Đâu không phải là kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam sâu cách mạng tháng Tám 1945

Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Thứ tư - 18/08/2021 09:07 3.881 0
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta sống dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, đất nước, xã hội và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản có tính chất quyết định nhất đó là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, linh hoạt và quyết đoán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều này khẳng định sự vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta; có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến thuật cách mạng linh hoạt; nhận định chính xác tình hình, chủ động đón và chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong một thời gian rất ngắn. Sự lãnh đạo sáng suốt đó, trước hết thể hiện ở việc hoạch định đúng đắn Cương lĩnh, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trở lại với lịch sử để hiểu sâu hơn giá trị vĩ đại của một cuộc cách mạng. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính, gạt bỏ thực dân Pháp hòng độc chiếm Ðông Dương. Nắm bắt thời cơ đó, ngày 12-3-1945, Thường vụ Trung ương Ðảng đã kịp thời ra bản Chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nêu rõ, kẻ thù của cách mạng là phát xít Nhật.

Vì vậy, khẩu hiệu là “Ðánh đuổi phát xít Nhật”. Bản Chỉ thị còn chủ trương phá kho thóc của Nhật đế quốc để cứu đói cho nhân dân; lập Ủy ban quân sự và xây dựng chính quyền cách mạng. Những điều kiện để khởi nghĩa mà chỉ thị của Trung ương nêu ra đã là định hướng quan trọng để các đảng bộ địa phương chủ động phát động và lãnh đạo khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4-1945, các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 4-6-1945, thành lập khu giải phóng Việt Bắc với 6 tỉnh như là căn cứ địa của cách mạng cả nước.

Tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở căn cứ địa, mà ở vùng nông thôn, thành thị cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, học sinh, sinh viên, giới trí thức đã tập hợp đông đảo các nhà văn hóa vào trận tuyến đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong lúc khí thế cách mạng trong nước đang lên, một sự kiện lịch sử hết sức có lợi cho cách mạng nước ta. Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng quân Ðồng minh. Nhận được tin này, ngay lập tức, Trung ương Ðảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân.

Vào lúc 23 giờ, ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Giữa lúc cao trào cách mạng đang trong khí thế dâng trào trong cả nước, ngày 14-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp.

Tiếp đó, Ðại hội đại biểu quốc dân họp trong 2 ngày 16 và 17-8-1945. Những chủ trương, quyết sách tại Tân Trào đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng trước thời cuộc và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc mình.

Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn [từ ngày 14 đến 18-8-1945], cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra và đã giành thắng lợi ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam...

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre...

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước đã về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt và kịp thời của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực về nghệ thuật nhận định, đánh giá tình hình, nắm bắt thời cơ, hành động kiên quyết để giành thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng điển hình về nghệ thuật sử dụng lực lượng - dựa vào sức mạnh của toàn dân, chủ yếu là sức mạnh đấu tranh chính trị của nhân dân để giành chính quyền. Dưới ánh sáng của đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân được thổi bùng lên trong Cách mạng Tháng Tám.

Tôn trọng và bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta từ trước tới nay. Giữ vững lời thề độc lập, luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý vĩnh hằng cần phải được mọi thế hệ con Lạc, cháu Hồng, dòng giống Việt Nam khắc ghi và gìn giữ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩVũ Đăng Hiến

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Cách mạng tháng Tám - kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam

Thứ ba, ngày 18 tháng 8 năm 2015 | 14:57

[TTXVN] Cách mạng tháng Tám là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước.




Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước

Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nêu rõ đường lối đối nội, đối ngoại của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới; thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, do ông Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào [Tuyên Quang] thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa; quyết định Quốc kỳ nền đỏ ở giữa có sao vàng năm cánh; chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.” [Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t3, tr554].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giải phóng toàn bộ đất nước.

Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 10 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tưng bừng khí thế đấu tranh xuống đường vũ trang thị uy, tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Cuộc míttinh khổng lồ của nhân dân trở thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm phủ khâm sai, toà thị chính thành phố, trại bảo an binh và các công sở quan trọng khác. Khiếp sợ trước lực lượng quần chúng, bọn cầm đầu chính quyền tay sai Nhật ở Bắc Bộ vội vã đầu hàng. Khi đoàn người kéo đến Tòa thị chính, thị trưởng thành phố đã mở cửa, sẵn sàng trao lại chính quyền cho cách mạng.

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn.

Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị gần 100 năm bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thật sự thuộc về tay nhân dân ta. Cách mạng tháng Tám thành công.

Kỷ nguyên mới của dân tộc

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc ta tiến hẳn vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Kỷ nguyên mới đánh dấu bước nhảy vọt của đất nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một nhà nước độc lập, một quốc gia-dân tộc, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.159.].

