Nếu phải lựa chọn giữa IQ và EQ thì anh chỉ sẽ chọn như thế nào vì sao

"IQ là viết tắt tiếng Anh của Intelligence Quotient, hay được hiểu là chỉ số thông minh của não bộ con người. Chỉ số IQ cao đồng nghĩa với việc người đó sẽ có tư duy, phản xạ  nhanh nhạy và ngược lại.

“EQ là viết tắt tiếng Anh của Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Vì vậy EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó.

“Nếu phải lựa chọn giữa IQ và EQ thì anh/ chị sẽ chọn như thế nào? Vì sao?"

Đó là nội dung câu hỏi đầu kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh của Sở Giáo dục-Đào tạo Thừa Thiên-Huế ,được truyền thông Nhà nước trích dẫn nguyên văn hôm 20/1/2022 vừa qua. 

Báo chí cũng đăng lại nhận xét của thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, nói rằng câu ‘nghị luận xã hội’ này là một đề thi khá hay, giàu ý nghĩa và có độ “mở” tốt.

Một câu hỏi như thế này, theo ông, sẽ tạo điều kiện để học sinh thể hiện sức nghĩ, sức viết và khả năng sáng tạo của mình.

Đề thi đặt ra một vấn đề giàu ý nghĩa là sự lựa chọn giữa IQ [chỉ số thông minh] và EQ [chỉ số cảm xúc]. Ông cho rằng có một  thời người ta dường như quá chú trọng phát triển IQ chỉ số thông minh mà quên mất vai trò của EQ chỉ số cảm xúc.

Hậu quả là, vẫn lời thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh, khi đối diện với sự phức tạp của cuộc sống thì mới nhận ra EQ cũng quan trọng không kém, nhận ra sự cân bằng giữa IQ và EQ mới giúp con người trở nên hoàn thiện. Bàn về vấn đề này, đặc biệt là bàn về EQ, học sinh sẽ có cơ hội luận giải, bày tỏ hiểu biết, nêu quan điểm của mình về những vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại.

Một phụ huynh giấu tên ở Thừa Thiên-Huế, từng là giáo viên  Ngữ văn và có con đang ở Lớp 10 THPT, bày tỏ cùng RFA qua điện thư:

“Ông thầy này hơi bộp chộp. Ông ta nói về IQ và EQ không sai, rất đúng là đằng khác, chỉ có điều ông đang đi trên mây mà còn bắt học sinh đi trên mây như ông. Đâu chỉ hai câu định nghĩa ngắn gọn về IQ và EQ rồi yêu cầu học sinh chọn lựa hoặc chỉ số thông minh hoặc chỉ số cảm xúc, tại sao…. Cái này là làm khó con em, chúng đã biết gì nhiều về hai phạm trù này”

Không phù hợp là nhận định của nhà giáo dục, Tiến sĩ Mạc Văn Trang:

“Cũng rất ngạc nhiên là tại sao lại ra cho học sinh phổ thông, dù là chuyên văn, một đề tài về Tâm lý học. Thực chất IQ và EQ là của Tâm lý học, mà sinh viên Tâm lý học thì mới học cái này chứ học sinh phổ thông ở Việt Nam không có học”

 “Hỏi học sinh cái điều nó không biết, cái điều nó không học, thì rất là không công bằng. Có những em may mắn đọc được IQ, EQ thì nó biết, còn những em khác không biết vì không hoc, trong chương trình không có,  thì nó rất là không công bằng, không phù hợp với học sinh.”

Sinh viên khoa Tâm lý năm thứ hai mới được học về IQ và EQ, Tiến sĩ Mạc Văn Trang giải thích tiếp. Nghiên cứu về chỉ số thông minh IQ phải có công cụ đo và đánh giá. Về chỉ số cảm xúc tức EQ, ông nói, là một vấn đề mới trong vòng độ 20 năm trở lại đây. Ở Việt Nam thì khoảng độ chục năm nay thôi người ta mới đề cập mới nghiên cứu về EQ, mà cái này có những công cụ đo rất khó. Bắt học sinh làm bài thi về những điều các em chưa được học là bất hợp lý:

“Thay vì IQ và EQ, nếu cũng nội dung đó thôi, thì có thể hỏi học sinh về vấn đề lựa  chọn giữa ‘trí tuệ’ và ‘tình cảm’. Một con người nặng về tình cảm và một con người nặng về trí tuệ thì em lựa chọn như thế nào, em đánh giá như thế nào? Như vậy nó cụ thể hơn, tại sao đưa cái IQ, EQ mà nó không học vào để cho nó phức tạp”.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 7/6/2020: học sinh học một lớp võ thuật ở Hà Nội. AFP

Sao lại phải lựa chọn mà không là trau dồi rèn luyện cả hai, cũng là thắc mắc từ một giáo viên Ngữ văn ở TP.HCM, được báo chí đăng tải lại.

Theo giáo viên này, cảm thấy không thích và khó chịu trước kiểu đề thi như vậy thì sự  lựa chọn nào cũng đau khổ. Vào cửa hàng muốn mua hai cái áo mà tiền chỉ có ít, phải chọn một đã đau khổ mà cứ thích bắt chọn lựa để làm gì?

