Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay

Từ khi du nhập Việt Nam đến nay, Phật giáo đã tồn tại và gắn liền với lịch sử dân tộc, nó ngấm sâu vào tư duy và trở thành một bộ phận văn hoá, nếp sống của người Việt. Vậy nó ảnh hưởng đến con người Việt Nam như thế nào?

Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay

1. Đặc điểm tư duy người Việt Nam ta trong truyền thống là hướng nội.

Hướng ngoại là thiên về nghiên cứu thế giới vật chất bên ngoài. Hướng nội là thiên về nghiên cứu thế giới tinh thần bên trong. Thiền tông đã đề xuất chủ trương “dĩ tâm truyền tâm”. Do đạo Phật quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thể vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân hoà đồng với bản thể vũ trụ, thì ta và thế giới hoà làm một. Muốn đạt được điều đó thì phải có trí tuệ hay Phật học gọi là Bát Nhã. Nhưng để đi đến cái đó, mỗi người phải tự khai mở tâm mình, “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, mà bước đầu là phải có sự biến đổi về mặt đạo đức theo hướng thiện. Điều này hợp với người Việt với truyền thống nghiêng về trau dồi tâm tính, đạo đức luân lý hơn là học hỏi trau dồi tri thức hiện đại.

Điểm này khiến người Việt trong cuộc sống đề cao cái tâm, lối sống tình cảm. Cách suy nghĩ và lối sống mang nặng màu sắc tình cảm, một mặt giúp nhân dân ta trong những thời hoạn nạn, thiên tai, địch hoạ... nhưng nó cũng làm hạn chế sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật.

2. Đặc điểm tư duy người Việt là chú ý nhiều tới các quan hệ.

Cùng một sự vật, hiện tượng chúng ta thường hoặc quan tâm đến cấu trúc, bản chất hoặc nghiên cứu những mối liên hệ, quan hệ với những sự vật , hiện tượng khác. Đương nhiên phương Đông chú trọng mối quan hệ nhiều hơn. Xuất phát từ “dịch”, “vô thường”, người phương Đông cho rằng không có gì là trường tồn, đứng yên mà vạn vật luôn vận động, biến đổi không ngừng. Vì vạn vật sinh sinh, hoá hoá, sắc sắc, không không nên cái ta thấy được chỉ là những mối liên hệ thấp thoáng giữa các trạng thái của sự vật trong quan hệ với những sự vật khác.

Để chỉ những mối liên hệ, Phật giáo có luật nhân quả. Nhân quả là chỉ mối quan hệ phổ biến mọi sự vật, hiện tượng. Không có cái tôi độc lập, không có thế giới tác rời “cái tôi, không có “cuộc sống” tách rời - tất cả những cái đó là những tương tác chặt chẽ và chỉ bị tách rời nhau trong tưởng tượng. Do vậy mà người phương Đông, Việt Nam theo đạo Phật thường để ý nhiều đến mối quan hệ, chủ yếu cảm tính, đạo đức nên nhiều nhìn nhận sai lệch, có tính chủ quan duy ý trí. Do đó, cuộc sống người Việt Nam thường chú ý nhiều đến quan hệ họ hàng, làng xóm, xã hội sao cho khôn khéo, tế nhị.

Chiều sâu ảnh hưởng của Phật giáo.

Tư duy người Việt có thêm 1 loạt khái niệm lấy từ Phật giáo. Những khái niệm đó góp phần làm tăng những khái niệm mang tính triết lý của người Việt, khiến tư duy người Việt mang tính khái quát hơn, trừu tượng hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng của Phật giáo lên cách tư duy còn thể hiện ở quan niệm về sự phát triển của vạn vật qua 4 giai đoạn: sinh (ra đời, xuất hiện) , trụ (tồn tại, hiện hữu), dị (phát triển, tiến hoá, biến đổi) và diệt (tử, chết, biến mất), còn ở con người đó là sinh, lão, bệnh, tử. Đó là sự phát triển tự nhiên, tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng, mọi sự sống.

