Kéo dài cách ly xã hội 30 4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn. Ảnh: VGP/Đình Nam


Tiêm 836.000 liều vaccine trong 5 ngày

Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trước diễn biến dịch COVID-19, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, hàng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của TPHCM tổ chức họp, tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên. Bắt đầu từ ngày 17/6, các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg cộng với một số biện pháp của thành phố.

Hiện có 7 doanh nghiệp trong khu công nghiệp [KCN] ở TPHCM có ca mắc COVID-19. Phần lớn mỗi nơi chỉ có từ 1-2 ca mắc, chưa có dấu hiệu lây lan ra các nơi khác; có 2 doanh nghiệp có tính chất giống nhau [chế biến hải sản, công nhân làm việc chung trong môi trường không gian lạnh và kín] nên có số lượng ca mắc lớn hơn [6 và 11 ca]…

Những UBND cấp phường và cấp quận có ca nhiễm đã tạm ngừng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM cho biết một số DN hoạt động trong KCN đã ghi nhận ca nhiễm, đặc biệt ở nhà máy chế biến thuỷ, hải sản có mật độ công nhân làm việc rất đông.

Dự kiến, TPHCM sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả các nhà máy, DN hoạt động trong KCN. Những nhà máy, DN lớn cần có phương án bố trí cho bộ phận công nhân nòng cốt ăn ở, trong KCN hoặc quy trình khép kín từ nơi ở trọ, ký túc xá đưa đón đến nhà máy làm việc, sinh hoạt và đưa về.

Hiện tại TPHCM đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải sẵn sàng trang thiết bị điều trị bệnh nhân phải thở máy, có diễn biến nặng.

Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca, ông Dương Anh Đức cho biết: “TPHCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu mục tiêu năng suất tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19/6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu đơn/ngày”.

TPHCM lên kế hoach tiêm hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 trong 5 ngày. Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhất thiết không được “khoanh rộng mà lỏng”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TPHCM là đô thị lớn, chính quyền, người dân đã trải qua quá trình thực tiễn chống dịch, vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong toả phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô, để khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

TPHCM đã qua 14 ngày giãn cách xã hội, phải khẩn trương điều tra dịch tễ, phân loại những khu vực được coi là đã an toàn hoặc sau khi tiếp tục thực hiện một số biện pháp thì xác định được là an toàn trong tình hình dịch bệnh dịch bệnh hiện nay thì có giải pháp để nới lỏng. Ngược lại, những khu vực có nguy cơ thì phải siết chặt hơn nữa, không để tình trạng còn có tập trung đông người như nhân dân đã phản ánh; quy định rõ những khu vực công cộng không được tập trung đông người; kiểm soát các luồng giao thông từ những nơi có ổ dịch trong thành phố.

Tinh thần là không cào bằng hết tất cả, vì chúng ta phải phục vụ mục tiêu kép, kể cả trong chống dịch. Còn khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TPHCM phải “giữ bằng được” các KCN trước dịch bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phải giữ bằng được KCN

Đối với KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải “giữ bằng được” bằng những biện pháp rất mạnh tay. Thành phố cần tăng cường xét nghiệm, cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm trong 3 ngày đầu tiên, với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng lưu ý mặc dù năng lực xét nghiệm của TPHCM rất tốt so với các tỉnh nhưng với dân số 10 triệu dân, có rất nhiều KCN, thành phố phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong KCN. Đặc biệt, công tác điều phối xét nghiệm phải bảo đảm thống nhất giữa các đơn vị tham gia xét nghiệm, đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết bắt kịp tốc độ lây của dịch, tuyệt đối không để tình trạng xét nghiệm bị chậm, bị nhầm do công tác điều phối như đã xảy ra ở một số nơi.

Khi phát hiện ca nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp trong KCN, TPHCM cần hết sức chú ý đến các khu công nhân ở trọ có mật độ rất dày đặc khi thực hiện khoanh vùng, cách ly, phong toả.

