phụ trợ khác như máy in, máy photo, máy Scane được trang bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc. Đó là chưa kể 100% các xã, phường, thị trấn đã có máy tính và kết nối internet phục vụ công tác; hệ thống máy chủ cùng với các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, an toàn, an ninh thông tin được trang bị để lưu trữ các dữ liệu chung của tỉnh, các trang thông tin của các sở, ngành, huyện, thị, hệ thống thư điện tử của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản và điều hành; mạng số liệu chuyên dùng cơ bản được thiết lập đến các cơ quan, đơn vị để truyền dữ liệu phục vụ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, tiến tới thiết lập mạng diện rộng của tỉnh…

Nếu như hạ tầng kỹ thuật ngày càng phát triển thì song hành với nó, ứng dụng CNTT cũng không ngừng được đẩy mạnh. Với các cơ quan Đảng, Nhà nước, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác. Đi đôi với hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu văn kiện Đảng như cập nhật đầy đủ hệ thống văn kiện của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với tổng số 4.503 tệp văn bản [hơn 13.000 trang tài liệu], việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng dùng chung và chuyên ngành, ứng dụng trên Web như chương trình quản lý đảng viên với hơn 90.000 hồ sơ, kỷ yếu các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, kỷ yếu Văn phòng Tỉnh ủy cũng được đẩy mạnh. Việc cập nhật thông tin hàng ngày trên Trang thông tin của Tỉnh ủy được tăng cường, đặc biệt là các thông tin chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đã triển khai thống nhất phần mềm quản lý tài chính Đảng IMAX 8.0 đến toàn bộ các cơ quan Đảng trong tỉnh.

Tại các cơ quan Nhà nước, việc ứng dụng CNTT được triển khai hiệu quả, đảm bảo 98% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo máy tính trong công việc. Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Trưởng phòng Quản lý CNTT [Sở TT&TT], đến nay tỉnh đã cấp 3.885 hộp thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và các xã của các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Yên Lập cùng một số cơ quan có nhu cầu. Đã có 30 cơ quan triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư với 15 điểm cầu tại UBND tỉnh, Sở TT&TT và 13 huyện, thành, thị đã đi vào hoạt động, hỗ trợ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành. Cổng giao tiếp điện tử tỉnh đã cung cấp toàn bộ 1.781 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 1, 2 và một số dịch vụ ở mức độ 3; hầu hết các sở, ngành, huyện, thị đã có trang hoặc cổng thông tin điện tử.

Đáng chú ý là, việc ứng dụng CNTT không chỉ dừng ở các cơ quan hành chính Nhà nước mà còn được triển khai thực hiện ở các doanh nghiệp và chính người dân. Ngoài 10 đơn vị đã ứng dụng CNTT vào hệ thống một cửa điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, trên địa bàn tỉnh hiện có 380 doanh nghiệp xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm, hơn 52.000 hộ gia đình thuê bao internet để học tập, nghiên cứu, trao đổi thông tin phục vụ cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu cá nhân. Về công nghiệp và dịch vụ CNTT, tỉnh ta có Công ty NAMUGA - doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đứng chân trên địa bàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh, máy tính, ti vi và các thiết bị khác với 1.200 lao động, dự kiến giá trị xuất khẩu cả năm 2015 đạt khoảng 270 triệu USD; đồng thời có 9 doanh nghiệp kinh doanh công nghiệp nội dung số, chủ yếu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền và có hơn 190 doanh nghiệp dịch vụ CNTT, hầu hết là hoạt động mua bán kinh doanh các thiết bị phần cứng về CNTT.

Điều dễ nhận thấy là, thời gian qua tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và triển khai các dự án về CNTT. Nhìn vào những con số như hơn 90% cán bộ, công chức được đào tạo, có chứng chỉ tin học; 100% các trường THPT giảng dạy bộ môn tin học theo chương trình của Bộ GD&ĐT; bình quân mỗi năm có 265 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp chuyên ngành CNTT; nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách CNTT và diễn tập ứng cứu sự cố máy tính được tổ chức đã phần nào minh chứng cho điều đó. Ít ai biết rằng, nhờ chú ý đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu và đào tạo chuyên gia về CNTT mà tỉnh ta đã có trên 30 thạc sĩ, 4 người đã và đang đào tạo tiến sĩ CNTT trong và ngoài nước, hơn 20 người có chứng chỉ quản trị mạng quốc tế CCNA, nhiều người có các chứng chỉ của Microsoft và chứng chỉ của Bộ TT&TT về quản lý, tư vấn, giám sát CNTT; ngay trong năm 2015 đã có hàng chục dự án về CNTT được triển khai thực hiện…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực như đã kể trên nhưng cũng không khó để nhận ra những “điểm yếu” trong phát triển CNTT ở tỉnh ta những năm qua, nhất là về hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT dùng chung, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, khắc phục những “rào cản” này và thúc đẩy CNTT phát triển, theo ông Nguyễn Hữu Việt - Phó Giám đốc Sở TT&TT, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT đi đôi với xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách rộng rãi, thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức; phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới.

Cũng theo ông Việt, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong QP - AN, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, internet cũng như tăng cường hợp tác quốc tế. Trong tổng hòa các giải pháp mang tính cần và đủ, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ứng dụng CNTT; tiếp tục hoàn chỉnh Bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị, coi đây là tiêu chí để xếp loại thi đua khen thưởng hàng năm.

Được biết, mục tiêu trong lộ trình từ nay đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu ứng dụng CNTT để góp phần đắc lực thực hiện các khâu đột phá chiến lược, trong đó triển khai hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng Chính phủ điện tử, đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện khung kiến trúc Chính phủ điện tử tỉnh Phú Thọ, đảm bảo hoạt động các cơ quan của tỉnh chủ yếu trên môi trường mạng; cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 1, 2 và 70% mức độ 3, 4 trong nhiều lĩnh vực cho người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa kết cấu hạ tầng KT - XH, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực về CNTT cung ứng cho tỉnh và khu vực…

Tiến Dũng

Video liên quan

Chủ Đề