Nhân đức đối nhân là gì

Bài 34

NHÂN ĐỨC [1]

Lời Chúa : Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin [Gl 6,9].

Ý chính : 1. Nhân đức nhân bản. [Gl 6,4-5.7b-9]

2. Bốn nhân đức chính. [Mt 10,16]

Quy chiếu : sách GL.HTCG 1992 số 1803-1811

Tâm tình : Khát khao trở thành người có nhân đức.

Chuẩn bị : GLV đọc lại giáo án bài 18 giáo lý cấp II.

I. ỔN ĐỊNH.

1. Đón tiếp.

2. Thánh hóa.

3. Giới thiệu bài mới :

Cổ nhân ta vẫn nói : nhân chi sơ, tính bản thiện [con người tự bản chất là tốt], nhưng tội lỗi đã làm cho hoen ố, dễ hướng chiều về điều xấu. Vì thế, phải nỗ lực lắm mới có được những đức tính tốt gọi là nhân đức. Chúng ta đã học về nhân đức ở cấp II. Nay cần bổ túc thêm, nhất là 4 nhân đức chính về nhân bản.

II. TỪ CUỘC SỐNG.

Ở đời ai cũng quí mến những người tốt và ai cũng muốn trở nên người tốt, nhưng thực tế không dễ gì trở thành người tốt. Phải chăng con người quá yếu đuối rồi sao !? Chúng ta hãy lên với Chúa để Người vừa chỉ bảo cho phương thức sống tốt, vừa hỗ trợ ân sủng để thực hiện được đời sống tốt.

III. LÊN TỚI CHÚA.

A. Công bố Lời Chúa.

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galata [Gl 6,4-5.7b-9]

Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác. Quả thế, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình... Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ được hậu quả của tính xác thịt, là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí, là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ gặt, nếu không sờn lòng.

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa [thinh lặng giây lát rồi mời ngồi].

B. Dẫn giải nội dung giáo lý.

Thánh Phaolô mời gọi giáo đoàn Galata xưa và chúng ta hôm nay hãy biết nhìn lại đời sống của chính mình, dù tội lỗi đã làm cho ta ra yếu đuối nhưng nhờ ý chí kiên nhẫn và ân sủng Chúa, chúng ta sẽ tập luyện được những điều tốt trở thành thói quen kiên vững, gọi là nhân đức.

Trong giáo lý cấp II, chúng ta đã biết : nhân đức là thói quen tốt và bền vững giúp ta làm sự thiện cách dễ dàng hơn.

Có những nhân đức do khả năng mỗi người có thể tập luyện được và làm tăng phẩm giá con người như : khôn ngoan, can đảm... gọi là nhân đức nhân bản. Có những nhân đức qui chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên, động lực và đối tượng, giúp ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Đó là các nhân đức : đức tin - cậy mến, gọi chung là nhân đức đối thần.

1. Nhân đức nhân bản. [Gl 6,4-5.7b-9]

Phẩm giá cao quí của con người không những hệ tại lý trí nhưng còn hệ tại ở nhân cách tức những phẩm chất và phong cách phải có để xứng đáng được gọi là người. Muốn sống cho ra người, ta cần phải học làm người về 4 mặt : trí dục - đức dục, thể dục và huấn nghệ. Đời sống tôn giáo luôn xây dựng trên các đức tính làm người mà Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt vời.

Là người Việt Nam, chúng ta cần vươn tới con người trưởng thành về mặt nhân bản với các đức tính trong truyền thống dân tộc :

a] Đối với bản thân :

- Cần : siêng năng làm việc và chí thú trong công việc để đạt kết quả tốt.

- Kiệm : biết sống tiết độ, chừng mực, biết chế ngự sự hấp dẫn của các vui thú và mang lại sự quân bình trong việc sử dụng của cải, sức khỏe và thời giờ.

- Liêm : trong sạch, không tham lam [x. bài 51 và 52 Sống đạo].

- Chính : ngay thẳng trong sáng, đứng đắn từ cái nhìn, suy nghĩ và hành động.

- Dũng : biết can đảm, cương nghị, bền chí [x. mục 2c bài này].

b] Đối với người khác :

- Nhân : yêu thương hết mọi người. Đây là linh hồn của mọi giao tiếp xã hội, và là giới răn hàng đầu trong Kitô giáo [x. Mt 22,37-40].

- Nghĩa : lòng biết ơn, không chỉ bằng lời nói, thái độ khi nhận ơn, nhưng còn biết sử dụng đúng đắn những ân ban lãnh nhận. Chúa Giêsu đã chê trách những người Do thái không biết cám ơn khi được Chúa chữa khỏi bệnh phong cùi [x. Lc 17,17-18].

- Lễ : lễ phép, lịch sự. Cha ông chúng ta vẫn nhắc nhở : tiên học lễ, hậu học văn [trước tiên phải học cho biết lễ phép, lịch sự, rồi mới học văn hóa].

- Trí : khôn ngoan, sáng suốt : biết nhận định mau chóng và đúng đắn những giá trị đích thực của mỗi sự việc, mỗi tình huống.

- Tín : biết giữ lời hứa, hứa gì làm đó, không thất hứa. Đây là uy tín và là danh dự của một người, là kết quả của sự thành thật, tận tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng chung thủy. Cổ nhân thường nói : nhất sự bất tín, vạn sự bất tin [một người đã thất hứa trong một việc thì vạn việc khác đều không đáng tin].

2. Bốn nhân đức chính. [Mt 10,16]

Những đức tính trên và những đức tính nhân bản khác đều phát xuất từ 4 nhân đức căn bản, cột trụ là khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ mà chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy các môn đệ khi đi rao giảng Tin mừng : Này, Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu [Mt 10,6]. Để hiểu được giáo huấn này của Chúa Giêsu, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu về 4 nhân đức căn bản đó.

a] Khôn ngoan : là thói quen biết mau chóng nhận định đâu là điều thiện đích thực trong mọi hoàn cảnh và biết chọn lựa đúng những phương tiện để thực hiện điều tốt đẹp đó.

Sách Kinh Thánh vốn đề cao đức khôn ngoan, nhân cách hóa khôn ngoan [x. Kn 7,27] và đồng hóa khôn ngoan với Lời Thiên Chúa [x. Hc 1,4-5]. Salômôn trong một cơn mộng gặp Thiên Chúa, đã không xin Thiên Chúa được sống lâu, không xin được giàu sang, cũng không xin chiến thắng quân thù mà xin được sự khôn ngoan [1 V 3,5-14] nên Salômôn đã được tất cả, đến nỗi Salômôn được ca tụng là người khôn ngoan nhất thế giới [x. 1 V 10,1-10 ; Mt 12,42]. Chúa Giêsu đã vạch cho biết thế nào là sự khôn ngoan :

- Biết nhận định, cân nhắc, trước khi bắt tay làm việc [x. Lc 14,28-32 ; Lc 16,4-8].

- Biết xây dựng đời mình trên nền tảng Lời Chúa tương tự như người xây nhà trên đá [x. Mt 7,24-27].

Thánh Tôma đã viết : Khôn ngoan là qui luật đúng đắn của hành động, khôn ngoan dẫn tới mọi nhân đức [Tổng luận thần học 2-2,47,2]. Muốn có đức khôn ngoan, tiên vàn phải ham muốn học hỏi. Chăm lo học hỏi là yêu mến đức khôn ngoan [Kn 6,17].

Tóm lại, đức khôn ngoan là nhân đức giúp ta nhận rõ điều tốt cần làm và những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy.

b] Đức công bình : là thói quen luôn biết tôn trọng quyền lợi, tài sản của người khác.

Đối với Thiên Chúa, công bình là trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là nhân đức thờ phượng. Mọi của cải ta có đều là của Thiên Chúa ban, chúng ta chỉ là những người quản lý [x. Mt 25,15-30]. Vì thế, phải biết sử dụng theo đúng ý Chúa.

Đối với người khác, công bình là tôn trọng quyền lợi chính đáng của người khác, đối xử công minh với mọi người và thực thi công ích. Theo ý Thiên Chúa, mọi người đều có quyền sở hữu nên ta có quyền đòi người khác tôn trọng tài sản, tính mạng của ta ; ngược lại, ta cũng phải tôn trọng tính mạng và tài sản của người khác. Đàng khác, của cải trên trái đất được Thiên Chúa ban để phục vụ toàn thể gia đình nhân loại, và một ngày kia, ta sẽ phải trả lẽ trước Thiên Chúa về việc sử dụng của cải [x. Mt 25,14-30].

Vì thế, đức công bình đòi buộc mỗi người biết sử dụng của cải trong tinh thần liên đới với mọi người. Do đó, người có đức công bình luôn tôn trọng chứ không bao giờ có ý tưởng chiếm đoạt của cải, tài sản, của công hay của người khác. Ngay cả việc mượn của ai cũng là việc bất đắc dĩ và phải trả lại đúng hẹn. Người có đức công bình càng mau mắn hoàn trả những của lượm được, không bao giờ viện bất cứ lý do gì để trì hoãn hoặc sử dụng đồ vật của người khác.

c] Đức dũng cảm : là thói quen biết kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện dẫu có nhiều khó khăn. Người có đức dũng cảm luôn có sức mạnh và phương thế chống trả những cám dỗ, vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng những nỗi sợ hãi, ngay cả sự chết khi bị nguy cơ vì chính đạo. Các thánh tử đạo, đã noi gương Chúa Giêsu, biểu dương đức dũng cảm cao độ này.

d] Đức tiết độ : là thói quen biết điều tiết những sức lôi cuốn của đam mê, của lạc thú và sử dụng đúng mức của cải trần thế. Đức tiết độ giúp ta vượt thắng những bản năng thấp hèn và duy trì những khát vọng chính trực. Người tiết độ biết phân chia thời giờ làm việc hợp lý vừa đạt thành quả cao vừa bảo đảm được sức khỏe. Nhờ đó, thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, theo đuổi dễ dàng mục đích cao cả.

Con người cần có tinh thần cầu tiến, nhưng mọi giai đoạn của sự phát triển, con người tiết độ luôn có an bình nội tâm và vui hưởng điều mình đang có trong tinh thần tri ân Thiên Chúa, luôn sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của lòng tham không đáy. Chính nhờ đức tiết độ, chúng ta dễ dàng sống tình liên đới và chia sẻ với người khác.

Những nhân đức nhân bản cột trụ này làm phát sinh các nhân đức khác như khiêm nhường, rộng rãi, trong sạch, nhịn nhục, điều độ, yêu người và siêng năng, trái ngược với 7 nết xấu : kiêu ngạo, tham lam, dâm dật, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng như kinh cải tội 7 mối có 7 đức.

Tất cả những nhân đức này nằm trong khả năng tập luyện của con người. Cả những người không có niềm tin tôn giáo cũng có thể tập luyện được. Vì thế, gọi là nhân đức nhân bản. Đối với các Kitô hữu, càng cần tập luyện những nhân đức này hơn vì một đàng muốn làm con Chúa, trước hết phải sống cho ra người, sống xứng đáng phẩm giá làm người là tạo vật đã được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người [x. St 1,26-27] ; đàng khác, nhờ được ơn thánh Chúa phù trợ, người Kitô hữu càng dễ luyện tập hơn.

Muốn vậy, chúng ta phải ngoan ngoãn đón nhận sự giáo dục của những bậc thầy, đặc biệt của Hội Thánh ; phải kiên trì tập luyện có công mài sắt, có ngày nên kim [Ca dao] và thực hành trong đời sống hàng ngày.

C. Hướng ý cầu nguyện.

Con người ngày nay đã trở nên yếu mềm trước những cuốn hút của đời sống vật chất, tiện nghi... Người ta vẫn thích tìm cái dễ dãi, ngại gian khổ. Vì thế, chúng ta luôn xin ơn biết kiên trì tập luyện nhân đức.

IV. TRỞ VỀ CUỘC SỐNG.

1. Bài học :

Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin [Gl 6,9].

189. H. Nhân đức là gì ? # @ [GLCG.308]

T. Nhân đức là thói quen tốt và bền vững giúp ta làm sự thiện cách dễ dàng hơn.

190. H. Có mấy nhân đức nhân bản ? @ [GLCG.310]

T. Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó bốn nhân đức chính là : khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.

191. H. Đức khôn ngoan là gì ? [GLCG.311]

T. Đức khôn ngoan là nhân đức giúp ta nhận rõ điều tốt cần làm và những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy.

192. H. Đức công bằng là gì ? [GLCG.312]

T. Đức công bằng là nhân đức giúp ta quyết tâm dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và dành cho người khác những gì thuộc về họ.

193. H. Đức dũng cảm là gì ? [GLCG.313]

T. Đức dũng cảm là nhân đức giúp ta bền lòng bền chí theo đuổi điều thiện dù gặp nhiều gian nan thử thách.

194. H. Đức tiết độ là gì ? [GLCG.314]

T. Đức tiết độ là nhân đức giúp ta biết tự chủ trước sức quyến rũ của các thú vui và giữ được chừng mực khi hưởng dùng mọi sự ở đời này.

195. H. Có kinh nào giúp ta dễ nhớ những nhân đức phải tập luyện chăng ? [GLCG.315]

T. Có kinh Cải tội bảy mối có bảy đức :

- Thứ nhất : Khiêm nhường chớ kiêu ngạo.

- Thứ hai : Rộng rãi chớ hà tiện.

- Thứ ba : Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục.

- Thứ bốn : Hay nhịn chớ hờn giận.

- Thứ năm : Kiêng bớt chớ mê ăn uống.

- Thứ sáu : Yêu người chớ ghen ghét.

- Thứ bảy : Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.

2. Sinh hoạt : tìm trong tập Sinh hoạt giáo lý cấp III.

3. Gợi ý sống đạo :

Từng giai đoạn, chúng ta cố gắng nỗ lực tập cho bằng được một trong 4 nhân đức chính về nhân bản. Trong giai đoạn này, chúng ta cùng giúp nhau tập nhân đức tiết độ bằng cách bớt chút tiền quà mỗi ngày để giúp người nghèo khó.

4. Bài làm ở nhà :

Tìm và ghi vào tập bài làm một câu Lời Chúa khuyến khích tập nhân đức đang muốn tập [thí dụ : tiết độ].

[Đáp án : 1 Cr 6,12b hoặc 1 Tx 5,8 của bài 35 Sống đạo].

V. KẾT THÚC.

Video liên quan

Chủ Đề