Tâm lý học dân tộc Vũ Dũng

GS.TS Vũ Dũng - Nhà nghiên cứu không bao giờ nghỉ ngơi

17:35 - Thứ Ba, 09/06/2015

“Tuổi thanh xuân thiết tha với bến cảng / Ta chiến đấu nơi đây bao ngày đêm/ Nghe sóng vỗ mênh mang khi triều lên/ Ta bám biển, ta bám tàu…” Lời bài hát đó thật phù hợp khi mở đầu trang viết về GS. TS Vũ Dũng - Chủ tịch Hội tâm lý học Xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Ông sinh ra và trưởng thành trên đất Cảng, những năm tháng tuổi đôi mươi của ông là những năm tháng mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào những giai đoạn cam go nhất, lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ. Người thanh niên tuổi đôi mươi Vũ Dũng năm ấy, cũng hòa chung vào nhiệt huyết dân tộc lên đường nhập ngũ. Năm 1980, ông ra quân, đi học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với tài năng và trí tuệ của mình, ông đã được cử sang Liên Xô [cũ] theo học ngành Tâm lý học trong vòng 6 năm.

Năm 1988 ông về nước, nhận công tác tại Viện Tâm lý học – Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam từ đó đến nay. Có thể nói, sự nghiệp của ông gắn bó với sự hình thành và phát triển của Viện Tâm lý học, cũng như với sự phát triển của Tâm lý học nước nhà. Ngay từ khi về công tác tại Ban Tâm lý học xã hội đến nay cũng như là Viện Tâm lý học ngày nay, Giáo sư Vũ Dũng chuyên tâm cho việc nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề sau: Tâm lý học xã hội, Tâm lý học quản lý, Tâm lý học tôn giáo, Tâm lý học dân tộc.

GS. TS Vũ Dũng – Viện trưởng Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam

Trong ¼ thế kỷ nghiên cứu và đào tạo về Tâm lý học, GS.TS Vũ Dũng đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các cấp, xuất bản sách và công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí. Đồng thời ông đã chủ nhiệm và thực hiện thành công 18 đề tài khoa học, trong đó có 4 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 2 đề tài của Quỹ phát triển Khoa học Quốc gia, 2 dự án điều tra cơ bản Quốc gia, 2 chương trình cấp Bộ, 6 đề tài cấp Bộ. Bên cạnh đó ông còn là tác giả và đồng tác giả của 20 cuốn sách, trong đó chủ yếu là viết một mình. Đặc biệt, ông đã công bố 86 bài báo khoa học trên các tạp chí Quốc gia.

Song song với công tác nghiên cứu, GS.TS Vũ Dũng còn chú trọng đến công tác giáo dục, đào tạo thế hệ cán bộ kế cận. Ông đã hướng dẫn thành công 20 Tiến sĩ và 23 Thạc sĩ, nhiều cử nhân Tâm lý học.

Hoạt động nghiên cứu và đào tạo của GS.TS Vũ Dũng trong những năm qua đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Tâm lý học nước nhà. Trong lĩnh vực Tâm lý học quản lý, ông đã tổng kết và chỉ ra quá trình ra đời và phát triển Tâm lý học quản lý ở nước ta, đây là một trong những vấn đề được nêu lần đầu tiên ở Việt Nam, phân tích những khía cạnh tâm lý trong hoạt động quản lý. Trong lĩnh vực tâm lý tôn giáo, ông đã nghiên cứu và chỉ ra tâm lý của tín đồ và cộng đồng tôn giáo là hiện tượng tâm lý ở tầng bậc sâu nhất. Ông đã nghiên cứu những đặc điểm tâm lý của tín đồ và cộng đồng Tin lành ở khu vực Tây Nguyên. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm hiện nay. Đồng thời ông đã chỉ ra những mặt tích cực và cả những mặt hạn chế của tâm lý tín đồ, đề xuất những giải pháp quản lý đạo Tin lành ở nước ra hiện nay.