Sau cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định; toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.


Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. [Ảnh tư liệu TTXVN]

Cách mạng tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nước Việt Nam của người Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình; thời đại dân tộc Việt Nam đứng trên vũ đài của hành tinh với tư cách một nước, một quốc gia độc lập ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Thời đại mới ở Việt Nam mang tên người con vĩ đại của dân tộc, từ người đi tìm đường cứu nước đã trở thành lãnh tụ anh minh, người dẫn đường cho dân tộc giành được thắng lợi - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Từ Cách mạng tháng Tám, những tiếng Việt Nam-Hồ Chí Minh đã gắn liến với nhau và trở thành quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người chính trực trên thế giới.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố trước thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Độc lập, tự do, hạnh phúc, những nội dung ấy được Hồ Chí Minh nêu lên đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người. Đó là tư tưởng bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra đối với cả thế giới, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, sự sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhà nước kiểu mới gắn bó mật thiết với nhân dân, mang tính nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Dân tộc Việt Nam đã được độc lập, thống nhất, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có quân đội chính quy, có địa vị hợp pháp trên trường quốc tế. Trong quá trình phát triển của dân tộc, đó là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn.

Đối với lịch sử dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự mở đầu cho những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Thời cơ và những quyết sách lịch sử

[ĐCSVN] - 76 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn cổ vũ, động viên mỗi người dân đất Việt vững tin vào sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... [Ảnh: hochiminh.vn]

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức lực lượng; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

Những ngày tháng Tám lịch sử...

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia; từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra những thời cơ chín muồi để đưa Cách mạng đến thành công. Bàn về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến bài học về vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp [09/3/1945]. Việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó phân tích: "Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chưa thực sự chín muồi"[1] và dự báo "ba cơ hội tốt" "sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi một cách mau chóng và một cao trào cách mạng nổi dậy: Chính trị khủng hoảng [quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng]; Nạn đói ghê gớm [quần chúng oán ghét quân cướp nước]; Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt [Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật]"[2].

Từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng như: thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân [tháng 4/1945][3]; ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

...và ở Sài Gòn [Ảnh: hochiminh.vn]

Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây, Người đã có Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa [Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa]… Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền như Đảng ta dự báo đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"[4]. Ngay khi nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện [ngày 15/8/1945], Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào [Tuyên Quang] [tháng 8/1945] quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”[5] và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phátxít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Có thể khẳng định, thời cơ của Cách mạng Tháng Tám chỉ tồn tại trong một thời gian rắt ngắn - từ sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Trong tình thế ngặt nghèo, Đảng ta đã hết sức khôn khéo, linh hoạt đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu khởi nghĩa sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng, ta sẽ gặp sự kháng cự quyết liệt, có thể tổn thất lớn và khó giành thắng lợi, chính quyền cách mạng chưa thể thành lập trong toàn quốc. Còn nếu để muộn hơn, khi Đồng minh đã vào Đông Dương, tình hình trở nên “vô cùng nguy hiểm”.

Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của Nhân dân ta được nhân lên gấp bội: từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 [từ 13 đến 28/8/1945], dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình [Hà Nội], Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”[6].

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, được truyền đi khắp nơi trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. [Ảnh: hochiminh.vn]

Vận dụng sáng tạo những thời cơ cách mạng

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, bài học nắm vững và tận dụng triệt để thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Giữa bộn bề khó khăn của những buổi sơ khai thành lập Nước, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gần 21 năm, lâu dài với biết bao gian khổ, hy sinh; qua nhiều giai đoạn, để đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ để rồi làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Đó cũng là những năm đầu sau khi đất nước thống nhất với bộn bề khó khăn. Một mặt, chúng ta phải giải quyết hậu quả 30 năm chiến tranh; mặt khác, phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, lại bị bao vây, cấm vận. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã quyết tâm đồng lòng vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng, củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển; vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao [Ảnh: chinhphu.vn]

Bước vào thời kỳ mới, đất nước đứng trước những thuận lợi, thời cơ, nhưng đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức. Bài học về nắm bắt thời cơ và vận dụng sáng tạo thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn không ngừng được phát huy, tỏa sáng, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước trước Đổi mới còn khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren; hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm; đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn; sau Đổi mới, đã thành một Việt Nam năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm; vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đúng vào dịp đất nước ta vừa tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp... Đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 76 năm qua, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa ngày nay, để từ đó tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.


[1] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.365.

[2] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.366.

[3] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.382.

[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.2, tr.225.

[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.366.

[6] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.437.

ĐP

Video liên quan

Chủ Đề