Đối với lớp 5 dạy học phát triển phẩm chất, năng lực

Trong quá trình tổ chức dạy học lớp 5 và nắm bắt tình hình học tập những tháng đầu học sinh vào học lớp 6 trường THCS, nhận thấy học sinh thường gặp 3 khó khăn cơ bản:

1. Một số khó khăn đối với học sinh lớp 5 khi vào học lớp 6

1.1. Khó khăn về mặt tâm lý

- HS cảm thấy bỡ ngỡ, lo lắng thậm chí sợ hãi khi bước vào môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới. Các em học lớp 5 là “anh đầu, chị cả” của trường nhưng khi lên THCS các em lại là “em út” nhất trường, việc thay đổi về vị trí ấy sẽ làm cho các em có nhiều khác biệt, e dè, áp lực tâm lý.

- Ở lớp 5, mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm, “ông thầy tổng thể” dạy hầu hết các môn học nên giáo viên gần gũi, thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh mỗi học sinh. Ở THCS mỗi môn học có một giáo viên dạy, dạy theo tiết nên việc quan tâm, mức độ gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh học sinh khi mới vào THCS chưa sâu như ở tiểu học vì thế các em ngại tâm sự, chia sẻ với thầy cô.

- Bước vào THCS cũng là giai đoạn các em bước vào lứa tuổi dậy thì, có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý.

1.2. Khó khăn về mặt kiến thức

- Kiến thức tăng, môn học tăng và lượng kiến thức trong mỗi môn học tăng, thời lượng cho tiết học nhiều hơn một tiết học ở tiểu học [thời gian từ 35 phút lên 45 phút/tiết học].

- Vào lớp 6 học sinh sẽ được học một số môn học mới, như Khoa học tự nhiên [Vật lí, Hóa học, Sinh học], một số nội dung mới của môn học sẽ xuất hiện và yêu cầu cao về tư duy trừu tượng.

- Một số kiến thức kết nối từ chương trình GDPT 2006 sang chương trình GDPT 2018 có sự thay đổi nên khó khăn cho HS lớp 5 khi vào học lớp 6 trong việc tiếp cận.

1.3. Khó khăn về phương pháp và hình thức học tập

- Vào lớp 6, ở mỗi môn học có 1 giáo viên giảng dạy, vì vậy các em được học với nhiều thầy cô. Mỗi thầy, cô có cách trình bày, phương pháp dạy học khác nhau không như ở tiểu học nên làm cho các em lúng túng khi tìm ra phương pháp học tập phù hợp với mỗi thầy cô. Một số giáo viên THCS không rõ phương pháp, cách thức tổ chức học tập ở tiểu học nên chưa có sự chuyển tiếp phù hợp dẫn đến học sinh bước đầu khó hòa nhập cách tổ chức dạy học mới.

- Với lượng kiến thức tăng, phương pháp dạy học và hình thức học tập khác đòi hỏi các em cần phát huy năng lực tự học, tự tìm tòi khám phá ở mức cao hơn.

- Giáo viên tiểu học rất tỉ mẩn, chỉn chu trong phong trào “Giữ vở sạch -Viết chữ đẹp”, học sinh thì viết trên vở giấy kẻ 5 ô li và tốc độ viết chậm. Khi học lên THCS, mỗi thầy cô dạy 1 môn, 1 tiết học 45 phút, do nhiều em quen viết nắn nót khi học tiểu học nên lên lớp 6 viết không kịp dẫn đến viết tắt, viết thiếu nét, cẩu thả, nghệch ngoạc. Bên cạnh đó yêu cầu ghi chép nhiều hơn, nhanh hơn, HS viết không kịp, không biết nên viết gì cho nên lúng túng, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học tập.

Ngoài ra, năm học 2021-2022 trong tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 học sinh phải học chương trình cốt lõi, thời lượng cho luyện tập thực hành, ôn tập ít; không được trải nghiệm và hoạt động ngoài giờ lên lớp nhiều nên kỹ năng của các em có phần hạn chế hơn những năm trước đây.

2. Một số giải pháp giúp học sinh lớp 5 thích ứng kịp thời khi lên lớp 6

2.1. Chuẩn bị cho HS về mặt tâm lý

- Tập trung hình thành và phát triển cho các em một số kỹ năng và năng lực như: điều chỉnh và quản lý cảm xúc, tự phục vụ bản thân, giao tiếp và hợp tác, chia sẻ, … để các em có thể tự tin, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, nhanh chóng hòa đồng với thầy cô, bạn bè, môi trường học tập mới.

