Khi tham gia vào giao dịch dân sự, người đại diện của pháp nhân phải là giám đốc điều hành

Theo điều 116 bộ luật dân sự 2015 quy định “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự“. Đối với giao dịch dân sự là hợp đồng, phải có 2 chủ thể tham gia ký kết. Đối với những giao dịch dân sự thông thường, 2 chủ thể là những cá nhân/pháp nhân khác nhau, đại diện cho những lợi ích đối lập nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp 2 bên chủ thể thực hiện giao dịch là 1 cá nhân/pháp nhân sẽ là việc giao dịch dân sự với chính mình

Quy định khi giao dịch dân sự với chính mình

Khoản 3 điều 141 Bộ luật dân sự quy định: “3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Từ đó có thể thấy một cá nhân không được thực hiện giao dịch với chính mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vậy, chúng ta phải xét đến việc “ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Luật doanh nghiệp 2014 quy định trường hợp khác trong quy định này như sau:

Trường hợp 1: Trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên, người đại diện theo pháp luật nhân danh công ty ký với chính mình phải được Hội đồng thành viên chấp thuận [Điều 67 Luật doanh nghiệp 2014]

Điều 67. Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận
1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
a] Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b] Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;

Ví dụ: Công ty TNHH ABC [có người đại diện theo pháp luật là ông G] góp vốn để trở thành thành viên công ty TNHH CDE. Công ty TNHH ABC muốn uỷ quyền cho ông G đại diện quản lý phần vốn góp của công ty ABC tại công ty CDE. Khi đó, công ty ABC phải được Hội đồng thành viên đồng ý Công ty ABC [do ông G đại diện] ký văn bản uỷ quyền cho ông G làm đại diện phần vốn góp của công ty ABC tại công ty CDE.

Đó là trường hợp pháp luật có quy định khác để ông G ký hợp đồng với chính mình nhưng với 2 tư cách: Người đại diện theo pháp luật của công ty – Chính bản thân ông G.

Trường hợp 2: Đối với công ty TNHH một thành viên quy định tại Điều 86 Luật doanh nghiệp

Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
1. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu với những người sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định:
a] Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;b] Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

Trường hợp 3: Trong công ty cổ phần theo quy định tại điều 162 luật doanh nghiệp:

Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:a] Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;b] Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

c] Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.

Theo đó, pháp luật doanh nghiệp vẫn cho phép trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập giao dịch với chính họ nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định, phải được Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chấp thuận tùy vào loại hình doanh nghiệp.

Hợp đồng giữa hai công ty do cùng 1 người làm đại diện ký

Khoản 3 điều 141 Bộ luật dân sự quy định: “3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”

Xem thêm: Giám đốc công ty có được ký hợp đồng với chính mình

Một người có thể là người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty. Do vậy nhiều trường hợp khi các công ty đó giao dịch với nhau, người đó sẽ đại diện cho cả 2 công ty để ký hợp đồng. Vậy hợp đồng đó ký có hiệu lực pháp luật không?

Theo quy định tại Khoản 3 điều 141 Bộ luật dân sự thì Hợp đồng này không có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, các công ty thường áp dụng cách sau: Một công ty uỷ quyền lại cho một người khác để ký hợp đồng. Cách làm này về hình thức đảm bảo theo quy định của pháp luật nhưng về bản chất cũng như việc một người làm đại diện cho hai công ty ký hợp đồng. Bởi, người được uỷ quyền thực hiện công việc theo uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật có quyền ký hợp đồng với công ty khác mà mình làm đại diện mới có thể uỷ quyền lại cho người khác.

Giải quyết hợp đồng vô hiệu: Điều 162 Luật doanh nghiệp quy định: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.”

Bài viết liên quan

Pháp nhân có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại với các tổ chức được biết đến như sodalitas, universitas và collegium[1]. Theo con đường chinh phục thuộc địa, chế định pháp nhân của Pháp du nhập vào Việt Nam, sau đó biến đổi phần nào theo chế định pháp nhân của truyền thống Sovietique Law. Theo truyền thống Sovietique Law, pháp nhân được coi là một con người giả tưởng, không có hình hài vật chất, nhưng là một chủ thể của pháp luật có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ[2]. Tuy nhiên, mọi hoạt động của pháp nhân nói chung đều thông qua đại diện. Vì vậy, nói về hoạt động của pháp nhân không thể không nói tới đại diện của pháp nhân.

Ngày nay, pháp nhân thường được các hệ thống pháp luật chia thành pháp nhân công pháp và pháp nhân tư pháp. Đối với những nước có sự phân biệt giữa thương nhân và người thường còn chia pháp nhân tư pháp thành pháp nhân dân sự và pháp nhân thương mại[3]. Các loại pháp nhân này có các quy chế pháp lý khác nhau liên quan tới thành lập, quản trị và hoạt động, cũng như giải thể. Thông thường, đại diện của pháp nhân được quy định trong chế định quản trị pháp nhân. Ở Việt Nam hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện của pháp nhân tại Chương IV [Pháp nhân] và Chương IX [Đại diện]; Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về đại diện của pháp nhân thương mại theo từng loại hình công ty. Ngoài ra, có một số đạo luật kinh tế chuyên ngành cũng có các quy định về đại diện của một số loại pháp nhân thương mại chuyên biệt.

