Thị trường chứng khoán ngày 27 7

Thị trường chứng khoán ngày 27 7

Bất chấp những thông tin khá tiêu cực của diễn biến dịch Covid-19 và những dự báo không mấy khả quan của giới phân tích, thị trường đã đảo chiều hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/7. Tuy nhiên, yếu tố thanh khoản vẫn đang là điều lo ngại và là nhân tố khiến xu hướng hồi phục của thị trường chưa mấy được tin tưởng.

Việc thị trường tăng điểm nhưng chỉ số VN-Index vẫn đang đóng cửa dưới mức trung bình 10 phiên, đi kèm với thanh khoản thấp cho thấy thị trường chưa thể tăng mạnh trở lại ngay được. Kỳ vọng VN-Index có thể tích lũy quanh vùng biên độ 1.250 - 1.300 điểm để hút thêm lực cầu trở lại.

Việc VN-Index vẫn duy trì được trên vùng 1.250 điểm cho thấy xu hướng tăng giá trong dài hạn của thị trường vẫn đang rất mạnh. Trong các phiên tới, VN-Index kỳ vọng có thể cắt lên vùng giá trung bình mười phiên và tăng điểm nhẹ, từ từ thay vì tăng điểm mạnh nhờ nhóm ngân hàng dẫn dắt như giai đoạn trước đó.

Một trong những thông tin đáng chú ý khác trong ngày hôm qua 26/7 là việc Bộ tài chính ban hành công văn gửi UBCK về việc rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh sau 3 tuần vận hành hệ thống mới, đồng thời yêu cầu UBCK khẩn trương báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thông tin này đã phần nào tác động tích cực thêm cho tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Trở lại diễn biến phiên giao dịch sáng 27/7, sự đồng lòng của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tăng mạnh ngay khi mở cửa. Chỉ số VN-Index ngay lập tức được kéo lên mốc 1.285 điểm khi ghi nhận mức tăng hơn 10 điểm.

Dù sau đó thị trường có hạ độ cao chút ít do một số trụ cột không giữ được phong độ nhưng với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép, dầu khí, chứng khoán…, đã giúp VN-Index đứng vững trên ngưỡng 1.280 điểm.

Bên cạnh đà tăng khá tốt của thị trường với độ rộng khá tích cực, sự khởi sắc của các nhóm cổ phiếu trụ cột có thể là tín hiệu giúp nhà đầu tư kỳ vọng sóng tăng của thị trường sẽ sớm trở lại, nếu thị trường được tiếp lửa bởi dòng tiền mạnh.

Hiện ở dòng bank chỉ còn HDB, EIB và SSB giao dịch dưới sắc đỏ, còn lại đều khởi sắc; còn ở nhóm cổ phiếu thép, dầu khí cũng đồng loạt đua nhau tăng điểm với giao dịch sôi động.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, mã tạo đột biến trong phiên hôm qua là HNG cũng nhanh chóng hồi phục trong phiên sáng nay. Sau khi bật cao gần 5% khi mở cửa, HNG đã thu hẹp biên độ và hiện còn tăng hơn 2,1%, tạm đứng tại mức giá 8.250 đồng/CP.

Mặc dù thanh khoản chưa có sự vượt trội nhưng với lực cầu khá tích cực và có tính lan tỏa trên diện rộng, cùng sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu trụ cột, thị trường đã có phiên giao dịch sáng nay tăng khá đẹp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 226 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 13,25 điểm (+1,04%) lên 1.285,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 340,97 triệu đơn vị, giá trị 10.516,93 tỷ đồng, tăng 30,88% về giá trị và 21,27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua ngày 26/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,68 triệu đơn vị, giá trị hơn 673 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu gồm FPT, MWG, NVL, VHM và VNM nhưng với biên độ giảm chỉ trên dưới 0,5%, cùng 3 mã đứng giá tham chiếu là KDH, PNJ và SBT, còn lại đều tăng khá tốt.

Đáng chú ý ở dòng bank, nếu trong phiên hôm qua chỉ vài ba mã có vốn hóa trung bình và thấp le lói trong sắc xanh thì sang phiên sáng nay, hầu hết đều đảo chiều hồi phục.

Trong đó, CTG tăng 3% lên 33.100 đồng/CP, TCB tăng 2% lên 50.000 đồng/CP, VIB tăng 2,5% lên 39.500 đồng/CP, các mã khác như MBB, CTG, STB, VPB, MSB, ACB, LPB đều tăng hơn 1%. Cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm là TPB ghi nhận mức tăng 3,8%, tạm chốt phiên tại mức giá 34.150 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng có phiên khởi sắc với HPG tăng 2,2% lên mức 46.600 đồng/CP, HSG tăng 4,1% lên 35.800 đồng/CP, NKG và POM đều tăng hơn 3%, TKG tăng 2,1% lên 14.500 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu trong các nhóm dầu khí, chứng khoán đều ghi nhận đà tăng, điển hình các mã PVD, SSI tăng hơn 4%; HCM, BSI, VDS, PVT đều tăng hơn 3%... còn GAS, PLX hay AGR, APG, CTS… cũng tăng trên 1-2%.

Đặc biệt phải kể tới là sự biến động mạnh của cổ phiếu PSH. Cũng như một số phiên gần đây, PSH tiếp tục mở cửa giảm sàn và biến động giằng co mạnh, nhưng trong phiên sáng nay, cổ phiếu này đã có cú đảo chiều mạnh về cuối phiên khi ghi nhận mức tăng 4,1%, chốt phiên tại mức giá 23.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm được kéo sát mức giá trần. Đồng thời, thanh khoản cũng tăng vọt, vượt xa các phiên giao dịch gần đây, đạt 5,92 triệu đơn vị chỉ trong phiên sáng.

Thông tin đáng chú ý đối với PSH chính là báo cáo tài chính quý II/2021 vừa công bố với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 97 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần cùng kỳ nhờ chi phí giá vốn giảm sâu. Và so với kế hoạch kinh doanh cả năm là 162 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 6 tháng đầu năm Công ty đã hoàn thành 60% chỉ tiêu này.

Bên cạnh giao dịch khởi sắc của các nhóm cổ phiếu trụ cột, ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng đua nhau khoe sắc. Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là cổ phiếu FLC bất ngờ tăng mạnh nhờ lực cầu sôi động, thậm chí có thời điểm được kéo tăng kịch trần. Hiện FLC tăng 4,7% và tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 11.100 đồngCP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt xấp xỉ 27,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, người anh em ROS cũng có thời điểm được kéo sát trần và chốt phiên tăng 3,1%, tạm đứng tại mức giá 4.99 đồng/CP.

Trái lại, nhóm cổ phiếu hóa chất nhanh chóng đuối sức sau 2 phiên bùng nổ, trong đó DPM, BFC, LAS chỉ còn nhích nhẹ, còn DGC đảo chiều giảm 3% xuống mức 93.600 đồng/CP…

Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 91 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 4,33 điểm (+1,43%) lên 307,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,95 triệu đơn vị, giá trị 1.420,67 tỷ đồng, đều tăng hơn 50% cả về lượng và giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 27,89 tỷ đồng.

Điểm sáng trên sàn HNX là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí đều giao dịch khởi sắc.

Ở dòng bank, cổ phiếu NVB tăng 6,3% lên mức 18.500 đồng/CP, SHB tăng 2,3% lên 27.000 đồng/CP, BAB tăng 1,4% lên 22.100 đồng/CP.

Trong nhóm dầu khí và chứng khoán, các cổ phiếu tăng tốt như PVS tăng 3,8% lên 24.500 đồng/CP, PVC tăng 2,3% lên 8.800 đồng/CP, SHS tăng 3,9% lên 40.400 đồng/CP, MBS tăng 2,9% lên 28.000 đồng/CP, BSI tăng 3,4% lên 21.100 đồng/CP, ART tăng 3,6% lên 8.600 đồng/CP…

Đặc biệt, cổ phiếu VND có phiên giao dịch bùng nổ khi chốt phiên tăng 5% lên mức 44.000 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường với hơn 8,89 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên nhà FLC là KLF chốt phiên tăng 2,8% lên mức 3.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 2,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường nới rộng đà tăng điểm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,87 điểm (+1,04%) lên 84,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 742,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,92 triệu đơn vị, giá trị 30,7 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí trên UPCoM tăng khá mạnh, trong đó BSR ghi nhận mức tăng 8,1% lên 18.700 đồng/CP và giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 18,83 triệu đơn vị, vượt xa thanh khoản cổ phiếu đứng thứ 2 là VGT đạt 2,57 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL cũng tăng 5,8% lên mức giá 12.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,61 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cũng như thị trường niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trên UPCoM như VAB, BVB, ABB, SGB, PGB hay SBS, AAS, TCI đều giao dịch trong sắc xanh với mức tăng chủ yếu trên 2 - 3%.

T.Thúy

Thị trường chứng khoán ngày 27 7

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 27/7.

Tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Một phiên đảo chiều thành công nhưng không phải quá xuất sắc của VN-Index, khi chỉ đóng cửa cao hơn mốc tham chiếu hơn 3 điểm với thanh khoản ở mức thấp.

Điểm tích cực là phiên hôm nay cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu “quen” với các thông tin tiêu cực của diễn biến dịch Covid-19 và điều này có thể là cơ sở để thị trường có sự hồi phục ở những phiên tiếp theo.

Nhìn chung, trạng thái của thị trường lúc này là tương đối cân bằng. Dù vận động theo chiều hướng nào, chúng tôi nhận thấy vẫn có sự phân hóa diễn ra một cách trên các cổ phiếu và các nhóm ngành.

Vì vậy, thay vì quá tập trung vào chỉ số, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Chốt lời một phần vị thế T+ tại các nhịp hồi phục

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Vùng hỗ trợ 1.255 (+/-5) điểm đã tạo hiệu ứng khá tích cực và đóng vai trò điểm đỡ ngắn hạn cho chỉ số.

Mặc dù có thể còn trải qua diễn biến rung lắc khi tiếp cận vùng cản gần quanh 1.300 (+/-5) điểm, nhưng chúng tôi cho rằng, cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục sẽ tiếp tục được bảo lưu chừng nào chỉ số vẫn giữ được vùng hỗ trợ đã đề cập.

Sau khi gia tăng một phần vị thế trading T+, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, có thể cân nhắc chốt lời một phần vị thế T+ tại các nhịp hồi phục trong phiên nếu tỷ trọng nắm giữ quá cao.

Thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá

CTCK MB (MBS)

Thị trường có phiên phục hồi thành công với độ rộng tích cực, đáng chú ý là có sự dẫn dắt của nhóm bất động sản đã bù đắp cho lực cản từ nhóm ngân hàng.

Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng, nếu không có biến động lớn trong các phiên tiếp theo, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ có sóng tăng trở lại. Thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá và cơ hội cần được tận dụng.

Xu hướng của thị trường có thể cải thiện

CTCK Asean (Asean Securities)

Dự báo trong phiên tới, VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.275-1.280 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.285-1.290 điểm.

Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong kịch bản tích cực, xu hướng của thị trường có thể cải thiện nếu VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.280 điểm.

Dao động tích lũy ngắn hạn tại khu vực 1.270-1.290 điểm

CTCK BIDV (BSC)

Dòng tiền đầu tư cải thiện trở lại với 11/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng chuyển sang trạng thái cân bằng với thanh khoản suy giảm so với phiên trước.

Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể sẽ chủ yếu dao động tích lũy ngắn hạn tại khu vực 1.270-1.290 điểm trong những phiên tiếp theo.

Lạc Nhạn