Những tác phẩm văn học về tình yêu thương lớp 8

Bài làm 1

    M. Gorki có nói: “Văn học là nhân học”. Như vậy giữa văn học và con người có mối quan hệ sâu sắc với nhau. Bởi lẽ văn học phản ánh cuộc sống. Cũng vì thế mà văn học và tình thương gắn bó không thể tách rời. Tình thương là cội nguồn của văn học, rồi chính văn học lại khơi dậy tình yêu thương.

    Văn học là một môn nghệ thuật mang ý nghĩa đặc biệt cho cuộc sống. Đó là những tác phẩm phản ánh hiện thực trong cuộc sống. Với trí tưởng tượng phong phú, những nhà văn, nhà thơ đã xây dựng một thế giới riêng trong các tác phẩm của mình. Văn học thể hiện những tư tưởng, tình cảm của người viết qua cách sử dụng nghệ thuật biểu đạt. Còn tình thương là những tình cảm, cảm xúc nảy sinh từ những rung cảm trong cuộc sống. Đó là rung động trước cái đẹp của cuộc sống, trước sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh mình. Những cảm xúc đó được gọi là: tình thương. 

     Văn học và tình thương có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Tinh thương là nguồn khơi gợi cảm xúc cho văn học. Con người khi sống phải luôn đặt mình vào cuộc sống xung quanh để thấy yêu thương cuộc sống hơn, thấy con người được gần nhau hơn. Và từ đó cảm nhận được cái đẹp của tạo hoá, nảy sinh những tình cảm đặc biệt. Vốn dĩ ánh trăng đâu biết nói, bông hoa chẳng biết cười thế nhưng dưới ánh mắt của nhà thơ thì nó trở thành người bạn tâm tình. Lí Bạch, Đỗ Phủ, Hồ Chí Minh,… đã có nhiều vần thơ viết về thiên nhiên rồi qua đó bộc bạch tấm lòng của mình [“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng – Cúi đầu nhớ quê hương” –
Lí Bạch; “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ – Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” – Hồ Chí Minh,…]. Cảm hứng thơ nảy nở từ trong sâu thẳm cõi lòng nhà thơ tâm hồn mỗi người. Và tình thương chính là cốt lõi, nguồn gốc của văn học.

      Văn học luôn tái hiện, phản ánh và ca ngợi tình thương của con người. Hầu hết các tác phẩm văn học đều phản ánh tình cảm của con người, nó chính là nguồn đề tài bất tận để văn học khai thác. Từ tình yêu thương thuần túy nhất đến niềm say mê, tâm trạng vui buồn, hờn, giận,… đều được thể hiện trong văn học. Đặc biệt là tình cảm giữa con người với con người như: tình cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,… hay tình thương của con người dành cho vạn vật xung quanh. Linh thiêng hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước: “Anh đi anh nhớ quê nhà – Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…” .Tuy mộc mạc, bình dị nhưng điều quan trọng là đều xuất phát từ tình cảm chân thành của một người con nhớ quê nhà. Tình thương thì nhiều mặt khác nhau. Và văn học thì thể hiện tất cả những mặt khác nhau ấy của tình thương, để tạo ra những câu chữ, ngôn từ bộc lộ cảm xúc của con người gửi gắm vào tác phẩm văn học. Tinh thương trong văn học được tái hiện một cách đặc sắc. Trong văn học, tình thương được đặt lên một vị trí quan trọng. Văn học phản ánh và ca ngợi tình thương trên mọi khía cạnh.

      Nhờ văn học, con người đã biết yêu thương nhau hơn, cuộc đời trở nên đẹp hơn, tốt hơn. Bởi lẽ văn học luôn xây dựng những hình tượng hư cấu với những chi tiết đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Vì thế cuộc sống trong văn học trở nên lung linh, hoàn hảo hơn và mang đậm lí tưởng của tác giả. Con người đọc văn và hình dung ra cái thế giới đó để thấy cuộc sống không chỉ có nỗi buồn mà còn nhiều niềm vui khác. Cũng như nhân vật Giôn-xi trong truyện Chiếc lá cuối cùng, nhờ có tình yêu thương của bạn bè, của người hàng xóm tốt bụng mà cô đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Đọc truyện, người ta thấy nhiều niềm mơ ước, nhiều tình cảm mà con người dành cho nhau. Cụ Bơ-men đã hi sinh tính mạng của mình vì một bức tranh để đời, vì một thế hệ trẻ đang nhiều hoài bão. Cụ đã tặng cho người khác cả niềm vui sống. Đó quả là một tình cảm cần được trân trọng.

      Trong ca dao Việt Nam, tình cảm giữa con người với con người hay được đề cập đến nhất. Tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi được thể hiện nhiều trong ca dao. Điều này chứng tỏ văn chương đã khơi dậy cho người ta những tình cảm vốn có, tạo ra những tình cảm mới để con người ngày càng gần nhau hơn.

“Công cha nặng lắm, ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang… ”

      Bài ca dao ngoài việc nhắc nhở cho mỗi người biết về công lao sinh thành, giáo dưỡng của mẹ cha mà còn khuyên chúng ta hãy luôn ghi lòng tạc dạ, đền đáp xứng đáng công lao ấy. Trong gia đình không chỉ có tình cảm giữa cha mẹ và con cái mà còn có tình cảm anh em: “Anh em như thể tay chân – Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Tất cả đều là những tình cảm đáng giữ gìn, cần được nuôi dưỡng lớn mạnh hơn. Bởi lẽ gia đình lạ cái nôi nuôi ta khôn lớn.

     Còn văn bản Thuế máu trích Bản án chế độ thực dân Pháp thể hiện tâm trạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Đó là sự xót thương cho những người dân vô tội. Đó còn là sự căm phẫn, uất hận của nhà văn đối với bọn thực dân, đế quốc. Bằng nghệ thuật châm biếm đặc sắc, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự phê phán, lên án triệt để cùng với nỗi xót thương trước số phận của người dân thuộc địa, “thuế máu” thực sự là một văn bản thấm đẫm tính nhân đạo.

     Như vậy, ta có thể thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa văn học và tình thương. Tình thương là cơ sở của văn học, văn học phản ánh tình thương. Đây là hai khái niệm không thể tách rời nhau trong cuộc sống.

Đỗ Hoàng Phúc

[Trường THCS Lê Ngọc Hân]

Bài làm 2

     Không có gì giáo dục đạo đức con người tốt hơn văn chương, bởi văn chương giúp ta hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn những con người xung quanh, giúp ta phân biệt được cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác, điều hay và lẽ dở, … Văn học cũng luôn đề cập đến tình yêu nhân loại, giúp ta biết yêu thương hơn Con Người.

     Văn học luôn ca ngợi những người biết yêu thương, chia sẻ với đồng loại. Đó là tình làng xóm mộc mạc mà chân thành, đáng quý. Ví như tình bạn sâu sắc giữa ông giáo làng và lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Hai người là hàng xóm và cũng là bạn thân của nhau. Mỗi khi có chuyện buồn, lão Hạc thường kể với ông giáo, bày tỏ nỗi lòng với ông giáo, và ông giáo cũng đã chia sẻ nỗi buồn, đưa ra những lời khuyên chân thành cho lão. Ông giáo cũng đã nhiều lần ngấm ngầm giúp lão nhưng bị lão từ chối vì lão biết rằng, ở cái xóm này, ai cũng nghèo cả. Khi bị dồn đến bước đường cùng, lão đã để lại toàn bộ gia tài cho con trai và nhờ ông giáo giữ hộ. Điều đó chứng tỏ họ tin tưởng nhau, thân thiết với nhạu như thế nào. Thật đáng quý biết nhường nào! Hay như sự ân cần của bà lão hàng xóm với gia đình chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Khi biết tin anh Dậu vừa được thả về, bị đánh đập xơ xác, mặc dù cũng rất nghèo nhưng bà cụ vẫn mang sang nắm gạo để chị Dậu nấu cháo cho chồng. Như một người mẹ, cụ còn ân cần thăm hỏi, dặn dò chị Dậu. Tôi đã không Cầm được nước mắt trước tình cảm bà cụ dành cho gia đình anh Dậu.

