Thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ở việt nam

Điểm đến của khoảng 65% trong số "nô lệ tình dục" này là Trung Quốc, sau đó là Campuchia, Lào, Thái Lan, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Trẻ em bị bán trong các cuộc đấu giá trên Internet cho kẻ trả giá cao nhất, thông qua các website đặc biệt, cập nhật "những gương mặt mới ít nhất 3 hoặc 4 lần mỗi ngày".


Từ năm 1998 tới đầu năm 2010, khoảng 4.500 phụ nữ và trẻ em đã bị đưa qua biên giới Việt Nam thông qua những đường dây buôn người. Năm 2009, các chiến dịch phối hợp giữa Chính phủ các nước Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đã bắt được 31 kẻ buôn người, giải cứu hàng chục nạn nhân gồm phụ nữ và trẻ em.

Nạn mua bán "nô lệ tình dục" lớn nhất được ghi nhận tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi số lượng các vụ buôn người trái phép chiếm khoảng 65% số vụ. Các nạn nhân nữ bị bắt ép phục vụ thị trường mại dâm hoặc bị bán làm cô dâu hay "lao động khổ sai".


Thêm 10% trường hợp liên quan đến nạn buôn người được ghi nhận ở biên giới giữa Việt Nam và Campuchia: Phụ nữ bị bắt phục vụ khách làng chơi ngay khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa tới các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp và Đức.


Cũng theo mạng thông tấn “Tin tức châu Á”, một tài liệu mới công bố của Chính phủ Việt Nam gần đây cho thấy, hiện có khoảng 6,3% số vụ các nạn nhân bị đưa vượt biên giới sang Lào, xuyên qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Trị. Trong một số trường hợp, các nạn nhân được đưa tới 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài để tới Malaysia, Hongkong, Macau hoặc các nước thuộc châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Câu chuyện chưa có hồi kết

Theo Thiếu tướng Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), những năm qua, tình hình buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, xảy ra ở hầu hết các tỉnh có đường biên giới.

Tỉnh Cao Bằng nằm trong số các địa phương có nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua đường biên giới rất phức tạp. Với hơn 300 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra trên dưới 10 vụ buôn bán phụ nữ qua biên giới. Bước đầu tỉnh Cao Bằng đang có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên kết quả chưa đáng kể. Theo ông Nguyễn Thành Văn - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội) tỉnh Cao Bằng, biện pháp ngăn chặn hiện nay của các cơ quan chức năng trong tỉnh chưa có hiệu quả, vì đường biên giới quá dài, thêm vào đó đồng bào ở giáp biên lại có mối quan hệ lâu dài với người dân bên kia biên giới nên việc ngăn chặn cũng gặp không ít khó khăn”.

Ngoài Cao Bằng, khi nói đến nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở vùng biên giới, phải kể đến tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là một trong những địa phương có nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới diễn ra rất phức tạp. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ năm 1990 trở về đây, có khoảng 140 phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài và khoảng 4.800 trường hợp di cư bất hợp pháp… Đối tượng bị hại đa phần là vị thành niên từ 15 tuổi trở xuống. Anh Trương Đại Kết - bộ đội biên phòng - Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài biên giới. Nạn nhân hầu hết ở độ tuổi rất trẻ, nghe theo lời dụ dỗ đường mật, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới, nên dễ bị mắc lừa”.

Từ năm 2004, thực hiện Quy định 130 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các hoạt động trinh sát khám phá đối với loại tội phạm này, công an tỉnh Lạng Sơn đã khám phá được 13 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, bắt giữ 21 đối tượng, giải cứu được nhiều đối tượng. Qua đơn thư kêu cứu của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, các hoạt động điều tra phá án cũng được thực hiện và đã giải cứu được hơn 20 nạn nhân. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Khải - Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội - Công an tỉnh Lạng Sơn, công tác phá các chuyên án buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Lạng Sơn hiện là bài toán chưa có lời giải. Khó khăn nhất hiện nay là do điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, mặc dù xác định được người phạm tội, nhưng nạn nhân vẫn không giải cứu được về, cũng có nghĩa là không chứng minh được đối tượng phạm tội, và như vậy không thể thực hiện được việc truy tố xét xử. Thứ nữa là khi lừa bán phụ nữ và trẻ em, các đối tượng thường không nói tên và địa chỉ thật, nên khi nạn nhân trở về tố giác thì không xác minh được, vì địa chỉ, tên nạn nhân cung cấp là không có thật…”.

