Giải Vở bài tập Ngữ văn lớp 7 bài Luyện nói: bài văn giải thích một vấn đề

Chào bạn Soạn văn 7 tập 2 bài 27 [trang 98]

Trong chương trình Ngữ văn lớp 7, học sinh sẽ có riêng một tiết để tiến hành luyện nói về bài văn giải thích một vấn đề.

Chính vì vậy, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn  văn 7: Luyện nói Bài văn giải thích một vấn đề. Với bài soạn này, hy vọng có thể giúp học sinh khi chuẩn bị bài.

Soạn văn 7: Luyện nói Bài văn giải thích một vấn đề

Lập dàn bài cho một số đề văn sau và chuẩn bị phát biểu miệng:

Đề 1: Trường em tổ chức một cuộc thi giải thích tục ngữ. Để tham dự cuộc thi đó, em hãy tìm và giải thích một câu tục ngữ mà em tâm đắc nhất.

Gợi ý: Giải thích câu tục ngữ “Có chí thì nên”

I. Mở bài

- Giới thiệu về câu tục ngữ: Có chí thì nên.

- Câu tục ngữ là lời khuyên của ông cha muốn nói với con cháu phải biết kiên trì, nỗ lực thì mới thành công.

II. Thân bài

- Giải thích câu tục ngữ:

  • "Chí": Tức là ý chí, nghị lực, tinh thần của một con người.
  • "Nên": Ở đây chỉ sự thành công, chỉ mục đích đạt được mà con người ta mơ ước đạt tới trong cuộc sống.
  • "Có chí thì nên": Muốn khuyên chúng ta rằng ai có ý chí thì sẽ có được thành công. Vậy nên phải biết giữ vững ý chí, tinh thần của mình, quyết tâm kiên trì thực hiện mục tiêu đã đặt ra thì ắt sẽ làm "nên", ắt sẽ có được thành công như ý muốn.

- Tại sao nói "có chí thì nên"?

  • Khi bạn có ý chí thì bạn sẽ có động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình tiến bước tới thành công.
  • Có ý chí, có mơ ước làm "nên" thì sẽ biết tìm tòi, khám phá, biết vạch rõ con đường để tới được mục tiêu của mình.
  • Có ý chí thì sẽ có được sự kiên trì, quyết tâm, nỗ lực tới cùng để thực hiện mơ ước của mình.

- Làm thế nào để thực hiện câu tục ngữ "Có chí thì nên"?

  • Phải xây dựng cho mình một mục tiêu phấn đấu. Có lý tưởng, có mơ ước thì mới bắt tay thực hiện giấc mơ của mình được.
  • Phải lập ra những kế hoạch nhỏ, những công việc nhỏ làm bước tiến dần tới mục tiêu lớn hơn cũng như tiến dần tới mơ ước của mình.
  • Phải luôn luôn tự mình nỗ lực trước mọi khó khăn sóng gió và thử thách, luôn kiên trì, quyết tâm thì sẽ thành công.

- Dẫn chứng:

  • Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tuy hai tay không thể viết nhưng thầy đã luyện viết bằng bàn chân và trở thành một giảng viên đại học.
  • Nhà bác học Edison đã phát minh ra bóng đèn sau hơn hai ngàn lần thử nghiệm...

- Ý nghĩa của câu tục ngữ đối với mỗi người trong xã hội:

  • Đối với lớp trẻ: Cần có lý tưởng, thực hiện lý tưởng của mình
  • Đối với thế hệ sinh viên, học sinh: Cần phải biết phấn đấu trong sự nghiệp học hành để lớn lên giúp ích cho xã hội.

III. Kết bài

- Khẳng định lại bài học mà câu tục ngữ khuyên dạy chúng ta.

- Là thế hệ con cháu chúng ta cần làm gì cho xứng đáng với lời dạy của cha ông.

Đề 2: Vì sao những tấn trò mà Varen bày ra với Phan Bội Châu lại được Nguyễn Ái Quốc gọi là “Những trò lố”?

Gợi ý:

- “Lố”: thể hiện sự không bình thường làm đến mức quá đáng, đến chê cười.

- “Trò lố”: trò bày ra không hợp lẽ thường đến mức chê cười.

=> Cụm từ “những trò lố” trong nhan đề tác phẩm có ý nghĩa rất sâu sắc. Từ “trò” nó thường được gắn với thú chơi, trò chơi của trẻ em. Nhưng trong truyện nó gắn với người, lớn thì lại mang ý nghĩa khác, có ý mỉa mai, châm biếm, thậm chí còn có ý “lố bịch”. Chính vì vậy, “những trò lố” là những trò hề mà Va-ren diễn ra trước mặt Phan Bội Châu. Trò hề này chỉ gây cười, mang lại sự khinh miệt của người tù cách mạng, không đem lại hiệu quả gì.

Đề 3: Vì sao nhà văn Phạm Duy Tốn lại đặt nhan đề Sống chết mặc bay?

- Sống chết mặc bay: là một vế của câu tục ngữ dân gian “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”: phê phán những hạng người vô trách nhiệm, ích kỷ, chỉ biết lợi ích của bản thân mà không quan tâm đến cuộc sống, thậm chí tính mạng của những người khác [trong câu tục ngữ là chỉ thầy thuốc]

- Việc sử dụng “Sống chết mặc bay”, Phạm Duy Tốn muốn phê phán, tố cáo những bọn có chức quyền, mang danh “quan phụ mẫu”, “cha mẹ” của dân nhưng lại vô trách nhiệm, vô lương tâm, mất hết nhân tính, thờ ơ trước sự sống còn của con dân.

- Nhà văn cũng bày tỏ sự xót thương, đồng cảm trước cuộc sống đầy cực khổ của người dân.

Đề 4: Em thường đọc những sách gì? Hãy giải thích vì sao em thích đọc loại sách ấy.

Gợi ý:

1. Mở bài

- Giới thiệu về sở thích đọc sách và loại sách thích đọc.

- Kể tên một số sách thuộc thể loại đó.

2. Thân bài

- Trong sách viết hoặc tuyển chọn những câu chuyện ngắn hay, giàu ý nghĩa…

- Loại sách này viết về nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, nhiều kiến thức cần thiết cho cuộc sống…

- Những cuốn sách này cung cấp nhiều triết lý, nhiều điều bổ ích có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.

- Những cuốn sách này cho em thấy cuộc đời có nhiều điều tươi đẹp, và giúp định hướng tư tưởng, lối sống tốt đẹp cho bản thân….

- Cá nhân em cho rằng đọc sách là thói quen tốt, những cuốn sách đó rất bổ ích, giúp ta biết nhiều điều trong cuộc sống. Em sẽ tiếp tục đọc và vận dụng vào cuộc sống…

- Khẳng định đọc sách là thói quen tốt và những cuốn sách hạt giống tâm hồn là một lựa chọn tốt cho việc đọc sách.

3. Kết bài

Đánh giá vai trò của sách, ý nghĩa của việc đọc sách.

II. Bài tập ôn luyện

Câu 1. Giải thích câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”

Gợi ý:

Tục ngữ là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Và câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã đem đến những bài học quý giá cho con người.

Câu tục ngữ có hai vế, “đi một ngày đàng” ý chỉ hành động đi lại của con người trong thời gian một ngày. Còn “học một sàng khôn” ý chỉ học được nhiều điều khiến mình trở nên thông minh hơn. Hiểu đơn giản ý nghĩa của câu tục ngữ này là đi một ngày đường, sẽ học được nhiều điều bổ ích. Nếu càng đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều, chỉ cần bước ra ngoài xã hội học hỏi chắc chắn sẽ thu được những tri thức mới mẻ, đó chính là thành quả của quá trình học tập. Nhưng ngoài ra, câu tục ngữ cũng là lời động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, khám phá của con người. Chúng ta cần học hỏi thêm những chân trời tri thức mới để mở mang kiến thức, mở rộng tầm mắt và thu nhặt cho mình những tri thức của nhân loại.

Mỗi hành trình mà con người trải qua đều đem đến những trải nghiệm. Thông qua những trải nghiệm đó chúng ta sẽ tích lũy được nhiều tri thức khoa học mới, những bài học cuộc sống… Chẳng phải lẽ dĩ nhiên khi ông cha ta đã để lại nhiều câu tục ngữ răn dạy con cháu về việc học tập như thế: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Có học có khôn”... Đó chính là những lời khuyên thật quý báu cho thế hệ sau phải luôn coi trọng học vấn.

