Uống thuốc sâu bao lâu thì chết

Vài miligram thuốc trừ sâu đủ làm chết người!

NGỘ ĐỘC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT.- Những năm gần đây, trên thế giới và tại Việt Nam, số trường hợp ngộ độc hóa chất ngày càng gia tăng, dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thực thể và tâm thần. Ở nước ta, do tình hình mở mang nông thôn và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều về số lượng và chủng loại, càng có thêm nguy cơ gây ngộ độc

Em N.T.H.S., 17 tháng tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp - TPHCM chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu. Mẹ em kể lại trước khi vào viện 2 giờ, bụng đói, bé nghịch chui xuống gầm tủ, moi lấy một bịch ni-lông nhỏ đựng thuốc trừ sâu dạng hạt cát màu tím [Furadan-3H] rồi cho vào miệng ăn. Mẹ em liền lấy khăn thấm nước móc rửa miệng và móc họng cho ói ngay. Số lượng bao nhiêu mẹ em không biết nhưng quan sát thấy trong miệng rất nhiều hạt màu tím. Em được đưa vào Bệnh viện Gò Vấp, chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau 9 ngày điều trị, em đã được xuất viện.

Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết: Thuốc trừ sâu, rầy là các chất lân hữu cơ, rất độc, dễ tan trong mỡ, chỉ cần vài miligram cũng có thể làm chết người. Thuốc được hấp thu bằng đường tiêu hóa, hô hấp và qua da. Nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp là do tự tử bằng thuốc rầy, đứng gần người đang xịt thuốc, đặc biệt là đứng dưới chiều gió, người phun thuốc không được trang bị bảo hộ lao động, dùng nhầm những lọ, hộp mà trước đây đã đựng thuốc trừ sâu... Khi thấy trẻ đang khỏe mạnh, không sốt, bất thình lình trở thành bất thường như hôn mê, co giật, đi xiểng niểng, da môi đỏ hoặc tím tái... cha mẹ phải nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị ngộ độc và sớm đưa tới bệnh viện cấp cứu. Ngộ độc thuốc trừ sâu, rầy có triệu chứng: đồng tử co, chảy nước mắt, nước mũi, nước miếng, đau bụng.

Nếu xác định được trẻ ngộ độc qua đường hô hấp mang ngay trẻ ra chỗ thoáng khí, có điều kiện thì cho thở oxy.

Ngộ độc qua da: Rửa sạch da với nước và xà phòng, tránh cọ xát mạnh vì sẽ đưa thêm chất độc vào cơ thể.

Ngộ độc trong mắt: Rửa mắt thật nhiều nước, có thể dưới vòi nước 15 phút.

Ngộ độc qua đường tiêu hóa:

- Cố gây ói hoặc rửa dạ dày nếu bị ngộ độc chưa quá 6 giờ.

- Dùng than hoạt tính [độc tính sau khi kết hợp với than hoạt sẽ được thải qua đường tiêu hóa, ngăn cản hấp thu độc chất].

- Thuốc xổ.

Khi gia đình đưa trẻ bị ngộ độc đến bệnh viện cấp cứu nhớ mang theo chất gây độc để giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn. Bác sĩ Nhơn cũng lưu ý ở bệnh viện hay gặp những trường hợp ngộ độc thuốc rầy do ăn rau muống. Để tránh bị ngộ độc, khi mua rau về phải ngâm nước 1 giờ sau đó rửa sạch để thuốc bảo vệ thực vật trôi đi.

Thùy Dương ghi

Còn nhiều sai sót trong xử trí tại nhà và tuyến trước

Tại hai Bệnh viện Nhi Đồng ở TPHCM, tỉ lệ trẻ em bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] là 8,85%, chiếm một vị trí quan trọng trong ngộ độc trẻ em, đứng đầu trong các loại ngộ độc có tỉ lệ tử vong cao.

Dấu hiệu ngộ độc

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Triệu chứng lâm sàng tùy theo từng nhóm thuốc BVTV, nặng nhất là nhóm chlor hữu cơ với dấu hiệu hôn mê, suy hô hấp, co giật liên tục. Kế đến là ngộ độc nhóm phospho hữu cơ. Các nhóm khác nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn, tuy nhiên ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat thường có triệu chứng lở miệng, vàng da nhẹ, sau đó diễn tiến nặng dần. Trong số bệnh nhi nhập viện cấp cứu, thường gặp nhất là tình trạng rối loạn tri giác [chiếm 89,5%], gặp trong ngộ độc phospho hữu cơ, Paraquat, Thiodan, thuốc diệt chuột Fokepa hoặc biến chứng hạ natri do rửa dạ dày bằng nước lã. Kế đến là suy hô hấp [47%] trong ngộ độc carbamate, phospho hữu cơ, 2,4 D, Thiodan, Paraquat. Co giật chỉ chiếm khoảng 21% trường hợp. Tất cả những trường hợp co giật lúc nhập viện là do biến chứng hạ natri máu sau rửa dạ dày bằng nước thường. Đặc biệt có một trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột nhóm phospho kẽm được rửa dạ dày với sulfate đồng ở tuyến trước, sau khi rửa dạ dày trẻ có triệu chứng thần kinh trung ương, suy hô hấp, suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa nghi ngờ do ngộ độc sulfate đồng.

Xử trí... lúng túng!

Tỉ lệ xử trí đúng cách tại nhà còn rất thấp, tính ra cứ 10 trường hợp ngộ độc thì gia đình chỉ xử trí tại chỗ đạt yêu cầu 1 trường hợp. Đa số không xử trí hoặc xử trí sai. Do đó cần tăng cường giáo dục người dân cách xử trí khi gặp ngộ độc thuốc BVTV, coi đó như một yêu cầu trong chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, bù lại, nhiều trường hợp được chuyển lên bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã hạn chế phần nào hậu quả. Chỉ có 12 ca tử vong [do thuốc diệt cỏ Paraquat] trong số 115 ca cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Điều đáng quan tâm là việc xử trí tại các cơ sở y tế tuyến trước vốn có vai trò quan trọng thì lại chưa thống nhất và còn sai nhiều. Tỉ lệ xử trí sai lên đến 69,56%! Các sai lầm thường gặp là không làm gì cho người bị ngộ độc, không rửa dạ dày, chỉ rửa dạ dày bằng nước lã, không cho than hoạt, truyền dung dịch glucose, không biết chỉ định Atropin, dùng dung dịch sulfate sai mục đích, hậu quả là không loại bỏ được độc chất hoặc làm nặng thêm tình trạng ngộ độc như gây thêm một ngộ độc khác, hay gây biến chứng hạ natri máu, thiếu oxy não. Bác sĩ Nhân cho biết: “Chúng tôi gặp 1 ca uống thuốc diệt chuột hiệu Fokepa, nhập bệnh viện huyện cho rửa dạ dày, sau đó cho bơm dung dịch sulfate đồng khiến bệnh nhân ngộ độc sulfate đồng phải điều trị bằng EDTA và lọc thận. Hoặc có bệnh nhi ở tỉnh ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm chlor hữu cơ là Thiodan, nhập viện hôn mê, tăng tiết đàm, co giật nhưng bị chẩn đoán lầm là ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm phospho hữu cơ nên cho Atropin và PAM nhưng tình trạng bệnh nhi xấu dần... phải chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1”.

P. Đông

Bác sĩ Bạch Văn Cam, Trưởng Khối Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Chúng tôi đã có trung tâm chống độc mini

Phóng viên: 12 ca tử vong trong số 115 ca cấp cứu do ngộ độc thuốc BVTV những năm gần đây tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói lên điều gì, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Bạch Văn Cam: Trước hết, tôi muốn nói ngộ độc thuốc BVTV là một vấn đề lớn vì có tỉ lệ tử vong cao, việc xử trí cũng không dễ, đặc biệt là ở tuyến trước. Loại ngộ độc này nếu nặng, sau điều trị thường để lại di chứng, cả về thể chất và tâm thần. Với quá nhiều thuốc BVTV, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường là dấu hiệu báo trước về nguy cơ ngộ độc rộng hơn, khó điều trị hơn trong tương lai. Về 12 ca tử vong, tất cả đều do thuốc diệt cỏ Paraquat. Loại độc chất này gây xơ phổi, dẫn đến tử vong từ 80- 90%. Thế giới cũng giống như ta, rất đau đầu khi đối phó với ngộ độc Paraquat.

Nghe đâu có đến 10 ca tử vong trong số này là do trẻ bồng bột tự tử?

- Vâng, và các em nằm trong lứa tuổi từ 9 đến 13, 14. Nguyên nhân cũng khá đơn giản. Thường là do gia đình la rầy vì học kém, thi rớt, bị cha ghẻ vu oan, có khi chỉ vì sự thiên vị của cha mẹ đối với một người em trong nhà... Nhân đây, xin nói, tình trạng ngộ độc thuốc BVTV xảy ra nhiều là do loại thuốc này để bừa bãi trong nhà.

Trong ngộ độc thuốc BVTV, vai trò gia đình rất quan trọng, nhưng chỉ có 10% trường hợp biết cách xử trí ban đầu. Làm sao để cải thiện tình trạng này?

- Đúng là xử trí tại nhà rất quan trọng. Nguyên tắc chung là phải loại trừ độc chất khỏi cơ thể càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Các bậc cha mẹ thường mất bình tĩnh khi con cái gặp sự cố. Phần lớn chỉ xốc đứa bé lên và chạy. Cũng có trường hợp xử trí nhưng không tác dụng vì cho uống nước chanh, nước cháo đậu xanh... Theo tôi, hữu hiệu nhất là phải gây nôn, gây ói. Đối với trẻ lớn, có thể bảo các cháu tự móc họng, trẻ nhỏ thì người lớn làm thay nhưng không được mạnh tay quá. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày.

Nhưng các trạm y tế xã hình như cũng không có ống rửa dạ dày?

- Rửa dạ dày chỉ làm được ở tuyến huyện, thậm chí có nơi không có ống nhỏ dành cho trẻ đành phải chuyển tiếp lên trên. Điều đáng lưu ý là tuyến huyện cần chú trọng dung dịch rửa dạ dày. Không ít nơi chỉ dùng nước giếng, nước uống thường, nước máy để rửa dạ dày, hậu quả làm hạ nồng độ natri trong máu, dẫn đến co giật, hôn mê.

Và tỉ lệ dùng than hoạt tính cũng rất thấp...

- Than hoạt tính có tác dụng hấp thu, gắn kết độc chất rồi sau đó thải ra qua đường tiêu hóa. Ở các tuyến y tế phường, xã, chỉ khoảng 1 phần 3 bệnh nhân cấp cứu được dùng than hoạt tính. Thiết nghĩ, tất cả nên được trang bị loại than này. Hiện nay, trong danh mục thuốc thiết yếu có loại than này, nhưng không có công ty nào sản xuất kiểu đóng gói mà chỉ làm kiểu viên. Viên này đã được chứng minh không có tác dụng mà chỉ điều trị rối loạn tiêu hóa.

Liên quan đến vấn đề ngộ độc thuốc BVTV, điều gì khiến bác sĩ quan tâm nhất?

- TP mà có một trung tâm phân loại độc chất hiện đại kiểu như ở Anh mà tôi đã được tham quan thì tuyệt. Tôi có cảm giác trung tâm này có thể trả lời mọi câu hỏi về ngộ độc.

Với khá nhiều kinh nghiệm về chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có ấp ủ điều gì cho tương lai không, thưa bác sĩ?

- Chúng tôi đã xây dựng được một trung tâm chống độc kiểu mini và đã thiết lập đường dây nóng để tư vấn cho tuyến y tế các tỉnh. Bước đầu đã phát huy tác dụng. Một ca ngộ độc do ăn khoai mì cao sản, một ca khác rửa dạ dày bị hạ natri [Tiền Giang], 2 ca ngộ độc do ăn cá nóc [Cần Thơ]... đã được tư vấn điều trị tại chỗ tốt.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Cao Tuấn thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề