Giá trị tập thơ Nhật kí trong tù

Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Điều khoản sử dụng và Chính sách Bảo mật của chúng tôi.

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả: * Bác Hồ [1890 – 1969] có tên gọi khác là Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Tất Thành; quê Nam Đàn, Nghệ An. * Bác không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn, nhà thơ tài giỏi. Bác sáng tác nhiều thể loại, từ chính luận [“Bản án chế độ thực dân Pháp”] tới kịch [“Con rồng tre”] nhưng thành công nhất với thơ [“Nhật ký trong tù”]. Phong cách nghệ thuật của Bác giản dị nhưng không kém phần độc đáo.

2. Hoàn cảnh ra đời:
* Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ từ thế giới phản đối chiến tranh xâm lược. Ngày 29/8/1942, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Túc Vinh, Quảng Tây vì bị nghi là Hán gian. Trong suốt 13 tháng, từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943, bị đày qua đày lại 30 nhà lao khắp hơn 13 huyện của Quảng Tây, Bác đã viết “Nhật ký trong tù”. Tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ “Ngục trung nhật ký” [tức Nhật ký trong tù] kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong là những bài thơ và một số ghi chép. Từ năm 1960, tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt.

3. Thể loại: * Tác phẩm thuộc thể loại nhật ký, viết bằng chữ Hán. Trên tổng số 134 bài [bao gồm cả lời đề từ], có 126 bài viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt.


4. Đánh giá chung:


Tác phẩm đã được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật… Ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tác phẩm “Ngục trung Nhật ký”. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Nam và phương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc – quê hương của thơ chữ Hán – như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này.

* Giáo sư Hà Minh Đức: “Tập thơ dày dặn về số lượng nhưng nội dung tư tưởng còn vượt tầm hơn thế.”


* Nhà thơ Xuân Diệu: “Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lê nin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường…”

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Giá trị nội dung:


a. Giá trị tinh thần: “Nhật ký trong tù” bộc lộ những nét đẹp tinh thần quý giá ở Hồ Chí Minh. Trong cảnh lao tù khắc khổ, Bác vẫn giữ cho mình niềm tin vào cuộc sống, luôn hướng tới tương lai tươi sáng với ý chí phấn đấu và phong thái lạc quan. Điều này được thể hiện trong những lời thơ như:

“Hết khổ là vui vốn lẽ đời” trích “Trời hửng” “Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần” trích “Bốn tháng rồi”

“Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” trích “Tự khuyên mình”

Qua những vần thơ trên, ta cảm nhận được giọng điệu vui tươi, kiên cường và cứng cỏi của con người cộng sản Hồ Chí Minh. Để hiểu sâu hơn về giá trị tinh thần của tập thơ, ta sẽ phân tích một trong những bài thể hiện rõ nhất nét đẹp tâm hồn của Bác. Đó chính là lời đề từ ở đầu tập thơ.
Phiên âm: Thân thể tại ngục trung Tinh thần tại ngục ngoại Dục thành đại sự nghiệp

Tinh thần cánh yếu đại

Dịch thơ: Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao, Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

* Về nghệ thuật, ta thấy ngay được những biện pháp tu từ như: phép đối ở hai từ “trong” – “ngoài” và lặp cấu trúc câu ở hai câu đầu. Bài thơ cũng hai lần nhắc đến chữ “tinh thần” với mục đích đề cao ý chí kiên cường, tính kiên trì với lý tưởng cao đẹp của nhân vật trữ tình. Nội dung của bốn câu thơ khẳng định: xiềng xích có thể giam cầm được thân xác người tù, nhưng không thể ngăn được tinh thần quả cảm, một lòng hướng về Cách Mạng, về dân về nước của người chiến sĩ yêu nước.

