Theo em làm thế nào để tránh chấn thương trong tập luyện sức mạnh

Sáng kiến: MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÒNG TRÁNH CHẤN THƯƠNG TRONG TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO Ở TRƯỜNG THCS

Đọc bài Lưu

Sáng kiến: MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÒNG TRÁNH CHẤN THƯƠNG TRONG TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO Ở TRƯỜNG THCS

A.Mở Đầu:

I.Lí do chọn đề tài:

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, nhu cầu tập luyện thể thao của nhiều tầng lớp dân cư ngày càng một tăng. Thể thao thành tích cao của Việt Nam cũng có những tiến bộ đáng khích lệ. Cùng với nhịp phát triển đó môn Thể dục trong các trường THCS được quan tâm và chú trọng rất nhiều, ngoài việc các em học sinh phải luyện tập theo chương trình giáo dục- đào tạo, tăng cường sức khoẻ. Hàng năm một số các em còn phải tham gia thi đấu HKPĐ cấp trường, cấp huyện, tham gia thi đấu giải điền kinh, đá cầu THCS do nghành tổ chức.

Là một giáo viên chuyên trách và trực tiếp giảng dạy bộ môn Thể dục ở trường, nhiều năm liền trong quá trình giảng dạy cũng như tập huấn đội tuyển tham gia thi đấu các giải. Qua các thông tin của trường bạn, qua các thông tin đại chúng tôi thấy còn có trường hợp chấn thương trong tập luyện và thi đấu thể thao, kể cả chết người. Tất nhiên do nhiều nguyên nhân . Song với tất cả những người làm thể thao, những người giảng dạy bộ môn Thể dục như tôi, đây là một vấn đề hết sức cần quan tâm, cần lưu ý trong quá trình giảng dạy và huấn luyện TDTT.

Với lí do trên, tôi mạnh dạn thể nghiệm những điều mình tích luỹ được qua quá trình giảng dạy bằng một đề tài sáng kiến kinh nghiệm Một số phương pháp phòng tránh chấn thương trong tập luyện thể dục,thể thao ở trường THCS.

II. Mục đích của đề tài.

-Qua đề tài cung cấp cho giáo viên dạy môn Thể dục hiểu thêm về các nguyên nhân cơ bản thường dẫn đến chấn thương trong quá trình tập luyện TDTT.

-Qua đề tài giáo viên vận dụng một số biện pháp phòng tránh chấn thương trong giờ tập thể dục, để hạn chế và giảm hết những chấn thương đáng tiếc xảy ra.

III. Phương pháp nghiên cứu, các bước nghiên cứu, quá trình thực hiện đề tài.

- Qua quá trình giảng dạy môn Thể dục ở trường.

-Tôi nghiên cứu qua tài liệu.

-Nghiên cứu quá trình tập luyện của học sinh.

-Dự giờ ở trường mình cũng như trường bạn.

-Tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do , Sở và Phòng giáo dục tổ chức.

IV. Giới hạn đề tài.

-Đề tài được áp dụng trong giảng dạy bộ môn Thể dục ở trường THCS.

-Đề tài được áp dụng trong huấn luyện đội tuyển điền kinh, đá cầu và một số môn thể thao khác trong trường THCS.

B.Nội dung:

I.Một số chấn thương thường xảy ra trong giờ tập thể dục.

- Xây xát nhẹ chưa hoặc có chảy máu ít ngoài da.

- Choáng, ngất.

- Tổn thương cơ.

- Bong gân.

- Tổn thương khớp và sai khớp.

- Giập hoặc gãy xương.

- Chấn động não hoặc cột sống.

II. Một số nguyên nhân cơ bản để xảy ra chấn thương.

-Không thực hiện đúng một số nguyên tắc cơ bản trong tập luyện và thi đấu TDTT.

-Không đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh trong tập luyện TDTT.

-Không tuân thủ nội quy , kỉ luật trong tập luyện và thi đấu TDTT.

III. Một số biện pháp phòng tránh chấn thương trong giờ tập thể dục.

1.Thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản trong tập luyện và thi đấu TDTT.

+ Nguyên tắc thứ nhất: Nguyên tắc hệ thống

Đây là nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt nhất. Khi bắt đầu một buổi tập hoặc trước khi thi đấu giáo viên nhất thiết phải tiến hành cho học sinh khởi động tốt để đưa cơ thể thích nghi dần với trạng thái vận động, vì trước khi tập cơ thể chúng ta đang ở trạng thái tĩnh nếu ta tập liền mà không khởi động thì cơ thể sẽ tự tiết ra một loại hooc môn làm ngưng trệ tất cả các cơ lại rất dễ dẫn đến bị chuột rút, tê liệtTrước khi kết thúc buổi tập hoặc sau khi thi đấu ta cũng phảI tiến hành cho học sinh hồi tĩnh để đưa cơ thể từ trạng thái động về trạng thái bình thường bằng một số động tác thả lỏng.

Trong quá giảng dạy cần cho học sinh duy trì thật tốt việc tập luyện, phải tập tự giác, tích cực. Tập thường xuyên, kiên trì có hệ thống. Giáo viên thường xuyên theo dõi quá trình tập luyện cũng như thi đấu của học sinh, nếu phát hiện thấy sức khoẻ của các em không bình thường có biện pháp xử lí phù hợp ngay.

