Chất lượng giáo dục thấp tiếng anh là gì

GIÁO DỤC.- Trong 3 ngày, từ 23 đến 25-9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia về chất lượng giáo dục và giáo dục kỹ năng sống. Từ nhận xét học sinh Việt Nam còn hạn chế về năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp, hội thảo đưa ra giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay

Hạn chế về Anh ngữ và kỹ năng công nghệ

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chỉ số chất lượng giáo dục một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á (lấy thước đo 10 điểm) thì VN có hạn chế nhiều nhất là mức độ thành thạo về Anh ngữ và công nghệ cao. Chẳng hạn là Singapore: 8,33 điểm; Ấn Độ: 6,62 điểm; Thái Lan: 2,82 thì VN chỉ được 2,62 điểm. Về thành thạo công nghệ VN được 2,50 điểm, trong khi Singapore được 7,83; Trung Quốc 4,37; Thái Lan 3,27.

Theo PGS-TS Đỗ Đình Hoan, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải bảo đảm giáo dục toàn diện nhưng do nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau, ở nhiều trường lớp vẫn còn hiện tượng dạy học chưa đủ số môn quy định. Ngoài ra, giữa các vùng, địa phương đang có sự khác nhau về thời lượng dạy học.

Chất lượng chưa cao vì chạy theo... phong trào!

Sau một năm triển khai dạy học ở lớp 1 theo chương trình mới (năm học 2002-2003) cho thấy: Địa phương nào dạy 2 buổi/ngày thì kết quả sẽ cao hơn nơi dạy học 1 buổi/ngày. Theo điều tra thời lượng dạy học và quản lý học sinh tiểu học ở Việt Nam và một số nước khác năm 2000: Hoạt động giáo dục của các trường phổ thông ở nước ta ít hơn so với mức trung bình của thế giới và chỉ bằng 2/3 các nước trong khu vực. Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là một nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục. Nước ta còn 16% số phòng học tạm và 0,3% số phòng học dùng chung cho 3 lớp khác nhau trong một ngày. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chất lượng giáo dục chưa cao vì còn “chạy theo phong trào”.

Còn theo PGS-TS Trần Kiều, trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, mâu thuẫn lớn nhất của nền giáo dục nước ta là vừa phải phát triển quy mô, vừa bảo đảm và nâng cao chất lượng, trong khi các điều kiện để thực hiện còn hạn chế. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trang, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, cho rằng: Chất lượng giáo dục phổ thông chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế. Học sinh rất hạn chế về năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp.

Chỉnh sửa chương trình, đào tạo giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung nói chất lượng giáo dục và một mặt biểu hiện của nó là kỹ năng sống đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Hơn thế, việc được hưởng nền giáo dục có chất lượng là quyền của con người. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là phải đưa ra được những giải pháp để hướng tới một nền giáo dục có chất lượng. Theo Thứ trưởng Trần Văn Nhung, ngành GD-ĐT sẽ ưu tiên phát triển theo hướng bền vững, vì hòa bình và con người, với trọng tâm là chỉnh sửa chương trình giáo dục, tài liệu học tập và đào tạo giáo viên.

Theo hầu hết các chuyên gia: Yếu tố quyết định hàng đầu trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục chính là đội ngũ giáo viên. Để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên phải là người có đủ bản lĩnh để tự rèn luyện mình về mọi mặt từ đạo đức đến trình độ. Đồng thời, phải đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trên cơ sở chú trọng 3 khâu: đào tạo - bồi dưỡng, sử dụng đãi ngộ và kiểm tra đánh giá. Mặt khác, cần phải tạo điều kiện đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục đưa dần phương pháp dạy học mới khuyến khích học sinh tham gia tích cực sáng tạo, chủ động vào các hoạt động học tập với sự trợ giúp của học liệu.

Ông Chu Shiu-Kee, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cũng đưa ra 5 giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó ưu tiên việc đánh giá thường xuyên và có hệ thống về việc phù hợp của nền giáo dục hiện tại trước các nhu cầu học tập, đồng thời nâng cấp việc tổ chức phương pháp giảng dạy cũng như tài liệu dạy và học cho các nhóm đối tượng học khác nhau. Tăng số lượng và nâng chất lượng cơ sở vật chất. Đặc biệt là xây dựng năng lực quản lý phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp.

Ngọc Dung


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung:

Nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, Thứ trưởng Trần Văn Nhung cho biết: Hội nghị này mới chỉ đề cập vấn đề chất lượng giáo dục (GD) và kỹ năng sống ở cấp phổ thông. Trong khi chúng ta rất cần có thêm những ý kiến về GD ĐH, bởi lẽ chất lượng GD ĐH có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hàng hóa, công nghiệp và kinh tế. Theo đánh giá của UNESCO, GD ĐH là xương sống của mỗi quốc gia. Thực tế là không chỉ GD phổ thông mà ngay GD ĐH, chất lượng cũng chưa cao. Điều này không phải do các trường không có khả năng, mà với đầu tư, quản lý hiện nay chưa tạo điều kiện tốt nhất cho các trường. Ví dụ một trường ĐH ở Thượng Hải, Trung Quốc mỗi năm được đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học là 50 triệu USD. Còn ở ta, số tiền dành cho gần 200 trường ĐH, CĐ mỗi năm chỉ hơn 100 triệu USD. Chi cho GD mới chỉ tăng 1-2%/năm, nhưng số sinh viên lại tăng lên 3-4%.

. Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về chất lượng GD ĐH hiện nay?

- Nhìn chung, so với thế giới và khu vực thì chất lượng GD ĐH của ta còn thấp. Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng GD ĐH không thể chỉ căn cứ vào việc tuyển sinh, mà chủ yếu là chương trình giảng dạy có hiện đại hay không và dạy như thế nào. Vấn đề nữa là ai dạy và người dạy đó có kết hợp với nghiên cứu khoa học hay không. Bởi vì khác biệt cơ bản với GD phổ thông là người dạy ĐH phải nghiên cứu khoa học.

. Theo ông, quy mô đào tạo ĐH của ta hiện nay đã hợp lý chưa?

- Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến Thủ tướng về vấn đề này. Ít nhất là tiếp tục giữ mức tăng quy mô đầu vào hằng năm là 5%. Đang có hướng là tăng chất lượng đầu vào ĐH, đồng thời tăng thêm số lượng đầu vào. Hiện nay trung bình 5-6 thí sinh thi lấy 1 người. Vậy những người còn lại đi đâu, trong khi nhu cầu học tập là chính đáng. Nhiều người trong số đó chọn giải pháp đi du học (hiện có 2 vạn người đi du học) và mỗi năm ta đang “chảy” một khoản ngoại tệ đáng kể. Vì thế phải mở rộng để giữ họ lại học ở trong nước.

. Thưa thứ trưởng, có phải do chất lượng GD của ta còn thấp nên kỹ năng sống của người VN còn hạn chế?

- Xét về mặt trí tuệ, thông minh thì học sinh VN không thua kém nước nào. Tuy nhiên, về kiến thức toàn diện thì chúng ta phải xem lại. Ví dụ về tiếng Anh, về công nghệ và đặc biệt là gắn với thực hành và ứng dụng của ta còn kém. Chúng ta phải tăng cường kỹ năng thực hành, kỹ năng sống. Bởi vì từ kiến thức sẽ dẫn đến kỹ năng sống. Cuối cùng là chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, xã hội được nâng cao, ổn định.