- Hướng dẫn cho HS tìm hiểu một số nội dung về tuổi dậy thì thông qua các tiết hoạt động giáo dục, các buổi chia sẻ, các giờ giải lao, các hoạt động xã hội với nhiều hình thức khác nhau. Từ đó giúp HS biết cách chăm sóc bản thân, được phát triển về mặt phẩm chất, hình thành khả năng thích ứng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng ở lứa tuổi dậy thì.

- Tổ chức làm quen: Tổ chức cho học sinh lớp 5 tham quan, giao lưu tìm hiểu tại trường THCS trên địa bàn để các em từng bước làm quen với môi trường, thầy cô ở trường THCS. Giúp các em hiểu, với môi trường mới các em cũng sẽ có thầy cô yêu thương, gần gũi, có các anh chị hướng dẫn, giúp đỡ.

2.2. Chuẩn bị về mặt kiến thức

- Đảm bảo HS lớp 5 nắm chắc kiến thức môn học, cấp học;  giáo viên thực hiện nghiêm túc, linh hoạt việc dạy học các môn học theo tinh thần Công văn 3969/BGDĐT; Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung dạy học theo hướng dẫn của Công văn 3799/BGDĐT-GDTH ngày 01/9/2021 của Bộ GDĐT về việc thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Khi rà soát nội dung các môn học cho thấy một số nội dung ở chương trình lớp 5 và lớp 6 có sự kết nối, tập trung chính ở môn Tiếng Việt và Toán. Ví dụ như:

+ Môn Tiếng Việt: Nhận biết và nêu được công dụng của biện pháp điệp từ, điệp ngữ; thêm kiến thức về chủ đề, kết thúc câu chuyện, chuyện có thật và chuyện tưởng tượng, tìm hiểu giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật... Chủ động xây dựng những đề bài mở, tạo cơ hội cho HS sáng tạo, bộc lộ ý kiến, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của mình đồng thời thể hiện cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt của riêng mình.

+ Môn Toán: Tập trung hướng dẫn HS cách tính tỉ số phần trăm của hai số; tìm giá trị phần trăm của một số cho trước. Bổ sung giới thiệu kiến thức tam giác đều có ba cạnh bằng nhau; tam giác nhọn có ba góc nhọn, tam giác tù có một góc tù; hướng dẫn học sinh làm quen với các thuật ngữ có thể, chắc chắn, không thể…

2.3. Chuẩn bị một số kỹ năng và năng lực cần thiết

Một kỹ năng đặc biệt quan trọng cần rèn cho HS lớp 5 trước khi lên lớp 6 đó là: kỹ năng nghe - ghi.Trước hết cần điều chỉnh chính tả nghe - viết thành chính tả nghe - ghi. Chủ động tạo cho học sinh nghe - ghi như ghi lại ý chính của bài Tập đọc, cái hay của câu thơ khi dạy Tập đọc; yêu cầu HS ghi lại ý nghĩa của câu thành ngữ, tục ngữ khi dạy Luyện từ và câu; ghi chép lại một số ý quan trọng của bài Lịch sử, địa lý, khoa học; ghi lại thông tin cơ bản của một đoạn phim tư liệu … Vừa nghe vừa ghi được các thông tin tiến tới vừa nghe vừa ghi những nội dung quan trọng từ ý kiến của người khác ở các mức độ tăng dần về nội dung. Yêu cầu về nghe - ghi cần được sử dụng thường xuyên trong các môn học, các hoạt động chia sẻ, giới thiệu sách và được kiểm tra nhắc nhở để HS thực hiện, dần hình thành cho học sinh thói quen tự chọn lọc ý, nội dung để ghi khi lên THCS. Hướng dẫn các em ghi theo nhiều cách: gạch đầu dòng, sơ đồ tư duy … tùy theo sáng tạo của em, làm sao cho các em khi xem lại cách ghi của mình, các em hiểu nội dung là được.

Một điều dễ nhận thấy, do quá trình dạy viết chính tả của tiểu học là học sinh quen viết trên giấy ô ly, nên khi lên lớp 6 chuyển sang viết trên giấy kẻ ngang thì học sinh không quen, tốc độ viết chậm ảnh hưởng không ít đến học tập. Do đó giáo viên cần chủ động hướng dẫn, động viên, khuyến khích học sinh dần viết trên giấy kẻ ngang, về cuối năm thì giảm hẳn thói quen phải viết trên giấy ô ly; chủ động tăng tốc độ viết cho HS khi đọc cho HS nghe - viết; tạo cho các em quen dần và chủ động viết tự do mà vẫn giữ được nét, kích cỡ và tốc độ viết chữ.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, xây dựng phương pháp, thói quen tự học, làm việc độc lập với tài liệu, một số cách tìm nguồn học liệu, tài liệu tham khảo; từng bước hình thành cho HS có thói quen tự ghi những ý cốt lõi của bài học, môn học trong lúc học tập mà bản thân thấy là điểm nhấn, cần thiết cho cá nhân [tự chủ về yêu cầu cá nhân], cho bài học sau [thực hiện chương trình]. Từ đây phát triển năng lực tự học, tự chủ cho HS, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

