3 mũi giáp công 3 vùng chiến lược là gì

Đánh địch bằng hai chân ba mũi giáp công

Ngày đăng: 8:49 | 09/05/2016 Lượt xem: 841

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, Đảng bộ và nhân dân Quế Tiên đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, chịu đựng không ít những tháng ngày đói cơm lạt muối nhưng vẫn giữ tinh thần cách mạng vững vàng, kiên trì, bền bỉ đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong toàn huyện tạo thành thế trận vững chãi đánh tan mọi âm mưu của kẻ thù, trong đó, binh vận có thể xem là mũi tiến công chiến lược quan trọng, khéo léo, trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn dân, huy động tối đa lực lượng tham gia cách mạng.

Từ sau năm 1960, tình hình miền Nam bước vào giai đoạn đấu tranh mới, căng thẳng và khốc liệt bội phần, nhất là sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương: Cách mạng miền Nam chuyển đổi phương pháp, đấu tranh chính trị thành Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất đã chủ trương công khai đấu tranh vũ trang, chấp nhận hy sinh để "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội". Nhiều phong trào đấu tranh trong nhân dân từ nhỏ lẻ đến lớn mạnh diễn ra rải rác khắp nơi, từ phong trào kể khổ, tố thù đến đấu tranh kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích nổi dậy bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược, diệt ác ôn, đòi dân sinh, bung về vườn cũ làm ăn. Hoạt động chính trị trong giai đoạn này luôn được phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh vũ trang, nhân dân biểu tình đòi quyền lợi nếu không được đáp ứng thì sẽ chuyển sang cướp chính quyền, cô lập, hoặc làm tê liệt bộ máy chính quyền sở tại khi đối phương đang yếu thế. Do đó, công tác Dân vận trở thành sức mạnh chủ công trong đấu tranh chính trị với phương châm hai chân, ba mũi giáp công [hai chân: chính trị, quân sự; ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận].

Phong trào cách mạng ở Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác càng lúc càng lớn mạnh, hòa chung khí thế Đồng Khởi [Bến Tre] bừng bừng khắp chiến trường miền Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm bị động với những bước đi lúng túng trong việc kiểm soát tình hình, quân dân ta tranh thủ cơ hội, từ khắp nơi tiến hành đồng khởi, giành lấy chính quyền, nhiều vùng nông thôn được giải phóng, trở thành vùng tự do.

Từ 1960 - 1968, địch tăng cường quân đội cùng vũ khí tiến hành hai cuộc chiến tranh đặc biệt [1960 -1965] và chiến tranh cục bộ [1965 -1968] để đối phó lại phong trào cách mạng của ta ngày một lớn mạnh, vững vàng. Cùng sự hỗ trợ của phương tiện chiến tranh hiện đại, chiến dịch tát nước bắt cá, tạoẤp chiến lược được Mỹ và Ngụy coi như xương sống của chiến tranh đặc biệt, chúng đã ráo riết tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược, để tách lực lượng cách mạng khỏi quần chúng, hòng quản lý được nhân dân, cô lập quân giải phóng với hậu phương, nhanh chóng bình định miền Nam. Chúng còn đẩy mạnh càn quyét, truy sát, sử dụng hai gọng kìm tìm - diệt và "bình định nông thôn" trong chiến tranh cục bộ, tuyên bố sẽ tiêu diệt quân Giải phóng miền Nam trong vòng 18 tháng. Thế nhưng mọi nỗ lực ấy của Mỹ đều không thể ngăn cản được phong trào cách mạng của ta vẫn kiên cường cháy âm ỉ và bùng lên thành ngọn lửa lớn trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, phá tan hoàn toàn kế hoạch bình định của kẻ thù.

Trước thắng lợi đang lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, năm 1969, huyện Quế Tiên được thành lập, nhanh chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, giành chính quyền.

Ngay từ ban đầu, Ban Thường vụ đã xác định tầm quan trọng của công tác binh vận là một trong 03 mũi quan trọng của đấu tranh cách mạng, trong lúc này, binh vận có nhiệm vụ củng cố lại đội ngũ đấu tranh chính trị tại cơ sở, liên kết sức mạnh toàn quân và toàn dân. Đội ngũ binh vận do đồng chí Huyện ủy viên phụ trách, điều động một đồng chí Bí thư xã chuyên trách, mỗi đơn vị quân sự đều có một đồng chí trong Ban chỉ huy phụ trách công tác binh vận. Nội dung đấu tranh trên cả hai mặt bất hợp pháp và hợp pháp. Ngoài việc xây dựng mạng lưới cơ sở trong lòng địch, ta vừa mở rộng lực lượng trong nhân dân, phân chia nhiều đối tượng khác nhau [người có quan hệ với địch, ngụy quân, ngụy quyền, người tàn tật có nghề nghiệp, đi lại được, người có chức sắc các tôn giáo...] để có đối sách binh vận phù hợp. Mục đích được đặt ra cụ thể rõ ràng, đó là đấu tranh đòi dân sinh, đòi cứu đói, chống càn quét, đốt phá, giết người vô tội, chống dồn dân vào các ấp chiến lược, chống đôn quân bắt lính, chống hiếp dâm phụ nữ và trẻ em, đòi bồi thường nhân mạng, đòi xác chồng, con em tử trận...Trọng điểm, đấu tranh bán hợp pháp tập trung những xã có tranh chấp như Bình Lâm, Sơn Hòa, Sơn Bình, Sơn Tân, Sơn An, Sơn Hiệp, những xã còn lại ta đấu tranh hợp pháp, công khai. Đấu tranh dưới nhiều hình thức phong phú như rải truyền đơn, hô hào khẩu hiệu để khơi gợi tinh thần yêu nước của anh em binh sĩ, ý thức tự tôn dân tộc, vạch rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh khốc liệt mà Mỹ đang gây ra với dân tộc Việt Nam...Ta dần dần gieo vào lòng kẻ địch sự chán ghét chiến tranh, thức tỉnh lương tri binh sĩ, khiến họ có tư tưởng rời bỏ hàng ngũ về với gia đình, thậm chí trở thành đồng minh của ta. Những câu khẩu hiệu nhẹ nhàng nhưng thấm thía như Súng Mỹ anh cặp bên hông. Bắn ai, anh hỏi lại lòng anh coi?, Hầm chông diệt Mỹ, binh sĩ đừng đi, Ác ôn đi trước. Anh em binh sĩ yêu nước đi sau, Mỹ thua về Mỹ. Anh em binh sĩ về đâu?... đã có tác động lớn đến tinh thần binh sĩ, khiến họ thấy chán nản chiến tranh, có ý đào ngũ, góp phần làm tan rã hàng ngũ kẻ thù. Những gia đình có con em theo địch ta tổ chức cho họ học tập chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta, để rồi chính họ lại lôi kéo con em mình trở lại con đường chính nghĩa, có gia đình còn trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, hoạt động trong lòng địch có hiệu quả.

Hưởng ứng lời tuyên truyền, kêu gọi của ta, nhiều gia đình đã nhiệt tình tham gia cách mạng. Ở Bình Lâm, một số gia đình có con cháu đi lính, hoặc làm xã trưởng, xã phó cho địch nên địch lơ là kiểm soát, tranh thủ điều này các cụ ông, cụ bà đã tự do đi ra vùng giải phóng báo tin tình hình vùng địch để ta kịp thời có đối sách, tránh những tổn thất không đáng có. Hơn thế nữa, họ còn dám xung phong dẫn cán bộ, bộ đội ban ngày đi hợp pháp, an toàn cùng họ ra ngoài vùng địch nắm tình hình cụ thể, kết hợp mua thực phẩm, thuốc men, tối về dẫn bộ đội đi đánh đồn thắng lợi. Trong cuộc đấu tranh binh vận, đã không ít những sự hy sinh mất mát cao cả của bao con người mà đến bây giờ chúng ta cũng không thể quên được. Còn nhớ mẹ Nguyễn Thị Hợi ở Tiên Sơn dằn lòng tình mẫu tử, chấp nhận chia cắt, để lại 04 đứa con thơ dại cho đội ngũ hậu cần chăm sóc, dấn thân hoạt động trong lòng địch đến năm 1975 mới trở về. Hay như chị Trần Thị Nha ở thôn 6 Bình Lâm bị què một chân, lợi dụng sơ hở bọn địch không để ý đến người tàn tật, chị đi khắp nơi trong tỉnh, mà nhất là khu dồn Tứ Hiệp: Tam Kỳ, Hà Lam, Duy Xuyên, Điện Bàn trà trộn vào hàng ngũ kẻ địch, giả làm người bán thuốc gia truyền cho phụ nữ để do thám tình hình, gây dựng cơ sở.

Trong thời gian này, địch ráo riết thực hiện chiến dịch xúc tát, dồn dân vào các ấp chiến lược để thắt chặt sự kiềm kẹp, kiểm soát gắt gao, tách rời bộ đội với nhân dân, hòng triệt phá hậu phương vững chắc của cách mạng. Theo chủ trương của Tỉnh ủy, nhân dân nổi dậy kiên quyết chống xúc tát, bám đất, bám làng, Đảng bám dân, lực lượng vũ trang kết hợp với bộ đội địa phương chủ động xây dựng trận địa tấn công địch và tập trung đánh phá việc dồn dân của địch bằng 3 mặt tấn công, 3 mũi giáp công. Cho đến bây giờ, những người lớn tuổi ở Sơn Cẩm Hà chắc vẫn không thể nào quên đi hình ảnh đau thương về chị Nguyễn Thị Lắm [thôn 3, xã Tiên Hà] bị địch bắn vì kiên quyết đấu tranh không cho địch xúc tát. Địch bắt chị ẵm con nhỏ lên máy bay nhưng chị nhất định không chịu, thà sống tự do ở vùng giao tranh được bên cạnh cách mạng còn hơn sống an phận nơi vùng địch kiểm soát. Không dụ dỗ, bức ép được chị, địch đã nhẫn tâm nổ súng vào người mẹ đang ẵm đứa con vừa tròn 08 tháng tuổi này mà không hề thương tiếc. Hình ảnh đứa trẻ khóc ngất bên người mẹ quằn quại trên vũng máu đã bùng lên làn sóng căm phẫn kẻ thù sâu sắc trong nhân dân. Tại khu dồn Tứ Hiệp, Tam Kỳ, dân bị xúc vào đây chủ yếu là dân Bình Lâm, Bình Lãnh, Sơn Hòa. Cơ sở bên trong của ta phối hợp với tỉnh tổ chức biểu tình, đấu tranh tập thể có trên hàng ngàn người buộc chúng phải nhượng bộ, không xúc dân ra khỏi bãi cát Bình Dương, Thăng Bình. Địch không giải quyết, ta tổ chức tuyệt thực ba ngày tại khu dồn. Có ông Võ Tùng [thôn 10, Bình Lâm] đã dũng cảm quấn chăn vào người, rưới xăng, đòi tự thiêu trước mắt địch, thêm vào đó, quần chúng kéo đến mỗi ngày một đông, la hét, gây áp lực liên tục. Trước sự phẫn nộ của nhân dân càng lúc càng căng thẳng làm quân thù hoảng sợ, phải ký cam kết nhượng bộ, không xúc dân đi nữa. Âm mưu tát nước bắt cá nhằm tách dân ra khỏi cách mạng của địch vì thế mà thất bại, đó cũng là thắng lợi lớn mà cơ sở ta đã hoạt động giành được.

Khí thế cách mạng dâng cao, khắp các xã trong toàn huyện hầu như nơi nào cũng rộ lên phong trào chống giặc. Ở Sơn Bình, có phong trào chị em đoàn kết chống hiếp dâm theo chủ trương của chi bộ. Trước đó, ở đây đã có trường hợp phụ nữ bị hiếp dâm đến chết. Khi Mỹ kéo đến, lập tức chị em sẽ tập trung lại, bảo vệ lẫn nhau không cho chúng bắt một ai, một mặt ta lôi kéo, giằng co với địch để kéo dài thời gian chờ chi viện của bà con, mặt khác ta nhanh chóng tập trung nhân dân tạo thanh thế, buộc bọn địch phải chùn bước, rút lui về đồn. Tuy chỉ là người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nhưng trước kẻ thù, các mẹ, các chị đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, gan dạ, mưu trí của mình, làm kẻ địch phải nao núng. Như mẹ Nguyễn Thị Chuyên [thôn Bình Hòa, xã Quế Bình] chỉ một chiếc nong phơi lúa mà cứu được mấy cán bộ ta. Bất ngờ khi Mỹ kéo vào trước sân mà lại có anh em ta đang tụ họp trong nhà, bà vội vàng đứng dậy lăn chiếc nong như trò chơi, phân tán sự chú ý của địch, đồng thời kịp ra ám hiệu để cho các đồng chí ta theo vòng quay chiếc nong thoát khỏi tầm mắt địch. Hay như câu chuyện về sự đối đáp thông minh trước kẻ thù của các cụ già ở thôn 1, Tiên Sơn đến nay vẫn được kể lại như một sự tích thú vị. Khi thấy các cụ già tập trung lại bên hố bom, cho rằng nhân dân tập trung đông để tuyên truyền, chống phá chính quyền, quân Mỹ liền tiến tới hỏi: Các ông, các bà là cộng sản, định đánh chúng tôi hả? Sẵn đang cầm mấy hom sắn trên tay, các cụ chỉ tay xuống hố bom ứng biến trả lời: Chúng tôi thế này mà đánh mấy ông gì được. Mấy ông thả bom thành hố thế này đây, nay chúng tôi ôm mấy hom sắn này trồng lên hố bom, mai mốt xanh tốt, phủ kín hố bom này lại để cộng sản và nhân dân khỏi tố cáo các ông thả bom bừa bãi. Câu trả lời của các cụ thật sâu sắc, không những tố cáo tội ác của kẻ thù một cách khéo léo mà còn cho thấy tinh thần bất diệt, sức sống mãnh liệt của dân ta, dù có bao nhiêu bom mìn cũng không tàn phá được, địch phá thì ta lại xây. Nhưng bọn Mỹ nào hiểu được ý nghĩa thâm thúy đó, khi nghe tên phiên dịch nói lại chúng chỉ biết oke, oke rồi bỏ đi lầm lũi đằng sau tiếng cười khinh miệt của nhân dân. Sau mới có câu ba mươi bom nổ mùng mười sắn lên, thể hiện tinh thần bất khuất đáng tự hào của quân dân ta.

Trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng trên chiến trường Việt Nam, Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973 chấm dứt Chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Hiệp định Paris buộc Hoa Kì và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đem lại cho cách mạng Việt Nam một sinh khí mới, một niềm tin vào chiến thắng, độc lập thống nhất nước nhà trong nay mai, như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu: có thể nói Hiệp định Paris là đêm trước của Tổng tiến công Đại thắng Mùa Xuân.

Học tập Nghị quyết 21-NQ/TW của Trung ương nói về công tác vùng địch giai đoạn mới, Đảng bộ chủ trương sáp nhập đội đấu tranh chính trị binh vận cùng các đội công tác của huyện thành Khối công tác vùng địch. Ban Thường vụ phân công đồng chí Nguyễn Văn Bá, Phó Bí thư Huyện ủy chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Các, Ủy viên Ban Thường vụ -chuyên trách khối; đồng chí Nguyễn Nẩm - Đội trưởng đội công tác; đồng chí Phan Thị Yến Nhi, đồng chí Nguyễn Ngọc Lập, Binh vận và tổ vũ trang tuyên truyền của binh vận - phụ trách đấu tranh chính trị huyện. Mỗi xã đều có đồng chí Bí thư hoặc Đội trưởng đội công tác chuyên trách, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, phương châm chủ yếu lúc này vẫn là đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công.

Quý III/1973, lớp tập huấn, học tập về công tác vùng địch được tổ chức ở Khu ủy Khu V, do đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Khu ủy chủ trì, triệu tập các cán bộ chuyên trách để cùng nhau bàn bạc, phân tích tình hình giữa ta và địch, đề ra những nhiệm vụ cấp bách của công tác vùng địch sắp đến, tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt khi thời cơ tới, đẩy mạnh tấn công và nổi dậy, giành thắng lợi cuối cùng.

Sau đó, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng mở lớp tập huấn quán triệt công tác vùng địch tại xã Tiên Hà, huyện Quế Tiên, do đồng chí Đỗ Thế Chấp [Mười Chấp] và anh Nguyễn Thành Phó Bí thư, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì.

Nhiệm vụ công tác vùng địch được quán triệt sâu rộng, lực lượng ta tích cực chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, chủ động tổ chức chống địch càn quét, lấn chiếm, bao vây, cô lập các đồn bót địch ở vùng giáp ranh, đánh phá các ấp chiến lược, tạo bàn đạp thuận lợi khi có điều kiện và thời cơ sẽ đánh và giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Quảng Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, Huyện ủy Quế Tiên tổ chức quán triệt Nghị quyết 21, đồng thời họp bàn việc giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, việc phối, kết hợp đánh địch, với sự tham dự đầy đủ của các Bí thư chi bộ, đội trưởng đội công tác xã, cán bộ binh địch vận của Sư đoàn 2 Bộ binh và Binh địch vận của E31, E38 [chủ lực] đứng trên địa bàn.

