Điểm cộng tuyển sinh đại học năm 2022

TP - Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học [ĐH]; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non để lấy ý kiến góp ý.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết so với Quy chế tuyển sinh năm 2021, năm nay, dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH có bảy điểm mới.

Ngoài 6 điểm mới dự kiến trước đó được cập nhật vào Quy chế dự thảo lần này, điểm mới thứ bảy là thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực [như khu vực 3].

“Quy định này là nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ [đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển ĐH, CĐ], bởi các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào ĐH; trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT [và xét tuyển vào ĐH, CĐ tại năm tuyển sinh đó] phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH. Như vậy với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần nên công bằng cho mọi thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, dự thảo Quy chế lần này được xây dựng trên nguyên tắc phân cấp, tự chủ và trách nhiệm giải trình, để các trường chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, tránh cầm tay, chỉ việc, áp đặt. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến nhưng quan điểm chung của Bộ là ưu tiên cao nhất cho quyền lợi của thí sinh.

Vẫn còn những băn khoăn

Theo lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội, những điểm mới của tuyển sinh năm nay thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng lại rất khó đối với các trường. Ông phân tích, đối với quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức, các trường sẽ hoàn toàn bị động trong việc kết quả lọc có thể vênh với chỉ tiêu đưa ra trong đề án tuyển sinh.

Ví dụ, phương thức xét học bạ trường lấy 30% chỉ tiêu. Khi đăng ký hồ sơ, số lượng thí sinh trúng tuyển dự kiến ban đầu khi chưa lọc ảo có thể vượt con số này. Nhưng khi lọc ảo, do thí sinh được quyền đặt nguyện vọng ưu tiên giữa các phương thức nên số thí sinh trúng tuyển chỉ còn 10% chỉ tiêu.

Số chỉ tiêu 20% còn lại trường có được phép đẩy sang phương thức xét tuyển khác không? Nếu đẩy sang phương thức xét tuyển khác trường sẽ phải giải trình như thế nào với Bộ GD&ĐT và xã hội. Vì trong dự thảo quy chế, Bộ yêu cầu các trường phải giải trình khi xác định tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển.

Những điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh hướng đến bảo vệ quyền lợi cho thí sinh Ảnh: Như Ý

Một băn khoăn nữa mà vị này đặt ra là quy định việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo. Quy định này hoàn toàn hợp lý nếu như áp dụng trong thời gian trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Còn đối với năm nay, sẽ rất khó cho các trường.

Ông này cũng lấy ví dụ như năm trước, trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành 40% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Nhưng cuối cùng, kỳ thi không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Trường này bắt buộc phải dồn hết chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp.

Vậy năm nay, khi xác định chỉ tiêu cho phương thức này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xác định chỉ tiêu cho năm nay là 0% hay 40% của năm trước? Hay như một số trường ĐH trong TPHCM cũng dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá chuyên biệt để tuyển sinh nhưng không tổ chức được buộc phải đẩy sang phương thức xét tuyển khác. Năm nay, nếu yêu cầu trường xác định chỉ tiêu như yêu cầu của Bộ GD&ĐT thì sẽ không hợp lý.

Hà Nội công bố kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Bộ GD&ÐT lưu ý ôn và đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Hà Nội: Dự kiến lùi thời gian nghỉ hè của học sinh

NGHIÊM HUÊ

TP - Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, thí sinh tự do [những thí sinh xét tuyển lại đại học] sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực như những năm trước. Chính sách này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Dự thảo Quy chế quy định điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp], còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT [thí sinh tự do] khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học [ĐH], cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực [như thí sinh khu vực 3]. Với quy định này, thí sinh tự do ở khu vực 1 sẽ mất 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn mất 0,5 điểm; khu vực 2 mất 0,25 điểm. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH lấy điểm theo độ dốc, thí sinh chỉ cần hơn nhau 0,2 điểm đã phân rõ trượt - đỗ.