- Trong quá trình dạy học, giáo viên cần chú ý đổi mới phương pháp, vận dụng các kỹ thuật dạy học như sơ đồ tư duy, trình bày 1 phút, khăn trải bàn, tăng cường cho HS làm việc nhóm nhằm phát triển năng lực hợp tác, khả năng sắp xếp nội dung bài học logic cho HS. Hướng dẫn và yêu cầu học sinh luôn có tư duy phản biện bằng cách phản biện, bảo vệ ý kiến của cá nhân, của nhóm, chất vấn ý kiến của bạn/nhóm bạn bằng câu hỏi “tại sao thế?”…

Do tình hình dịch bệnh chỉ dạy học một buổi, thời gian học sinh luyện tập tại lớp chưa nhiều nên giáo viên cần hướng dẫn cha mẹ HS hỗ trợ, kèm cặp các em luyện tập, ôn tập tại nhà. Chủ động giao bài về nhà và có hình thức để kiểm tra, đánh giá, nhận xét bài học từ các hình thức, như: các phầm mềm học tập, phiếu học tập, nhóm Zalo, Messenger nhóm học sinh. Chủ động kết nối trực tuyến với những học sinh còn có khó khăn sau bài học để hỗ trợ các em.

3. Một số mong muốn, đề xuất

- Đối với trường THCS: Tổ chức cho học sinh lớp 5 được tham quan và được làm quen với trường THCS. Giáo viên lớp 5 được nghe báo cáo về một số nét khái quátvề nội dung chương trình, PPDH chủ yếu các các môn học nhiều tiết ở lớp 6 [Toán, Ngữ Văn, KHTN, Ngoại ngữ…]; tham dự một số tiết dạy để giáo viên dạy lớp 5 có thể điều chỉnh dần PPDH tiếp cận kiến thức, PPDH ở lớp 6 trong thời gian cuối năm học lớp 5 ở trường tiểu học. Giáo viên dạy ở lớp 6 cũng cần tiếp cận, nắm bắt một số PP/KTDH ở lớp 5 để có bước chuyển tiếp phù hợp khi tổ chức dạy học ở lớp 6 giúp học sinh giảm bỡ ngỡ ban đầu.

Tùy theo điều kiện dịch bệnh thì có thể quay một số vi deo, clip giới thiệu về nhà trường THCS, chia sẻ cho trường tiểu học để giới thiệu với các em HS lớp 5 làm quen.

- Đối với cha mẹ học sinh: Thường xuyên phối hợp với giáo viên để cùng trao đổi, chia sẻ về kết quả học tập, hình thành cho học sinh thói quen tự học,chia sẻ những diễn biến về tâm lý của học sinh của học sinh trong thời gian cuối tiểu học và THCS nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các em trong giai đoạn chuyển tiếp và bước vào môi trường học mới.

- Đối với GV lớp 5: Tiếp tục tìm hiểu thêm về mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học của lớp 6 để có hướng xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học lớp 5 tiếp cận lớp 6 một cách hiệu quả.

Trong công tác bàn giao học sinh: Ngoài việc tổ chức bàn giao chất lượng theo quy định tại Điều 15 [mục b, khoản 2, khoản 5] Thông tư 22/2016/TTBGDĐT giáo viên lớp 5 cần làm bản đánh giá học sinh chi tiết [chú trọng những học sinh nét có đặc biệt về năng lực, tính cách, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe]; trao đổi cụ thể và mong muốn giáo viên dạy lớp 6 THCS cần nắm rất rõ năng lực, đặc điểm, hoàn cảnh của mỗi học sinh lớp 5 để có cách tiếp cận hiệu quả trong học tập và sinh hoạt khi vào lớp 6.

- Trong công tác bàn giao học sinh: Ngoài việc tổ chức bàn giao chất lượng theo quy định tại Điều 15 [mục b, khoản 2, khoản 5] Thông tư 22/2016/TTBGDĐT, giáo viên dạy lớp 5 cần làm bản đánh giá học sinh chi tiết về năng lực, phẩm chất của mỗi em [chú trọng những học sinh sinh có “đặc biệt” về tính cách, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe]; trao đổi cụ thể để giáo viên dạy lớp 6 THCS nắm rõ các đối tượng học sinh, từ đó có các giải pháp phù hợp giúp các em sớm hòa nhập môi trường mới và thực hiện các nhiệm vụ học tập đạt kết quả cao./.

                                                             Hà Thị Thùy Linh - Giáo dục Thạch Hà

Video liên quan

Chủ Đề