Bài hát màu hoa đỏ của nhạc sỹ nào

Thanh Lam viết trên trang cá nhân: ''Ba ơi. Con không nghĩ đến một ngày mọi người lại phải mất thời gian tranh cãi về việc ba có được giải thưởng của Bác Hồ hay không. Ba đã yên nghỉ rồi tên tuổi ba lại bị nâng lên, đặt xuống, con đau lòng lắm nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ chờ mong phản ứng của những người biết nghĩ.....

Mẹ, con và em cũng không muốn vì chuyện gia đình mình mà làm nặng lòng xã hội, cộng đồng nên tin vào lẽ phải trước sau gì cũng được công nhận và tôn vinh!

Con bao dự án âm nhạc và cuộc sống bộn bề nhưng vẫn tranh thủ đi thu một album tặng ba và các bậc tiền bối, đang háo hức hoàn thiện thì gặp lại "Màu hoa đỏ" của ba...''.

Cũng trong chia sẻ của mình, diva Thanh Lam bày tỏ tiếc nuối khi sự việc lần này lại liên quan đến dừng, cấm, liên quan đến văn hoá. "Con biết như lúc còn sống, ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói "sai nhiều, đúng được bao nhiêu" để bỏ qua cho mọi sự vô minh.... Con cũng đồng ý với ba!'', Thanh Lam viết.

Thanh Lam bảo mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này như một nén nhang, thắp lên rồi sao lại dựt xuống? Những giá trị đã trở thành di sản sao nỡ tàn bạo đập đi?..

''Cả cộng đồng lên tiếng ba ạ, mỗi người một góc nhìn, chỉ trích, hoang mang.. Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi, chuyện hôm nay sẽ là truyện kể của ngày mai, nhưng là phụ nữ con thấy đau ba ạ. Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?'' - những chia sẻ rút ruột của Thanh Lam.

Trước đó trao đổi với VOV, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết, bà rất bất ngờ và khó hiểu khi ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm ở Tiền Giang.

Theo nghệ sĩ Thanh Hương, bà chưa từng biết đến phiên bản “Màu hoa đỏ” của Karaoke nên không biết hình ảnh minh họa trong bài hát đó như thế nào?...

Bài hát màu hoa đỏ của nhạc sỹ nào
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ.

“Tôi chỉ biết rằng bài hát “Màu hoa đỏ” đã được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Ca khúc thường được biểu diễn trong dịp 27/7 hàng năm. Ca khúc được ra đời trong khoảng thời gian chiến tranh Biên giới phía Bắc cùng dịp với các bài như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”. Tuy nhiên, từ những năm 1963 – 1964, ông ấy đã ấp ủ và tha thiết viết được một bài hát nói về chiến tranh và người mẹ một cách sâu sắc mà chưa tìm được tứ. Cho đến lúc nhạc sĩ Thuận Yến bắt gặp bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Mậu. Hình ảnh màu hoa đỏ đã gợi nguồn cảm hứng cho ông viết nên ca khúc này”.

“Sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến muốn hồi tưởng lại những năm tháng với nhiều kỷ niệm về một thời bom đạn ngoài trận mạc, để trả món nợ tinh thần với những người đồng đội đã hy sinh và chính tay ông chôn cất nhưng sau này vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sau khi hoàn thành ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến đã bàn với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lấy tên là “Màu hoa đỏ” vì những năm tháng chiến tranh, suốt dọc đường hành quân là màu rực đỏ của hoa chuối rừng, gợi không khí hào hùng chiến thắng”, Nghệ sĩ Thanh Hương chia sẻ.

Vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết thêm, bà mong muốn nhận được những thông tin sớm nhất lý giải vì sao ca khúc “Màu hoa đỏ” lại bị cấm.

Bài hát "Màu hoa đỏ" đã từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như: Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương… Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Lam, con gái nhạc sĩ Thuận Yến vẫn được cho là người thể hiện thành công nhất.

Nhạc sĩ Thuận Yến.

Lý do không thuyết phục

Cụ thể, ngày 7/2, Sở VHTT&DL Tiền Giang đã ban hành Công văn số 120/SVHTTDL-TTr do ông Nguyễn Đức Đảm- Giám đốc Sở ký, đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung… Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”.

Đáng nói là trong danh mục các bài hát được chú thích là “chưa được phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành, cấm phổ biến” đi kèm với công văn trên có ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Sáng tác này còn được ghi rõ là nhạc đỏ. Lý do cấm hát bài hát “Màu hoa đỏ” được Sở VHTT&DL Tiền Giang đưa ra là do hiện nay ca khúc này khi được sử dụng ở các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung.

“Màu hoa đỏ” là một ca khúc nổi tiếng, được coi như một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Với những người chưa từng qua cuộc chiến, bài hát ấy là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh “rực lửa” không được phép quên. Năm 1994 “Màu hoa đỏ” được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng. Ca khúc này cũng được trình diễn trong chương trình “Giai điệu tự hào” (2015) tôn vinh các bài ca đi cùng năm tháng, phát trên sóng Đài truyền hình quốc gia VTV.

Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, ông cho biết ngay sau khi truyền thông đưa tin, ông đã nhận được điện thoại của rất nhiều người quen, bạn bè hỏi về việc cấm lưu hành ca khúc này. “Tôi viết bài thơ này bằng tâm thế của một người lính đã đi qua cuộc chiến với những chiêm nghiệm của riêng mình. Tôi rất tâm huyết với ca khúc “Màu hoa đỏ” vì đó là cảm xúc, suy nghĩ và trăn trở của hai người lính đã đi qua cuộc chiến như chúng tôi. Tôi và anh Thuận Yến đã từng trải qua chiến tranh, đã từng nếm trải cả đau thương và mất mát nên thấu hiểu sự hy sinh của đồng đội mình. Tôi nghe tin ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” mà cứ nghĩ đó là một sự nhầm lẫn. Vì nhắc đến ca khúc này thì ai cũng biết ca khúc này viết về người lính nào, ca ngợi cái gì… Không phải bỗng dưng một bài hát cách mạng lại có sức sống mãnh liệt như thế trong 26 năm qua. Tôi nghĩ, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang nên xem xét lại việc cấm này. Bài hát đâu chỉ đơn thuần là nhắc nhở thế hệ sau nhớ về một thời rực lửa của cha ông, nó còn khơi dậy niềm tự hào cách mạng”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nhấn mạnh rằng ông không đồng tình với quyết định của Sở VHTT&DL Tiền Giang cấm lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ”.

Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương- vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cũng bày tỏ băn khoăn: “Màu hoa đỏ” gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến bởi nó đã đi vào lòng bao thế hệ người lính, người dân Việt Nam. Đó là bài hát mà nhiều người bạn của anh Thuận Yến xem là “bài hát cuộc đời”.

Vào mỗi dịp 27-7, các đài truyền hình hoặc các tỉnh thành tổ chức các chương trình âm nhạc cũng lấy tên là “Màu hoa đỏ”. Với tư cách là một người vợ tôi rất tự hào về điều này. Nhưng tôi không hiểu sao, một ca khúc cách mạng đã đi vào huyền thoại, đi vào lòng bao thế hệ người dân như thế mà Sở VHTT&DL Tiền Giang lại ra văn bản cấm lưu hành và phổ biến. Tôi vô cùng bất ngờ khi hay biết thông tin này. Nếu nói những hình ảnh minh họa không phù hợp thì phải bắt chỉnh sửa lại chứ sao lại ra văn bản cấm lưu hành bài hát. Bà Hương đề nghị Bộ VHTT&DL, Cục NTBD, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần xem xét và có ý kiến để sự việc này sớm làm sáng rõ.

Về vụ việc này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh- Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội bức xúc : Tôi không hiểu những người ra văn bản cấm lưu hành phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” này có hiểu gì về văn hoá, về âm nhạc không mà lại làm như thế. Tôi là người đã cộng tác với anh Thuận Yến từ nhiều năm trước nên biết, anh Thuận Yến rất trăn trở với những đề tài về người lính Cụ Hồ. Ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang nên xem lại văn bản của mình.

Cần xem lại năng lực của cán bộ

Đó là quan điểm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết. Theo ông, nhạc sĩ Thuận Yến là nhạc sĩ của quân đội, có nhiều tác phẩm ngợi ca người lính, quê hương đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến nằm trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng Việt Nam, tạo thành giá trị của âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp của ông, với sức lan tỏa từ âm nhạc của ông, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhất trí đề cử nhạc sĩ Thuận Yến trong danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016. Vậy thì không có lý do gì để nghi ngờ tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến. Nhưng ở đây, điều đáng quan tâm nhất là trình độ của cán bộ.

Cần đặt câu hỏi xem cán bộ cấp nào ra văn bản cấm lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” nói trên? Cấm vì lý do gì? Họ có biết nhạc sĩ Thuận Yến là ai không? Có biết đây là một ca khúc trong dòng chảy âm nhạc cách mạng hay không? Sau tất cả những phân tích ấy, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Văn bản mang ý chí cá nhân, thể hiện trình độ, nhận thức của cán bộ; thể hiện những lỗ hổng về văn hóa, lỗ hổng về lĩnh vực nghệ thuật. “Tôi lấy làm tiếc về việc này. Nhưng qua đây tôi cũng không thấy bất ngờ lắm về năng lực, trình độ của cán bộ hiện nay. Công chúng sẽ phản đối việc họ ra văn bản cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là đương nhiên”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

Liên quan đến vụ việc này, ông Vương Duy Biên- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: Sở VHTT&DL Tiền Giang cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là không đúng. Nếu lỗi do băng đĩa đó đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc thì xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó chứ không phải là xử lý ca khúc. Sai ở đâu thì xử lý ở đấy, chứ không phải vì hình cảnh sai mà cấm ca khúc. Việc cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là cách làm tùy tiện, không đúng phần việc của địa phương.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng khẳng định việc quản lý phải thống nhất trong toàn quốc, tất cả các địa phương thống nhất chứ không riêng ở địa phương nào. Quản lý là để lĩnh vực ấy phát triển tốt đẹp chứ không phải cái gì không quản được là cấm.

Ví như với 5 ca khúc trước 1975 bị tạm dừng lưu hành vừa qua, Bộ VHTT&DL cũng sẽ thu thập thông tin, sửa lại đúng lời, đúng tên tác giả để tiếp tục lưu hành chứ không phải là cấm lưu hành. Ở đây không nên suy diễn thành vấn đề chính trị, “Có người lính ra đi từ đó không về”- đó là sự thật của cuộc kháng chiến. “Giá trị của ca khúc đã được khẳng định bằng sức sống trong lòng khán giả và các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục NTBD xem xét báo cáo về Bộ hướng xử lý vụ việc”- Thứ trưởng cho hay.

Ngay trong ngày 24/3, Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT&DL cũng đã có Công văn hỏa tốc gửi Sở VHTT&DL Tiền Giang yêu cầu báo cáo công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ VHTT&DL,Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang khẩn trương báo cáo về những nội dung trong công văn 120/SVHTTDL-TT mà Sở này ban hành, kèm theo các văn bản liên quan về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/3/2017 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

Ngày 24/3, Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm đã có báo cáo giải trình xung quanh vụ cấm ca khúc “Màu hoa đỏ”. Theo đó, việc ban hành văn bản ngày 7/2/2017 là do một số cơ sở kinh doanh karaoke đã sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp. Sở VHTTDL Tiền Giang ban hành văn bản trên chỉ vì mong muốn tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trong đó có việc kiểm tra các bài hát tại các điểm kinh doanh karaoke. Nhưng chủ quan trong việc sử dụng từ ngữ chưa rõ, gây hiểu lầm về việc cấm lưu hành bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến. Sở VHTT&DL Tiền Giang xin nghiêm túc nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến gia đình nhạc sĩ Thuận Yến; Đồng thời sẽ có văn bản xin lỗi gia đình nhạc sĩ Thuận Yến và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn ngành, đồng thời tiến hành kiểm điểm, xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong thời gian tới.