Dự án xử lý ô nhiễm rác thải

​MTXD - Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề "nóng" trong thời gian qua. Nhiều khu xử lý rác thải đã quá tải trong khi việc xây dựng các khu xử lý mới còn chậm do gặp nhiều trở ngại.

MTXD - Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề "nóng" trong thời gian qua. Nhiều khu xử lý rác thải đã quá tải trong khi việc xây dựng các khu xử lý mới còn chậm do gặp nhiều trở ngại.

Các tỉnh miền trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang gặp nhiều vấn đề trong các dự án xử lý rác. Các dự án này chậm hoặc quá tải khiến ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân trên địa bàn.

Dự án xử lý ô nhiễm rác thải

Những hạng mục tại dự án xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ .Ảnh: QUANG NHẬT

Tại Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn rộng 13,83ha là khu xử lý rác thải duy nhất của TP. Đà Nẵng, đã đi vào hoạt động từ năm 1992. Bãi rác có năm hộc để chôn lấp chất thải rắn nhưng cả năm hộc rác đã đầy, phải cải tạo, nâng cấp để tăng khả năng tiếp nhận. Trung bình mỗi năm, lượng chất thải rắn của TP. Đà Nẵng tăng thêm từ 8 - 10%. Mỗi ngày, có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn. Trong giai đoạn 2020-2025, lượng rác tăng lên 1.800 tấn/ngày đêm và đến giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng lên 2.400 tấn/ngày đêm. Bãi rác này là điểm nóng về ô nhiễm và an ninh trật tự từ nhiều năm nay. Người dân liên tục bao vây, phản đối việc ô nhiễm. Chính quyền thành phố quyết định không di dời bãi rác mà sẽ biến Khánh Sơn thành một khu liên hợp xử lý rác thải.

Dự án xử lý ô nhiễm rác thải

Hiện, Nhà máy rác Nghĩa Kỳ mới xử lý được 52% lượng rác thải, còn 48% đưa vào nhà ủ rác, lưu trữ để tiếp tục xử lý.

Cuối năm 2020, HĐND TP. Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP (đối tác công tư) trên tổng diện tích hơn 29.000m2 với tổng vốn hơn 823 tỷ đồng. Nhà máy này dự kiến sẽ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt thu điện năng, tận dụng tro bay và rỉ lò để sản xuất gạch không nung, tái chế mùn hữu cơ thành phân bón hữu cơ, tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa. Dự kiến, nhà máy sẽ được thi công xây dựng trong quý III/2022. Nhưng với tiến độ thủ tục, hồ sơ như hiện nay, nhà máy này khó đưa vào vận hành như kế hoạch đề ra.

Ở bãi rác Khánh Sơn, còn có dự án nhà máy đốt rác, phát điện công suất 650 tấn rác/ngày đêm của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam. Dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 93.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện. Sau những lùm xùm về công nghệ, dự án này đã hoàn thành các thủ tục về thẩm định công nghệ, xác định đơn giá tạm tính, quy hoạch tỷ lệ 1/500, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Nhưng do vướng mắc về vấn đề đất đai nên công trình vẫn chưa thể khởi công. 

Dự án xử lý ô nhiễm rác thải

Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 có quy mô lớn nhất, xử lý hơn 40% lượng rác thải toàn Quảng Nam.

Tại tỉnh Quảng Nam, Khu Xử lý rác thải Tam Xuân 2 (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được đưa vào hoạt động năm 2004 sau 17 năm hoạt động, khu xử lý rác thải xuống cấp, quá tải. Năm 2019, sau sự cố môi trường, Khu Xử lý rác thải Tam Xuân 2 phải dừng hoạt động hơn 3 tháng dẫn đến việc rác thải tồn đọng, ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, chủ trương quy hoạch Khu Xử lý nước thải Nam Quảng Nam tại xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) với quy mô hơn 35 ha dự kiến trong năm 2022 hiện vẫn chưa được khởi công xây dựng. Cùng với đó, chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (xã Cẩm Hà, TP Hội An) và dự án nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My) nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án này cũng rất chậm.

Tại Quảng Ngãi, thời gian qua vấn đề rác thải đã làm nóng tình hình ANTT tại đây. Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc - Chi nhánh Quảng Ngãi đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải Nghĩa Kỳ với tổng vốn gần 300 tỉ đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào tháng 8/2017. Đến nay, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tiến độ 4 lần nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành. Tiến độ thi công nhiều hạng mục quá chậm, khiến tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường và người dân bức xúc. 

Dự án xử lý ô nhiễm rác thải

Bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm nay ở TP. Đà Nẵng.

Tại Thừa Thiên - Huế, dự án xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được triển khai thi công tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà từ năm 2018, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư nhưng giờ vẫn giẫm chân tại chỗ. Đến nay dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đang rất chật vật trong vấn đề xử lý rác thải bởi bãi xử lý rác ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy đang quá tải nhưng việc thi công dự án này quá chậm. Hai đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh phớt lờ sự thúc giục của chủ đầu tư.

NHUẬN MẪN – ĐỨC HUẤN