Các khái niệm “vô thường”, “vô ngã” cũng ảnh hưởng nhiều tới hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam. Theo quan niệm nhà Phật thì mọi sự vật, hiện tượng là sự kết hợp động của những yếu tố, động (Pháp), bởi vậy chúng luôn vận động không ngừng. Phật giáo đóng góp 1 cách nhìn nhận thế giới động, phù hợp với sự phát triển sự vật.

Áp dụng triệt để luật vô thường vào việc phân tích con người, Phật giáo cho rằng người là kết hợp động của 5 yếu tố - ngũ uẩn, bởi vậy con người không có cái gọi là bản ngã mà là vô ngã. Cách nhìn này đã khiến con người sống một cách không sợ và vị tha.

Khi quan sát thế giới bên ngoài, Phật giáo đã nhìn ra một mối quan hệ phổ biến, cơ bản giữa các sự vật, hiện tượng – đó là mối quan hệ nhân – duyên - quả. Thuyết này là sự phản ánh khái quát rút ra từ thế giới hiện tượng, đặ biệt là khi xem xét sự phát triển của tự nhiên. Cách nhận thức hợp lý này đã cung cấp cho người Việt một cách suy nghĩ mang tính chất nhân quả để nhìn con người, cuộc sống, vạn vật: “nhân nào, quả nấy”,”gieo gió, gặp bão”, “ở hiền gặp lành”....

Các học giả đều cho rằng chưa có một học thuyết, một tôn giáo nào phân tích thế giới nội tâm, trong đó có tư duy sâu sắc như Phật giáo. Theo Phật học thì tư duy, ý thức của con người tựa như một dòng sông của ý niệm tuôn chảy không ngừng. Trong một sátna( thời gian búng ngón tay), tâm ý ta đã trải qua 960 lần chuyển niệm, trong thời gian một ngày đêm, nó trải qua 13 ức triệu niệm. Dưới dòng sông tuôn trào này, ở nơi sâu thẳm vô hình đâu đó là A lại da thức (Tạng thức) – nơi tàng trữ mọi mầm mống của vũ trụ. Tuy khó hình dung nhưng Phật giáo đã cung cấp cho ta một cái nhìn động về tư duy, ý thức. Phật giáo chỉ cho ta rằng muốn có tư duy, suy nghĩ đúng thì điều kiện cần là phải tập trung tư tưởng.

Tư tưởng, tư duy, ý thức của con người giống như ngọn đèn. Nếu cứ để bình thường thì toả sáng 4 phương, nhưng nếu biết tập trung toàn bộ ánh sáng vào một điểm, hội tụ chúng lại, thì điểm này trở nên rất sáng và mạnh. Vai trò của Thiền đối với tư duy cũng giống như việc tập trung ánh sáng vậy. Nó là một phương pháp khoa học.

Phật giáo còn dạy muốn suy nghĩ thật khách quan cần phải có cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo. Tâm nhảy nhót như khỉ vượn, bị thiêu đốt bởi tham lam, hận thù, si mê, tâm đứng ở nhị kiến, thích và không thích, yêu và ghét, thì nhận thức không thể nào khách quan được. Tâm như vậy giống như mặt nước hồ qua trận cuồng phong làm nổi sóng, vẩn đục và không thể nào thấy được những viên cuội dưới đáy sông.

