Các phương pháp và kĩ thuật dạy học môn Tiếng Việt

Vận dụng kĩ thuật động não viết trong dạy học Tiếng Việt nhằm rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, viết đúng cho học sinh lớp 3

  • Published: Wednesday, 04 November 2020 02:23
  • Written by Nguyễn Thùy Sông
  • Print

1. Mở đầu

Vận dụng kĩ thuật dạy học tích cực là một trong những vấn đề cần chú trọng trong dạy học các môn học ở trường phổ thông. Đối với môn Tiếng Việt ở trường tiểu học, nếu giáo viên biết vận dụng hợp lí các kĩ thuật dạy học tích cực, sẽ giúp học sinh nhanh chóng hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt [đọc, viết, nghe, nói] so với cách dạy học truyền thống.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ trình bày một vài gợi ý giúp giáo viên tiểu học vận dụng có hiệu quả kĩ thuật động não viết nhằm rèn kĩ năng viết đúng chính tả, từ, câu tiếng Việt; rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh trong môn Tiếng Việt lớp 3.

Theo nghiên cứu của tác giả, giáo viên ít khi thay đổi kĩ thuật dạy học trong một hoạt động. Chẳng hạn, khi dạy học phần đọc hiểu trong tiết Tập đọc lớp 3, giáo viên thường dùng kĩ thuật đặt câu hỏi, điều này nếu kéo dài sẽ làm cho học sinh cảm thấy nhàm chán, phân tán sự chú ý. Vì vậy lựa chọn thời điểm, nội dung phù hợp để thay đổi kĩ thuật, trong đó có kĩ thuật động não viết, sẽ giúp giáo viên gây được hứng thú, kiểm soát được tính chủ động, sáng tạo, tích cực của tất cả học sinh trong lớp học, từ đó nâng cao năng lực đọc hiểu của các em. Với đặc điểm thảo luận bằng hình thức viết của kĩ thuật động não viết, việc áp dụng kĩ thuật này để rèn kĩ năng viết đúng chính tả, từ, câu cho học sinh ở một số bài thực hành Chính tả, Luyện từ và câu rất thích hợp. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể cách vận dụng kĩ thuật động não viết để rèn hai kĩ năng trên cho học sinh lớp 3.

2. Khái niệm, quy trình kĩ thuật động não viết

2.1. Khái niệm

Động não viết là kĩ thuật dùng trong thảo luận nhóm. Khi thảo luận, học sinh giao tiếp với nhau bằng chữ viết trên một tờ giấy chung. Các học sinh được phép tham khảo ý tưởng của nhau nhằm phát triển thêm các ý tưởng mới tiếp theo, đảm bảo trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó. Sau khi thu thập xong ý tưởng, học sinh đánh giá các ý tưởng trong nhóm và cùng lập ra một bài viết chung. Bằng cách đó, có thể hình thành những câu chuyện trọn vẹn hoặc là bản thu thập các từ khóa.

2.2. Quy trình thực hiện

Để thực hiện kĩ thuật động não viết, cần tiến hành qua các bước sau:

- Bước 1: Giáo viên nêu câu hỏi hay vấn đề cần được tìm hiểu trước lớp.

- Bước 2: Chia nhóm, phân công trưởng nhóm và hướng dẫn nhóm thực hiện hoạt động: mọi cá nhân trong nhóm tham gia ghi câu trả lời vào giấy chung.

- Bước 3: Nhóm hoạt động theo quy trình: cá nhân ghi các ý kiến trả lời vào tờ giấy chung, nhóm tổng hợp, phân loại chuyển thành ý kiến chung của cả nhóm một cách ngắn gọn, đầy đủ trên giấy.

- Bước 4: Đại diện nhóm trình bày kết quả thảo luận và tiếp nhận ý kiến nhận xét.

- Bước 5: Giáo viên tổng kết hoạt động.

3. Vận dụng kĩ thuật động não viết rèn kĩ năng đọc hiểu, viết từ, câu

3.1. Hướng dẫn chung

- Giáo viên có thể vận dụng kĩ thuật động não viết cho những câu hỏi, bài tập Tiếng Việt có đáp án mở.

- Tuỳ vào nội dung câu hỏi, bài tập mà ấn định thời gian thảo luận nhóm cho phù hợp. Thời gian thảo luận nên khoảng từ 3 10 phút.