Về nguyên lý, pháp nhân phải có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Những người này có chức năng đại diện cho pháp nhân trong tất cả các hoạt động của pháp nhân. Vì bản chất của pháp nhân là một hành vi pháp lý đối với hầu hết các pháp nhân tư pháp[4], do đó, đại diện hoặc các đại diện của pháp nhân phải hành động phù hợp với các quy định trong điều lệ của pháp nhân và các quy định của các văn bản khác như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc của hội đồng thành viên... Đối với các pháp nhân công pháp hoặc một số ít pháp nhân tư pháp đặc biệt, đại diện hoặc các đại diện của pháp nhân phải hành động phù hợp với điều lệ và phù hợp với quyết định thành lập hay quyết định phê chuẩn việc thành lập của pháp nhân hoặc phù hợp với mục đích của pháp nhân. Tuy nhiên, để bảo vệ người thứ ba ngay tình, pháp luật thường bác bỏ giới hạn về thẩm quyền đại diện của đại diện pháp nhân, có nghĩa là không thể nại ra giới hạn về thẩm quyền đại diện để chống lại người thứ ba ngay tình nếu như họ không biết về giới hạn thẩm quyền đó, tức là, đối với người thứ ba ngay tình, thì mỗi đại diện của pháp nhân được coi là đại diện cho bất kỳ và tất cả các hoạt động của pháp nhân dù rằng điều lệ hay văn bản khác của pháp nhân có quy định về giới hạn thẩm quyền của đại diện nào đó. Trong trường hợp pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật, nếu không có quy định thẩm quyền đại diện về vấn đề nào đó, thì theo nguyên tắc chung, vấn đề đó được quyết định bởi đa số các đại diện. Tuy nhiên, pháp luật có thể dự liệu những trường hợp phải theo nguyên tắc nhất trí tùy thuộc loại hình pháp nhân và tùy thuộc tầm quan trọng của vấn đề. Để pháp nhân hoạt động có hiệu quả và tránh sự lợi dụng của người đại diện pháp nhân vì mục đích tư lợi, pháp luật thường đặt ra nguyên tắc tránh xung đột lợi ích giữa người đại diện và pháp nhân được đại diện. Việc thay thế người đại diện và các chế tài thường được dự liệu liên quan tới trường hợp này. Trường hợp người đại diện của pháp nhân vắng mặt mà gây ảnh hưởng tới người khác, thì một đại diện có thể được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác tiến hành các hành vi cụ thể trong hoạt động của pháp nhân nếu việc ủy quyền đó không chống lại các văn bản của pháp nhân và pháp luật. Các nguyên lý này đã được thể hiện phần nào đó trong pháp luật Việt Nam, nhưng có sự xê dịch khá nhiều và đôi khi thiếu thỏa đáng.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện [sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền]; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật [sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật]” [Điều 135]. Như vậy, theo điều luật này, “quyền đại diện” đồng nghĩa với “đại diện”. Đây là một sự khác biệt khó lý giải bởi thuật ngữ “đại diện” trong tiếng Việt dùng để chỉ “quan hệ đại diện” hoặc “người đại diện”. “Quyền đại diện” là quyền của “người đại diện” được trao bởi người được đại diện hoặc bởi pháp luật. Các thể thức trao quyền đại diện được Bộ luật này quy định tại khoản 1 Điều 137, bao gồm: [i] Pháp nhân chỉ định theo điều lệ của pháp nhân; [ii] pháp luật quy định; và [iii] Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có dự liệu trường hợp pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật [khoản 2 Điều 137]. Thế nhưng, Bộ luật này quy định mỗi người đại diện trong số những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo nội dung ủy quyền hoặc theo qui định của pháp luật [khoản 1 Điều 141] và phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình [khoản 4 Điều 141]. Bộ luật này không dự liệu phạm vi đại diện của người đại diện hoặc các người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có tính cách tổng quát, có nghĩa là, không xác định người đại diện hoặc các người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đại diện cho pháp nhân đối với bất kỳ và tất cả các công việc của pháp nhân, mà chỉ chú ý tới thẩm quyền đại diện của mỗi người đại diện trong số những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và dành toàn bộ việc xác định phạm vi đại diện này cho văn bản trao quyền đại diện. Đây là vấn đề rất đáng tiếc vì pháp nhân không thể hoạt động được hoặc không thể hoạt động đầy đủ theo mục đích và chức năng nếu người đại diện hay các người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không có thẩm quyền đại diện đối với bất kỳ và tất cả các công việc của pháp nhân bởi pháp nhân chỉ là con người giả tưởng.

Bộ luật này cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2014 không dự liệu việc nại ra hay lạm dụng việc có nhiều người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mà thẩm quyền đại diện của từng người bị giới hạn để chống lại người thứ ba ngay tình. Bộ luật Dân sự năm 2015 có khuynh hướng buộc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã giao kết hợp đồng vượt quá phạm vi của sự ủy quyền phải thực hiện phần nghĩa vụ vượt quá [khoản 2 Điều 143]. Đây là một quy định không có tính khả thi cao bởi nhiều loại nghĩa vụ mà cá nhân người đại diện không thể thực hiện được dù có bỏ ra chi phí, nếu như pháp nhân được đại diện hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực đặc biệt [chẳng hạn sản xuất thuốc nổ].