Muốn cho tâm được yên tĩnh, tỉnh táo thì việc đầu tiên là nên nghĩ và làm những điều thiện. Đạo Phật hướng người Việt tới việc suy nghĩ về làm những điều thiện, làm lành lánh giữ. Trong các loại nghiệp của con người có 3 loại nghiệp quan trọng nhất là thân, khẩu, ý. Trong đó Phật giáo coi nghiệp ý (về tư duy, suy nghĩ) là quan trọng nhất. “Tổng vệ sinh”, “làm sạch” tư duy vừa là công việc khẩn thiết vừa là công việc thường xuyên từng giờ, từng phút với mỗi Phật tử. Tư tưởng từ bi bác ái, chủ trương khuyến thiện trừ ác, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn là những tư tưởng lôi cuốn đông đảo người Việt và trở thành lòng thương người, tính nhân đạo của họ. Chính vì quan tâm cứu vớt con người trước bất công đau khổ nên người Việt đã tiếp thu và nhiệt tình ủng hộ đạo Phật.

Đạo Phật cũng đóng góp một khía cạnh phương pháp nhận thức quan trọng – đó là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, tinh thần và tự nhiên hay tâm và vật. Một mặt thì tâm và vật không tách rời nhau. Không có vật thì cũng chẳng có tâm. Ngược lại, không có tâm thì vật như thế nào ta cũng không biết. Sở dĩ có vật là vật do ta đã quẳng cái tâm vào đó rồi.

Mặt khác, không chỉ có vật chất, giới tự nhiên, vật luôn vận động mà ý thức, tinh thần, tâm cũng luôn vận động. Hai cái luôn vận động như vậy, cậy làm thế nào để nắm bắt, nhận thức được cái thứ hai. Đứng trước vấn đề này Phật giáo đã đưa ra giải pháp như đã trình bày là tập trung tư tưởng, giữa cho tâm yên tĩnh, tỉnh táo. Như vậy ở đây Phật giáo dùng cái tĩnh trong sáng được tập trung cao độ để nắm bắt cái động, “dĩ biến bất biến ứng vạn biến”. Đây là một vấn đề khá lý thú so với nhận thức thông thường.

Cập nhật lúc:06:32 CH @ 29/05/2018

Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Những giá trị hợp lý của tư tưởng Phật giáo tại nước ta

1.1 Sự hòa nhập của tinh thần từ bi, hỷ xả với tinh thần yêu nước Việt Nam

“Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam là hệ thống giá trị truyền thống yêu nước, cần cù, thương người, vì nghĩa, anh hùng, sáng tạo và lạc quan, trong đó chủ nghĩa yêu nước là giá trị đạo đức tinh thần đứng đầu bảng trong giá trị truyền thống Việt Nam, truyền thống đó được hình thành trong quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong bối cảnh lịch sử ấy và những giá trị đặc trưng truyền thống ấy, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển được ở Việt Nam tất nhiên phải có sự thích ứng hòa hợp”(1). Phật giáo với những giá trị xây dựng từ tinh thần đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa Việt Nam. Sự hòa nhập của Phật giáo được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đã có rất nhiều vị cao tăng là quốc sư, giúp vua trị nước, an dân thời phong kiến. Thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, chùa chiền cũng là nơi đào tạo giới trí thức, dạy dân cách tổ chức đời sống.

1.2 Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong quan hệ ứng xử, giao tiếp

Đạo đức Phật giáo hòa nhập với các giá trị đạo đức của dân tộc trở thành phương tiện diễn đạt quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Các thuật ngữ như “từ bi, hỷ xả”, “vô ngã, vị tha”, “cứu nhân độ thế”, “tu nhân tích đức”, “sống nhân từ để phúc cho đời sau”… đã không còn nguyên nghĩa của riêng Phật giáo, mà trở thành một phần trong lẽ sống của người Việt, trở thành ngôn ngữ của đời sống thường ngày. Cách thức giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các quan niệm Phật giáo. Nét phổ biến trong quan hệ ứng xử và giao tiếp của Phật giáo là cái thật, cái thiện ở cả thân, khẩu, ý. Trong bát chính đạo của Phật giáo, có chính ngữ (giữ cho lời nói được đúng mực), đó chính là một trong các điều kiện để mỗi con người có những ứng xử phù hợp với mọi người trong xã hội. Về ứng xử, giao tiếp trong gia đình, Phật giáo đề cao sự hòa thuận và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, anh em, vợ chồng… đề cao sự hiếu thuận thông qua thực hiện Tứ ân. Điều này được thể hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ Việt Nam: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, hay như: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha” đã trở thành đạo lý, lẽ sống của người Việt.

