Thuyết minh bằng cách chú thích

Soạn bài phương pháp thuyết minh

Bài viết số 4 lớp 10 văn thuyết minh

A- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I-Ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học:

Đọc mỗi đoạn trích [SGK]

a.   Cho biết tác giả mỗi đoạn trích đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào?

b.   Phân tích tác dụng của từng phương pháp trong việc làm cho sự vật hay hiện tượng được thuyết minh càng thêm chuẩn xác, sinh động và hấp dẫn.

Gợi ý:

  • Đoạn trích Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên

Đoạn trích thuyết minh về công lao tiến cử người tài giỏi cho đất nước của Trần Quốc Tuấn. Phương pháp thuyết minh mà tác giả sử dụng ở đây là phương pháp nêu ví dụ. Những tên tuổi được nêu ra [Dã Tượng, Yet Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực] đã làm cho vấn đề được thuyết minh trở nên sáng rõ, có sức thuyết phục.

  • Đoạn trích Thi sĩ Ba- sô và “Con đường hẹp thiên lí”.

Đoạn trích thuyết minh về các bút danh của Ba-sô. Từ bút danh Mu-nê-phu-sa, bút danh Tô-sây đến bút danh Ba-sô, cái người đọc cần biết là ý nghĩa của các bút danh ấy. Vì vậy, người viết đã sử dụng phương pháp nêu định nghĩa để thuyết minh. Nhờ phương pháp thuyết minh này mà các bút danh của Ba-sô được giải thích một cách sáng rõ.

  • Đoạn trích Con người và con số trên tạp chí Kiến thức ngày nay.

Đoạn trích thuyết minh về cấu tạo phức tạp và đồ sộ của tế bào trong cơ thể người. Phương pháp thuyết minh ở đây là dùng số liệu. Người viết đã đi từ số lượng tế bào [40- 60 000 tỉ] đến số lượng phân tử cấu tạo nên tế bào [6 triệu tỉ phân tử] rồi số lượng nguyên tử cấu tạo nên phân tử [1 tỉ tỉ nguyên tử]. Từ đó, để giúp người đọc dễ hình dung, người viết đã liên hệ tới các số liệu khác như số lượng cư dân, số lượng các vì tinh tú,… và đi đến kết luận: “Nếu mỗi nguyên tử dài 1 mm, một tế bào sẽ dài 10 cm, thì một người cao 1,75 m sẽ biến thành người khổng lồ với chiều cao 1.750 km! May thay, điều này không xảy ra vì nguyên tử là cực nhỏ”. Sức hấp dẫn của đoạn thuyết minh này chính là các số liệu. Các số liệu đã tạo nên ấn tượng sâu sắc, khó quên ở người đọc.

  • Đoạn trích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.

Đoạn trích thuyết minh về nhạc cụ dùng trong hát trống quân. Nhà văn đã sử dụng phương pháp thuyết minh phân tích. Tác giả phân tích tính giản dị của nhạc cụ dùng trong hát trống quân: các loại “hết thảy đều là đồ bỏ”; cách sử dụng vô cùng dân dã; nhưng âm thanh thật “giòn giã”. Phương pháp thuyết minh này đã giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của đối tượng.

Soạn bài phương pháp thuyết minh

II-Tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh:

Bài tập 1.Đọc lại câu văn “Ba-sô là bút danh” đã dẫn trong phần luyện tập trước và cho biết vì sao không thể cho rằng tác giả câu đó đã thuyết minh bằng cách định nghĩa? Tác giả đã thuyết minh bằng cách chú thích, vậy phương pháp này có gì khác phương pháp định nghĩa?

Gợi ý:

Câu văn thuyết minh “Ba-sô là bút danh” không sử dụng phương pháp định nghĩa vì không đặt Ba-sô vào một loại lớn hơn, cũng không chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của nhà văn này.

Phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp chú thích. Phương pháp chú thích và phương pháp định nghĩa có những nét khá giống nhau bởi vì về đại thể cả hai đều có cấu trúc cơ bản: “A là B”. Song, hai phương pháp này có những nét khác nhau. Phương pháp định nghĩa có những đòi hỏi chặt chẽ hơn. Phần B trong định nghĩa phải đạt được hai yêu cầu cơ bản. Một là phải đặt đối tượng định nghĩa vào một loại lớn hơn. Hai là phải chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của đối tượng để phân biệt nó với các đối tượng cùng loại khác. Phương pháp chú thích không buộc thoả mãn hai yêu cầu đó. Tuy mức độ chuẩn xác không cao nhưng bù lại phương pháp chú thích có khả năng mềm dẻo hơn, dễ sử dụng hơn.

Bài tập 2. Đọc đoạn văn tiếp tục giới thiệu về thi sĩ Ba-sô [SGK] và cho biết đoạn văn được viết để nói về: [1] Niềm say mê cây chuối của Ba-sô; [2] Tại sao có bút danh Ba-sô. Theo anh [chị] trong hai mục đích ấy, mục đích nào là chủ yếu? Đoạn văn có quan hệ nhân quả với nhau không? Nếu có thì đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả? Vì sao có thể nói đoạn thuyết minh ấy đã được trình bày hợp lí và sinh động?

Gợi ý:

Đoạn trích thuyết minh về niềm say mê cây chuối của Ba-sô và tại sao có bút danh Ba-sô. Trong hai mục đích này, mục đích thuyết minh về việc tại sao có bút danh Ba-sô là chủ yếu mặc dù được nói ngắn hơn niềm say mê cây chuối của Ba-sô. Đây chính là mối quan hệ nhân – quả. Cho dù nguyên nhân có được trình bày dài hơn nhưng nội dung thông báo chính vẫn là kết quả. Niềm say mê cây chuối là nguyên nhân dẫn đến bút danh Ba-sô.

Đoạn trích đã được trình bày một cách hợp lí và hấp dẫn bởi vì người viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh phù hợp đối tượng thuyết minh. Nhờ đó mà hình ảnh thi sĩ Ba-sô cùng bút danh của ông hiện lên một cách sinh động, sâu sắc.

III-Luyện tập:

Bài tập 1.Nhận xét về sự chọn lựa, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh trong đoạn trích “Hoa lan Việt Nam ” [SGK].

Gợi ý:

Đây là đoạn trích văn bản thuyết minh được viết nhằm cung cấp những tri thức về hoa lan, một loài hoa được ưa chuộng. Người viết tỏ ra có những hiểu biết thật sự khoa học, chính xác, khách quan về hoa lan ở Việt Nam.

Trong đoạn thuyết minh này, tác giả đã phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh: chú thích, phân loại, liệt kê, nêu ví dụ,… nhờ đó mà lời thuyết minh trở nên linh hoạt, sinh động và hấp dẫn.

Bài tập 2-Trong một buổi giao lưu với bạn bè quốc tế, anh [chị] muốn giới thiệu với các bạn một trong những nghề truyền thống của quê mình [trồng lúa, nuôi tằm, làm đồ gốm,…]. Hãy viết lời giới thiệu của anh [chị] thành một bài văn thuyết minh dài khoảng 500 chữ.

Gợi ý:

Đây là bài luyện tập mang tính tổng hợp nhưng chủ yếu là lựa chọn và sử dụng phương pháp thuyết minh hợp lí, có hiệu quả. Để bài viết hay cần:

  • Tìm tòi, học hỏi để có những hiểu biết chuẩn xác, đầy đủ về nghề truyền thống của quê hương. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất vì không có hiểu biết gì thì không thể thuyết minh.
  • Xác định mục đích thuyết minh.
  • Vạch đề cương về nội dung thuyết minh.
  • Lựa chọn các phương pháp thuyết minh phù hợp với từng nội dung như phương pháp định nghĩa, phương pháp nêu ví dụ để thuyết minh về những nghệ nhân nổi tiếng với nghề truyền thống của quê hương; phương pháp phân tích để thuyết minh về ý nghĩa, giá trị của nghề truyền thống trên lĩnh vực vật chất hoặc văn hoá; phương pháp nguyên nhân – kết quả để thuyết minh vì sao có nghề truyền thống ấy,…

1.Phương pháp thuyết minh là hệ thống những cách thức mà người thuyết minh sử dụng để mong đạt tới những mục đích mà mình đã đặt ra

2.Người thuyết minh muốn thuyết phục người khác thì phải cung cấp thông tin về sự vật, sự việc , hiện tượng một cách rõ ràng,chính xác và đầy đủ.Tuy nhiên nếu mới chỉ có những tri thức về sự vật, sự việc,hiện tượng cần thuyết minh và lòng mong muốn truyền đạt những tri thức đó thôi thì chưa đủ.Để đạt được hiệu quả như mong muốn,người thuyết minh cần phải nắm được phương pháp thuyết minh. Nghĩa là nắm được cách thức tổ chức sao cho những tri thức mà mình muốn truyền đạt đến với người đọc một cách đơn giản mà hấp dẫn nhất, được họ đón nhận một cách nồng nhiệt nhất.

3.Các phương pháp thuyết minh

Gợi ý:

-Ở THCS, ta đã được biết đến những phương pháp thuyết minh nào? Bản chất và tác dụng của mỗi phương pháp thuyết minh ấy ra sao?

+ Các phương pháp thuyết minh đã học: Nêu định nghĩa, liệt kê, nêu ví dụ, so sánh, dùng số liệu, phân loại, phân tích.

+ Bản chất và tác dụng: cần nêu ra được những đặc trưng riêng của mỗi phương pháp thuyết minh.

Ví dụ:

*Đặc trưng của phương pháp nêu định nghĩa là nhằm chỉ ra những đặc điểm nói lên bản chất của sự vật, hiện tượng đó đồng thời để phân biệt nó với những sự vật hiện tượng khác.

*Đặc trưng của phương pháp so sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau nhằm chỉ ra những đặc điểm riêng mang tính bản chất của sự vật hay hiện tượng,…

-Thuyết minh bằng cách chú thích có đặc điểm gì? [Cách thức giống như thuyết minh bằng định nghĩa, cũng nhằm nêu ra những đặc điểm của sự vật, hiện tượng nhưng yêu cầu về mức độ chuẩn xác của phương pháp chú thích không cao như phương pháp định nghĩa. Phương pháp chú thích mang tính mềm dẻo hơn và dễ sử dụng hơn].

-Thuyết minh bằng giảng giải nguyên nhân – kết quả có đặc điểm gì? [Là thuyết minh bằng cách lí giải mối quan hệ giữa các sự vật, các hiện tượng có quan hệ gắn bó với nhau, hoặc làm nảy sinh nhau].

Các phương pháp thuyết minh trên thực tế còn đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, ở đây, chúng ta chủ yếu mới chỉ nắm bắt và học cách sử dụng những phương pháp thuyết minh cơ bản mà thôi.

4.Yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh

Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh phải do mục đích thuyết minh quyết định. Theo đó, nó vừa phải hướng đến làm nổi rõ bản chất và đặc trưng của sự vật, hiện tượng, vừa phải làm cho người đọc, người nghe tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.

II- HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

1.Cho biết tác giả mỗi đoạn trích trong SGK, trang 48, 49 đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào? Phân tích tác dụng của từng phương pháp trong việc làm cho sự vật hay hiện tượng được thuyết minh càng thêm chuẩn xác, sinh động và hấp dẫn.

Lưu ý: Trước khi chỉ ra và phân tích cụ thể các phương pháp thuyết minh mà người thuyết minh đã sử dụng trong mỗi đoạn, cần biết rằng ngay ở trong những đoạn văn khá ngắn đôi khi vẫn có sự kết hợp hơn một phương pháp trong diễn giải, thuyết minh về sự vật, hiện tượng.

Gợi ý:

-Đoạn 1: Phương pháp thuyết minh được sử dụng là phương pháp nêu ví dụ và liệt kê. Các ví dụ được nêu ra có kèm theo cả những lời bình luận và phân loại đã có tác dụng làm nổi bật ý Trần Quốc Tuấn là người yêu nước khi ông khéo tiến cử cho đất nước nhiều người tài giỏi.

-Đoạn 2: Là đoạn được trình bày theo phương pháp thuyết minh nêu định nghĩa kết hợp với phương pháp phân tích.

-Đoạn 3: Phương pháp dùng số liệu được kết hợp với phương pháp so sánh. Những số liệu khá mới mẻ về cấu tạo tế bào của con người đã được người thuyết minh khéo léo kết hợp trong những so sánh hấp dần khiến cho đoạn văn vừa gây được sự chú ý vừa thuyết phục được người nghe.

-Đoạn 4: Phương pháp thuyết minh được sử dụng ở đây là phương pháp phân tích. Phân tích bằng cách miêu tả lại các vật dụng và cách thức chơi trò hát trống quân.

2.Giải thích tại sao không thể coi câu văn “Ba-sô là bút danh” là câu đã được tác giả thuyết minh bằng cách định nghĩa?

