Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao Bằng UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" cho Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc [Ảnh TTXVN - chụp năm 2013]

Là người Việt Nam, ai cũng biết đến Đền Hùng là nơi thờ Tổ tiên chung của dân tộc - đó là các Vua Hùng - những bậc tiền nhân có công dựng nước. Và mỗi người dân Việt Nam ai cũng mong muốn thế giới vinh danh nơi thờ tự các Vua Hùng là Di sản văn hóa thế giới để chúng ta tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhớ ơn và tôn vinh tổ tiên. Đó cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đề cử với thế giới một số di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, việc đề cử nơi thờ tự tổ tiên của dân tộc Việt Nam với thế giới lại là một vấn đề hết sức khó khăn. Từ nhận thức và quan điểm chỉ đạo của các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến cấp tỉnh, kể cả các nhà chuyên môn có kinh nghiệm đều thấy rằng, phải hết sức thận trọng khi đưa tổ tiên của chúng ta cho thế giới xem xét, thẩm định. Vì lẽ đó, đã có rất nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa tham gia.

Hành trình lựa chọn nội dung

Trong giai đoạn đầu khi đặt vấn đề xây dựng hồ sơ khoa học về thời đại Hùng Vương để trình UNESCO sẽ là nội dung gì? Có ý kiến cho rằng nên giới hạn ở “Không gian văn hóa Hùng Vương”, cũng có ý kiến cho rằng nên xem xét về “Các di tích thời đại Hùng Vương” và muốn giới hạn ở khu vực “Đền Hùng” với trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh,…

Ngay từ những năm 2008 - 2009, thông qua các cuộc hội thảo khoa học, với những ý kiến tham gia thẳng thắn, trách nhiệm trước lịch sử và tổ tiên cho thấy rằng, với những nội dung trên khó thuyết phục được đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của UNESCO.

Về không gian văn hóa Hùng Vương, bao hàm một nội dung khá rộng cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, khi chúng ta xây dựng bộ hồ sơ khoa học sẽ không lột tả được tính nổi bật toàn cầu theo tiêu chí của Liên hợp quốc. Còn về “các di tích thời đại Hùng Vương” bao gồm cả di chỉ khảo cổ học, các đền thờ tự các Vua Hùng cùng với những lễ hội truyền thống. Với nội dung này cũng khó thực hiện, vì một số di chỉ khảo cổ học trong quá trình khai quật đã thu thập hầu hết các hiện vật, nay chỉ còn là phế tích. Còn các đền đài thờ tự các Vua Hùng phần lớn bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc chúng ta mới tu bổ, tôn tạo. Do đó việc lập hồ sơ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đối với Đền Hùng, từ lâu đời nhân dân ta đã lập đền thờ tự các Vua Hùng, hằng năm chúng ta đều tổ chức giỗ Tổ và con cháu về dự lễ hội rất đông. Ngày nay được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhân dân công đức, nên các đền thờ được tu bổ, tôn tạo khang trang; lễ hội được Nhà nước đứng ra tổ chức, nên đến ngày giỗ Tổ có hàng triệu lượt đồng bào về thăm viếng tổ tiên. Tuy vậy, khi lập hồ sơ về Đền Hùng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì một số công trình chúng ta mới tu bổ, tôn tạo, lễ hội do Nhà nước tổ chức, khó có sức thuyết phục đối với UNESCO.

Cuối cùng chúng ta cũng tìm được lời giải, đó là giới hạn vào nội dung “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Đây là một nội dung đã được lựa chọn thận trọng để trình với UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với nội dung này, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các bộ ngành Trung ương đã đồng thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng hồ sơ khoa học

Bước tiếp theo là việc chuẩn bị hồ sơ khoa học về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” để báo cáo với tổ chức UNESCO. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ giao lựa chọn cơ quan phối hợp thực hiện. Sau thời gian nghiên cứu, xem xét, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh lựa chọn Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chủ trì thực hiện. Là một cơ quan khoa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã từng tham gia xây dựng 3 bộ hồ sơ trình UNESCO đều được công nhận, đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Qua đó, đội ngũ các chuyên gia của Viện đã đúc rút được những kinh nghiệm khoa học và thực tiễn cần thiết. Như vậy, việc lựa chọn đơn vị này sẽ phù hợp với sự đảm nhiệm công việc do tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao phó.

