Nhân tố khách quan của thị trường

Ngoài những nhân tố mang tính chất chủ quan tác động tới quản trị VKD còn có các nhân tố khách quan ảnh hưởng tới công tác quản trị VKD của DN, gồm:

Thứ nhất: Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước

Bất kỳ một DN nào cũng phải chấp hành các chính sách chế độ của Nhà nước. Chính vì vậy mà khi có bất kỳ thay đổi nào trong chế độ, chính sách đều có ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đặc biệt, trong kinh doanh xăng dầu, khi các chính sách về xuất, nhập khẩu, nhất là chính sách thuế liên quan đến nhóm hàng này thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các DN. Mức thuế suất cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận sau thuế, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn của DN. Tùy từng thời kỳ phát triển kinh tế cũng như mục tiêu kinh tế vĩ mô được ưu tiên mà Nhà nước có thể ban hành các chính sách phù hợp để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các DN ổn định SXKD, tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường và lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ hai: Sự ổn định của nền kinh tế

Sự ổn định của nền kinh tế là một trong những nhân tố mà các nhà đầu tư rất quan tâm. Nền kinh tế phát triển ổn định, tạo điều kiện cho các thị trường ổn định. Thị trường tài chính phát triển ổn định DN dễ dàng và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các kênh huy động vốn với chi phí thấp, lựa chọn các phương án bù đắp sự thiếu hụt ngân quỹ, thặng dư ngân quỹ,… Thị trường hàng hóa phát triển, hàng hóa ngày càng đa dạng, có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp với các chính sách kinh doanh đa dạng,… giúp DN có nhiều lựa chọn hơn trong việc đầu tư mua sắm với chi phí thấp hơn. Nền kinh tế bất ổn sẽ gây ra những rủi ro không lường trước được trong kinh doanh, tạo tâm lý thiếu an toàn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận. DN khó khăn khi huy động vốn, tìm kiếm các nguồn tài trợ, bỏ ra nhiều chi phí hơn trong hoạt động SXKD.

Thứ ba: Thị trường các yếu tố đầu vào và đầu ra

Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa, là nơi cung cấp các yếu tố đầu vào cũng như tiêu thụ các sản phẩm đầu ra, đảm bảo cho quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa diễn ra thường xuyên, liên tục. Đối với kinh doanh xăng dầu, loại hàng này chủ yếu là nhập khẩu nên bị ảnh hưởng trực tiếp của thị trường ngoài nước. Sự biến động của thị trường này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh, doanh thu và chi phí của các DN kinh doanh xăng, dầu. Qua đó, ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị VKD. Cụ thể, thị trường đầu vào tác động trực tiếp tới khâu dự trữ HTK. Thị trường cung ứng nguyên vật liệu đầu vào dồi dào, đa dạng, sẵn có sẽ tạo điều kiện cho DN trong việc lựa chọn nhà cung ứng, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm dự trữ HTK, đa dạng hóa sản phẩm sản xuất, … Thị trường đầu vào khan hiếm đòi hỏi DN phải dự trữ nhiều, phát sinh nhiều khoản chi phí liên quan như chi phí vận chuyển, chi phí dự trữ, lãi vay… Thị trường đầu ra hay thị trường tiêu thụ sản phẩm không những tác động tới quản trị HTK, còn tác động tới công tác quản trị các khoản phải thu. Thị trường đầu ra ổn định, tạo điều kiện trong việc dự trữ ổn định, đáp ứng đầy đủ và kịp thời các đơn hàng, tạo điều kiện HTK quay vòng nhanh. Thị trường đầu ra ổn định, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ tốt hơn, khả năng thu hồi tiền từ bán hàng cao hơn, doanh thu bán hàng tăng, góp phần tăng lợi nhuận. Thị trường đầu ra biến động, DN khó chủ động trong việc dự trữ và sản xuất. Tình trạng dự trữ thừa xảy ra khi thị trường đầu ra còn hạn chế, ngược lại tình trạng dữ trữ thiếu không đủ đáp ứng nhu cầu cho các đơn hàng của khách hàng hoặc cho các nhu cầu bán lẻ khi thị trường đầu ra tăng cao, DN mất đi cơ hội kinh doanh, uy tín bị giảm; thị trường đầu ra tăng cao, khoản phải thu gia tăng làm vốn bị chiếm dụng nhiều, có thể bị mất vốn do khách hàng không có khả năng thanh toán tiền hàng, phát sinh nhiều khoản chi phí làm giảm lợi nhuận.

Thứ tư: Đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành và đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp

Mỗi ngành nghề, mỗi DN kinh doanh có những đặc điểm riêng ảnh hưởng lớn tới quản trị VKD trong DN. Cụ thể:

Tính chất ngành kinh doanh ảnh hưởng tới thành phần và cơ cấu VKD của DN, ảnh hưởng tới quy mô và tốc độ luân chuyển VKD trong SXKD của DN. Từ đó, tác động tới việc lựa chọn các nguồn vốn phù hợp hình thành nên những tài sản trong kinh doanh. Đối với DN kinh doanh xăng dầu, VLĐ chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển của VLĐ nhanh hơn so với các lĩnh vực sản xuất khác. Do đó, thành phần vốn chủ yếu là VLĐ. Xăng, dầu là loại hàng hóa quan trọng, có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của mỗi quốc gia. Hoạt động kinh doanh xăng, dầu của các DN phải tuân thủ những điều kiện và quy định của Chính phủ và có những đặc điểm sau:

Một là, hoạt động kinh doanh xăng, dầu được điều tiết bởi cơ chế quản lý của Nhà nước:

Hoạt động kinh doanh xăng, dầu chịu sự tác động của chính sách thuế của nhà nước. Mặt hàng xăng, dầu hiện nay đang chịu 4 loại thuế, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, nhà nước thay đổi các mức thuế suất và phí đối với mặt hàng xăng, dầu theo chiều hướng tăng đã gây khó khăn cho các DN kinh doanh xăng, dầu trong việc lựa chọn mức giá hợp lý. Có thời điểm tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ xăng chiếm tới gần 50%; việc các thuế suất tính cho mặt hàng xăng tăng lên đã làm cho một số DN bị lỗ, Nhà nước can thiệp bằng cách bù lỗ. Tuy nhiên, việc bù lỗ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Qua đây cho thấy,  mặc dù nhà nước thực hiện trao quyền tự quyết về gián bán xăng dầu cho các DN nhưng nhà nước vẫn điều tiết gián tiếp về giá thông qua các chính sách thuế áp dụng cho mặt hàng xăng, dầu.

Hai là, giá bán xăng, dầu trong nước chịu sự ảnh hưởng của giá dầu thế giới: Theo thống kê, cho thấy những năm gần đây sản xuất xăng, dầu trong nước so với tổng sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 37%, 63% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam vẫn còn là một nước nhập khẩu xăng, dầu nhiều. Do đó, giá nhập khẩu tỷ lệ thuận với giá dầu trên thế giới, khi giá dầu thô trên thế giới tăng sẽ làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, giá nhập khẩu xăn, dầu thành phẩm tăng cao là yếu tố làm cho giá bán xăng, dầu trong nước tăng theo. Khi giá dầu thô thế giới giảm, giá nhập khẩu xăng, dầu giảm giúp tiếp kiệm cho NSNN, giá bán trong nước giảm tác động tới chi phí đầu vào của các ngành sản xuất trong nước giảm, thúc đẩy hoạt động SXKD.

Ba là, kinh doanh xăng, dầu chịu tác động của tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

Tình hình kinh tế – xã hội tác động trực tiếp tới sản lượng tiêu thụ và giá bán xăng, dầu trong nước. Khi kinh tế ổn định và phát triển, mức sống trung bình của dân cư cao hơn thì nhu cầu tiêu dùng tăng lên, phương tiện ngày càng nhiều nên lượng nhiên liệu dùng trong sản xuất và đời sống ngày càng nhiều, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu ngày càng tăng tác động làm doanh số và lợi nhuận của các DN sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nếu cung không đủ đáp ứng cầu sẽ làm cho giá bán tăng lên. Ngược lại, nếu nền kinh tế không ổn định, khủng hoảng kinh tế sẽ tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, sản xuất đình trệ, hàng hóa khó tiêu thụ do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này, tác động tới doanh thu và lợi nhuận của các DN bị giảm sút. Để kích thích tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm thì giá bán sản phẩm, hàng hóa giảm, từ đó tác động tới giá xăng, dầu giảm. Tuy nhiên, trên thực tế việc tăng, giảm giá xăng, dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chủ chương và chính sách của nhà nước.

Một số đặc điểm khác cần quan tâm ở các DN kinh doanh xăng, dầu, đó là các sản phẩm xăng, dầu được các DN đang kinh doanh bao gồm: xăng không chì RON 95, RON 92, RON 92 E5, dầu Diesel [DO 0,5 S và DO 0,25 S] ], dầu hỏa [KO], dầu FO [nhiên liệu đốt lò]. Các sản phẩm này đều được tạo ra từ dầu thô và nhiên liệu sinh học. Có đặc điểm là dễ bốc cháy, nhạy cảm với nhiệt độ môi trường, mức độ hao hụt trong quá trình vận chuyển cao do dễ bay hơi hoặc dễ bị kém phẩm chất nếu phương tiện vận chuyển không đảm bảo. Do đó, để đảm bảo chất lượng cần có những yêu cầu khác so với các ngành khác như: phương tiện chuyên chở, thiết bị chuyên dùng, công tác bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy. Đòi hỏi có sự đầu tư vốn lớn về TSCĐ như phương tiện vận chuyển, xây dựng các bồn chứa đảm bảo an toàn trong quá trình cất trữ sản phẩm, nếu không giá trị của các sản phẩm bị giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của DN. Mặt khác, để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trên thị trường, các DN kinh doanh xăng, dầu luôn phải dự trữ lượng lớn xăng, dầu nên lượng vốn dự trữ tồn kho của các DN thường chiếm tỷ trọng lớn trong VKD.

Thứ tư: Lãi suất

Lãi suất là công cụ kích thích lợi ích vật chất để thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội tập trung vào quỹ tín dụng, là công cụ để đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế. Người ta có thể căn cứ vào sự biến động của lãi suất để dự báo các yếu tố khác của nền kinh tế như: tính sinh lời của các cơ hội đầu tư, mức lạm phát dự tính, mức thiếu hụt ngân sách, sự biến động của tỷ giá hối đoái. Với DN kinh doanh xăng dầu, do đặc điểm cần phải có lượng hàng dự trữ lớn để đảm bảo kinh doanh bình thường, vì vậy có thể dựa vào yếu tố lãi suất để đưa ra quyết định nên huy động vốn từ nguồn nào; hay hiểu theo nghĩa khác, dựa vào lãi suất, DN xác định cần bỏ ra khoản chi phí là bao nhiêu để có được vốn đưa vào kinh doanh và đưa ra các quyết định đầu tư, xác định các khoản chi phí cơ hội trong các quyết định dự trữ tiền, dự trữ tồn kho, lựa chọn chính sách bán hàng…

Thứ năm: Các nhân tố khác: Còn rất nhiều nhân tố khách quan khác cả tích cực [tiến bộ khoa học kỹ thuật] và tiêu cực [như: thiên tai, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế…] ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng VKD của DN, đòi hỏi DN phải tận dụng kịp thời hoặc quan tâm khắc phục để mang lại khả năng sinh lời cao nhất.

Như vậy, hoạt động SXKD của DN luôn chịu sự tác động của nhiều nhân tố khách quan mà bản thân DN không có khả năng tự điều chỉnh mà phải nắm bắt được quy luật của nó và vận dụng được các quy luật này vào thực tiễn hoạt động sao cho mang lại kết quả cao nhất. Việc nhìn nhận và đánh giá đúng thực tiễn khách quan sẽ giúp DN tận dụng được những điều kiện tốt, khắc phục được các hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Video liên quan

Chủ Đề