Cách qua lộ an toàn

Trên thực tế, các TNGT liên quan đến người đi bộ vi phạm luật chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu của do người đi bộ sang đường tùy tiện, không đúng nơi quy định làm người điều khiển phương tiện trên đường không kịp xử lý dẫn tới va chạm trực tiếp với người đi bộ hoặc tránh người đi bộ va chạm với các phương tiện khác.

Vụ TNGT xảy ra vào năm 2009 tại QL5 do 1 nữ sinh trèo qua làn đường dành cho xe cơ giới để sang đường đã va chạm với 1 người điều khiển môtô khiến người đó thiệt mạng và nữ sinh kia bị thương. Đây là vụ án người đi bộ vi phạm Luật GTĐB đầu tiên được Tòa án huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đưa ra xét xử. Tòa án đã tuyên phạt người đi bộ vi phạm quy định của Luật GTĐB mức án 9 tháng tù [cho hưởng án treo] và 18 tháng thử thách vì đã có hành vi cản trở GTĐB.

Tình trạng người đi bộ vi phạm là nguyên nhân gây ra va chạm, TNGT nhưng chủ phương tiện xe máy, ôtô phải chịu chi phí khám chữa bệnh ban đầu xảy ra phổ biến.

Hơn 1 năm qua, trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố ven 4 quốc lộ huyết mạch gồm: QL3, 5, 10, 18 chạy qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Bắc Ninh, điều phối viên của Hợp phần nâng cao nhận thức Dự án Tăng cường ATGT trên các quốc lộ, liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền tại hiện trường về ATGT với chủ đề Đi và qua đường an toàn trong đó có nhiều phần tuyên truyền, giáo dục, định hướng và hướng dẫn chi tiết cho người đi bộ tham gia giao thông an toàn, đúng luật.

Anh Đặng Văn Khả - điều phối viên Dự án tại Hải Dương cho rằng, là tuyến cao tốc huyết mạch nối liền các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô, QL5 mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại. Với không ít người dân sống ven quốc lộ, việc đi qua đường là một trong những việc họ cảm thấy ngại nhất khi phải lưu thông trên đường. Chúng tôi đã tuyên truyền đến để người dân hiểu, đi bộ qua đường phải an toàn, đúng luật.

Anh Đặng Văn Duyệt - điều phối viên của Dự án tại Hải Dương cho biết Khi tham gia giao thông người đi bộ phải chấp hành đầy đủ những quy định tại Điều 32 - Luật GTĐB ngày 13/11/2008. Cụ thể, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Hợp phần kỹ thuật, dọc QL5 qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, đã và đang đầu tư xây dựng 2 cầu vượt dành cho người đi xe máy, xe thô sơ và người đi bộ tại Km 16+052 và Km 20+100; có 10 cầu vượt bộ hành qua địa phận Hải Dương. Người tham gia giao thông có thêm những lựa chọn thuận tiện để sang đường an toàn. Anh Khả cũng lưu ý trẻ em dưới 7 tuổi khi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt và mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Các anh đều hi vọng tình trạng băng rào qua quốc lộ sẽ giảm khi người dân được tuyên truyền tốt và có sự đầu hợp lý về cơ sở hạ tầng.

Theo Giaothongvantai.com.vn

Video liên quan

Chủ Đề