Là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nên khi được tỉnh Phú Thọ giao trọng trách, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tập hợp những cán bộ có năng lực chuyên môn vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao tham gia vào chương trình nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ khoa học. Viện xây dựng bản kế hoạch khá tỉ mỉ, chi tiết trong đó tập trung khảo sát, kiểm kê tổng thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, khai thác tư liệu ở một số địa điểm của tỉnh Phú Thọ, nghiên cứu khảo sát ở một số nước có phong tục thờ cúng tổ tiên như Việt Nam. Viện đã cử một số cán bộ đi nghiên cứu và sưu tầm tư liệu ở Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng ở Nhật Bản có tục thờ cúng tổ tiên gần giống người Việt. Đoàn cán bộ của Viện đã thâm nhập vào một số gia đình truyền thống của Nhật, xem cách bài trí bàn thờ và phong tục tập quán của họ. Đặc biệt Đoàn tới cố đô của Nhật tại đền Kashihara, ngôi đền dựng lên ở phía Đông Nam dãy núi Unebi, thuộc tỉnh Nara ngày nay. Tại đây, cán bộ của Viện và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã nghiên cứu sâu về tín ngưỡng thờ cúng của người Nhật và lễ hội diễn ra trong những ngày giỗ Tổ. Về hình thức thờ cúng tổ tiên của người Nhật có những nét tương đồng với Việt Nam, nhưng về nội dung và cách thức tiến hành các nghi lễ có điểm khác biệt cơ bản với Việt Nam.

Ở Việt Nam chúng ta, việc thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào từng cộng đồng cư dân Việt Nam, mà biểu tượng mang ý nghĩa văn hóa đỉnh cao cho cội nguồn chung là các Vua Hùng, giúp cho mỗi người dân đất Việt hàng nghìn năm qua đều biết đến ông Tổ của mình là Vua Hùng. Vì thế, hằng năm cứ đền ngày giỗ Tổ, hàng triệu con cháu ở khắp mọi miền đất nước về thăm viếng tổ tiên, ai không về dự lễ được thì đến nơi có đền thờ vọng để thắp hương bái Tổ.

Còn ở Nhật, chính quyền giao cho một tổ chức tư nhân đứng ra trông coi nơi thờ Tổ. Đến ngày lễ hội cũng chính đơn vị này đứng ra tổ chức, mời chính quyền địa phương và một vài quan chức cấp Bộ về dự, không tổ chức nghi lễ cấp quốc gia như ở Việt Nam. Lễ hội cũng chỉ giới hạn trong một vùng dân cư nhất định ở một thành phố. Vì vậy, sức lan tỏa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Nhật rất có giới hạn.

Đối với Trung Quốc, Hàn Quốc việc thờ cúng các bậc tiền nhân chỉ giới hạn ở từng triều đại phong kiến, hoặc ở một vùng đất nhất định như của người Choang [Quảng Tây]. Ở các nước này đều không có phong tục thờ cúng tổ tiên chung như Việt Nam chúng ta.

Qua khảo sát ở một số nước, đã giúp cho Viện có thêm kinh nghiệm, đồng thời cũng khai thác được nhiều tư liệu quý liên quan tới việc thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Mặt khác, để có đủ nguồn tư liệu liên quan tới việc thờ cúng tổ tiên, Viện đã triển khai kế hoạch thâm nhập thực tế, tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó trọng điểm là những nơi có đền thờ các Vua Hùng. Trong thời gian khai thác tư liệu, đoàn cán bộ của Viện phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng nghiên cứu thực tế ở gần 200 làng/xóm/khu dân cư trên địa bàn 13 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Phú Thọ, từ đó, nhận diện được 109/làng/xóm/khu dân cư tại 12 huyện/thị/thành phố có di tích và tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng.

Ở một số nơi trọng điểm vùng ven Đền Hùng, Viện đã tổ chức phục dựng lại một số lễ hội truyền thống như tục “Rước Vua về làng ăn Tết” ở 2 làng Triệu Phú và Vi - thị tấn Hùng Sơn [huyện Lâm Thao]; Lễ hội rước Vua mừng xuân của các làng xã Tiên Kiên [huyện Lâm Thao].

