Daaij thi hào nguyễn du sinh và mất năm nào năm 2024

Tỉnh Hà Tĩnh xác định, Lễ kỷ niệm 255 ngày sinh, tưởng niệm 200 ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du là dịp để tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa thế giới cũng như văn hóa, con người Hà Tĩnh và là hoạt động rất quan trọng trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du tổ chức họp soát xét, thống nhất nội dung triển khai các kế hoạch tổ chức sự kiện, thành lập các tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các sở, ngành và huyện Nghi Xuân.

Ông Trần Tiến Hưng-Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tổ chức hoạt động Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du khẳng định: Đây không chỉ là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa Hà Tĩnh, thúc đẩy phát triển du lịch đất Lam Hồng.

Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du nơi tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông.

Ngay sau khi Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du họp, triển khai công tác, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các tiểu ban phục vụ gồm: Tiểu ban nội dung, Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban ANTT, Tiểu ban hậu cần. Trong đó, tập trung thảo luận các nội dung, kịch bản chương trình tổ chức Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du; đóng góp ý kiến liên quan đến quy mô khách mời, công tác hậu cần, đảm bảo ANTT, các kịch bản dự phòng…

Các sở, ngành và huyện Nghi Xuân đã khẩn trương chỉnh trang một số hạng mục tại Khu Lưu niệm Đại thi hào; xây dựng dự thảo kế hoạch chi tiết, triển khai biên soạn đề cương tuyên truyền, xây dựng kịch bản lễ kỷ niệm, kế hoạch thực hiện Tuần văn hóa - du lịch Nguyễn Du...

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn yêu cầu: Các địa phương, đơn vị căn cứ kế hoạch của tỉnh và diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, chủ động rà soát các nội dung, có thể cắt giảm một số hoạt động tập trung đông người như: Tổ chức hội trại, hội thi ẩm thực, các hoạt động thi đấu thể thao, Lễ hội cầu khoa trong Tuần Văn hóa - Du lịch… ưu tiên các hoạt động có chiều sâu, lưu giữ các giá trị văn hóa.

Liên quan đến các hoạt động Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, hiện Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, thống nhất Đề cương kịch bản và demo âm nhạc Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ban Tổ chức xây dựng kịch bản với hai phương án: Tổ chức ngoài trời với quy mô lớn ở Quảng trường thành phố Hà Tĩnh hoặc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục dự án chỉnh trang, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ban Tổ chức các hoạt động Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đang hoàn thành việc xuất bản các ấn phẩm: Kỷ yếu hội thảo “Nguyễn Du - Puskin, tương đồng và khác biệt”; Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”.

Lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ Giỗ lần thứ 200 Đại thi hào Nguyễn Du tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân vào sáng 26/9/2020. Tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” dự kiến vào chiều 25/9/2020 tại TP Hà Tĩnh. Tổng kết và trao giải các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết Văn tế Nguyễn Du”, “Giải Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII” dự kiến từ ngày 23 đến ngày 25/9/2020 tại huyện Nghi Xuân.

Công diễn Kịch thơ “Hoạn Thư ghen” vào tối 22/9/2020 tại thành phố Hà Tĩnh và tối 24/9/2020 tại huyện Nghi Xuân. Trưng bày hiện vật, ấn phẩm về Nguyễn Du và Truyện Kiều dự kiến ngày 24/9/2020 tại huyện Nghi Xuân. Công chiếu phần 1 phim Tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”. Liên hoan các CLB Dân ca Ví, Giặm dự kiến tổ chức trong tháng 10-2020. Xuất bản, tái bản các ấn phẩm về Nguyễn Du và Truyện Kiều...

Nguyễn Du [1765 - 1820], tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long [Hà Nội].

Xuất thân trong một gia đình phong kiến đại quý tộc, trí thức, tài hoa và có danh vọng vào bậc nhất đương thời. Thân sinh là Nguyễn Nghiễm đậu tiến sĩ, là một sử gia, từng ở ngôi tể tướng mười lăm năm; mẹ là Trần Thị Tần, người Bắc Ninh, có tài hát xướng; Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du đậu tiến sĩ giữ chức lớn dưới cả hai thời Trịnh Sâm và Trịnh Tông, giỏi thơ Nôm, tương truyền có dịch Chinh phụ ngâm. Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện [cháu gọi Nguyễn Du bằng chú] đều là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đương thời; Nguyễn Huệ, bác ruột Nguyễn Du, đậu tiến sĩ. Với truyền thống văn hóa, tri thức của gia đình và sự ảnh hưởng của ba vùng đất lớn: Thăng Long, Kinh Bắc và đặc biệt quê hương Hà Tĩnh sông Lam - núi Hồng đã có tác động rõ rệt đối với sự hình thành thiên tài văn học ở Nguyễn Du.

13 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nguyễn Du phải lang thang “khắp hang cùng ngõ hẻm” của quê cha, quê mẹ và quê vợ trong đói nghèo, khổ cực và tủi nhục.

Đoàn Hương Sơn được nghe giới thiệu về thân thế, cuộc đời của Nguyễn Du

Sau khi thi đậu Tú tài, Nguyễn Du được giữ chức Chánh thủ hiệu hiệu quân hùng hậu ở Thái Nguyên, từng ra làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tham tri bộ Lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ bộ… Tháng 2 năm Quý Dậu [1813], được thăng hàm Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế Cống Chánh sứ. Tháng 4 năm Giáp Tuất [1814], Nguyễn Du trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục” , được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ [hàm Tam phẩm] và tước Du Đức hầu.

Sắc của vua Gia Long ghi rõ:

Chiếu cần chánh điện học sỹ Nguyễn Du.

Học thuật tứ tố cần lao tự kinh văn gia phụng cử đặc chuẩn thăng Lễ Bộ tham tri Du hầu tham ly bộ nội chữ công vũ thừ. Thường ký bảo tử bang. Điển túc hạ duy thẩm duy xứng sổ nhận khâm tai đặc chiếu.

Gia Long thập tứ niên ngũ nguyệt cửu nhật.

Dịch nghĩa: Sự nghiệp học thuật giỏi vốn là người chăm chỉ nay ở văn giai tân cử lên đặc chuẩn thăng cơ Bộ tham tri tước Du đức hầu tham gia mọi việc trọng nội bộ. Cần để giữ gìn bang điển, ngày đêm nhắc nhở xứng đáng với chức vụ của mình.

Ngày 19 tháng 5 năm Gia Long thứ 14 [1815].

Mùa thu năm Kỷ Mão [1819], được cử làm Đề Điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu từ chối và được chuẩn y. Tháng 8 năm Canh Thìn [1820], vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi, có lệnh cử ông làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì bị cảm bệnh mất tại kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8 niên hiệu Minh Mệnh năm đầu. Hưởng thọ 55 tuổi.

Vốn nổi tiếng thông minh, lại được kế thừa truyền thống của một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có nhiều người sáng tác văn chương, kết hợp với những trải nghiệm cuộc đời từng sống sung túc cũng như từng nếm trải thăng trầm, bôn ba vất vả, rồi trải nghiệm của lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã hoàn thiện và nâng tầm khái quát trong tư tưởng về xã hội và thân phận con người trong các sáng tác văn chương, ông luôn cảm thấy đau lòng vì nhân tình thế thái, tâm hồn nghệ sĩ của ông quá nhạy cảm trước nỗi đau khổ lớn lao của con người trong xã hội chuyên chế, nên nhà thơ đã hướng ngòi bút vào hiện thực vừa t rải qua một cuộc bể dâu để ghi lại những điều trông thấy mà đau đớn lòng .

Với các yếu tố quê hương, gia đình, thời đại đã tác động rõ rệt đối với sự hình thành thiên tài văn học ở Nguyễn Du. Nguyễn Du để lại cho hậu thế vốn liếng văn chương đồ sộ: gồm ba tập thơ chữ Hán với 249 bài: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục ; và những sáng tác bằng chữ Nôm tiêu biểu: Văn tế thập loại chúng sinh [Văn chiêu hồn], Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai Phường Nón và Truyện Kiều [Đoạn trường tân thanh]. Toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Du đều chứa chan tình yêu thương đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Giáo sư Nguyễn Lộc nhận định: “Có thể tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn. Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn Du đã lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng… Thơ Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện…”.

Năng khiếu văn chương, vốn sống phong phú kết tinh ở một trái tim yêu thương vĩ đại đối với con người trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đã tạo nên thiên tài Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ Đề