Thuốc tây có tác dụng trong bao lâu

Thuốc hết hạn sử dụng chẳng những không còn tác dụng trị bệnh mà còn có thể đẩy bạn vào nguy cơ gặp biến chứng chết người. Nếu không biết cách bảo quản thuốc an toàn, đây có thể là con dao hai lưỡi mà bạn không ngờ tới đấy!

Hạn sử dụng của thuốc là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất đảm bảo được tính hiệu lực, an toàn và chất lượng của một loại thuốc nếu được bảo quản đúng quy định. Hầu hết các nhãn thuốc, bao gồm thuốc bổ, thuốc không kê đơn [OTC] và thực phẩm bổ sung [thảo dược] đều có in hạn sử dụng của thuốc. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ [FDA] yêu cầu nhà sản xuất phải thêm thông tin này vào nhãn.

Các nhà sản xuất sẽ kiểm nghiệm thuốc trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm để đưa ra một ngày hết hạn dự tính để FDA phê duyệt. Các loại thuốc khác nhau có thể có những hoạt chất và dạng bào chế khác nhau ảnh hưởng đến ngày hết hạn sử dụng, hầu hết chúng sẽ hết hạn sau hai đến ba năm. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những tác hại khi uống thuốc hết hạn sử dụng.

Cách nhận biết thuốc hết hạn sử dụng

Khi hết hạn sử dụng, tùy thuộc vào một số loại thuốc mà chúng ta có thể nhận biết bằng mắt thường như:

  • Thuốc ở dạng lỏng: có thể sẽ có hiện tượng tách lớp, đổi màu, mùi lạ.
  • Thuốc dạng rắn: Thuốc trở nên mềm nhũn, có thể dễ dàng bóp vụn.

Có một số loại thuốc khi hết hạn sử dụng tuy thành phần hóa học đã biến đổi nhưng lại không hề thay đổi hình dáng nên mắt thường khó biết như thuốc con nhộng. Đây là nguyên nhân chính mà người bệnh chủ quan và tiếp tục sử dụng thuốc mặc dù biết thuốc đã hết hạn.

Thuốc hết hạn sử dụng sẽ không giữ được các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng.

Nguy cơ khi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng

Nếu sử dụng thuốc hết hạn sử dụng để điều trị bệnh nhẹ như đau đầu, sốt nhẹ hoặc đau nhẹ thì cũng có thể chấp nhận được, mặc dù hiệu quả tác dụng thuốc không cao.

Tuy nhiên, bạn vẫn không nên sử dụng các loại thuốc hết hạn để đảm bảo an toàn hơn và tránh được một số nguy cơ như:

• Bệnh sẽ ngày càng khó chữa: Bạn mất thời gian lý tưởng để điều trị bệnh khi uống thuốc hết hạn.

• Gây nguy hiểm đến tính mạng: Uống thuốc hết hạn gây nguy hiểm nếu bạn dùng thuốc trị các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư, co giật hoặc dị ứng… Đối với bệnh nhân tim mạch hay huyết áp, uống thuốc hết hạn sẽ không kiểm soát được huyết áp và gây ra các tai biến nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bệnh nhân đái tháo đường uống thuốc hết hạn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm do tăng đường huyết như mù lòa, tàn phế…

Thuốc hết hạn sử dụng sẽ không còn tính chất ban đầu, thuốc sẽ chuyển hóa sang dạng khác hoặc sản sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể, do sự biến tính của hoạt chất thuốc, chất bảo quản thuốc, do hư hỏng dạng bào chế, tạp nhiễm, nhiễm khuẩn… có thể gây dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.

Cách bảo quản thuốc an toàn

Cách quan trọng nhất để bảo quản thuốc là đọc kỹ hướng dẫn hoặc nhãn thuốc. Hầu hết các loại thuốc cần được bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng và khô ráo, một số loại thuốc cần có nhiệt độ lạnh hoặc nhiệt độ cụ thể.

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn bảo quản thuốc an toàn:

Không xóa nhãn thuốc trong bất kỳ trường hợp nào.

Không chuyển thuốc vào hộp chứa khác trừ khi bạn được hướng dẫn về việc phân loại thuốc đúng cách.

Nếu gia đình bạn có đông người, hãy cất trữ thuốc của từng người một cách riêng biệt hoặc dùng màu đánh dấu thuốc để tránh nhầm lẫn.

Không nên bảo quản thuốc trong tủ thuốc phòng tắm. Vòi sen và bồn tắm có thể làm cho môi trường bảo quản thuốc có độ ẩm cao hơn so với yêu cầu.

Cất thuốc lên cao và tránh xa tầm tay của trẻ em.

Các cách xử lý thuốc hết hạn sử dụng

Dưới đây là một số cách xử lý thuốc hết hạn sử dụng một cách an toàn và hiệu quả nhất:

• Bỏ thuốc vào thùng rác: Gần như tất cả các loại thuốc có thể được bỏ vào thùng rác một cách an toàn. Bạn hãy chia nhỏ thuốc và trộn với một chất khác như bột cà phê đã qua sử dụng. Sau đó, bạn hãy cho hỗn hợp vào trong một túi kín hoặc thùng chứa và bỏ vào thùng rác.

• Xả thuốc xuống nhà vệ sinh: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ [FDA] có một danh sách các loại thuốc nên xử lý bằng cách xả nước. Tuy nhiên, một số loại thuốc có dược tính mạnh có thể gây khó thở hoặc tử vong không nên xử lý theo cách này. Bạn hãy đọc hướng dẫn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xử lý.

• Mang thuốc tới nhà thuốc, bệnh viện: Một số cơ sở y tế có chương trình thu gom thuốc, rác thải y tế. Tại đây, họ sẽ có cách xử lý thích hợp với những loại rác thải đặc biệt này.

Bảo quản thuốc cẩn thận đúng nơi đúng chỗ và xử lý thuốc hết hạn sử dụng đúng cách là các bước tuy đơn giản nhưng nhiều người lại không chú ý đến. Bạn chỉ cần có ý thức bảo quản thuốc và xử lý thuốc hết hạn sử dụng hơn là đã có thể bảo vệ mình và những người xung quanh rồi đấy.

Hoàng Trí HELLO BACSI

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Như chúng ta đã biết thuốc là con dao 2 lưỡi, ngoài tác dụng chính để trị bệnh nó còn có 1 hay nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, âm thầm chờ đợi thể hiện tác hại xấu khi ta dùng thuốc không đúng cách. Một khi tác dụng có hại kia có cơ hội nó sẽ tạo ra cho người dùng những phản ứng khó chịu như buồn nôn, chóng mặt, bức rứt khó chịu, ngứa ngáy nổi mề đay, ban, suy hô hấp, viêm da hoại tử hay thậm chí tử vong.

Uống thuốc đúng cách

Để hạn chế tối đa những tác hại do thuốc, chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây:

- Lưu ý thời điểm uống thuốc: chọn thời điểm uống thuốc hợp lý để đạt được nồng độ cao trong máu, đạt được hiệu quả. Khi bác sĩ bảo bạn uống thuốc ngày 3 lần có nghĩa là bạn phải chia thời gian cho mỗi lần uống ít nhất cách nhau 5 giờ. Nếu bạn chỉ uống cả 3 lần vào ban ngày có nghĩa là khoảng thời gian 8 giờ buổi đêm bạn không đảm bảo nồng độ thuốc trong máu dẫn đến hiệu quả điều trị giảm.

- Lưu ý các thuốc kích thích thần kinh trung ương, các thuốc lợi tiểu nên uống vào ban ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thuốc kháng viêm nhóm corticoid: thường uống 1 liều vào 8 giờ sáng để duy trì được nồng độ ổn định trong máu chứ ít khi chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

- Bạn cũng cần phải biết thêm rằng: uống thuốc vào lúc đói, thuốc chỉ bị giữ lại ở dạ dày 10 - 30 phút, với pH ≈ 1; uống lúc no [sau ăn], thuốc bị giữ lại 1 - 4 giờ với pH ≈ 3,5. Một khi bác sĩ điều trị dặn bạn phải uống thuốc lúc đói thì điều đó có nghĩa rằng loại thuốc mà bạn đang dùng nhạy cảm với acid dạ dày làm giảm tác dụng của thuốc [ví dụ như ampicilin, erythromycin] hay các dạng bào chế tan trong ruột, các dạng viên phóng thích chậm. Ngoài ra, những thuốc nên dùng vào lúc no như thuốc nhóm kháng viêm nonsteroid gây kích thích dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa hay ngược lại các thuốc tráng dạ dày như sucralfat gel thì nên dùng lúc chưa ăn sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

- Một sai lầm mà chúng ta hay mắc phải đó là nghiền nát thuốc hoặc chia thuốc ra làm ½ hay ¼ để uống cũng làm giảm đáng kể tác dụng của thuốc. Nhất là dạng thuốc phóng thích hoạt chất liên tục theo tốc độ có kiểm soát trong thời gian dài [thường là 12 giờ] thì nên uống nguyên cả viên.

- Nước lọc là thức uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hòa tan thuốc, còn là phương tiện để dẫn thuốc [dạng viên] vào dạ dày - ruột, làm tăng tan rã và hòa tan hoạt chất, giúp hấp thu dễ dàng. Vì vậy, cần uống đủ nước [100 - 200 mL cho mỗi lần uống thuốc] để tránh đọng viên thuốc tại thực quản, có thể gây kích ứng, loét.

- Hạn chế uống nhiều loại thuốc cùng lúc, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý. Uống mỗi một loại thuốc ít nhất là phải cách nhau khoảng một giờ.

Các loại nước không nên dùng để uống thuốc

- Nước trái cây: dùng nước nho ép và một số nước trái cây khác để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước trái cây có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.

- Cà phê, nước trà, cô-ca: trong thời gian đang điều trị bằng thuốc, nếu dùng thuốc bằng nước trà hay cà phê thì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

- Sữa: protein và canxi có sẵn trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc.

- Bia, rượu và thức uống có cồn: trong khi đang dùng thuốc, nhất là loại thuốc có hoạt chất là acetaminophen như: padol, panadol… nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan. Ngoài ra, rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Video liên quan

Chủ Đề