Vấn đề rất đáng chú ý là Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” [khoản 1 Điều 13]. Các quy định này cho thấy, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại ở Việt Nam hiện nay chỉ có thẩm quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hành vi pháp lý [hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương], chứ không có thẩm quyền xác lập các hành vi pháp lý để làm phát sinh ra quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân thương mại. Đây là một sai trái lớn và mâu thuẫn hoàn toàn với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều không nhắc gì tới việc quản trị pháp nhân của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Điều đó có nghĩa là, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tư pháp chỉ đại diện cho pháp nhân trong việc xác lập các giao dịch và thực hiện giao dịch [Bộ luật Dân sự năm 2015] hoặc chỉ thực hiện giao dịch [Luật Doanh nghiệp năm 2014]. Như trên đã nói, pháp nhân là con người giả tưởng, không có hình hài vật chất, do đó, bất cứ hoạt động nào từ việc quan hệ với bên ngoài hoặc quan hệ nội bộ đều phải nhờ cậy đến người đại diện hoặc những người đại diện của nó. Khi khái quát một quy chế chung cho đại diện của pháp nhân, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều quên mất mối quan hệ nội bộ của pháp nhân mà trong đó có việc quản trị tài sản và nhân sự… Điều đáng lưu ý nữa là Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại không nói gì tới mối liên hệ giữa chế định đại diện và chế định người quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật này có định nghĩa: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty” [khoản 18 Điều 4]. Vì vậy, người ta có thể giải thích được mối liên hệ này khá rõ đối với công ty hợp danh. Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty, đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty [điểm b khoản 1]. Điều này cho thấy, thành viên hợp danh là đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh. Và hình thức công ty này luôn luôn có nhiều đại diện theo pháp luật mà mỗi trong số họ đại diện cho công ty đối với bất cứ và tất cả các hoạt động của công ty. Các quy định tại Điều 176 cho thấy sự mâu thuẫn giữa các quy định chung về đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 với các quy định cụ thể về đại diện theo pháp luật của pháp nhân là công ty hợp danh. Chẳng hạn có quy định cụ thể rằng, thành viên hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty, yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết [điểm a, điểm đ khoản 1 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014]. Các quy định này khẳng định rằng, người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh không chỉ đại diện cho công ty xác lập giao dịch, thực hiện giao dịch, mà còn quản trị tài sản và nội bộ công ty, trong khi đó như trên đã phân tích các quy định chung về đại diện theo pháp luật của pháp nhân xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chỉ đại diện cho pháp nhân đối với việc xác lập và thực hiện giao dịch.
Điều 157 Luật Doanh nghiệp năm 2014 ngụ ý giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty bởi quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty, quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh, tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động, tuyển dụng lao động. Các quy định này cho thấy, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần không chỉ đại diện cho công ty đối với xác lập và thực hiện giao dịch, mà còn đại diện cho công ty đối với việc quản trị nội bộ và quản trị tài sản.

Giống với công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng ngụ ý người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên là giám đốc hoặc tổng giám đốc với quy định tại Điều 64 rằng, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, ký kết hợp đồng nhân danh công ty, tuyển dụng lao động, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty, ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty. Phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên theo các quy định này không chỉ dừng lại ở việc xác lập và thực hiện giao dịch, mà còn trong cả các lĩnh vực nội bộ công ty.

Như vậy, có thể khẳng định, các quy định chung về đại diện theo pháp luật của pháp nhân mâu thuẫn với toàn bộ các quy định riêng về đại diện theo pháp luật của các hình thức công ty. Do đó, việc hoàn thiện tổng thể các quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật, đồng thời, không gây cản trở lớn cho việc áp dụng pháp luật.

Công ty Cổ phần đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 

[1]. Herry G. Henn & John R. Alexander [1983], Laws of Corporations and Other Business Enterprises, Third Edition, St. Paul, Minn. West Publishing Co., p. 14.

[2]. Evgenij Smirnov and Oleg Jastrebov [2013], “Value of the Fiction Theory for Understanding the “Legal Person”” [pp. 907 - 912], World Applied Sciences Journal 27 [7], ISSN1818-4952, IDODSI Publications, p. 909.

[3]. Xem Ngô Huy Cương [2016], “Trách nhiệm hình sự pháp nhân: Nhìn từ tổng thể luật hình sự, luật hành chính, luật dân sự và luật thương mại” [tr. 9 - 18], Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 18[322], Kỳ 2 - Tháng 9/2016, tr. 16.

[4]. Ngô Huy Cương [2015], “Bình luận các quy định về pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Dân sự [sửa đổi]” [tr. 38 - 49], Tạp chí Dân chủ và Pháp luật [Số chuyên đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự], Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 43.

Video liên quan

Chủ Đề