Bình đẳng trong gia đình là gì

Có thế nhận thấy, định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội với các biểu hiện như thích đẻ con trai hơn con gái, coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là của phụ nữ, khi chia tài sản thừa kế thường dành cho con trai nhiều hơn, ưu tiên đầu tư vào con trai, quan niệm nam giới là người trụ cột, quyết định chính trong gia đình và đóng vai trò chính trong các quan hệ xã hội bên ngoài gia đình.

Bên cạnh đó, thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới, mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo cho con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.

Tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam đã làm hạn chế các cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bình đẳng như nam giới. Các kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ là 13 giờ, trong khi của nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới.

Hiện nay, việc phân công lao động trong gia trong gia đình ở nhiều vùng miền trên cả nước vẫn còn mang tính chất phân biệt theo giới rất rõ nét. Công việc gia đình vẫn tập trung vào vai người phụ nữ là chủ yếu. Theo kết quả điều tra về Bình đẳng giới năm 2007 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, riêng việc đi chợ mua thức ăn: tỷ lệ phụ nữ là 88,6%, nam là 5,5%; việc nấu cơm: tỷ lệ tương ứng là 79,9% và 3,3%; việc giặt giũ: tỷ lệ tương ứng là 77,3% và 2,8%. Đáng chú ý là ở những việc này, số người cho biết cả hai vợ chồng làm ngang nhau là rất thấp. Trong khi đó, đối với việc chăm sóc người ốm và chăm sóc con cái, tỷ lệ vợ chồng làm ngang nhau là cao hơn, tương ứng là 3,3% và 38,2%. Do đó, phụ nữ ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ nghơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Ở một số vùng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ không chỉ gánh vác hầu hết mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái, mà đồng thời còn lao động chính trong gia đình. Đây thực sự là gánh nặng quá tải, gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe của người phụ nữ.

Trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung phụ nữ ít được quyền quyết định công việc gia đình so với nam giới. Quyền lực cao hơn của người chồng thể hiện ở quyền quyết định ở một số việc như mua sắm, sản xuất kinh doanh, quan hệ họ hàng, còn người vợ thường chỉ có tiếng nói ở những việc như sự dụng biện pháp tránh thai, việc học của con hay dạy các con công việc nội trợ của gia đình.

[Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định: 1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; 2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; 3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật; 4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; 5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẽ công việc gia đình.]

Tại Hội nghị tập huấn công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện tổ chức ngày 09/8/2013, không ít chị em khi được hỏi về việc chia sẻ trách nhiệm, công việc gia đình giữa người vợ, chồng và các con trong gia đình, phần lớn các chị em đều cho rằng, trách nhiệm đối với gia đình trên vai họ không hề giảm bớt, nhất là các chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước những khó khăn chung của cuộc sống, cộng với tư tưởng, tôn giao…khiến người phụ nữ vẫn phải đảm đương “thiên chức” mà xã hội đã dành cho họ trong suốt những thập kỷ qua.

Những năm trở lại đây, tại địa bàn huyện, việc thực hiện công tác Bình đẳng giới – Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai nhưng trên thực tế vẫn chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác Bình đẳng giới - Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chính vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nội dung này trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền công tác Bình đẳng giới - Vì sự tiến bộ phụ nữ trong các hoạt động giáo dục ở cộng đồng, trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Thông tin, tuyên truyền những hạn chế mang định kiến về giới, xây dựng chuyên mục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở.

Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác Bình đẳng giới cấp huyện, xã, thị trấn. Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bình đẳng giới hoặc các nội dung có liên quan đến bình đẳng giới. Các ngành chức năng phối hợp tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền các kiến thức về bình đẳng giới cho phụ nữ.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cũng như nâng cao trình độ nhận thức chung của phụ nữ về công tác bình đẳng giới. Triển khai thực hiện quy hoạch cán bộ nữ tham gia vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt thuộc các cấp, ngành. Quan tâm công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về công tác Bình đẳng giới – Vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Quy tắc ứng xử cơ bản trong gia đình [29/10/2020, 14:04]

Những quy tắc ứng xử trong gia đình là những quy định, chuẩn mực mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo nhằm đảm bảo cho gia đình hoạt động theo một nề nếp nhất định, cũng như xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên trong gia đình. Những quy tắc chung của gia đình không chỉ giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh hành vi của mình mà còn giúp mọi người biết cách tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Những quy tắc ứng xử trong gia đình được thế hệ trước lưu truyền, dạy bảo cho thế hệ sau trong quá trình lao động, học tập và giao tiếp, ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Khi mới xây dựng gia đình, không phải cặp vợ chồng nào cũng thẳng thắn trao đổi về những quy tắc, gia phong nhà mình và mong đợi cách ứng xử ở người chồng hay người vợ với nhau và với thành viên khác, điều này dẫn đến một trong hai bên không đạt được những kỳ vọng, do đó sẽ dễ gây ra xung đột, bất hòa hoặc thậm chí xung khắc với nhau trong đời sống hằng ngày. Tùy theo vai trò, lứa tuổi, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mà các quy tắc ứng xử được vận dụng phù hợp trong đời sống gia đình.