-Không thể coi câu văn “Ba-sô là bút danh” trong đoạn văn đã dẫn trong SGK trang 49 là câu đã được tác giả thuyết minh bằng cách định nghĩa. Bởi rõ ràng thông tin “là bút danh” không đủ để nói lên được những đặc điểm bản chất của Ba-sô [những đặc điểm dùng để phân biệt nhà văn Ba-sô với các nhà văn khác]. Trong câu văn này, tác giả đã thuyết minh bằng phương pháp chú thích, so với phương pháp thuyết minh bằng định nghĩa nó có kiểu cấu trúc cú pháp khá giống nhau nhưng nó linh hoạt, mềm dẻo và dễ sử dụng hơn.

-Tham khảo thêm những ví dụ sau đây về phương pháp chú thích [chú ý vào những câu in nghiêng]:

Ví dụ 1:

Nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ. Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhưng không phải vì thấy mợ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có những cảm giác đau đớn ấy.

[Ngữ văn 8, tập một, tr. 14]

Ví dụ 2:

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang qua làng Hoà An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ.

[Thanh Tịnh]

3.Đọc đoạn văn giới thiệu tiếp về thi sĩ Ba-sô dưới đây và trả lời câu hỏi.

Một đệ tử mang đến cho ông một cây lạ nhập giống từ xứ Trung Hoa. Đấy là cây chuối, giống chuôi tiêu. Và ngay tức thì, nhà thơ say mê nó. Ông bị những tàu lá dài và rộng kia quyến rũ, tàu lá “đủ lớn để che cho một ẩn sĩ”. Trong cơn gió, tàu lá kia rách tướp gợi cho ông nghĩ đến cái đuôi loài phượng hoàng trong huyền thoại, hoặc một chiếc quạt màu xanh tả tơi vì gió. Ông viết:”Tôi thích được ngồi dưới gốc cây chuối của tôi và lắng nghe thanh âm của gió, của mưa vang lên phía trên tàu lá”[…].

Trong tiếng Nhật, tên cây chuối là Ba-sô, và không lâu sau, các đệ tử đã gọi nơi ẩn cư quạnh vắng của ông là Ba-sô-an, hay Lều Cây Chuối, hay Am Ba Tiêu. Còn cái tên nào thích hợp cho ông lấy làm bút danh hơn tên loài cây mà ông yêu mến?

[Theo Hàn Thuỷ Giang, Thi sĩ Ba-sô và “Con đường hẹp thiên lí”, Báo Vietnamnet, ngày 20-11- 2005].

Gợi ý: Đoạn văn tuy được viết để nói về niềm say mê cây chuối của Ba-sô và tại sao lại có bút danh Ba-sô nhưng mục đích thứ hai [giải thích tại sao lại có bút danh Ba-sô] vẫn là chủ yếu. Bởi thực chất cả đoạn văn đều nhằm hướng đến câu chủ đề ở cuối đoạn [Còn cái tên nào thích hợp cho ông lấy làm bút danh hơn tên loài cây mà ông yêu mến]. Cũng cần phải nói thêm rằng các câu trong đoạn văn này đã được trình bày theo mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Trong đó, phần nói về niềm say mê của Ba-sô với cây chuối là nguyên nhân, phần ra đời bút danh Ba-sô là kết quả. Cách thuyết minh này vừa làm rõ được nội dung cần biểu đạt  [giải thích sự ra đời của bút danh Ba-sô] và gợi lên những ấn tượng rất đẹp về con người và phẩm cách của người thi sĩ ấy.

III- HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1.Nhận xét về sự chọn lựa, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh trong đoạn trích sau:

Trong muôn vàn loài hoa mà thiên nhiên đã tạo ra trên thế gian này, hiếm có loài hoa nào mà sự đánh giá về nó lại được thống nhất như là hoa lan.

Hoa lan đã được người phương Đông tôn là “Loài hoa vương giả” [Vương giả chi hoa]. Còn với người phương Tây thì lan là “Nữ hoàng của các loài hoa”.

Họ lan thường được chia thành hai nhóm: Nhóm phong lan bao gồm tất cả những loài sống bám trên đá, trên cây, có rễ nằm trong không khí. Còn nhóm địa lan lại gồm những loài có rễ nằm trong đất hay lớp thảm mục.