Trong thời gian tới, TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà bảo đảm an toàn chặt chẽ về y tế cũng như quyền riêng tư của người dân, phù hợp với điều kiện của thành phố trong tình huốngncó đông người bị nhiễm.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày mai, 18/6, TPHCM sẽ thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện cách ly F1 tại nhà; đồng thời sẽ tổ chức rà soát để bảo đảm an toàn trong khu cách ly tập trung, chống lây nhiễm chéo; tăng cường tiến hành rà soát ngoài cộng đồng, các KCN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải tập trung giãn tiếp mật độ trong các khu cách ly tập trung có ca nhiễm để chấm dứt ngay tình trạng lây nhiễm chéo. Ảnh VGP

Chấm dứt lây chéo trong khu cách ly tập trung

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết những điểm nóng xung quanh các KCN ở Việt Yên đã được giải toả, làm sạch. Các ca nhiễm mới xuất hiện chủ yếu ở 25/286 khu cách ly tập trung, chủ yếu dành cho công nhân của công ty Hosiden, ở trọ tại thôn Núi Hiểu [xã Quang Châu, huyện Việt Yên]. Tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục giãn mật độ ở các khu cách ly tập trung có ca nhiễm mới theo nhóm nguy cơ cao [1 người/phòng], nguy cơ trung bình [2-3 người/phòng], nguy cơ thấp [4 người/phòng]. Bắc Giang cũng phân loại các khu cách ly tập trung theo màu đỏ [có ca nhiễm mới liên tục 2 ngày hoặc 1 ngày có nhiều ca nhiễm], màu vàng [đã từng có ca nhiễm], màu xanh [chưa có ca nhiễm], để tập trung kiểm tra, giám sát trọng điểm để hạn chế lây nhiễm chéo.

Tỉnh cũng tiếp tục động viên, quan tâm hỗ trợ những người phải cách ly dài ngày, có người đã 3-4 tuần; ưu tiên đưa một số nhóm đối tượng công nhân ngoại tỉnh về địa phương…

Đến nay Bắc Giang đã có 123 nhà máy với khoảng 2 vạn công nhân quay trở lại làm việc trong KCN. Các DN chấp hành đúng những quy định phòng, chống dịch theo hướng công nhân của DN nào thì cùng ở, cùng ăn, cùng đi làm việc theo ca, kíp. Vì vậy, có 3 công ty phát hiện 9 ca nhiễm nhưng không dẫn đến lây lan rộng. Bắc Giang cũng có bộ phận giám sát thường trực việc phòng chống dịch trong KCN.

Ngoài cộng đồng, Bắc Giang đã lấy 504.000 mẫu tầm soát ở những khu vực có nguy cơ, tập trung đông người như bến xe, chợ, chỗ có nhiều công nhân… khi phát hiện ca nhiễm mới tỉnh lập tức khoanh vùng rộng, cách ly hẹp, xét nghiệm tầm soát thần tốc, không để dịch lây lan.

Về công tác điều trị, Bắc Giang đã có 1.437 bệnh nhân xuất viện, 403 bệnh nhân âm tính lần 1, 341 người âm tính lần 2, 4 bệnh viện tuyến huyện điều trị sẽ được giải phóng để quay trở lại khám, chữa bệnh cho nhân dân…

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, trong 178 ca nhiễm được công bố hôm nay, có một số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính từ trước và được được đưa đi điều trị. Nguyên nhân là trong thời gian dịch bùng phát có nhiều đơn vị trung ương, địa phương đến hỗ trợ lấy mẫu, xét nghiệm, nhưng do việc kết nối, thống kê số liệu xét nghiệm giữa các đơn vị chưa thống nhất nên có những ca đã có kết quả xét nghiệm từ trước nhưng đến nay mới được công bố.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định tình hình dịch tại địa phương đang được kiểm soát tốt và mục tiêu khống chế hoàn toàn dịch bệnh trong một vài ngày tới vẫn đạt được. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát số liệu xét nghiệm, công bố tất cả những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm từ trước đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải tập trung giãn tiếp mật độ trong các khu cách ly tập trung có ca nhiễm để chấm dứt ngay tình trạng lây nhiễm chéo.

Do tình hình dịch vào KCN, Bắc Giang cùng một lúc phải nhận chi viện từ hàng chục đơn vị Trung ương, địa phương để lấy mẫu, xét nghiệm nên sổ sách, bàn giao trong lúc cao điểm chưa tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải rà soát, làm rõ những ca dương tính từ nhiều ngày trước, đã được điều trị nhưng bây giờ mới công bố, trên tinh thần công khai, minh bạch.

Bắc Giang đã kiểm soát tình hình dịch bệnh tương đối tốt, phải phấn đấu đến ngày 21/6 phải kiểm soát tốt.

Đinh Nam


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ ngày 18/5 đến sáng nay [14/6] là 821 ca. Dịch đã phát hiện tại 22 quận, huyện và thành phố trên địa bàn với nhiều chuỗi lây nhiễm.