- Tuỳ vào số lượng học sinh, năng lực học sinh trong lớp, thời gian thảo luận, câu hỏi, bài tập, điều kiện cơ sở vật chất trong lớp học mà phân chia số lượng thành viên trong nhóm cho phù hợp. Nhóm có thể từ 2 10 học sinh.

3.2. Rèn kĩ năng đọc hiểu

Ví dụ: Ba điều ước [Tập đọc, tập 1, tr. 136-137]

Bước 1: Giáo viên yêu cầu: từ câu chuyện Ba điều ước, em hãy viết ra giấy điều ước của em [yêu cầu này chuyển từ câu hỏi đọc hiểu trong sách giáo khoa Nếu có ba điều ước, em sẽ ước gì?].

Bước 2: Giáo viên chia nhóm, phân công trưởng nhóm, phát cho nhóm nửa tờ giấy A0 hoặc bảng phụ của học sinh và hướng dẫn nhóm thực hiện hoạt động: mọi cá nhân trong nhóm tham gia ghi điều ước vào giấy chung [nên ghi ra điều ước chỉ bằng một vài từ ngữ, ghi theo vòng tròn, hết lượt bạn này đến lượt bạn khác, không ghi lại ý của bạn, bạn nào đến lượt chưa nghĩ ra, nhóm có thể gợi ý giúp bạn], giao hẹn thời gian hoạt động khoảng 2 phút.

- Bước 3: Nhóm hoạt động: các cá nhân lần lượt ghi các điều ước vào tờ giấy chung, trưởng nhóm điều hành nhóm tổng hợp, phân loại [chẳng hạn: loại điều ước về sức khoẻ, loại điều ước về của cải vật chất, loại điều ước về nghề nghiệp,] thành ý kiến chung một cách ngắn gọn, đầy đủ trên giấy.

- Bước 4: Đại diện nhóm đọc kết quả thảo luận về điều ước của nhóm. Nếu nhóm không tổng hợp được giáo viên chấp nhận cho nhóm đọc những ý tiêu biểu. Nếu không có thời gian cho học sinh trình bày, giáo viên có thể thu lại sản phẩm, xem nhanh và nêu ý chung nhất kết quả thảo luận của từng nhóm.

- Bước 5: Giáo viên ghi nhận kết quả hoạt động của mỗi nhóm và kết thúc hoạt động bằng lời nhắn gửi: Điều ước là tốt đẹp. Muốn điều ước trở thành hiện thực, các em cần học tập, rèn luyện chăm chỉ, kiên trì, chịu khó, chắc chắn thành công sẽ đến với các em.

Gợi ý sử dụng: Giáo viên có thể áp dụng kĩ thuật động não viết này để kết thúc bài Tập đọc Ba điều ước.

Tác dụng: thay vì kĩ thuật hỏi đáp, rèn luyện thực hành nghe, đọc mà giáo viên đang áp dụng từ đầu tiết đến cuối tiết Tập đọc, kĩ thuật động não viết sẽ thay đổi hình thức giao tiếp trong học tập kích thích sự chú ý của học sinh, làm tăng hiệu quả của việc luyện đọc, khiến năng lực đọc hiểu của học sinh tốt hơn.

Có thể vận dụng kĩ thuật động não viết vào trả lời các câu hỏi đọc hiểu tương tự [câu hỏi có nhiều câu trả lời hay còn gọi là đáp án mở] trong các bài Tập đọc sau:

TT

Câu hỏi

Tên bài/trang/tập

1

Qua câu chuyện, em nghĩ gì về giọng quê hương?

Giọng quê hương [tập 1, tr.77]

2

Các âm thanh trên nói lên điều gì về cuộc sống của thành phố?

Âm thanh thành phố [tập 1, tr.147]

3

Theo em, khoa học đem lại lợi ích gì cho con người?

Nhà bác học và bà cụ [tập 2, tr.32]

4

Em biết những tranh, ảnh, tượng hay bài hát nào về Bác Hồ?

Em vẽ Bác Hồ [tập 2, tr.44]

5

Em thường thấy các quảng cáo ở những đâu?

Chương trình xiếc đặc sắc [tập 2, tr.47]

6

Ngoài tin thể thao, báo chí còn cho ta biết những tin gì?

Bản tin [tập 2, tr.87]

7

Em sẽ làm gì sau khi đọc bài Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ?

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục [tập 2, tr.95]

8

Em muốn nói gì với các bạn HS trong câu chuyện này?

Gặp gỡ ở Lúc xăm bua [tập 2, tr.99]

9

Em cần làm gì để giữ mãi cảnh đẹp được tả trong bài?

Con cò [tập 2, tr.112]

3.3. Rèn kĩ năng viết đúng chính tả, viết từ, câu

3.3.1. Rèn kĩ năng viết đúng chính tả

Ví dụ: Tìm các từ ngữ chứa tiếng có vần uêch, uyu [Chính tả, tập 1, tr.14]

Bước 1: Giáo viên yêu cầu học sinh đọc bài tập.

Bước 2, 3: Giáo viên chia nhóm, phân công trưởng nhóm, hướng dẫn nhóm thực hiện hoạt động: mọi cá nhân trong nhóm tham gia ghi từ có chứa vần uêch, uyu vào tờ giấy chung A0 hoặc bảng phụ, sau 2 phút nhóm cử người lên trình bày.

Bước 4: Đại diện nhóm trình bày kết quả.

Bước 5: Giáo viên tổ chức nhận xét theo các tiêu chí: số lượng từ đúng các nhóm tìm được; viết đúng chính tả các từ ngữ tìm được, chẳng hạn: khuếch tán, chuệch choạc, bộc tuệch bộc toạch, tuệch toạc, khuỷu tay, khuỷu chân, khúc khuỷu,

Có thể vận dụng kĩ thuật động não viết vào làm các bài tập chính tả âm vần mà có nhiều đáp án hay còn gọi là đáp án mở, trong các bài Chính tả sau:

TT

Câu hỏi

1

Tìm những tiếng có thể ghép với mỗi tiếng sau: a. xét/sét, xào/sào, xinh/sinh; b. gắn/gắng; nặn/nặng, khăn/khăng [tập 1, tr.18]

2

Tìm những tiếng có thể ghép với mỗi tiếng sau: a. trung/chung, trai/chai, trống/chống; b. kiên/kiêng; miến/miếng, tiến/tiếng [tập 1, tr.61]

3

Tìm 3 từ chứa tiếng có vần oai, 3 từ chứa tiếng có vầy oay. [tập 1, tr.78]

4

Thi tìm nhanh, viết đúng: từ ngữ chỉ sự vật có tiếng bắt đầu bằng s [tập 1, tr.87]

5

Tìm những tiếng có thể ghép với các tiếng sau: rá/giá, rụng/dụng [tập 1, tr.110]

6

Tìm những tiếng có thể ghép với các tiếng sau: xâu/sâu, xẻ/sẻ [tập 1, tr.128]

7

Thi tìm nhanh các từ ngữ chứa tiếng bắt đầu bằng l/n [tập 2, tr.7]

8

Đặt câu với mỗi từ đã được hoàn chỉnh ở bài tập 2 [sáng suốt, xao xuyến, sóng sánh, xanh xao] [tập 2, tr.18-19]

9

Thi tìm nhanh các từ ngữ chỉ hoạt động chứa tiếng bắt đầu bằng r/d/gi [tập 1, tr.38]

10

Thi tìm nhanh các từ ngữ chỉ hoạt động chứa tiếng bắt đầu bằng l/n [tập 2, tr.43]

11

Thi tìm những từ ngữ chỉ hoạt động chứa tiếng bắt đầu bằng s/x [tập 2, tr.52]

12

Thi tìm nhanh các từ gồm hai tiếng, trong đó tiếng nào cũng bắt đầu bằng âm s hoặc âm x [tập 2, tr.56]

13

Chọn 2 từ ngữ mới được hoàn chỉnh ở bài tập 2, đặt câu với mỗi từ ngữ đó [buổi chiều, thuỷ triều, triều đình, chiều chuộng, chiều cao] [tập 2, tr.100]

14

Chọn 2 từ ngữ mới được hoàn chỉnh ở bài tập 2, đặt câu với mỗi từ ngữ đó [rong ruổi, rong chơi, thong dong, trống dong cờ mở, gánh hàng rong] [tập 2,tr.112]

3.3.2. Rèn kĩ năng viết đúng từ, câu

Ví dụ: Dựa theo nội dung các bài tập đọc đã học ở tuần 3, tuần 4, hãy đặt câu theo mẫu Ai là gì? để nói về: Bạn Tuấn trong truyện Chiếc áo len. Bạn nhỏ trong bài thơ Quạt cho bà ngủ. Bà mẹ trong truyện Người mẹ. Chú sẻ trong truyện Chú sẻ và bông hoa bằng lăng [Luyện từ và câu, tập 1, tr.33].

Bước 1: Giáo viên yêu cầu học sinh đọc bài tập [có thể phối hợp với phương pháp rèn luyện theo mẫu để thực hiện bài tập này: Giáo viên viết mẫu, gợi ý cách viết].

Bước 2, 3: Giáo viên chia nhóm, phân công nhóm trưởng, phát giấy A0 hoặc bảng phụ cho nhóm. Các thành viên trong nhóm lần lượt viết câu vào giấy/ bảng chung của nhóm, thời gian cho hoạt động này từ 6 9 phút.

Bước 4: Các nhóm trình bày kết quả.

Bước 5: Giáo viên nhận xét theo các tiêu chí: Các câu viết đúng theo mẫu Ai là gì?; đúng với nội dung bài Tập đọc; viết đúng chính tả.

Có thể vận dụng kĩ thuật động não viết vào làm các bài tập mà có nhiều đáp án hay còn gọi là đáp án mở, trong các bài Luyện từ và câu sau:

TT

Câu hỏi

1

Tìm các từ chỉ trẻ em, tính nết của trẻ em, tình cảm hoặc sự chăm sóc của người lớn đối với trẻ em [tập 1, tr.16]

2

Tìm các từ ngữ chỉ gộp những người trong gia đình [tập 1, tr.33]

4

Dùng mỗi từ ngữ sau để đặt một câu theo mẫu Ai làm gì?: bác nông dân, em trai tôi, những chú gà con, đàn cá [tập 1, tr.90]

5

Hãy kể tên một số dân tộc thiểu số ở nước ta mà em biết [tập 1, tr.126]

6

Hãy kể tên các sự vật và công việc: thường thấy ở thành phố, nông thôn [tập 1, tr.135]

7

Đặt câu theo mẫu Ai thế nào? để miêu tả: một bác nông dân, một bông hoa trong vườn, một buổi sớm mùa đông [tập 1, tr.145]

8

Em hãy tìm và ghi vào vở những từ ngữ: chỉ những người hoạt động nghệ thuật, chỉ các hoạt động nghệ thuật, chỉ các môn nghệ thuật [tập 2, tr.53]

9

Tìm và ghi vào vở: tên một số lễ hội, tên một số hội, tên một số hoạt động trong lễ hội và hội [tập 2, tr.70]

10

Theo em, thiên nhiên đem lại cho con người những gì: trên mặt đất, dưới lòng đất? [tập 2, tr.135]

4. Kết luận

Kĩ thuật động não viết cùng với các kĩ thuật dạy học tích cực khác như: kĩ thuật khăn trải bàn, bản đồ tư duy, bể cá, các mảnh ghép, đặt câu hỏi, ổ bi, giúp giáo viên phát huy tính tích cực, tự giác, sự hào hứng,.. trong học tập của học sinh, giúp hoạt động học thoát ra khỏi sự nhàm chán, thụ động.

Trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học, nếu giáo viên vận dụng đúng, phù hợp với từng hoạt động, bài, phân môn sẽ giúp học sinh nâng cao được năng lực sử dụng tiếng Việt [đọc, viết, nghe, nói] đáp ứng được mục tiêu số 1 mà chương trình Tiếng Việt tiểu học quy định. Giáo viên cũng cần lưu ý rằng, mỗi hoạt động trong tiết dạy, có thể lựa chọn áp dụng các kĩ thuật dạy học khác nhau để phát huy tối đa tính tích cực, hứng thú học tập của học sinh.

Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, người viết chỉ nêu ra một vài ví dụ, có tính chất gợi ý vận dụng kĩ thuật động não viết trong dạy học môn Tiếng Việt nhằm rèn một vài kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh lớp 3. Tác giả hi vọng từ những gợi ý này, giáo viên, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học sẽ có những vận dụng phong phú hơn, hay hơn để hoạt động dạy học Tiếng Việt thêm tích cực, hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo [2006], Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Lăng Bình [chủ biên] [2010], Dạy và học tích cực một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, sách dự án Việt Bỉ, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Nguyễn Minh Thuyết [chủ biên] [2016], Tiếng Việt 3, tập 1, tái bản lần thứ mười hai, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  4. Nguyễn Minh Thuyết [chủ biên] [2016], Tiếng Việt 3, tập 2, tái bản lần thứ mười hai, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  5. //tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Các kĩ thuật dạy học tích cực/Kĩ thuật động não viết.

TS. Trần Hồng Hoa

Khoa Giáo dục Tiểu học

Bài đăng trên Tập san Thông tin khoa học số 9 [2018]

  • Prev
  • Next

Video liên quan

Chủ Đề