Sau quá trình nghiên cứu, tập hợp tư liệu, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức biên soạn các tư liệu theo các nội dung bắt buộc của UNESCO. Đội ngũ chuyên gia của Viện đã làm việc với tinh thần say mê khoa học và ý thức trách nhiệm cao, nên chỉ sau một thời gian ngắn bộ hồ sơ khoa học về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã cơ bản hoàn thành.

Để bộ hồ sơ thật sự có chất lượng, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiếp tục gửi đến các chuyên gia của Bộ và các Viện nghiên cứu lịch sử, văn hóa để tranh thủ những ý kiến đóng góp xây dựng. Tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học, Viện tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ được gửi đi Pari, nơi có trụ sở của tổ chức UNESCO đúng thời gian quy định [ngày 31/12/2010].

Với tinh thần trách nhiệm đối với tổ tiên, các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bên cạnh tổ chức quốc tế đã theo dõi sát sao hành trình của bộ hồ sơ mà Việt Nam đệ trình. Sớm tiếp nhận những ý kiến của bạn bè quốc tế, các chuyên gia của chúng ta đã thông báo nhanh chóng về Việt Nam để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ lần cuối. Nhận được những thông tin cần bổ sung, chỉnh lý, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiếp tục mời các chuyên gia có uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO tham gia đóng góp ý kiến lần cuối. Hồ sơ đã được hoàn chỉnh kịp thời gửi đến tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc.

Trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Sau quá trình chuẩn bị hồ sơ là bước vận động đối với các nước thành viên của Ủy ban liên Chính phủ công ước 2003. Các đoàn ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực vận động bạn bè quốc tế ủng hộ hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của Việt Nam.

Chúng ta đã cố gắng giải thích để bạn bè quốc tế hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thờ cúng Tổ tiên đối với người Việt. Người Việt Nam rất trọng đạo hiếu, từ việc thờ ông bà, cha mẹ đến thờ chi tộc, dòng họ, thờ thành hoàng làng và cao hơn là thờ ông Tổ “Vua Hùng”. Đây là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế việc thờ Tổ mang tính cộng đồng và có sức lan tỏa rất rộng. Tổ Hùng Vương không chỉ thờ ở khu vực xung quanh Đền Hùng nơi sinh tụ của người Việt cổ, mà ngày nay đã mở rộng và lan tỏa ra cả nước, kể cả ở một số quốc gia có Việt kiều sinh sống.

Rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là nghi lễ truyền thống được các xã vùng ven di tích duy trì, bảo tồn hàng ngàn năm nay [Ảnh chụp năm 2019 - Vũ Tuân]

Cũng chính vì người Việt Nam có thờ cúng một ông Tổ, nên có sức cố kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh cội nguồn, tinh thần đoàn kết dân tộc giúp cho Việt Nam chiến thắng các kẻ thù xâm lược và ngày nay đang xây dựng đất nước trên đà phát triển.

Hiểu rõ điều đó, nên bạn bè quốc tế đã đồng lòng ủng hộ. Mặt khác, hồ sơ của chúng ta được chuẩn bị công phu, chất lượng, nên vào ngày 6/12/2022, Hội đồng thẩm định hồ sơ của UNESCO đã tán thành đề cử “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của Việt Nam vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Chúng ta rất vui mừng vì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng điều đáng mừng hơn là tổ chức UNESCO coi đạo lý và truyền thống của người Việt về việc trân trọng tổ tiên, đáng để cho nhân dân các quốc gia khác trên thế giới phải học tập. Đó là đạo lý biết ơn tổ tiên của người Việt, đã được trao truyền từ đời này sang đời khác. Sau khi vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam, UNESCO đã tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng thế giới để các quốc gia đều có ý thức tôn thờ tổ tiên của mình.

Đối với đất nước ta “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được thế giới tôn vinh, chúng ta càng phải tiếp tục tuyên truyền để nhân dân cả nước hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa to lớn của thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu dựng nước trong lịch sử dân tộc. Từ đó mọi người dân Việt Nam đều biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mà ông cha ta để lại. Chúng ta tin tưởng rằng, từ nay và mãi mãi về sau con cháu các Vua Hùng không bao giờ quên nguồn cội tổ tiên của mình.

Nguyễn Tiến khôi - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Phú Thọ

Video liên quan

Chủ Đề