Hiệp định Paris đã được ký kết, nhưng từ phía chính quyền Thiệu vẫn không tôn trọng trong việc thi hành, chúng còn tuyên bố trắng trợn bốn không: không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử. Thiệu ra lệnh cho quân Ngụy thực hiện kế hoạch Tràn ngập lãnh thổ càn quét, lấn chiếm, bắt bớ...với nhiều thủ đoạn man rợ hơn. Mặt khác, chúng đồng ý tiếp xúc với cách mạng bằng cách tổ chức nhà Hòa hợp dân tộc tại Rừng xanh nơi tiếp giáp giữa thôn 6 Bình Lâm và thôn Phú Cốc, Sơn Hòa. Qua nhiều lần tiếp xúc bằng loa hay đàm phán trực tiếp giữa hai bên đã đi đến thống nhất: Phía ta sẽ chịu đất, vật liệu làm nhà. Địch thì mua lưới, quả bóng chuyền. Hai bên cùng làm nhà hòa hợp. Trong thời gian tiếp xúc, giữa hai bên sẽ có đấu giao hữu bóng chuyền để kéo dài thời gian tuyên truyền, thuyết phục binh lính. Ta đặt ra yêu cầu mỗi tuần tiếp xúc 3 lần vào các thứ 3, 5, 7. Bọn địch đồng ý.

Lực lượng tiếp xúc của ta gồm đội đấu tranh chính trị của tỉnh, huyện; binh vận, Ban công tác vùng địch của huyện; bộ đội địa phương, dân quân du kích, đội ngũ nòng cốt của quần chúng cùng với các đồng chí binh địch vận của Sư đoàn 2 bộ binh, binh tề vận của E31, E38 cùng tham gia.

Qua hơn 100 lần tiếp xúc với địch tại nhà hòa hợp dân tộc, lực lượng ta đã khôn khéo đánh đòn tâm lý vào sĩ quan và lính Ngụy bằng cách vận động quần chúng nhân dân Bình Lâm, Sơn Hòa nấu thức ăn, nước uống cho chúng, tạo sự gần gũi rồi tuyên truyền cho chúng thấy những điều chính nghĩa của cách mạng, phi nghĩa của cuộc chiến tranh, chỉ ra cái đích thất bại thảm hại mà chúng sẽ phải nhận được trong thời gian gần nhất, đồng thời khơi gợi lòng nhớ nhà, thức tỉnh lương tri, khoét sâu mâu thuẫn giữa lính Mỹ và lính Ngụy, khiến bọn địch nhụt chí, không ít kẻ đâm ra ngán ngẩm chiến tranh, tự nguyện buông súng đầu hàng, có số còn xin được gia nhập hàng ngũ cách mạng. Đối với những tên lính đầu hàng, ta cho chúng học tập về chủ trương, đường lối của Đảng ta rồi cho về với gia đình, địa phương làm ăn hoặc đưa về sau lao động sản xuất.

Mặc dù trên mặt trận đàm phán ta giành được những thắng lợi nhất định nhưng địch vẫn không hoàn toàn từ bỏ âm mưu thâm độc của mình, chúng tăng cường bắn phá, tàn sát, liên tục phi pháo đủ loại: pháo khoan, pháo trục, pháo chụp, mìn và các loại máy bay B52, B57 .v.v..xuống Quế Tiên với tư tưởng đốt sạch, diệt sạch.

Chúng ta dùng kế sách mềm dẻo, nhân đạo, dùng nhu chế cương để hạn chế thương vong trên chiến trường, nhưng trước sự ngoan cố, lật lọng của kẻ thù ta buộc phải phản công bằng vũ trang. Lực lượng ta phối hợp giữa bộ đội địa phương, dân quân du kích, cùng với chủ lực Sư đoàn 2 bộ binh nhất tề xông lên, quân địch lấn đâu ta đánh đó, tiêu diệt các chốt nhỏ, lẻ trước, buộc chúng phải co cụm lại các cứ điểm lớn như núi Đất, Lạc Sơn, Châu Sơn 1, Châu Sơn 2, Liệt Kiểm, Núi Gai, núi Ngang. Chia nhỏ lực lượng chúng ra ở các cứ điểm rồi ta lại tiếp tục tổ chức đánh chốt, đánh tập kích, đánh phủ đầu, phong tỏa mọi đường liên lạc, không cho chúng tiếp tế đạn dược, lương thực, thực phẩm, làm chúng không chở được xác chết, thương binh, không có thức ăn, nước uống, không cho quân chi viện bằng đường không, đường bộ. Bị cô lập 04 ngày như vậy, địch phải kéo cờ trắng đầu hàng các chốt điểm nêu trên. Ta làm chủ tình hình, đồng ý cho địch [ở đây chủ yếu Sư đoàn 2,3 ngụy và một số dân vệ, nghĩa quân, biệt kích] rút lui đi bằng đường bộ xuống Lạc Sơn, núi Đất về Quế Sơn, Thăng Bình. Súng đạn không được cầm tay mà phải bó lại khiêng đi...Ta vận động quần chúng Bình Lâm, Sơn Hòa nấu cơm, nước dọc theo đường 16 tiếp tế cho chúng. Đây là một chính sách nhân đạo của cách mạng khiến bọn địch vô cùng cảm kích, nhiều tên ăn uống xong ở lại với dân không đi lính nữa, dần dần ra trình diện với chính quyền ta.

Chiến dịch năm 1973 kết thúc thắng lợi, nhân dân Quế Tiên, lực lượng địa phương, dân quân du kích, đội công tác vùng địch tay bắt mặt mừng trở về vườn cũ làm ăn. Cũng từ đây, Quế Tiên được giải phóng hoàn toàn, vùng giải phóng mở rộng từ Khâm Đức đến Việt An, Sơn - Cẩm - Hà, tạo điều kiện thuận lợi giải phóng Quảng Nam [24/3/1975].

Trong niềm vui ngày thắng lợi, nhân dân Quế Tiên lại nô nức chuẩn bị về mọi mặt để đón đồng chí Tố Hữu về thăm vùng giải phóng như một niềm vinh dự, tự hào lớn của huyện. Năm 1974, Quế Tiên tiếp nhận 2000 dân Nông Sơn đưa về ổn định chỗ ăn, chỗ ở cùng với nhân dân địa phương lo việc phục vụ chiến đấu, mở đường Thắng lợi từ tấm bia Hột Xoài đến ngã 3 An Tráng, lên thôn 1 Tiên Sơn, xuống Tiên Cẩm dài hàng trăm km, phục vụ cho chiến dịch tổng tiến công nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Vậy là nhiệm vụ của khối công tác vùng địch Quế Tiên đến đây đã hoàn thành, cán bộ công nhân viên của khối được Ban Thường vụ Huyện ủy phân công mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, ai nấy đều vui vẻ nhận công tác mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, Đảng bộ và nhân dân Quế Tiên đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, chịu đựng không ít những tháng ngày đói cơm lạt muối nhưng vẫn giữ tinh thần cách mạng vững vàng, kiên trì, bền bỉ đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong toàn huyện tạo thành thế trận vững chãi đánh tan mọi âm mưu của kẻ thù, trong đó, binh vận có thể xem là mũi tiến công chiến lược quan trọng, khéo léo, trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn dân, huy động tối đa lực lượng tham gia cách mạng. Trí tuệ, bản lĩnh, nắm chắc thời cơ, phân loại đúng đối tượng, đối sách linh hoạt với từng trường hợp, dĩ bất biến, ứng vạn biến là kĩ năng chính yếu với người làm công tác binh vận. Người chiến sĩ binh vận đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là chính nhưng có lúc phải hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Công tác binh vận được ví như mưa dầm thấm lâu, với cách đánh xuất quỷ nhập thần,nội công, ngoại kích, nếu quân sự đánh từ ngoài vào, thì binh vận đánh trong ra, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất của đồng bào, chiến sĩ, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững bền. Có thể nói, đội công tác binh vận Quế Tiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã qua đi, những vết thương trên thịt da cũng đã lành, những nhức nhối trong tinh thần cũng tạm cất sâu trong một góc khuất tâm hồn, nhân dân Quế Tiên - Hiệp Đức gạt qua bao nỗi đau thời binh biến, chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Hôm nay, viết lại trang sử hào hùng dân tộc một thời đã qua không phải để khơi dậy nỗi đau thương ngày nào, mà để lớp lớp con cháu thế hệ bây giờ và mai sau hiểu được giá trị của nền tự do độc lập đang thừa hưởng đã được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của cả lớp lớp thế hệ cha ông đi trước, càng trân trọng hơn những gì mình đang có được, noi gương sáng trong học tập, rèn luyện, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Tác giả: Vân Hương - Viết lại theo lời kể của cô Nguyễn Thị Ngọc Các Nguyên UVTV, Trưởng ban Binh vận Huyện ủy Quế Tiên

Lịch sử

[Trở về]

Video liên quan

Chủ Đề