1.3 Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong sự công bằng, bình đẳng

Tư tưởng bình đẳng, công bằng của Phật giáo khi du nhập và phát triển ở Việt Nam đã hòa nhập với tư tưởng, công bằng, bình đẳng của người Việt Nam. Cơ sở của sự ảnh hưởng hòa nhập này dường như bắt nguồn từ tư tưởng bình quân nguyên thủy của nền văn minh làng xã. Phật giáo chủ trương thiết lập quan hệ công bằng, bình đẳng giữa mọi người và cho rằng mọi người đều bình đẳng như nhau, trong mỗi người đều có phật tính; trong quan hệ với người khác, mỗi cá nhân không được cầu lợi cho mình… có ảnh hưởng rất lớn đối với quan niệm sống của người Việt, điển hình như: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”.

1.4 Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo về tính trung thực

Trong giáo lý của nhà Phật, tính trung thực thuộc vào giới “không nói dối” của ngũ giới. Thập thiện bao gồm: thực ở cả “thân, khẩu, ý”. Trung thực ở ý là trung tâm điều chỉnh hành vi theo luật nhân quả, nhân nào quả ấy. Theo đó, sự dối trá sẽ bị nghiệp báo. Thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo gặp gỡ với tín ngưỡng của người Việt Nam đã lan tỏa thành nếp sống, nếp nghĩ “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”… trong nhân dân.

1.5 Ảnh hưởng trong tính thiện, tình nghĩa và tình thương

 Tính thiện, tình nghĩa và tình thương mang bản sắc Việt Nam được con người Việt Nam hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Cái thiện của con người Việt Nam mang tinh thần bình đẳng, vị tha, tôn trọng, yêu thương con người. Phật giáo đã hòa đồng với tư tưởng truyền thống Việt Nam để xây dựng tính thiện, tình nghĩa và tình thương. Đó là, tình “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Tình thương, tình nghĩa, tính thiện không chỉ thể hiện trong quan hệ với hiện tại mà còn được thể hiện trong quan hệ với quá khứ như: uống nước nhớ nguồn hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây…

1.6 Ảnh hưởng trong tấm lòng bao dung rộng lớn

 Phật giáo đã góp phần cùng với dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng tấm lòng bao dung rộng lớn, vô ngã, vị tha. Tinh thần bao dung rộng lớn được thể hiện trước lỗi lầm của con người. Trong cách ứng xử của người Việt thể hiện rất rõ như: “biển cả mênh mông, quay đầu là bờ”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”… Tinh thần bao dung còn được thể hiện trong cách ứng xử với kẻ thù khi chúng bại trận, trong chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh...

1.7 Ảnh hưởng trong tinh thần tự lực, tự chủ của mỗi người

 Phật giáo khẳng định mỗi cá nhân là chủ nhân của chính mình, không phải làm nô lệ của người khác kể cả nô lệ cho đức Phật, hãy “tự đốt đuốc mà đi”. Tư tưởng này của Phật giáo khiến con người được giải phóng khỏi sự trói buộc của thần quyền, nhờ đó mà được tự do. Chính con người phải tự quyết định số phận và tiền đồ của chính mình. Quan điểm tự lực, tự chủ của Phật giáo đã góp phần xác định thêm cho tinh thần tự lực, tự chủ của mỗi người Việt Nam.

2. Những hạn chế

Bên cạnh những tác động tích cực, Phật giáo cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ tới đời sống của người Việt Nam. Với cách nhìn cuộc đời là bể khổ không bờ bến, thoát khổ bằng tu tâm, dưỡng tính để diệt trừ vô minh đạt giác ngộ, Phật giáo đưa lại quan niệm sống bi quan, yếm thế, coi cuộc đời chỉ là phù hoa, thoảng qua, là sống gửi, thác về. Nhìn cuộc đời một cách bi quan, thụ động nên không ít người Việt dễ chùn bước khi gặp khó khăn, sống buông trôi cho qua ngày, đoạn tháng với niềm tin chỉ lo tu tâm, dưỡng tính là đủ. Khi gặp trắc trở một số người Việt thường nghĩ đến số phận, nghiệp chướng, nhân quả, khiến con người hình thành tính cách bị động, ít chịu vươn lên, hạn chế năng lực đấu tranh xã hội của những con người hiện thực, thậm chí thờ ơ, do dự đối với cái tiêu cực, cái ác đang gây bất bình trong xã hội; không tin tưởng vào hoạt động đấu tranh tích cực cải tạo, chống tiêu cực trong xã hội, mà chờ đợi, tin vào nhân quả tự đến.

Như vậy, từ đánh giá sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến giá trị truyền thống của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần phải có quan điểm duy vật biện chứng cũng như nhận thức và vận dụng đúng quan điểm của triết học Mác - Lênin về tính hai mặt của tôn giáo. Các nhà kinh điển của chủ ngĩa Mác - Lênin khi bàn về tôn giáo đã đề cập đến vấn đề đạo đức tôn giáo không những phê phán mặt tiêu cực mà còn chỉ ra một số ý nghĩa tích cực của đạo đức tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử khi đó, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin thường xem xét tôn giáo gắn với thực tiễn đấu tranh giai cấp ở châu Âu, phục vụ cho yêu cầu cách mạng của giai cấp vô sản nên phải bàn nhiều đến mặt tiêu cực của tôn giáo, mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu các khía cạnh tích cực của văn hóa, tâm lý, tình cảm, đạo đức tôn giáo.

3. Phát huy tính hợp lý của Phật giáo trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, cần có sự đánh giá đầy đủ những giá trị và ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với con người Việt Nam, từ đó kế thừa, phát huy những giá trị của tư tưởng Phật giáo.

Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, ngoài mặt tiêu cực còn có những “hạt nhân hợp lý” hiện vẫn còn phù hợp với xã hội. Đó là mặt văn hóa, đạo đức và đáp ứng được yêu cầu đời sống tâm linh của con người. Đảng ta đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”(2). Trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Phật giáo vẫn giữ khả năng tự biến đổi và thích nghi theo xu hướng đi cùng với dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, “Đạo pháp - dân tộc - xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm này của Đảng và Nhà nước ta cần phải được phát huy thành các định hướng cụ thể trên tinh thần khai thác các yếu tố văn hóa, đạo đức, tinh thần tích cực của Phật giáo. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay, tư tưởng Phật giáo đang góp phần cùng pháp luật chống lại những biểu hiện tiêu cực, phi nhân tính trong sản xuất, kinh doanh, phai nhạt bản sắc dân tộc trong đời sống xã hội, góp phần phát huy những nét đẹp trong quan hệ giữa con người với con người; xây dựng và điều chỉnh nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới vừa hiện đại vừa giàu bản sắc dân tộc.

Những điều kiện về kinh tế, xã hội, nhận thức, tâm lý là cơ sở cho Phật giáo phát triển vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại. Hơn nữa, bản thân Phật giáo cũng không ngừng tự vận động biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới. Vì vậy, cần phải có quan điểm khoa học để nghiên cứu một cách toàn diện những cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục khái quát, tìm ra những ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, từ đó có quan điểm, biện pháp phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của tư tưởng Phật giáo đến suy nghĩ, lối sống của người Việt Nam hiện nay.

ThS. Nguyễn Thị Huyền Chi - Đại học Điện lực

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.1980, tr.145.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.165.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.1999.

2. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Những vấn đề về lý luận tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.2012.

tcnn.vn