Sở sánh cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

PHÂN ĐỊNH RÕ THANH TRA HÀNH CHÍNH VÀ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

31/03/2022 10:56

Tại hội thảo Góp ý Dự án Luật Thanh tra [sửa đổi] do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức sáng 30/3 tại Nhà Quốc hội, nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị cần phân định và có quy định rõ về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Hội thảo Góp ý Dự án Luật Thanh tra [sửa đổi] được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 đã được Quốc hội quyết định và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Thanh tra [sửa đổi] sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hộixem xét tại phiên họp thứ 10 [tháng4/2022] và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới [tháng 5/2022]. Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi [gọi tắt là Dự thảo Luật] gồm 8 chương, 116 Điều, với nhiều quy định mới về hoạt động thanh tra, trên cơ sở đổi mới tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là quy định chung về hoạt động thanh tra, trình tự thủ tục thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động thanh tra, theo dõi thi hành kết luận thanh tra,...

Đưa quy định Ban Thanh tra nhân dân ra khỏi Dự thảo Luật

Cho ý kiến tại hội thảo, TS.Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và Công vụ, Văn phòng Chính phủ tán thành việc tách nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra. Đồng thời, kiến nghị làm rõ hơn việc áp dụng Luật này với tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [Điều 115].

TS.Hoàng Thị Ngân cũng kiến nghị nên quy định những nguyên tắc hoạt động thanh tra, trình tự, thủ tục, xử lý mối quan hệ với các luật chuyên ngành khi có quy định khác theo nguyên tắc về áp dụng pháp luật [Điều 46 của dự thảo Luật]. Dựa vào đó, Chính phủ chỉ quy định những vấn đề rất cần thiết về phương pháp, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành trong Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra ngành, lĩnh vực.

Cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung của Dự thảo và sự cần thiết của việc phải sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành, Phó Chánh Thanh tra Tp.Hà Nội Lê Thu Hà, Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08/12/2015 về Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và yêu cầu thực tiễn đòi hỏi nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra trong hệ thống cơ quan nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay.

“Đối với quy định cơ quan thanh tra tại địa phương, Thanh tra Thành phố thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; thống nhất về việc đưa quy định Ban Thanh tra nhân dân ra khỏi Dự thảo để quy định tại văn bản khác,..”, Phó Chánh Thanh tra Tp.Hà Nội cho biết.

Phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành

Cho ý kiến về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Văn Thanh cho biết, Dự thảo Luật Thanh tra quy định về các cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực, bao gồm: Thanh tra bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra sở là phù hợp. So với quy định của Luật Thanh tra năm 2010 có quy định về Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp Bộ và cấp Sở [các tổng cục, các cục thuộc Bộ; các chi cục thuộc Sở]. Các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Các cơ quan này không phải là Cơ quan thanh tra nhà nước, công chức không phải là thanh tra viên [thiếu tính chuyên nghiệp] dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành không cao.

“Quy định tại Dự thảo Luật: các cơ quan thanh tra ở Bộ, Tổng cục, Cục và Thanh tra Sở đều là cơ quan thanh tra nhà nước, có chức năng thanh tra chuyên ngành, có thanh tra viên, quy định như vậy sẽ đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành”, ông Đào Văn Thanh kiến nghị.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Văn Thanh

Nhấn mạnh dự thảo hiện đang vẫn tạo ra một khái niệm rất mơ hồ về thanh tra, một quy trình chung cho hoạt động mang tính thanh tra, kiểm tra ở tất cả mọi lĩnh vực vốn có những yêu cầu rất đặc thù, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra Vũ Văn Chiến cho biết, trên thực tế đang có hai loại hình hoàn toàn khác biệt về nội dung, mục đích và phương pháp tiến hành.

Một là loại hình hoạt động mang tính giám sát hành chính nhằm kiểm soát việc thực thi chức trách, nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan cấp dưới [có thể đặt tên là “Thanh tra hành chính” hay “Thanh tra”]. Loại hình này cần thiết và phù hợp với một nền hành chính có tính tập trung cao như ở Việt nam hiện nay.

Hai là loại hình hoạt động mang tính kiểm tra của Nhà nước đối với các thực thể trong xã hội nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực thi ở mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội [Có thể đặt tên là “Kiểm tra chuyên ngành”]. Đây là một nội dung không thể thiếu của quản lý hành chính Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Phương pháp tiến hành loại hình hoạt động này rất đa dạng, tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu đặc thù của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, thậm chí tùy thuộc vào từng cấp tiến hành.

“Đề nghị, dự luật cần bóc tách rành mạch hai loại hình hoạt động này thành hai nội dung khác nhau với mục đích khác nhau, với nguyên tắc hoạt động khác nhau, với các quy định về tổ chức và hoạt động khác nhau”, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra nêu đề xuất.

Đồng tình với việc cần thiết phải đổi mới hoạt động thanh tra, trên cơ sở khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định về hoạt động thanh tra được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với tính chất đặc điểm của các loại hình thanh tra, TS. Nguyễn Văn Kim cho rằng, việc đổi mới hoạt động thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Nhần mạnh quy định về hoạt động thanh tra trong Dự thảo luật có nhiều nội dung mới phù hợp, song có một số vấn đề cần phải nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng, TS. Nguyễn Văn Kim kiến nghị dự thảo Luật cần phân định rõ ràng về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục,...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng kiến nghị những nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sungLuật Thanh tra để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, đề xuất hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành; hoàn thiện quy định về thanh tra tỉnh, thanh tra huyện; thanh tra viên… Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề nghị cần làm rõ về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, sự khác nhau giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra,…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI [năm 2010] là cột mốc đánh dấu sự hoàn thiện về phương diện pháp lý tổ chức và hoạt động của thanh tra ở nước ta. Đến nay sau hơn 12năm thi hành, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, …đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Thanh tra. Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng là để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra thời gian qua; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhấn mạnh Luật Thanh tra là đạo luật quan trọng không chỉ về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà còn liên quan tới nhiều cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và có đối tượng áp dụng rất rộng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, ýkiến của cácđại biểu, chuyên gia tạiHội thảo sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của Luật sau khi được ban hành./.

Lan Anh

Video liên quan

Chủ Đề