Máy ảnh crop và full frame là gì

Như ta đã biết, máy ảnh có 3 nhóm chính: DSLR, Mirrorless và Compact. Cả 3 loại này tùy từng dòng, đều có những mẫu máy sử dụng cả cảm biến Full Frame, Crop APS-C và Micro Four-third. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, Wiki Nhiếp ảnh tập trung phân tích cho sự phổ biến của cảm biến Full Frame và Crop trên 2 loại máy DSLR và Mirrorless.

Trong thực tế, cảm biến máy ảnh thường được chế tạo rộng rãi ở kích thước nhỏ hơn 23.7mm x 15.7mm - gọi là cảm biến APS-C. Tại sao vậy? Lý do ở đây là chi phí sản xuất - giá thành. Việc sản xuất cảm biến lớn cần công nghệ và kỹ thuật cao, dẫn đến chi phí lớn, và giá thành máy ảnh không hề rẻ. Do đó, để sản phẩm dễ tiêu thụ hơn, cảm biến Crop được ra đời. Như vậy, máy Crop là loại máy ảnh được trang bị cảm biến APS-C. [Crop nghĩa là cắt cúp, APS là công nghệ sản xuất cảm biến, viết tắt của Advanced Photo System]. 

Ứng với mỗi tiêu cự, ta có được một ảnh trên mặt phẳng cảm biến. Khi ta đặt một cảm biến Full Frame này vào mặt phẳng đó, rõ ràng khung cảnh sẽ rộng hơn là đặt vào một cảm biến APS-C. Tức là góc nhìn cho trên máy Full Frame rộng hơn trên Crop ở cùng một tiêu cự. Do vậy khi sử dụng ống kính trên máy Crop, để có được một góc nhìn tương đương trên Full Frame ta phải nhân với hệ số 1.5, trên máy Canon là 1.6, gọi là hệ số crop.

Góc nhìn của Crop và Full Frame

Ví dụ, chụp ảnh với tiêu cự 16mm trên máy Crop cho góc nhìn tương đương 24mm trên máy Full Frame.

Tuy nhiên, phải lưu ý một điều rằng, việc quy đổi tiêu cự này chỉ dựa trên nguyên tắc: TƯƠNG ĐƯƠNG GÓC NHÌN, chứ không tương đương các yếu tố khác như: độ sâu trường ảnh DOF, bokeh, hiệu ứng tiêu cự [gần to, xa nhỏ]

Khi mua ống kính máy ảnh, ta cần nắm rõ ống kính đó là dành cho máy Crop hay máy Full Frame, để xác định chính xác tiêu cự [góc nhìn] mình cần là gì, từ đó mua ống kính cho đúng nhu cầu.

Do kích thước cảm biến lớn hơn hẳn so với máy ảnh Crop, máy ảnh Full Frame có những ưu điểm sau:

- Thu được nhiều sáng hơn do diện cảm sáng lớn hơn, từ đó chụp thiếu sáng tốt hơn.

- Khả năng chống noise [nhiễu hạt] tốt hơn do các pixel cũng có kích thước lớn hơn tương ứng.

- Dải Dynamic Range rộng hơn so với Crop

- Độ sâu trường ảnh mỏng hơn khi chụp với cùng tiêu cự, cùng khung hình so với máy Crop. Điều này có nghĩa xóa phông "mạnh" hơn khi chụp chân dung.

- Cùng một ống kính, khi chụp trên Full Frame sẽ có góc rộng hơn trên Crop, phù hợp cho mục đích phong cảnh và đường phố.

- Các ống kính cho máy Full Frame thường được sản xuất với chất lượng quang học cao hơn ống cho Crop.

Canon 5DmarkIV ra mắt cuối 2017

Với chính đặc tính cảm biến APS-C nhỏ hơn của mình, máy ảnh Crop có ưu điểm sau:

- Độ sâu trường ảnh rộng hơn khi chụp với cùng tiêu cự, cùng khung hình so với máy Full Frame. Điều này có nghĩa chụp macro lấy nét được sâu hơn. Ví dụ chụp macro với ống 90mm, muốn tạo ra cùng một khung hình, thì người cầm máy Crop phải lùi lại, dẫn đến xa chủ thể hơn, và theo đó độ sâu trường ảnh rộng hơn. Xem thêm chi tiết: ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH LÀ GÌ.

- Tận dụng được phần trung tâm của ống kính. Đa số ống kính cho sắc nét nhất là phần trung tâm, mờ dần ra viền. Nhưng điều này không quá khác biệt với các ống kính tối tân hiện nay.

- Giá thành body và ống kính rẻ hơn nhiều so với máy ảnh Full Frame. 

- Số lượng lens phổ thông nhiều hơn Full Frame.

- Kích thước body và ống kính nhỏ hơn, trọng lượng nhẹ hơn.

Canon 200D ra mắt 2017

- Ngoài ra còn một ưu điểm nữa đang gây tranh cãi trong giới chơi ảnh, đó là khả năng chụp xa hơn do hệ số crop được nhân lên cho tiêu cự. Ví dụ ống kính 50mm khi gắn trên Crop sẽ cho khung hình tương đương 75mm trên Full Frame. Điều này không hoàn toàn đúng khi so sánh giữa 2 cảm biến Full Frame và Crop có cùng đời sản xuất, và mật độ Pixel như nhau. Cụ thể, một cảm biến Full Frame có độ phân giải 36 Mp, khi cắt cúp với đúng tỷ lệ đường chéo 1.5, ta sẽ thu được một cảm biến có độ phân giải 10 Mp. Như vậy, giả sử nếu nói Máy Crop 10 Mp chụp xa hơn máy Full Frame 36 Mp là một sai lầm. Bởi thực chất, hình ảnh chỉ đơn giản là bị cắt cúp đi với hệ số crop 1.5 mà thôi.

Góc nhìn trên từng cỡ cảm biến

Cần nắm rõ nhu cầu của mình trước khi mua máy ảnh là gì. 

- Bạn muốn chụp chân dung, phong cảnh, macro. Nếu là chân dung, máy Full Frame sẽ dễ cho bạn những khung hình xóa phông mượt mà hơn. Nếu là phong cảnh, máy Full Frame sẽ cho dải Dynamic Range rộng hơn, nhưng máy Crop lại cho độ sâu trường ảnh rộng hơn. Tương tự chụp Macro cũng vậy, máy Crop cho phép bạn lấy nét sâu hơn các vật thể nhỏ xíu.

- Mức tài chính của bạn ra sao. Máy Full Frame thông thường là mắc hơn rất nhiều so với máy Crop, có thể là gấp đôi hay gấp ba, bốn lần. Cả về body và lens.

- Mức độ nhu cầu chất lượng ảnh. Bạn muốn chụp chuyên nghiệp hay chỉ chụp chơi. Bạn muốn chụp khoe facebook thôi hay muốn in ra ảnh đóng khung cỡ lớn.

Máy Crop Sony a6300

Với công nghệ như hiện nay, máy ảnh được trang bị những thứ "vũ khí công nghệ" cực kỳ tối tân. Khoảng cách giữa máy Crop và máy Full Frame được rút ngắn đáng kể về chất lượng hình ảnh. Đặc biệt là ống kính của máy Crop đang được đầu tư thích đáng. Nếu là một người chơi thông thường, bạn đừng quá quan tâm đến đến việc lựa chọn cái nào, tránh chạy đua vũ trang" mà lãng phí tiền bạc. Thay vào đó đầu tư cho kiến thức, tư duy và sự sáng tạo trong từng khung hình nhiếp ảnh.

Bạn có biết hình nào được chụp từ máy Crop, hình nào được chụp từ máy Full Frame không?

Canon có các dòng Full Frame có ký hiệu 1 số + chữ D, như dòng Canon 5D mark I, 5D mark II, 5D mark III, 5D mark IV mới ra đời năm 2017; dòng 6D mark I, 6D mark II; Canon 5Ds, Canon 1Ds.

Canon 6DII ra mắt 2017

Nikon có các dòng Full Frame phổ thông là: Nikon D610, D600.