Đặc điểm lớn nhất của đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh, lan tỏa rất nhanh và rộng. Các ổ dịch cộng đồng lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Đáng chú ý, đến nay đã có 5 bệnh viện ghi nhận nhân viên y tế mắc bệnh gồm Bệnh viện quận Tân Phú [5 người], Bệnh viện tư nhân Nam Sài Gòn [1 người], Bệnh viện Nhi đồng 1 [1 người], Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới [53 người] và Bệnh viện Nhân dân Gia Định [2 người].

Ông Bỉnh cũng cho biết, trong những ngày tới, giải pháp trọng tâm của Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Đặc biệt, tập trung kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo các nội dung của chỉ thị 15 kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12. Thời gian giãn cách tiếp theo theo kiến nghị của ông Bỉnh là 14 ngày kể từ ngày mai [15/6].

Lý do đề xuất tiếp tục giãn cách, ông Bỉnh phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian đề xuất kéo dài 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá việc triển khai giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc tại Quận 12 những ngày qua đạt một số kết quả, các chuỗi lây nhiễm được phát hiện đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, vẫn tiếp tục xuất hiện những điểm dịch mới trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, khiến việc phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bí thư đồng ý với đề xuất của Sở Y tế cần kéo dài thời gian giãn cách nhằm kiểm soát dịch. Tại những nơi dịch còn phức tạp, cần áp dụng yêu cầu cao hơn.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần phối hợp tốt hơn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định phòng dịch. Nơi nào do lỗi chủ quan, lơ là để dịch bệnh lây lan trên địa bàn cần phải xử lý nghiêm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá công tác phòng, chống dịch của TPHCM mặc dù đã đạt một số kết quả nhưng vẫn còn bất cập, chưa như kỳ vọng.

Theo Phó Thủ tướng, với các chuỗi lây nhiễm đã phát hiện Thành phố khẳng định kiểm soát được, tuy nhiên, những ngày qua vẫn tiếp tục phát hiện nhiều điểm lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: Thành phố cần có đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm dịch trong cộng đồng hiện nay; khả năng trong kiểm soát dịch như thế nào, đã thực sự kiểm soát được dịch? Các giải pháp đang triển khai có đủ kiềm chế dịch chưa?

Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách, phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, các khu nhà trọ công nhân, người lao động đang được kiểm soát như thế nào; đã làm nghiêm việc bảo đảm an toàn chưa? Công tác bảo đảm an toàn để không xảy ra lây nhiễm cho các bệnh viện trong thời gian tới như thế nào?

Phó Thủ tướng cho rằng, Thành phố phải trả lời được những vấn đề này mới có thể xem xét, đưa ra những biện pháp trong thời gian tới, nhất là việc tiếp tục kéo dài thêm hay dừng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12.

Nhận định một trong những nguyên nhân xuất hiện thêm những điểm dịch mới trong cộng đồng là do công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tình hình, thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch chưa tốt, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần làm tốt việc tuyên truyền để người dân tuân thủ quy định phòng dịch.

Đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng một số địa phương vừa qua có tình trạng lơ là, thực hiện không nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 15, vẫn còn tình trang người dân tụ tập đông người.

Dẫn phản ánh của người dân về việc thiếu trách nhiệm của Trung tâm Y tế Quận 5 khi trả lời người dân, hay trường hợp người dân gọi đến số điện thoại của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố nhưng không có người trực, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương cần tập trung hơn trong phòng, chống dịch, chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng tụ tập đông người. Với TP. Thủ Đức, nơi cũng đang có nhiều ca nhiễm mới được phát hiện, địa bàn rộng, ông Phong yêu cầu cần lập ngay một trung tâm chỉ huy để tiếp nhận thông tin và có thể phản ứng kịp thời trong phòng, chống dịch.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ý kiến của các địa phương, sở ngành và ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết định kéo dài thực hiện Chỉ thị 15 trên địa bàn TPHCM thêm 2 tuần. Đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 cùng với các địa phương khác của Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo sau 1 tuần, Thành phố sẽ căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh sẽ có chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội phù hợp.

Về vấn đề vaccine, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đã thành lập tổ phụ trách về vaccine do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm tổ trưởng triển khai công tác đàm phán mua vaccine.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và quân, huyện, TP. Thủ Đức tập trung cao độ vào việc chống dịch, nếu địa phương, đơn vị nào lơ là, thực hiện không nghiêm trong phòng, chống dịch để xảy ra lây lan dịch bệnh, xuất hiện những điểm dịch mới, Thành phố sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu.

Mạnh Hùng

Video liên quan

Chủ Đề