GS.TS Vũ Dũng còn là một trong số ít các nhà tâm lý học nghiên cứu sâu về Tâm lý dân tộc. Tâm lý học dân tộc là một lĩnh vực khá mới mẻ và còn ít được nghiên cứu ở nước ta hiện nay. Ông đã tiến hành nghiên cứu 3 đề tài cấp Nhà nước về tâm lý các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, chỉ ra những yếu tố tâm lý dân tộc tích cực cần phát huy, những yếu tố tâm lý dân tộc hạn chế cần khắc phục đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như củng cố sự cố kết giữa các dân tộc ở nước ta. Kết quả nghiên cứu về tâm lý dân tộc của ông là cơ sở để biên soạn cuốn giáo trình Tâm lý học dân tộc cũng như các hướng nghiên cứu của các luận án tiến sĩ về tâm lý dân tộc sau này.

Cùng với các hướng nghiên cứu trên, ông còn nghiên cứu sự biến đổi tâm lý ở các tầng lớp xã hội ở nước ta hiện nay dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó chỉ ra những yếu tố tâm lý cần khắc phục; nghiên cứu các nhóm xã hội yếu thế [trẻ em lang thang cơ nhỡ, người cao tuổi, người nghỉ hưu,…]. Từ đó đề xuất những kiến nghị trợ giúp các nhóm xã hội yếu thế, đề xuất những vấn đề thuộc an sinh xã hội đối với các nhóm xã hội yếu thế.

Trong những năm qua, GS.TS Vũ Dũng đồng thời giữ nhiều vị trí quản lý khác nhau. Trên các cương vị quản lý của mình, ông đã đóng góp thiết thực cho việc xây dựng Viện Tâm lý học và phát triển Tâm lý học ở Việt Nam.

Với tư cách là Phó viện trưởng 2 nhiệm kỳ và Viện trưởng Tổng biên tập 2 nhiệm kỳ GS.TS Vũ Dũng đã xây dựng Viện Tâm lý học thành một trung tâm nghiên cứu Tâm lý học hàng đầu ở nước ta hiện nay. Từ một Ban Tâm lý học lúc đầu có 4 người đến nay Viện Tâm lý học đã có 38 người trong đó có 18 người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó giáo sư và Giáo sư ngành Tâm lý học, số cán bộ nghiên cứu còn lại hiện đang học sau đại học trong và ngoài nước.

 Với tư cách là Tổng Biên tập hai tạp chí Tạp chí Tâm lý học và Tạp chí Tâm lý học xã hội, GS.TS Vũ Dũng đã phát triển hai tạp chí này thành những tạp chí chuyên ngành hàng đầu của giới Tâm lý học nước ta, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xếp thứ bậc cao nhất trong số các tạp chí trong nước. Hai tạp chí đã trở thành diễn đàn khoa học của giới Tâm lý học nước nhà.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, GS.TS Vũ Dũng đã tập hợp được các cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng ở nước ta, tập hợp những người đang làm nhiệm vụ ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống thành một tổ chức nghề nghiệp xã hội thống nhất. Qua hoạt động của hội, các hội viên được cung cấp các tri thức, phương pháp nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học hiện đại.

Với tư cách là Trưởng khoa Khoa Tâm lý học của Học viện Khoa học xã hội, GS.TS Vũ Dũng đã tiến hành tổ chức hoạt động đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tâm lý học tại Viện Tâm lý học trước đây cũng như Khoa Tâm lý học hiện nay. Đây là cơ sở đào tạo ngành Tâm lý học ở trình độ sau đại học lớn nhất nước ta hiện nay. Việc tổ chức hoạt động sau đại học góp phần quan trọng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về tâm lý học và giáo dục học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như góp phần vào hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Với những đóng góp của GS.TS Vũ Dũng trong hoạt động quản lý và nghề nghiệp, ông đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học xã hội Nhân văn; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tâm lý - Giáo dục; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Công đoàn; Huân chương lao động hạng Nhì; danh hiệu Nhà quản lý Tâm Tài Việt Nam năm 2015.


Lê Minh
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/

Chủ Đề