Dòng cao cấp D700, D810, D850.

Dòng chuyên dụng thể thao, hoang dã D3, D4s.

Nikon D850 mới ra mắt năm 2017

Full Frame Sony có các dòng Sony A7, A7mI, A7mII, A7mIII.

Chuyên chụp thiếu sáng có A7S, A7SII.

Chuyên chụp độ phân giải cao có A7R 36Mp, A7RmII 42Mp, A7RmIII 42Mp.

Sony A7III

Hiện nay máy Crop có quá nhiều lựa chọn tuyệt vời, đặc biệt là dành cho người mới chơi. Tuy nhiên không phải vì thế mà chất lượng hình ảnh của máy Crop là kém cạnh, mà ngược lại, càng ngày người ta càng phải nhìn nhận lại khả năng tuyệt vời của một máy ảnh Crop tối tân. Wiki đề xuất các máy Crop có giá dưới 20 triệu mà hiệu năng tốt nhất 2018 sau đây:

- Giá bán tham khảo: 15.000.000 đ

- Cảm biến: CMOS 20.2MP

- Bộ xử lý hình ảnh: DIGIC 5+

- ISO: 100 - ISO 12800

- Hệ thống lấy nét: 19 điểm

- Chụp ảnh liên tục: tốc độ cao tối đa xấp xỉ 7,0 ảnh/giây

- Hỗ trợ kết nối Wifi

- Giá bán tham khảo: 17.000.000 đ

- Cảm biến: CMOS 24.2 megapixels

- Bộ xử lý hình ảnh: DIGIC 7

- Hệ thống lấy nét: 49 điểm AF tối đa

- Chụp ảnh liên tục: 7 fps với SERVO autofocus

- Hỗ trợ kết nối Wifi, NFC và Bluetooth

Sony Alpha A6300 Kit 16-50mm f/3.5-5.6 OSS Zoom

Trên tay Sony a6300

- Giá bán tham khảo: 20.000.000 đ

- Cảm biến CMOS APS-C 24MP

- Bộ xử lý hình ảnh BIONZ X

- Hệ thống lấy nét AF 425 điểm theo pha

- Chụp liên tiếp 11fps [8fps ở chế độ live-view]

- Có chế độ chụp yên lặng [Silent shooting như A7RII]

- Dải nhạy sáng ISO 100 - 51200

- Quay video 4K lên tới 100Mbps, S-Log3 Gamma

- LCD 3.0" 921.6K

- Ống kính đi kèm Sony 16-50mm f/3.5-5.6 OSS Zoom Chụp bằng máy Full Frame hay Crop không phải vấn đề đáng băn khoăn đầu tiên. Cái mà bạn cần là đầu tư cho kiến thức và các tư duy, kỹ năng cần thiết cho nhiếp ảnh. Tôi đã thấy và rất thích những tấm hình chụp cực đẹp sử dụng máy Crop APS-C. Bản thân tôi nhiều khi cũng không phân biệt được một tấm hình là chụp từ máy nào. Trong khi đó, máy Crop có body và lens nhỏ gọn hơn, đó là ưu điểm mà tôi rất quan tâm. Máy Crop cũng thường xuyên theo tôi trong những buổi chụp đường phố, hoặc đi xa mà ngại mang nặng. Bạn chỉ cần đến Full Frame khi thực sự đã quá nhuần nhuyễn với máy Crop và muốn đạt một giới hạn cao hơn mà hiện tại máy Crop chưa đáp ứng được. Chỉ ra các giới hạn đó, trải nghiệm thực tế tại các gian hàng bán máy, hoặc mượn bạn bè chụp thử coi máy Full Frame có thực sự hỗ trợ giải quyết các giới hạn đó không? Hay chỉ đơn thuần là kỹ năng của mình chưa đủ. Sau đó hẵng ra quyết định nhé!

Chúc bạn luôn có thật nhiều niềm vui trong nhiếp ảnh!

Xem thêm: LÝ THUYẾT NHIẾP ẢNH - 33 KIẾN THỨC CƠ BẢN MÀ ĐỈNH CAO.

Video liên quan

Chủ Đề