Nếu không có gì thay đổi, thí sinh tự do xét tuyển ĐH năm nay có thể bị mất từ 0,25 - 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Ảnh Như Ý

Nhận được thông tin này, Lò Văn Hùng, thí sinh tự do đến từ Lai Châu, cảm thấy hụt hẫng. Năm nay là năm thứ 3 Hùng thi lại để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên. Những năm trước, Hùng thiếu 0,25 - 1 điểm vào ngành Y khoa. Năm nay, nếu không được cộng điểm ưu tiên khu vực, cánh cửa trường ĐH Y lại càng xa với em.

“Việc đột ngột bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các em nên Bộ GD&ĐT cần có sự tính toán kỹ lưỡng”.

Cô Nguyễn Tuyết Thanh, giáo viên trường THPT Hải Hậu A, Nam Định

Trong khi đó, Nguyễn Thị Khánh An [hộ khẩu ở Hà Nội] lại thấy yên tâm hơn với kế hoạch ôn tập và thi sắp tới. Năm 2021, Khánh An dự thi tốt nghiệp THPT và không đủ điểm xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. “Việc không cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh tự do đã cho chúng em một sân chơi công bằng hơn. Năm trước, em đạt 27 điểm đối với tổ hợp D01 nhưng vẫn trượt, còn nhiều bạn điểm thi thấp hơn nhưng đã trúng tuyển vì có điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng”, Khánh An nói.

Thực tế, điểm cộng ưu tiên khu vực, đối tượng là phao cứu sinh với nhiều thí sinh ở khu vực khó khăn. Điều này cũng tạo ra nhiều ý kiến về việc giữ hay bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực. Năm qua, tại các trường ĐH ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều thí sinh đạt điểm cao như thủ khoa trường, thủ khoa ngành là thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Nhiều em được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Số điểm này còn chưa kể điểm cộng khuyến khích quy đổi từ các giải thưởng các em đạt được theo quy định của từng trường, có thí sinh được cộng tới gần 5 điểm.

Thí sinh có mất quyền lợi?

Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH [Bộ GD&ĐT], quy định mới nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào ĐH. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT [và xét tuyển vào ĐH, CĐ tại năm tuyển sinh đó] phải học nhiều môn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Tuy nhiên, nhận định này được đánh giá là khá phiến diện vì cũng có nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vừa học vừa phải đi làm. Hơn nữa, thi lại thường là những thí sinh lực học không thuộc loại khá, giỏi. Vấn đề điểm cộng ưu tiên chỉ có ý nghĩa khi số lượng thí sinh được hưởng đủ lớn và như vậy chỉ có giá trị cạnh tranh đối với những thí sinh năm đó tốt nghiệp THPT. Vì theo tính toán của các trường, số thí sinh tự do mỗi năm chỉ chiếm khoảng 2%.

Lãnh đạo Phòng Đào tạo một trường ĐH kỹ thuật tại Hà Nội cho rằng nếu muốn bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình để thí sinh chuẩn bị tâm lý và năng lực. “Những năm trước, trong quy chế cũng như trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Bộ công khai trước dư luận không có nội dung nào nói đến chuyện này. Năm nay, Bộ đưa vào dự thảo quy chế định thực hiện ngay là không công bằng. Đối với các trường khi điều chỉnh phương án tuyển sinh, Bộ cũng yêu cầu phải có lộ trình. Một chính sách nhân văn như điểm cộng ưu tiên, tại sao Bộ lại đưa ra một cách cấp tập như thế”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khẳng định bỏ ưu tiên khu vực thực chất là tạo điều kiện cho con nhà giàu và các em ở thành phố lớn chiếm chỗ trong trường ĐH, tước bỏ cơ hội của học sinh khu vực khó khăn. Hơn nữa, theo ông, điểm ưu tiên còn nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho vùng sâu vùng xa và giải quyết bài toán phát triển kinh tế cho các vùng khó khăn. Sau tốt nghiệp, các em quay về phục vụ địa phương hoặc ở lại các thành phố lớn làm việc gửi tiền về nâng cao đời sống cho người thân. “Hằng năm số thí sinh tự do không nhiều nên để điểm ưu tiên khu vực cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác”, ông Dũng nhận định.

NGHIÊM HUÊ

Video liên quan

Chủ Đề