Chắc hẳn chúng ta đều biết đến một tấm gương sáng ngời luôn học tập không ngừng nghỉ. Đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người xuất thân trong một nhà đình nhà Nho yêu nước, lại sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, Người đã bộc lộ tư chất của một hiền tài. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác đã không lựa chọn con đường cứu nước giống như các bậc tiền nhân, mà quyết định đi về các nước phương Tây để trở về giúp nhân dân, đất nước mình. Trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Cũng không ngừng học tập, tích lũy những tri thức của nước ngoài. Chính điều đó đã giúp Bác tiếp cận được với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Quả là đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Đối với một học sinh, khi mà nhiệm vụ chính là học tập, thì việc luôn cố gắng để nắm vững những kiến thức trên lớp cũng như học hỏi thêm từ sách vở. Đồng thời không ngại dấn thân để trải nghiệm nhiều hơn sẽ giúp mỗi học sinh tích lũy thêm để hoàn thiện bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là một bài học quý giá cho con người. Hãy chủ động để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Xem thêm Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Câu 2. Giải thích câu nói “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” [M.Goóc-ki].

Gợi ý:

Trong cuộc sống, sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy mà M.Goóc-ki đã khẳng định rằng: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Đây là một lời nhận xét đúng đắn, chứa đựng bài học sâu sắc.

Chắc hẳn, con người đã quá quen thuộc với những cuốn sách. Đó là một dạng văn bản hay tài liệu ghi lại những tri thức, hiểu biết của con người về thế giới khách quan được ra đời từ rất sớm. Hình ảnh “chân trời mới” mang tính biểu tượng, ý chỉ những điều mới mẻ mà con người khám phá được. Cách nói của M.Goóc-ki đã thể hiện được tầm quan trọng của sách trong cuộc sống của con người.

Vậy sách đã mở ra trước mắt con người những chân trời mới nào? Đầu tiên có lẽ chúng ta phải kể đến những chân trời mới về tri thức khoa học. Sách đã ghi lại những phát hiện, những hiểu biết và tri thức của con người về thế giới tự nhiên, xã hội. Thuở xưa, sách được tạo ra bằng cách chạm khắc lên mặt đá, lên thanh tre thanh trúc. Từ những nét chữ tượng hình giản đơn đến các loại ngôn ngữ có cấu tứ rõ ràng. Đến ngày hôm nay, sách đã được lưu giữ và phát triển qua một quá trình dài. Dù ngay cả trong chiến tranh xâm lược kéo dài từ thời phong kiến đến hiện đại, sách vẫn ở cạnh chúng ta. Các vị anh hùng chống giặc ngày xưa vận dụng kế sách, chiến thuật trong sách binh pháp cổ đại. Bác Hồ tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng một phần nhờ vào sách ghi lại học thuyết của Mác - Lênin. Trong suốt quá trình học tập, sách là một phương tiện không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Ngay cả khi không còn ngồi trên ghế nhà trường, những cuốn sách vẫn đem lại lợi ích cho chúng ta. Những cuốn sách dạy cho chúng ta về làm người, cách yêu thương và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Dù qua bao nhiêu năm tháng, dù ở bất cứ nơi đâu, bên cạnh chúng ta luôn có sự hiện diện của sách.

Không chỉ vậy, sách còn mở ra những chân trời mới về những kiến thức trong cuộc sống. Những cuốn sách giống như những người bạn, giúp ta rèn luyện kỹ năng, phẩm chất tốt đẹp. Những cuốn sách tốt sẽ giúp chúng ta mở mang tri thức, làm phong phú tâm hồn, sống nhân ái và biết vươn tới những giá trị tốt đẹp. Những cuốn sách kinh điển của thời đại như "Những người khốn khổ, Tấn trò đời"... đã giúp con người hiểu hơn về những bất công trong cuộc sống của con người, khơi gợi tình yêu thương, đồng cảm. Những cuốn sách kĩ năng sống như "Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn"… sẽ giúp con người biết cách ứng xử, giao tiếp trong, chia sẻ trong cuộc sống. Ngược lại, sách xấu là những cuốn sách có nội dung đồi trụy, đi ngược lại giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, làm cho nhận thức của chúng ta lệch lạc, nhân cách suy thoái. Chính vì vậy cần biết cách lựa chọn sách để đọc, cũng giống như lựa chọn bạn để chơi.

Quả thật, sách đã mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới. Câu nói của M.Goóc-ki sẽ đem đến cho chúng ta một bài học vô cùng ý nghĩa. Hãy trân trọng những cuốn sách, bởi nó vô cùng quan trọng với con người.

Xem thêm tại Giải thích câu Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới 

Cập nhật: 13/03/2022

Video liên quan

Chủ Đề