Tại Hà Giang, một tỉnh miền núi biên giới, có tới 274 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, những năm qua, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới ở tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng. Đây còn là một địa bàn trung chuyển nạn nhân từ các tỉnh khác qua. Theo số liệu của ngành công an, từ năm 2004 đến nay, số chị em vắng mặt trên địa bàn tỉnh là hơn 600. Trong số này, có hơn 400 chị là nạn nhân bị buôn bán, đưa ra biên giới Trung Quốc, còn lại là vắng mặt chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt trong năm 2005 đã bắt 12 vụ, đưa ra truy tố trước pháp luật 4 vụ với 7 đối tượng và 6 nạn nhân là phụ nữ. 8 vụ đang được hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử. Con số nạn nhân lên tới 67 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp là trẻ em. Chúng bán phụ nữ sang Trung Quốc chủ yếu vào các ổ chứa mại dâm, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 15-16 tuổi. Thực trạng này đang diễn ra ở vùng dân tộc thiểu số các xã biên giới thuộc huyện Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần, trở thành một tệ nạn mới trên địa bàn của tỉnh.

Đâu là nguyên nhân?

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người qua biên giới chính là sự nghèo đói. Chỉ cần một lời mời đi làm ăn với thu nhập cao thì đa phần chị em hưởng ứng và trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Theo chị Hà Thị Luy, điều phối viên - Trung tâm Hỗ trợ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tỉnh Hà Giang, nguyên nhân chủ yếu là do chị em thiếu việc làm, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Một nguyên nhân nữa là trình độ hiểu biết về pháp luật cũng như về xã hội, kiến thức về buôn bán phụ nữ trẻ em còn thiếu. Một số nguyên nhân cá biệt nữa là một số chị em thích có cuộc sống giàu sang, do vậy cũng tìm đến những nơi có thu nhập cao, rồi kẻ xấu dùng các thủ đoạn lừa gạt dụ dỗ đi làm ăn xa…

Anh Hoàng Anh Đức - bộ đội biên phòng - Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Giang cho rằng: Nhận thức về điều kiện thực tế của người dân gần biên giới còn hạn chế, bị đối tượng lừa gạt đưa sang bên kia làm việc kiếm tiền, người dân không biết mình đang bị lừa mà lại cho rằng đang được giúp …

Ngoài ra cũng có thể do việc quan hệ yêu đương, thanh niên nam nữ không tìm hiểu kỹ nên bị kẻ xấu lừa.

Giải pháp nào để chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

Phối hợp với các ngành liên quan, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Trung tâm hỗ trợ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tỉnh Hà Giang đã đề ra một số biện pháp: Trước hết là tuyên truyền nâng cao kiến thức cho các nạn nhân bị buôn bán qua biên giới trở về và các đối tượng của các nhóm nguy cơ cao.Thông qua truyền thông cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biện pháp phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, chị em phụ nữ nắm bắt được các thông tin để biết cách phòng tránh, nâng cao cảnh giác đấu tranh phòng chống tội phạm. Thứ hai, tìm cách cải thiện về kinh tế cho các đối tượng quay trở về cũng như nhóm chị em dễ bị tổn thương bằng các hoạt động cụ thể như dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em. Mặt khác lập các dự án hỗ trợ, tín chấp cho chị em vay vốn để phát triển các ngành nghề, học nghề cũng như phát triển kinh tế để các chị là nạn nhân bị buôn bán quay trở về được tái hoà nhập với cộng đồng.

Việc giúp đỡ các đối tượng bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng được coi là vấn đề cấp bách. Nếu không tạo cho họ một nghề kiếm sống ổn định thì khó có thể giữ chân họ ở quê hương. Kiếm sống tha phương là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Để làm giảm đến mức thấp nhất số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em vùng biên giới, rất cần sự quan tâm đầu tư thích đáng của các cấp, các ngành trong việc phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới./.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy lùi loại tội phạm này, để chúng không còn “đất” hoạt động.

Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.

Thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ở việt nam

Phụ nữ và trẻ em, chiếm hơn 85% nạn nhân mua bán người, cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch Covid-19.

Những con số biết nói

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.

Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Đáng chú ý, gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế.

Ngoài ra, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại “quay đầu” trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán. Phụ nữ và trẻ em, chiếm hơn 85% nạn nhân mua bán người, cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch.

Nhiệm vụ trọng tâm

Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nhằm thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng.

Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm.

Hằng năm, các đơn vị liên ngành này mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường.

Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và trải rộng trên nhiều phương diện nhằm buộc loại tội phạm này phải “sa lưới”.

Phương hướng đấu tranh

Tuy nhiên, một khi hành vi mua bán người vẫn còn “đất sống” ở Việt Nam, thì chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực đấu tranh đẩy lùi loại tội phạm này.

Đây cũng là một trong những vấn đề mà Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện tốt.

Một là, xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị những hành vi mua bán người.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.

Giáo dục cho mọi công dân ý thức được thủ đoạn của bọn phạm tội mua bán người, hậu quả tác gây ra cho nạn nhân và xã hội.

Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người.

Bốn là, bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ, đồng thời tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân này có thể sớm ổn định cuộc sống.

Năm là, tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Cụ thể là, triển khai thực hiện có hiệu quả các công ước, văn kiện quốc tế liên quan đến phòng, chống mua bán người mà Việt Nam gia nhập.

Đồng thời, phối hợp, trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế liên quan, lực lượng chức năng các nước láng giềng, để hỗ trợ nhau trong công cuộc đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam