Đất phù sa môi gọi là gì

TT -Cái được gọi là phù sa trong báo cáo có thật sự phản ánh đầy đủ tất cả những nguồn dinh dưỡng có trong dòng nước mùa nước nổi?

  • ​Đập thủy điện có thể làm tuyệt chủng 70% số động vật hoang dã
  • Thủy điện không đập
  • "Cơi nới"... đập thủy điện

Gần đây trong giới nghiên cứu khoa học đang bàn luận về kết luận ban đầu trong báo cáo dự án Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ Mekong, trong đó có ĐBSCL do Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì.

Một nội dung khá quan trọng trong báo cáo có đề cập là: Các tác động chính lên sản xuất lúa và bắp [theo kịch bản 1] do sự sụt giảm phù sa gây ra chỉ làm giảm khoảng 2% sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL [nếu sự sụt giảm này kéo dài trong cả 10 năm].

Thế nhưng khái niệm phù sa và cả phương pháp đánh giá về lượng phù sa bồi đắp hằng năm cho khu vực ĐBSCL như trong báo cáo nêu là chưa ổn.

Hãy khoan bàn đến con số cụ thể là bao nhiêu triệu tấn phù sa về khu vực ĐBSCL mỗi năm để dẫn đến làm giảm sản lượng lúa như dự kiến.

Câu hỏi đầu tiên là liệu các nhà nghiên cứu đã hiểu phù sa có giống như người dân hiểu hay những cái được mà mùa nước nổi mang lại cho vùng ĐBSCL hay không?

Người dân ĐBSCL gọi nguồn nước có chứa nhiều dinh dưỡng cho cá tôm, cây cối bằng nhiều tên khác nhau như nước son, nước bạc, hay nước đục.

Người ở đầu nguồn khi thấy nước son về sớm thì năm đó nước sẽ về nhiều, ngập sâu và họ đo đếm các chất lắng đọng trên đồng ruộng bằng kinh nghiệm bao đời đã đúc kết: Sau mùa nước nổi, nếu lội vô ruộng mà thấy mặt đất mát lạnh thì năm đó ắt sẽ nhẹ phân, trúng mùa, còn lội mà thấy bùn lệu bệu thì phải bón thêm nhiều phân.

Người sống ở cuối nguồn, làm nghề chài lưới thì gọi là nước cáu. Hễ năm nào nước cáu có màu đỏ hồng và chớn nước mở rộng ra biển thì sẽ trúng nhiều cá tôm, còn nước cáu lợn cợn thì xem như trắng tay!

Có thể thấy là hàng trăm năm nay, ở ĐBSCL từ người làm lúa, làm vườn hay đánh bắt cá tôm, di chuyển, sinh hoạt hằng ngày đều dựa vào nguồn dinh dưỡng trong nước để sinh cơ, lập nghiệp và truyền dạy lại cho con cháu đời sau kinh nghiệm quý báu đó.

Như vậy, cái được gọi là phù sa trong báo cáo có thật sự phản ánh đầy đủ tất cả những nguồn dinh dưỡng có trong dòng nước mùa nước nổi?

Giả như phù sa trong báo cáo phản ánh đúng những nguồn dinh dưỡng có trong dòng nước, thì phần tác động còn phải tính cho cả người trồng lúa, làm vườn, đánh bắt cá tôm, di chuyển, sinh hoạt hằng ngày của người dân và cho cả môi trường tự nhiên của ĐBSCL.

Nếu đánh giá tác hại của các công trình thủy điện chỉ dựa trên lượng phù sa bị ngăn chặn lại hay chỉ là sản lượng lúa bị giảm bao nhiêu thì đó là sự hiểu biết một chiều, chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề mà người dân ĐBSCL đã sống và hiểu về phù sa qua hàng trăm năm nay.

Vì vậy, khi phương pháp luận của báo cáo này chưa thật sự phân tích cặn kẽ một vấn đề như câu chuyện phù sa nói trên thì việc thu thập và phân tích số liệu chưa bao quát đầy đủ cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường khi trả lời báo chí cho rằng: Toàn bộ quá trình nghiên cứu, đánh giá này [tác động của thủy điện trên dòng Mekong đến vùng ĐBSCL] đều do các chuyên gia quốc tế thực hiện.

Vậy những chuyên gia quốc tế đó đã đi thực tế, thực địa và hiểu biết thật sự về vùng châu thổ ĐBSCL?

Do đó, hãy khoan kết luận vội vã một vấn đề mà nó có thể ảnh hưởng sâu rộng cho thiên nhiên và toàn xã hội, không chỉ một vài năm mà là lâu dài, cả nhiều thế hệ sau này.

Báo cáo này phải được thực hiện một cách thận trọng và cần có thời gian để được góp ý từ nhiều phía, từ các nhà khoa học đến người dân.

Nếu không, vô hình trung chúng ta lại làm cho mọi người thấy sự hiểu biết hời hợt của mình đối với một kinh nghiệm quý báu mà cha ông đã dày công khám phá và giữ gìn.

Video liên quan

Chủ Đề