Có thể nói trong thế giới của hoa, chưa có loài nào đạt đến sự phong phú tuyệt vời như lan, với những sự biến thái rất đa dạng về rễ, thân, lá và đặc biệt là hoa. Chỉ riêng 10 loài của chi lan Hài Vệ nữ đã cho thấy sự đa dạng tuyệt vời của hoa và của lá về hình dáng, sắc màu. Với cánh môi cong lượn như gót hài, cánh hoa trong mảnh và mang hoà sắc tuyệt diệu của trắng, vàng, phớt tím, nâu, khi có làn gió nhẹ, hoa Hài Vệ nữ rung rinh, tưởng như cánh bướm mảnh mai đang bay lượn.

[Theo Lê Hoàng, Hoa lơn Việt Nam, Tạp chí KCT -Tri thức là sức mạnh, số 5, 1997]

Gợi ý: Đây là một trích đoạn văn thuyết minh, được viết nhằm cung cấp những tri thức về một loài hoa được cả phương Đông và phương Tây tôn quý – hoa lan. Điều đáng nói là bên cạnh việc cung cấp những hiểu biết khoa học, chính xác, khách quan về hoa lan ở Việt Nam, người viết đã rất khéo léo trong việc chọn lựa, vận dụng và phối hợp một cách thành thục các phương pháp thuyết minh như chú thích [đoạn Hoa lan đã được người phương Đông… Nữ hoàng của các loài hoa], phân loại [đoạn Họ Ian thường được chia thành hai nhóm…], liệt kê [Với cánh môi cong lượn như gót hài, cánh hoa trong mảnh và mang hoà sắc tuyệt diệu của trắng, vàng, phớt tím, nâu…], nêu ví dụ điển hình [Chỉ riêng 10 loài của chi lan Hài Vệ nữ…],… Sự phối hợp một cách rất hài hoà giữa các phương pháp thuyết minh trong đoạn văn này đã giúp cho những thông tin về loài hoa lan trở nên hấp dẫn, đồng thời gây được nhiều sự chú ý đối với người nghe.

2.Viết lời giới thiệu về một trong những nghề truyền thống của quê hương mình.

Tham khảo bài viết sau:

NGHỀ LÀM ĐƯỜNG THỐT NỐT

Cây thốt nốt, dòng họ cùng cây cọ, nó sống và phát triển rất nhiều ở Cam-pu-chia. Ở nước ta, miền Bắc và miền Trung không có cây thốt nốt, duy chỉ có một vài tỉnh ở Nam Bộ là có loại cây này. Nói chính xác ra, là cây thốt nốt chỉ thấy mọc ở tỉnh An Giang và Kiên Giang, hai tỉnh giáp liền với đất Cam-pu-chia. Điều đặc biệt, cây thốt nốt lại phát triển tươi tốt ở khu vực nào có người Khơ-me sinh sống.

Tại tỉnh An Giang có hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thấy mọc rất nhiều cây thốt nốt. Nghề làm đường thốt nốt ở đây cũng khá phát triển. Cây thốt nốt là loại cây thân thuộc của đồng bào sinh sống ở nơi này. Cây mọc trong vườn, mọc ngay ngoài gò bãi ngoài đồng, hoặc giữa ruộng lúa. Thoạt nhìn, cây thốt nốt tựa như cây cọ ở trung du Bắc Bộ và hao hao cây dừa cạn sống ở dọc miền Trung nước ta. Cây thốt nốt thường vươn cao, có cây cao tới 15 – 20 mét. Thân cây nhiều đốt, có lớp vỏ dày chắc, lá và tán lá xoè ra như tán cọ. Đặc biệt, cây thốt nốt có hoa quanh năm, thuộc loại hoa buồng như hoa dừa, hoa cọ. Nếu là hoa đực, có nhị hoa vươn dài 30 – 40 phân, thân tròn, tiết diện có khi tới 3 – 4 phân. Nhị hoa này chứa và dẫn rất nhiều nước ngọt. Vì thế, người dân nơi có thốt nốt mọc, biết cách lấy nước từ hoa cây để chế biến đường. Đó là đường thốt nốt. Loại đường chế từ cây thốt nốt có vị ngọt thanh, ăn mát và thơm rất đặc biệt.

Cây thốt nốt như cây cọ, cây dừa, sống thuỷ chung với con người. Nó mọc thành vườn, thành hàng che chắn bão gió cho bao nếp nhà. Thân cây già, ngả xuống, làm cột, kèo nhà thật là vững chắc. Tàu lá thốt nốt cắt xuống, đem phơi khô, dùng làm lá lợp nhà thật mát thật bền. Các cuộng lá, bẹ lá thốt nốt, chẻ ra, phơi khô, đem đun nấu cơm thì cháy đượm phải biết.

Cây thốt nốt có tuổi thọ cao hơn tuổi thọ con người. Thường thường, phải trồng 20 – 25 năm mới thu hoạch nước ngọt được. Cách thu hoạch thốt nốt bao đời nay, vẫn chỉ là phương thức thủ công. Người dân leo trèo lên cây, dùng dao cắt nhị hoa đực [còn gọi là vòi hoa đực] hứng lấy nước hoa. Cây thốt nốt cao, thường mọc thẳng, vì thế việc leo lấy nước cây là nguy hiểm. Người thợ lấy nước thốt nốt có mẹo riêng, họ dùng những ống tre để cắm vào buồng hoa, hứng nước. Các ống tre lấy nước hoa thốt nốt được làm vệ sinh sạch sẽ, trước khi hứng nước ngọt. Ấy là đem hun khói ống tre cho sạch, kẻo làm hỏng nước ngọt.

Nước ngọt lấy từ hoa thốt nốt, mùa hè nóng bức, được đem dùng làm nước giải khát.Ở Tịnh Biên thường thấy những người phụ nữ đi gánh bán rong nước giải khát lấy từ cây thốt nốt. Cây thốt nốt mọc và trồng nhiều như thế, chỉ dành làm nước giải khát thì không xuể, ấy vậy mới có công nghệ làm đường từ nước thốt nốt.

Việc nấu đường thốt nốt không có gì khó khăn. Nước thốt nốt hứng được, đem vào chảo đun cô cạn dần. Người ta dùng ngay thân cây thốt nốt già hạ xuống, chẻ ra và phơi khô làm củi đun thật đượm lửa. Việc nấu đường thốt nốt nom thì dễ dàng, ấy vậy để tạo ra mẻ đường ngon lại là cả kinh nghiêm dài ngày. Lửa nấu phải cháy đều, vừa lửa, người thợ vừa nấu vừa dùng đũa cả quấy đảo kẻo bén đáy chảo. Đũa cả để đảo đường được làm bằng cật tre già, đẽo tựa mái chèo nhỏ. Khi nước thốt nốt đã được cô sền sệt, ấy là lúc đổ sang chảo thứ hai, lại đều lứa đun tiếp cho đến độ thành hạt đường.

Nấu mẻ đường thốt nốt chừng phải tốn từ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Khi nước thốt nốt đã nấu thành đường, thấy đường thốt nốt vàng ươm và thơm mát dịu. Người thợ nấu đường biết dùng khuôn để đổ đường thành từng cột đường tròn đều, đoạn dùng dao cắt ra từng khoanh đường có độ dầy 2 – 3cm là vừa. Có lò nấu đường lại đổ đường ra đầy bát ăn cơm để làm thay khuôn. Đường khô trong lòng bát, được lấy ra gói lại, gọi là bánh đường. Đường đổ khuôn ống tròn, cắt từng khoanh dầy, lại được xếp 10-12 khoanh làm thành một cây đường. Cây đường lại được lấy lá thốt nốt gói lại, nom rất ngon và rất đẹp mắt.

Cây thốt nốt tươi tốt, một năm, hoa của nó có thể cho nước để nấu ra được 3-4 kilôgam đường. Giá đường thốt nốt bao giờ cũng cao hơn đường nấu từ mật mía, bởi lẽ, đường thốt nốt có chất lượng cao hơn hẳn đường mía, đường củ cải. Đường thốt nốt đem nấu chè sen, chè đậu xanh thì quá quý rồi. Nó còn được người dân ở địa phương đem ăn sống như ăn kẹo. Mỗi khi nhẩn nha ngồi uống nước trà, đem đường thốt nốt ra nhấm nháp thì thật là thú vị.

Đường thốt nốt ngày trước là mặt hàng thực phẩm tự cung tự cấp của người dân Tịnh Biên, Tri Tôn. Ngày nay, nó là sản vật được đông đảo người trong tỉnh ngoài tỉnh ưa chuộng. Đường thốt nốt của An Giang và Kiên Giang đã có mặt trên thị trường toàn quốc, hơn thế, nó còn là món hàng xuất khẩu giá trị.

XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÁC PHẨM THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ – NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY

Related

Video liên quan

Chủ Đề