b. Giá trị hiện thực: “Nhật ký trong tù” đã phơi bày bộ mặt nhem nhuốc của chế độ Tưởng Giới Thạch, phê phán những kẻ cầm quyền, pháp luật xuống cấp của Trung Quốc bấy giờ. Trong những vần thơ của Bác, ta bắt gặp những cảnh tượng hết sức nhức nhối như:

“Cha trốn không đi lính nước nhà/ Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha” trích “Cháu bé trong ngục Tân Dương”. Chính quyền thi hành chính sách trưng binh gia quyến, nghĩa là nếu người chồng không tham gia đánh trận, chúng sẽ bắt người vợ bỏ tù. Và trong bài thơ trên, một em bé sơ sinh phải theo mẹ vào nhà lao cũng vì lí do này.

Trong bài “Cấm hút thuốc” có câu: “Nó thì kéo tẩu tha hồ hút/ Anh hút, còng đây, tay ké vào.” Hay bài “Đánh bạc”: “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/ Trong tù đánh bạc được công khai” và bài “Tù đánh bạc”:  “Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt/ Tù nghèo, dãi với lệ cùng tuôn.” lên án quan lại với những thói hư tật xấu như hút thuốc, cờ bạc thậm chí ăn hối lộ.

Một trong những bài thơ phản ánh sâu sắc nhất sự thối nát của chính quyền Trung Quốc đương thời là bài “Lai tân”.

Phiên âm: Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự

Lai Tân y cực thái bình thiên.

Dịch thơ: Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh Chong đèn, huyện trưởng lo công việc

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

* Bài này được đánh giá là một trong bài có nghệ thuật đặc sắc nhất của “Nhật ký trong tù”. Ba câu đầu với câu cuối hình thành hai hình ảnh đối lập: một bên là sự xuống cấp của bộ máy nhà nước, một bên là cảnh Lai Tân tưởng chừng như thái bình, yên ấm. Bên cạnh đó còn có phép nhấn ở cuối mỗi câu, nhấn mạnh vào hành động cờ bạc của ban trưởng, việc ăn hối lộ của cảnh trưởng và huyện trưởng thì…hút thuốc phiện. Từ đó, ta thấy Bác đã lựa chọn những nhân vật vô cùng tiêu biểu. Với giọng điệu mỉa mai, châm biếm ấy, ta thấy được nội dung toàn bài: phê phán chế độ Tưởng Giới Thạch suy đồi, bát nháo.

c. Giá trị nhân đạo:
Giá trị nhân đạo của tập thơ biểu hiện ở ba khía cạnh: yêu con người, yêu thiên nhiên và yêu đất nước.

* Tình yêu con người của Bác thể hiện qua lòng thương những con người bé nhỏ, không có tiếng nói, bị đày đọa trong bối cảnh xã hội nhức nhối bấy giờ. Ta có thể thấy được sự đồng cảm, thương tâm trong lời thơ của Bác: “Thân anh da bọc lấy xương/ Khổ đau, đói rét, hết phương sống rồi/ Đêm qua còn ngủ bên tôi/ Sáng nay anh đã về nơi suối vàng.” [bài “Một người tù cờ bạc chết cứng.”]
[Vì tình yêu con người cũng được thể hiện qua những bài thơ giàu giá trị hiện thực ở trên, nên không phân tích nữa tránh lặp ý.]


* Tình yêu thiên nhiên của Bác bộc lộ qua hồn thơ hết sức tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sự sống.

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. [Bài “Ngắm trăng”]

Mặc dù bị trói chân tay Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng Vui say ai cấm ta đừng,

Đường xa âu cũng bớt chẳng quạnh hiu.

[Bài “Trên đường”]

Có thể thấy, trong hoàn cảnh tù đầy, hồn thơ Hồ Chí Minh vẫn rung động trước vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên, điều này được thấy rõ trong bài “Chiều tối”:

Phiên âm: Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không; Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

Dịch thơ: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không; Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Bài thơ vận dụng sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển và hiện đại. Cánh chim và chòm mây là những hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường, nhưng trong thơ xưa, cánh chim bay về những nơi vô định và thường mang nỗi u buồn, chán nản. Cánh chim của Hồ Chí Minh cũng buồn, cũng mệt nhưng nó đi tìm chốn ngủ, rồi lại tiếp tục sống. Đây chính là tinh thần hiện đại của Bác. Bên cạnh đó là hình ảnh đối lập giữa thiên nhiên chậm rãi, mỏi mệt với con người lao động hăng say, khỏe khoắn. Hình ảnh lò than rực ánh hồng đã khép lại bức tranh thiên nhiên đẹp nên thơ đầy tâm sự của Bác.

* Tình yêu đất nước: Xuyên suốt “Nhật ký trong tù”, Bác bày tỏ lòng yêu nước nồng nàn, tấm lòng luôn hướng về dân, về đất nước còn đang gặp khó khăn với nỗi nhớ thiết tha, bồn chồn lo lắng. Ta cảm nhận được điều này trong những câu thơ như:

Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng Tin tức bên nhà bữa bữa trông. [trích “Tức cảnh”] hay: “Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than.

[trích “Ốm nặng”]

Để khắc họa nỗi nhớ khắc khoải và tình yêu mãnh liệt của nhà thơ với Tổ Quốc, Bác viết bài “Không ngủ được”:

Phiên âm: Nhất canh… nhị canh… hựu tam canh Triển chuyển bồi hồi thụy bất thành Tứ ngữ canh thì tài hợp nhãn

Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.

Dịch thơ: Một canh… hai canh… lại ba canh Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Bốn câu thơ ngắn nhưng mang nghệ thuật đặc sắc. Đó là việc kết hợp sử dụng những số từ “một”, “hai”, “ba”,… để nhấn mạnh vào thời gian dài đằng đẵng và các từ láy “trằn trọc” “băn khoăn” gợi nên sự lo âu, tâm tư trĩu nặng của Bác. Cùng với đó là nhịp thơ chậm rãi, nặng nề. Từ đó, người đọc cảm động và ngợi ca lòng yêu nước sâu sắc của Bác Hồ, luôn day dứt, suy tư về tình cảnh nước nhà khi Người đang bất lực giữa chốn lao tù. Hình ảnh sao vàng năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam là nguồn sáng thắp sáng tâm hồn và tiếp thêm nghị lực cho Người trong chuỗi ngày khổ cực.

2. Giá trị nghệ thuật: “Nhật ký trong tù” có giá trị nghệ thuật đặc sắc và phong phú qua từng bài. Nhìn chung đặc sắc ở:
a. Sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại
* Cổ điển ở: + Đề tài thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày, con người + Bút pháp chấm phá khi miêu tả thiên nhiên với những hình ảnh đặc trưng như cánh chim, chòm mây, trăng,…

* Hiện đại ở: Tinh thần: luôn hướng tới ánh sáng, tương lai tốt đẹp, không mang nỗi buồn quẩn quanh bế tắc giống người xưa. Bên cạnh đó, Bác đưa ra một quan niệm mới mẻ: trong thơ cần chất “thép”. Đó chính là chất chiến sĩ trong cái hồn thi sĩ, sự kết hợp hài hòa giữa tâm hồn người lính và nhà thơ, vừa lãng mạn, vừa phải thực tế, đề cao lý tưởng và tình yêu cách mạng.

b.Giọng điệu thơ thay đổi linh hoạt theo tình cảnh: từ trữ tình tới dí dỏm, mỉa mai, triết lý…

Sơ đồ tư duy:

Nguồn: //vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt_k%C3%BD_trong_t%C3%B9
//hanhtrangduhoc.net/trinh-bay-hoan-canh-ra-doi-va-gia-tri-noi-dung-tap-tho-nhat-ki-trong-tu-cua-ho-chi-minh-21-748.html

Video liên quan

Chủ Đề