Có rất nhiều nguyên tắc trong ứng xử trong gia đình nhưng các nguyên tắc sau đây là cốt lõi, làm kim chỉ nam giữ cho đời sống trong gia đình được an lành và hạnh phúc.          

1. Tôn trọng: Là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Khi một người nào đó dù là người lớn tuổi hay trẻ em thì đều cảm thấy mình được tôn trọng sẽ cảm thấy vui vẻ, dễ hòa đồng và chia sẻ hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng, bất hòa trong một số quan hệ trong gia đình là cảm giác thấy mình bị coi thường; chúng ta thường chủ quan rằng đã quá quen thuộc với các thành viên gia đình ở quanh mình, xem điều đó là hiển nhiên, bình thường đến nỗi quên đi việc bày tỏ cho nhau biết mình tôn trọng người khác như thế nào.         

Không cảm thấy mình được tôn trọng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phai nhạt về tình cảm, thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Quên thể hiện, thể hiện không đúng nơi, đúng lúc hoặc không biết cách thể hiện sự tôn trọng sẽ mất dần đi những quan hệ tốt đẹp ban đầu của cuộc hôn nhân, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em một nhà với nhau. Tôn trọng là lắng nghe, góp ý chân thành, giáo dục, nâng đỡ tinh thần khi có sai lầm, khuyết điểm chứ không làm tổn thương người khác.         

2. Bình đẳng: Là có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

 Bình đẳng giới trong gia đình là giữa vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được quyết định các vấn đề của bản thân và tham gia các vấn đề của gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình sẽ tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.

Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang ý nghĩa lớn đối với việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc. Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội. Bình đẳng trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình, xây dựng một xã hội văn minh; góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ, xây dựng gia đình bền vững.

3. Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau.

Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, trước hết nó chính là tình cảm của những người trong gia đình dành cho nhau đó là: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em. Tình cảm ấy không chỉ là tình cảm giữa những người có cùng huyết thống với nhau mà những người không chung huyết thống cũng có thể cảm nhận được từ việc họ quan tâm đến nhau, cộng tác với nhau trong công việc.

Để thể hiện tình cảm, mỗi con người có mỗi cách quan tâm khác nhau; có người quan tâm bằng lời nói có người lại quan tâm bằng hành động. Tình cảm gia đình có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nó là nơi cho ta sự an ủi, niềm tin, sự hi vọng để vượt qua những khó khăn. Xã hội phát triển thì có rất nhiều mối quan hệ nhưng không có mối quan hệ nào bằng tình cảm gia đình, nó luôn chiếm vị trí cao trong đời sống tinh thần của con người.

Mỗi con người phải ý thức được vai trò quan trọng của tình cảm gia đình với cuộc sống để giữ gìn, nâng niu, trân trọng. Việc làm đơn giản chỉ là hàng ngày quan tâm nhau bằng những việc nhỏ nhất sẽ làm cho tình cảm ấy càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và gắn kết mọi người gần nhau hơn. Gia đình nơi để yêu thương và được yêu thương.         

4. Sự chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn

Các thành viên trong gia đình cùng nhau gánh vác những trách nhiệm về duy trì và phát triển gia đình; cùng nhau hưởng thụ những thành thành quả của quá trình lao động do gia đình làm ra. Sẻ chia là kết quả của yêu thương, tôn trọng và bình đẳng trong gia đình. Nếu trong gia đình không có tình yêu thương, sự tôn trọng và bình đẳng thì không có sự sẻ chia.

Trong thực tế, tất cả chúng ta đều có nhu cầu chia sẻ và được chia sẻ, sẽ vô cùng tẻ nhạt, ảm đạm nếu không có sự sẻ chia cùng nhau giữa những thành viên trong gia đình. Hãy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ niềm tin, chia sẻ ước mơ, chia sẻ tri thức v.v… Khi chúng ta biết chia sẻ thì “niềm vui nhân đôi và nỗi buồn giảm đi một nửa”.          

5. Sự đoàn kết         

Sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, gia tộc sẽ tạo nên sự gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm với nhau; là nguyên tắc bảo vệ sự bền vững và phát triển của gia đình. Những giá trị tốt đẹp đó thể hiện trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, trong sự giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày và được lưu truyền qua ca dao, tục ngữ: “Chị ngã, em nâng”. “Anh em như thể tay chân”, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Sức mạnh của gia đình, cộng đồng chính là tình đoàn kết. Ngày nay, xã hội phát triển hơn, văn minh hơn, nên có xu hướng sinh ít con hơn, mặt khác con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố hơn, thời gian dành cho nhau cũng ít hơn. Do đó để gia đình phát triển bền vững, càng phải phát huy tình đoàn kết trong gia đình, họ hàng, thân tộc./.   

Trần Kiên [Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 - Vụ Gia đình - BVHTTDL]

Video liên quan

Chủ Đề