Hòn đá ý nghĩa là gì

Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhấc không đặng.

Hòn đá nặng,
Hòn đá bền,
Chỉ ít người,
Nhắc không lên.

Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhấc,
Nhấc lên đặng.

Biết đồng sức,
Biết đồng lòng
Việc gì khó,
Làm cũng xong.

Đánh Pháp, Nhật,
Giành tự do
Là việc khó
Là việc to.

Nếu chúng ta
Biết đồng lòng,
Thì việc đó
Quyết thành công.

Ngày 21 tháng 4 năm 1942
Hồ Chí Minh

"Hòn đá" là một bàinằm trong chùm bài ca Bác Hồ viết trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân "đồng sức, đồng lòng" đánh Pháp, Nhật, giành độc lập tự do cho đất nước.

Bài thơ, với những câu ba tiếng, có tiết tấu nhịp nhàng, như một bài hò lao động, đồng thời lại như một bài thơ bình dị và hàm súc.

Đúng như Xuân Diệu nhận xét: "Trong khi viết những bài ca tuyên truyền cổ động, rất nhiều khi Bác đã đạt tới chất thơ.

Bài thơ kể về hai câu chuyện có liên quan với nhau. Trước hết là chuyện thường ngày: nhấc đặng hòn đá "to", "nặng", "bền". Công việc ấy được thực hiện từng bước theo trình tự số lượng người tham gia tăng dần từ đơn lẻ [một người] đến tăng lên [ít người], rồi tăng cao [nhiều người]. Thông qua đó, Bác nhấn mạnh sự yếu ớt, thất bại của việc làm đơn lẻ và sự mạnh mẽ, thắng lợi của việc mọi người "đồng sức", "đồng lòng".

Từ chuyện nhấc hòn đá, Người chuyển sang chuyện cách mạng: "Đánh Pháp, Nhật/ Giành tự do". Theo Người, công việc đó "Là việc khó/ Là việc to" nhưng nếu "Biết đồng lòng" thì "quyết thành công".

Đại đoàn kết là một vấn đề lớn, có tính lý luận cao, nhưng trong bài Hòn đá, Người lại thể hiện một cách giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, vui tươi. Đó là cái "thần" trong văn thơ của Bác Hồ.

Sáng tác văn thơ, bao giờ Người cũng nêu một câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Đối tượng của những bài thơ tuyên truyền là quần chúng nhân dân, cho nên Bác luôn viết sao cho "dân hiểu, dân nhớ, dân làm". Nhưng sự giản dị ở Bác lại đạt tới chất thơ kỳ diệu.

Hòn đá cũng như bao sự vật bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng đi vào thơ Bác lại nên thơ, giàu ý nghĩa.

Đúng như ông Hoài Thanh đã nhận xét: "Những hình ảnh như thế không thiếu gì xung quanh ta, nhưng thường nó vẫn cứ trôi qua đi, không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc, không thể nào ghi lại được".

Đọc bài Hòn đá, ẩn sau những câu thơ giản dị, có sức gợi cảm, thấy hiện lên rực rỡ hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu suốt đời tận tuỵ vì nước, vì dân và một niềm lạc quan tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng. Bài học về sự đoàn kết mà Người nêu lên vẫn sáng mãi trong thời đại hôm nay và mai sau.

Mỗi chúng ta nguyện đoàn kết phấn đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ, tạo nên một dòng thác lớn, cuốn phăng những hòn đá cản đường để xây dựng đất nước ta ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác hằng mong ước trước lúc đi xa.

Nguyễn Văn Hồng

Video liên quan

Chủ Đề