     Nhưng tình cảm đáng quý giữa con người với con người không chỉ là tình làng xóm mà quan trọng hơn, đó là tình cảm gia đình. Đó là tình phụ tử mà lão Hạc đã dành cho người con trai của mình. Người vợ của lão đã sớm ra đi khi đứa con còn trứng nước. Lão đã ở vậy “gà trống nuôi con” cho đến khi thằng bé trưởng thành. Lão chỉ có nó là người ruột thịt nên lão thương yêu nó hết lòng. Vậy mà bây giờ nó phải bỏ đi phu đồn điền vì không có tiền lấy vợ. Lão chỉ còn cách thốt lên đầy chua xót: “Ảnh của nó người ta chụp rồi, nó là người của người ta chứ đâu còn là con tôi nữa”. Lão giờ chỉ còn lại một mình với con Vàng và mảnh vườn nhỏ mà lão nói để dành cho con trai. Lão thà chịu chết chứ nhất quyết không chịu bán mảnh vườn. Tình yêu con của lão thật vĩ đại và cảm động.

      Qua Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, chúng ta cũng sẽ được chứng kiến tình cảm chân thành, trong sáng mà bé Hồng dành cho mẹ. Bé rất thương mẹ vì con còn nhỏ mà đã phải xa gia đình, xa quê hương, tha phương cầu thực. Bé luôn dũng cảm bênh vực mẹ, tin tưởng mẹ sẽ trở về với mình. Bé căm thù những hủ tục mà vì nó mẹ bị khổ sở, bị đọa đày. Thật cao cả thay tình mẫu tử!

     Ngoài ra, thông qua hình ảnh anh chị Dậu trong Tắt đèn, chúng ta còn được thấy tình cảm vợ chồng thuỷ chung son sắt. Ngay khi anh Dậu vừa được thả từ đình về, chị đã vội vàng nấu nồi cháo, rón rén mang đến, dịu dàng động viên chồng cố húp cho đỡ xót ruột. Rồi chị ngồi cạnh xem chồng ăn có ngon không. Khi cai lệ đến bắt trói anh Dậu, chị đã không sợ cường quyền, áp bức, kiên quyết dùng sức mạnh của mình để bảo vệ chồng đến cùng. Thật xúc động trước tình nghĩa cao đẹp của đạo vợ chồng. 

     Nhưng văn học không chỉ ca ngợi những tấm lòng cao đẹp trong xã hội mà còn mạnh mẽ phê phán những kẻ cầm quyền vô lương tâm, vạch trần cho mọi người thấy những tội ác mà bọn thực dân, phong kiến gây ra cho nhân dân. Tác giả Bản án chế độ thực dân Pháp đã thể hiện sự xót thương trước những người vô tội bị bọn thực dân lừa đảo đi làm bia đỡ đạn cho chúng, sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn lên án sự vô lương tâm, coi thường mạng người của bọn quan lại phong kiến,…

      Còn rất nhiều, rất nhiều tác phẩm văn học mà tôi đã đọc nhưng không có dịp kể ra ở đây. Tôi nghĩ rằng, bất cứ tác phẩm văn học chân chính nào cũng đề cao con người, lấy con người làm trung tâm. Và với con người, hơn tất cả là tình yêu thương đồng loại. Vì vậy, văn học – tình thương mãi song hành cùng con người trong cuộc sống.

Hoa Thu Hồng

[Trường THCS Tây Sơn]

>> Xem thêm Nêu suy nghĩ của mình về câu chuyện” Mình biết cậu sẽ tới” tại đây.

Related

Tags:Bài văn hay lớp 8 · Văn học và tình thương

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề