Xây dựng nội dung tuyên truyền là gì

Sorry, JavaScript must be enabled.
Change your browser options, then try again.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và giảng bài cho lớp học bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội, ngày 14/5/1966. [Nguồn: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn]

[Thanhuytphcm.vn] - Đối với tác phẩm Di chúc, Hồ Chí Minh xem đây là một tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa như một tác phẩm tuyên truyền cách mạng cho các thế hệ tiếp nối sự nghiệp của Người. Nội dung tuyên truyền cách mạng trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đọng ở các nội dung tuyên truyền về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đối với cán bộ, đảng viên. Vận dụng nội dung tuyên truyền cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian tới có thể thực hiện theo các phương hướng sau: tuyên truyền, giáo dục toàn diện về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thể hiện trong Di chúc đối với mỗi người cán bộ, đảng viên; kết hợp tuyên truyền nội dung cách mạng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người; nêu gương về đạo đức, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt để tạo nên động lực cho mỗi người cán bộ, đảng viên trong công cuộc tự tu dưỡng, rèn luyện.

1. Đặt vấn đề

Tuyên truyền tức là hoạt động truyền bá, phổ biến và giải thích những quan điểm, tư tưởng, học thuyết... đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng; làm hình thành, phát triển ý thức xã hội nói chung, thế giới quan và ý thức của mỗi người nói riêng một cách khoa học theo định hướng tuyên truyền; thể hiện trên kết quả hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Hồ Chí Minh nói ngắn gọn hơn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”1. Đó là công thức tuyên truyền của Hồ Chí Minh, và cũng là cơ sở để Người xây dựng công tác tuyên truyền trở thành một nghệ thuật. Đối với tác phẩm Di chúc, Hồ Chí Minh xem đây là một tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa như một tác phẩm tuyên truyền cách mạng cho các thế hệ tiếp nối sự nghiệp của Người. Nội dung tuyên truyền cách mạng trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đọng ở các nội dung tuyên truyền về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đối với cán bộ, đảng viên; hướng tới thực hiện nghiêm theo công thức tuyên truyền của Người nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động đối với cán bộ, đảng viên.

2. Nội dung tuyên truyền cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây hơn 90 năm, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc [Hồ Chí Minh] từng viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”, “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”2. Đó là phong cách tuyên truyền của Hồ Chí Minh, cốt làm sao mang lại hiệu quả tuyên truyền tốt nhất theo tinh thần của Người: Hiểu - Nhớ - Theo - Làm. Cho đến tác phẩm cuối đời của Người là Di chúc, Hồ Chí Minh vẫn tuân thủ những đặc trưng vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ, cô động những nội dung quan trọng nhất để tuyên truyền, giáo dục mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã tuyên truyền những nội dung quan trọng nhất, cô đọng trong các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Cụ thể:

* Nội dung tuyên truyền về chính trị

Về chính trị, điều Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều nhất đối với cán bộ, đảng viên là việc xây dựng đường lối chính trị phải luôn hướng về phía nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là truyền thống quý báu của Đảng ta, là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng. Người tổng kết: “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”3. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra những chỉ dẫn về đường lối chính trị vì nhân dân đối với từng giai tầng khác nhau trong xã hội sau khi chúng ta giành được hòa bình: với nông dân, Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”4; với thương binh, liệt sỹ, người có công, Người yêu cầu “tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””5; với các liệt sĩ, Người đề nghị “xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ”6; với phụ nữ, Người kêu gọi phải tiến hành “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”7.... Có thể nói, điều cuối cùng Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên là cần phải hành động với tư thế là người đảng viên của đảng cầm quyền, chăm lo cho nhân dân, gần gũi nhân dân, lắng nghe nhân dân, vì nhân dân mà hành động. Đó là điều cốt lõi để giữ được định hướng chính trị xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân.

* Nội dung tuyên truyền về tư tưởng

Trong nội dung tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, Hồ Chí Minh muốn tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định lại một cách sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin đối với mọi người cán bộ, đảng viên ở những nội dung về vai trò lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, về các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, về sự nghiệp cách mạng Việt Nam là của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng,... Những nội dung quan trọng nhất của Chủ nghĩa Mác - Lênin được Hồ Chí Minh nêu lên trên cơ sở điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, là sự bổ sung Chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông như chính Hồ Chí Minh đã nêu lên từ năm 1924. Không chỉ khẳng định về mặt tư tưởng cán bộ, đảng viên cần lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng để chỉ đạo mọi hành động, Hồ Chí Minh còn soi sáng cho mỗi người chúng ta niềm tin chắc chắn vào thắng lợi của sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trước những khó khăn, thử thách to lớn. Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, / Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”8.

* Nội dung tuyên truyền về tổ chức

Đề cập đến vấn đề tổ chức đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết là vấn đề đoàn kết. Đoàn kết làm nên sức mạnh – đó là chân lý mà Hồ Chí Minh luôn khẳng định. Người lý giải rõ ràng rằng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”9. Đảng thực hiện chính sách đoàn kết trước hết trong nội bộ cán bộ, đảng viên, mở rộng ra đoàn kết trong toàn xã hội. Bao trùm lên tất cả là Mặt trận đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Lịch sử các cuộc chiến giành thắng lợi trước quân thù từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay đều trước hết là do tinh thần đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh kết luận: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”10. Giữ gìn đoàn kết giống như giữ gìn con ngươi của mắt mình là điều cốt tử cho sự tồn tại và phát triển của mỗi người cán bộ, đảng viên theo Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc nhấn mạnh về đoàn kết, Hồ Chí Minh cũng giương cao những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, đó là: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”11. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn nêu cao và nghiêm chỉnh thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình để làm gương trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người giải thích: đó là cách tốt nhất để tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng và hành động trong Đảng. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh bổ sung thêm cơ sở thực hiện hai nguyên tắc trên là: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Rõ ràng theo Hồ Chí Minh, nếu chúng ta không xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì tự phê bình và phê bình chỉ có thể rơi vào tư thù cá nhân, lấy việc công trả thù riêng,... không thể nào đạt được hiệu quả như mong muốn là mang lại sự phát triển cho mỗi người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ mỗi người cán bộ, đảng viên trong khi thực hiện công tác của mình cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau, lấy đó làm cơ sở để đạt được hiệu quả đề ra khi thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

* Nội dung tuyên truyền về đạo đức

Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Từ tác phẩm Đường Kách mệnh [Tập hợp những bài giảng cho thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng] cho đến tác phẩm cuối đời của mình, Hồ Chí Minh luôn muốn tuyên truyền, giáo dục về tư cách đạo đức của người làm cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Người nhắn nhủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”12. Đây là lần đầu tiên Hồ Chủ tịch dùng thuật ngữ “đảng cầm quyền” để chỉ vị trí, vai trò của Đảng ta. Việc Hồ Chí Minh tránh dùng thuật ngữ này vì Người lo lắng căn bệnh tha hóa của quyền lực đối với cán bộ, đảng viên của ta. Do đó, Người nhấn mạnh tư cách của một đảng cầm quyền nhưng gắn với đạo đức cách mạng [cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...], gắn với vị trí vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân. Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ cán bộ, đảng viên ta một cách rõ ràng rằng phải nhận thức được vai trò của người lãnh đạo hay đầy tớ đều vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu, phải tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng.

Việc tuyên truyền đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên không chỉ được Hồ Chí Minh thể hiện trên lời nói. Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức là điều Hồ Chí Minh luôn thực hiện. Trong tác phẩm Di chúc, đạo đức cách mạng được Người nêu gương ngay trong vấn đề xử lý việc riêng. Hồ Chí Minh luôn tự nhận mình cũng chỉ là một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, từ chối mọi sự tôn sùng về quyền lực của mình. Hồ Chí Minh yêu cầu sau khi Người qua đời “chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân”13; thi hài được “hỏa táng” để giữ vệ sinh và không tốn đất đai; có kế hoạch trồng cây trên đồi để ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm, dần dần trở thành rừng... Đó là sự sắp đặt của một người luôn suốt đời nghĩ về nước, về dân, nêu cao đạo đức cách mạng. Hành động đạo đức của Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở bản Di chúc mà được thể hiện trong suốt cuộc đời của Hồ Chí Minh. Vì vậy, tinh thần và hành động đạo đức của Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc rất dễ hiểu đối với cán bộ, đảng viên và khắc sâu hơn một lần nữa lời dặn của Hồ Chí Minh trong tư tưởng và hành động của các thế hệ cách mạng đời sau.

3. Vận dụng nội dung tuyên truyền cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Cách mạng giải phóng dân tộc mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo là một cuộc cách mạng khó khăn, gian khổ khi đối mặt với những kẻ thù hơn ta một phương thức sản xuất, những kẻ thù có kinh nghiệm trong việc áp bức các dân tộc thuộc địa. Nhưng Hồ Chí Minh thấy rõ cuộc chiến đó chỉ là một phần, là bước khởi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người viết: công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”14. Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã thấy rõ những bước gian truân mà cán bộ, đảng viên và nhân dân ta sắp phải đối mặt nên để lại những lời giáo huấn sâu sắc. Tác phẩm tuyên truyền cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên có tác dụng định hướng tư tưởng và nhận thức sâu sắc để giành thắng lợi trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vận dụng những nội dụng tuyên truyền cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có thể tiến hành theo mấy định hướng cơ bản sau đây:

Một là, tuyên truyền, giáo dục toàn diện về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thể hiện trong Di chúc đối với mỗi người cán bộ, đảng viên

Xét về mặt tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm cô đọng về các nội dung tuyên truyền chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo phương châm hiểu - nhớ - theo - làm. Do đó, cần thiết phải tiếp tục quán triệt các nội dung tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách toàn diện đối với mỗi người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ hiện nay. Về chính trị, phải nhấn mạnh nội dung xây dựng đường lối chính trị trên lập trường giai cấp công nhân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe nhân dân, đem tư tưởng của nhân dân quay trở lại chỉ đạo hành động của nhân dân. Về tư tưởng, phải nhấn mạnh công tác ý thức hệ, đẩy mạnh học tập và làm theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh song song với cuộc đấu tranh chống lại mọi luận điệu xuyên tạc, phản bác vô căn cứ của các thế lực thù địch, phản động; quán triệt tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đi liền với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Về tổ chức, chú ý xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ, đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên trên lập trường giai cấp công nhân với các nguyên tắc hoạt động nền tảng như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Về đạo đức, làm rõ và phát triển ở cán bộ, đảng viên những nội dung của nền đạo đức mới – đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh đã khởi xướng; chú trọng nêu gương điển hình tiên tiến mà đặc biệt là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm động lực cho việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Việc tuyên truyền các nội dung chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thực hiện gắn liền với việc triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, kết hợp tuyên truyền nội dung cách mạng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người

Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy được cơ sở mỗi nội dung Hồ Chí Minh muốn tuyên truyền gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh và các tác phẩm khác của Người. Thực hiện tốt điều này, cán bộ, đảng viên sẽ thấy được sự nhất quán, xuyên suốt trong mỗi lời dạy của Người, làm cơ sở để việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Chẳng hạn, về tư tưởng, chính trị, cán bộ tuyên truyền định hướng cán bộ, đảng viên nghiên cứu, hình dung, đi lại con đường Hồ Chí Minh đã trải nghiệm để khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cách thức Hồ Chí Minh đã sử dụng để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; thấy được những điểm tích cực, hạn chế của các tư tưởng trong truyền thống dân tộc Việt Nam và tinh hoa tư tưởng của nhân loại... Về tổ chức, cán bộ tuyên truyền về mặt trọng tâm phải giúp cho cán bộ, đảng viên tiếp thu tinh thần của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng do V.I.Lênin đề ra cùng các nguyên tắc tổ chức của xã hội xã hội chủ nghĩa vào quá trình xây dựng các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam; lấy cách giải thích dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã trình bày trong các tác phẩm trước đó làm cơ sở [như tác phẩm Đường Kách mệnh [1927], Sửa đổi lối làm việc [1947]...]. Về đạo đức, gắn liền tuyên truyền đạo đức cho cán bộ, đảng viên với tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt cuộc đời của Người; kết hợp giới thiệu, hướng dẫn nghiên cứu những tác phẩm đề cập nhiều đến nền đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng ở Việt Nam [như tác phẩm Đường Kách mệnh [1927]; Cần, kiệm, liêm, chính [1949]; Đạo đức cách mạng [1958]; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân [1969]...].

Ba là, nêu gương về đạo đức, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt để tạo nên động lực cho mỗi người cán bộ, đảng viên trong công cuộc tự tu dưỡng, rèn luyện

Trong các phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp sinh động nhất được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là phương pháp nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã xác định: đối với các dân tộc Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”15. Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc! Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”16. Chính vì vậy, học tập Hồ Chí Minh trong việc triển khai các nội dung tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân cần phải chú trọng công tác nêu gương, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt từ việc nhỏ đến việc lớn, làm động lực thúc đẩy tinh thần tu dưỡng, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, tổ chức của mỗi người cán bộ, đảng viên.

4. Kết luận

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm có giá trị tuyên truyền to lớn đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. Những nội dung tuyên truyền về cách mạng Việt Nam mà cô đọng ở các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức tuân thủ theo công thức của Hồ Chí Minh [Hiểu - Nhớ - Theo - Làm] là những định hướng cho cán bộ, đảng viên thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vận dụng nội dung tuyên truyền cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian tới có thể thực hiện theo các phương hướng sau: tuyên truyền, giáo dục toàn diện về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thể hiện trong Di chúc đối với mỗi người cán bộ, đảng viên; kết hợp tuyên truyền nội dung cách mạng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người; nêu gương về đạo đức, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt để tạo nên động lực cho mỗi người cán bộ, đảng viên trong công cuộc tự tu dưỡng, rèn luyện.

Thiếu tá, Th.s Bùi Chiến Công

Trường Đại học An ninh Nhân Dân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

2. Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh [2015], Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhành Thành phố Hồ Chí Minh – Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh [Học viện Chính trị khu vực II] – Khoa Lịch sử [Đại học KHXH&NV TPHCM] – Cơ quan đại diện Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam tại TPHCM [Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước] [2015], Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ánh sáng của trí tuệ và niềm tin, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TPHCM.

4. Võ Nguyên Giáp [2016], Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Mạch Quang Thắng [2017], Hồ Chí Minh đồng hành cùng dân tộc, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

___________________________________

[1] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr. 191.

[2] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 283.

[3] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 612.

[4] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 617.

[5] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 616.

[6] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 616.

[7] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 617.

[8] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 612.

[9] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611.

[10] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611.

[11] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611.

[12] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 611 - 612.

[13] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 613.

[14] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 617.

[15] Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 285.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 663

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề