Bài văn ngắn về mục đích học tập

Nhà trường là nơi ươm mầm những tài năng, là nơi mang đến những nguồn kiến thức quý báu cho mỗi người. Một trong những mục đích phấn đấu của con người là hoàn thành tốt việc học tập. Tuy nhiên,rất nhiều người cảm thấy hoang mang khi không xác định được động cơ học tập của mình khi không có mục đích rõ ràng.

Học tập là một quá trình lâu dài, bền bỉ và kiên trì, đòi hỏi mỗi người phải luôn tích cực, chủ động phấn đấu. Mục đích của học tập chính là học hỏi được rất nhiều kiến thức xã hội, để xây dựng nền tảng cho con người có thể làm việc, thực hiện các giấc mơ của mình. Lê Nin đã từng nói “ học, học nữa, học mãi” nhằm nhấn mạnh tầm quan trong của học tập. Học chẳng bao giờ là đủ, mỗi ngày cuộc sống lại dạy cho ta thêm nhưng bài học mới, nhân loại lại cho ra đời những phát minh, sáng tạo mới. Mục đích của chúng ta chính là học hỏi hết công suất, cố gắng tìm hiểu chuyên sâu được càng nhiều càng tốt.

Mỗi người sẽ có những ước mơ, đam mê khác nhau, chính vì thế mục đích học tập cũng khác nhau. Có người yêu thích lịch sử, họ sẽ say mê bên những thư viện, với những cuộc trò chuyện với những con người là chứng nhân của lịch sử để học hỏi, tìm tòi khám phá. Hay những người thợ máy, kỹ sư họ lại đam mê học tập những kiến thức về động cơ, máy móc, tuy đối với người khác là khô khân, nhưng với họ nó là nguồn cuốn hút vô cùng lớn.

Không phải ai cũng có mục đích học đại học, hay học những cấp cao hơn. Nhiều người trẻ đặt mục tiêu cả đời để hoàn thành các cấp bậc thạc sỹ, tiến sỹ, được đặt chân đến những giảng đường nổi tiếng như Cambridge, Harvard thì học lại có những cách thức, học tập khác nhau. Nhưng có những bạn chỉ đơn giản muốn học tập những kiến thức nền tảng, để có được một nguồn vốn cơ bản rồi tự do buôn bán, kinh doanh hay sống với đam mê khác của họ.

Học để làm người, học để trở thành doanh nhân, tổng thống hay chỉ là những con người nhân viên bình thường. Khi bạn có mục đích rõ ràng, bạn sẽ có thể dễ dàng xây dựng một hệ thống cách học hỏi kiến thức khác nhau nhưng hiệu quả cho bản thân. Ngày hôm nay, có nhiều bạn trẻ không biết học để mai sau làm gì. Họ lắng nghe và làm theo mong muốn của người khác, bố mẹ nhưng không thực sự hiểu được mục đích học của họ sẽ làm gì, phục vụ được gì cho bản thân. Chính vì thế, họ dễ dàng chán nản, stress mệt mỏi vì nguồn kiến thức vô hạn. Các hình thức như học đối phó, bệnh thành tích, quay cóp, chép bài có lẽ cũng bắt nguồn từ việc học không mục đích. Không xác định được kiến thức môn học ấy giúp gì cho họ, thì việc học cũng không bao giờ hiệu quả, đào sâu hiểu kỹ được..

Xác định được mục đích học tập rõ ràng là vô cùng quan trọng, nó giúp bạn rút ngắn thời gian học tập, đạt được hiệu suất làm việc cao hơn và giúp bạn trả lời cho câu hỏi: “ Mình đang làm gì, mình muốn làm gì sau này “. Đừng vì giấc mơ của người khác mà lao đầu hay bỏ bê việc học chỉ vì không hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc học tập.

Nghị luận xã hội về mục đích học tập – Bài 2

Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: Nếu còn nhỏ mà không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích. Trong thực tế ngày nay có rất nhiều người thành đạt trên con đường học tập xong cũng không có ít những người thất bại bởi do mục đích học tập khác nhau.

Nói đến học tập là nói đến trí thức, năng lực suy nghĩ mà con người muốn tiếp thu tri thức được lưu truyền từ đời này qua đời khác, chính vì vậy việc học là vô cùng cần thiết với mọi người.

Vậy học như thế nào là học có mục đích? là học để phục vụ mọi công việc đạt kết quả cao, nói một cách đơn thuần làm việc theo kinh nghiệm sản xuất thì công việc tiến triển chậm chất lượng không tốt chỉ phù hợp với công việc đơn giản, phù hợp với thời lỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển cần phải có tri thức thực sự, có nghĩa là có mục đích học tập chính đáng thì ta mới có thể đạt kết quả cao trong học tập, công việc và giúp ích cho đất nước. Mục đích học tập chân chính không chỉ tích lũy trí thức mà còn làm quá trình rèn luyện tư chất đạo đức của mỗi người.

Trong cuộc sống đã có rất nhiều tấm gương có mục đích học tập chân chính. Chúng ta không thể quên được thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – thầy không được tạo vật ưu ái tặng cho đôi bàn tay nhưng thầy không hề nản lòng trước những khó khăn của cuộc sống, thầy vẫn học bằng đôi bàn chân, vẫn tích lũy tri thức để rồi trở thành một thầy giáo giỏi giúp ích cho đất nước.

Vậy bản thân chúng ta cần học tập như thế nào để có mục đích sống? chúng ta cần phải học đều ở tất cả các môn, có ý thức tinh thần vươn lên trong học tập, tự bản thân vượt qua các kỳ thi để tiến tới phổ thông trung học, cao đẳng, đại học… tìm được một công việc tốt, làm việc có hiệu quả để trở thành một người thành đạt trong cuộc sống.

Trái với người có mục đích học tập chân chính là những người chây ì trong việc học tập, lợi dụng học tập để phục vụ cho lợi ích cá nhân: thăng quan tiến chức, những người như vậy sẽ chẳng làm được gì có ích, làm hại quốc gia, chúng ta cần loại bỏ những hạn chế đẩy mạnh ưu điểm để có kết quả tốt trong học tập tốt nhất.

Tóm lại để trở thành người thành công trong cuộc sống, trở thành người có tài, có đức chúng ta hãy xây dựng cho mình mục đích học tập chân chính. Như lời khuyên của Lê Nin: ” Học, học nữa, học mãi”, để đáp ứng nhu cầu bản thân cũng như của đất nước trong giai đoạn ngày nay.