Đề thi sẽ hay hơn, ông nói, khi đặt vấn đề là  "Anh chị hãy khám phá chính mình và viết một bài luận về EQ chỉ số cảm xúc và IQ chỉ số thông minh của bản thân.

Thực tế IQ hay EQ không phải chuyện khó hiểu nếu ta chịu tìm tòi, học hỏi, lắng nghe, áp dụng và chia sẻ, là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh Lan, từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam, thành viên ICEVN  Học Viện Công Dân. Bà là chuyên viên về trí tuệ cảm xúc, từng tổ chức các buổi hội thảo về IQ và EQ ở Hoa Kỳ cũng như cho Việt Nam.  

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh  Lan, IQ và EQ không còn là những môn học quá mới ở Việt Nam, kể cả cho học sinh, thông qua những chương trình giới thiệu và huấn luyện online của bà. Đây cũng là nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, bà nói:  

“IQ thi có lẽ nhiều người biết tới nhưng chưa chắc hiểu rõ ý nghĩa của nó, và EQ  thì hầu như không phải ai cũng biết. Một cách nôm na dễ hiểu thì IQ, viết tắt của chữ Intelligence Quotient, một chỉ số thông dụng để đo lường mức độ thông minh của não bộ con người. Chỉ số IQ cao có nghĩa người đó có tư duy và phản xạ nhanh nhạy hơn người khác, não bọ họ hoạt động lẹ hơn, họ có khả năng tìm lời giải cho những vấn đề hóc búa hoặc khó khăn mà không phải ai cũng làm được.

“Còn EQ Emotional Quotient, là chỉ số thông dụng để đo lường mức độ trí tuệ cảm xúc của một con người. Nó đo lường luôn cái khả năng nhận định, kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của chính mình và những người xung quanh mình. Nó còn giúp cho mình có khả năng đối phó với những nghịch cảnh trong đời sống, khả năng nối kết và đồng cảm với những người quanh mình. Chỉ số EQ là một yếu tố rất quyết định về hành vi  và khả năng thành công của một con người.”

Bà nêu ra rằng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy 90%  những người thành công và hoạt động hữu hiệu trong bất cứ công việc trong bất cứ ngành nghề nào thì thường EQ của người đó rất cao. Ngược lại, người có chỉ số IQ thật cao nhưng chỉ số EQ thấp thì không thể đạt thành công trong xã hội được, nhất là trong những nghề mà mình phải tương tác với người khác hoặc phải giải quyết những vấn đề liên hệ đến những người xung quanh mình.

Xem ra IQ đã quan trọng mà EQ lại còn hệ trong hơn, chuyên viên trí tuệ cảm xúc Anh Lan phân tích tiếp. Bà nhấn mạnh là cả hai đều cần thiết,  không thể bỏ cái nào lấy cái nào rồi gọi đó là câu hỏi “mở” mà được:

“Tôi nghĩ là khi chúng ta hướng dẫn các em suy luận, giải toán rồi làm những môn khoa học tự nhiên thì chúng ta đã và đang giúp các em rèn luyện về IQ về chỉ số thông minh. Tuy nhiên trong việc hướng dẫn học sinh học hỏi về vấn đề cảm xúc của mình, về các kỹ năng để điều khiển cảm xúc của mình, thí dụ kỹ năng phản chiếu bản thân Self Awareness, kỹ năng lắng nghe và thấu cảm đối với người khác, rồi kỹ năng giải quyết căng thẳng  và áp lức trong cuộc sống, hoặc là kỹ năng nối kết và tương tác với người khác ….thì hình như rất là thiếu.Tất cả những kỹ năng này đều là thành tố góp vào chỉ số EQ của một con người”. 

Khi chưa được học tới như lời Tiến sĩ Mạc Văn Trang, hoặc khi chưa hiểu biết thấu đáo như lời chuyên viên tâm lý Nguyên Phúc Anh Lan, làm sao mà bắt học sinh lý giải rồi chọn lựa cho được:

“Tôi  nghĩ khi mình nói chọn lựa giữa IQ và EQ thì mình có thể tạo sự hiểu lầm là hai thứ này giống nhau. Giống như khi mình so sánh quả táo với quả táo, quả cam với quả cam, chứ mình so sánh quả táo với quả cam thì đâu có được”

“Chỉ số thông minh IQ và chỉ số xúc cảm EQ là hai phạm trù khác nhau. Quyết định sự thành công trong cuộc sống thì cả hai đều cần thiết hết.Thành ra khi mình hỏi là chọn thì hầu như mình tạo  sự hiểu lầm rằng IQ và EQ giống nhau.

“Nôm na thì IQ đi với bộ óc, còn EQ đi với trái tim và bộ óc. Con người cần có bộ óc và trái tim, nếu chọn tim hay óc không thì không được. Phải có tim và có óc thì mới thành con người hoàn thiện được.”

Đối với Tiến sĩ Mạc Văn Trang, đòi học sinh chọn IQ hay EQ là một đề tài vừa phản sư phạm vừa bất hợp lý mà những người ra đề ở Sở Giáo dục-Đào tạo Thừa Thiên –Huế hiểu rõ hơn ai hết. 

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Video liên quan

Chủ Đề