+Nguyên tắc thứ hai: Nguyên tắc tự giác và tích cực.[Nguyên tắc khó thực hiện nhất]

Cuộc sống hàng ngày luôn có những việc phát sinh bắt ngờ, ví như bạn ngủ dậy muộn, một công việc đột xuất hay được bạn bè rủ đi chơi và bạn không thể tập một vài buổi. Đặc biệt với học sinh, do tác động của nhiều mặt khác như: Học tập các môn văn hoá, tham gia lao động giúp gia đình, tâm lí lứa tuổi có tác động đến việc tự giác và tích cực tập luyện của các em rất nhiều. Điều tối quan trọng là đừng để một vài buổi đó biến thành cả tuần lễ không tập luyện. Thói quen tập luyện rất khó để tạo ra, song lại rất dễ mất đi. Hãy quyết định thật nghiêm túc là phải tập thể dục và không viện bất cứ lí do gì để bỏ tập.

+Nguyên tắc thứ ba: Nguyên tắc tập luyện tăng dần.

Tập luyện TDTT là một quá trình lâu dài do đó cần tập những động tác dễ, đơn giản trước sau đó tuỳ vào khả năng của cơ thể mà năng dần cường độ lên. Trong giai đoạn đầu tập luyện sẽ có một số cơ bắp bị đau và đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên nó sẽ nặng hơn nếu ta không quan tâm đến nó. Do vậy, nên bắt đầu tập từ từ để tránh chấn thương. Ta có thể bắt đầu sự tập luyện khi thấy cơ thể mình khoẻ mạnh [tập chậm tốt hơn là tập quá nhanh] . Nên tập thong thả, nhẹ nhàng, không gây đau, tập đúng động tác, kết hợp thở sâu, nhịp nhàng, nâng dần mức độ tập luyện để tăng cường tính linh hoạt của các khớp, tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của các khối cơ.

+Nguyên tắc thứ tư: Nguyên tắc dinh dưỡng.

Chúng ta thường nhầm tưởng rằng uống nước sẽ gây chuột rút ? Ngược lại chuột rút chính là dấu hiệu của sự mất nước. Uống nước đủ sẽ giúp cho cơ thể tránh được hiện tượng bị chuột rút. Khi tập luyện, cơ thể ra nhiều mồ hôi vì sản sinh nhiều nhiệt hơn, nước sẽ giúp hạ nhiệt và bù lại lượng dịch thể hao hụt. Nếu không kịp thời bổ sung nước, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng rối loạn, mệt mỏi hoạt động cơ bắp giảm hiệu suất và xuất hiện chuột rút.

Chế độ ăn uống thích hợp trước khi tập luyện hay thi đấu có thể tăng sức dẻo dai. Không nên nhịn ăn trước buổi tập, nếu ăn uống đầy đủ sẽ cảm thấy khoẻ khoắn và ít mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, nếu ăn uống sát buổi tập hay thi đấu thì sẽ có nguy cơ bị buồn nôn.

2.Đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh trong tập luyện và thi đấu TDTT.

+ Giáo viên và học sinh cần tổ chức dọn vệ sinh sân tập và kiểm tra, sửa chữa các thiết bị, đồ dùng, dụng cụ trước khi tiến hành buổi tập. Cần chọn địa điểm tập thoáng mát, trong lành, khô ráo, có bóng mát. Nên mặc trang phục thể thao, đi giầy khi tập. Khi tập xong, mồ hôi nhiều, không nên ngồi chỗ thông gió, hoặc tắm nước lạnh ngay, vì rất dễ bị cảm.

+ Mỗi học sinh cần tạo cho mình một nếp sống lành mạnh, tập luyện TDTT thường xuyên, không uống rượu bia, hút thuốc lá và dùng các chất ma tuý. Không tự ra ao, hồ, sông, biển tắm khi không có người hướng dẫn, bảo hiểm.

3.Tuyệt đối tuân thủ nội quy, kỉ luật trong tập luyện và thi đấu TDTT.

+ Tập luyện hay thi đấu TDTT là một hoạt động tập thể, nếu không tuân thủ những quy định một cách nghiêm túc, thì rất dễ xảy ra chấn thương. Vì thế trong quá trình giảng dạy nhất thiết giáo viên phải nghiêm túc, quán triệt và có biện pháp bắt buộc học sinh tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của mình. Chỉ có thế thì mới không có chấn thương xảy ra.

IV. Kết quả.

Sau rất nhiều năm tích luỹ được tôi mạnh dạn viết sáng kiến kinh nghiệm và áp dụng triệt để, kết quả cho thấy rằng: Năm học 2011-2012 không một học sinh nào bị chấn thương trong giờ tập thể dục nói riêng cũng như các hoạt động TDTT khác nói chung.

- HS tham gia tập luyện TDTT tích cực hơn .

V. Bài học kinh nghiệm.

Là một giáo viên được đào tạo chuyên trách dạy môn thể dục. Qua nhiều năm trực tiếp giảng dạy và huấn luyện đội tuyển đi thi đấu, bản thân tôi đã có học sinh gặp chấn thương như: xây xát, bong gân, kể cả gãy tay. Mỗi trường hợp chấn thương là mỗi tình huống khác nhau. Song đúc kết lại: Do một số các em học sinh chưa hiểu hết được ý nghĩa, tác dụng của việc phòng tránh chấn thương trong tập luyện và thi đấu TDTT là rất cần thiết. Chưa tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên. Chưa có ý thức cao trong việc tự giác, tích cực tập luyện, thậm chí còn bắt chước nhau [ Học sinh khối 6 có những động tác chưa được học bắt chước học sinh khối 8, 9 nhảy cao ]. Vì thế, là giáo viên chúng ta không nên chỉ trang bị cho các em bài lí thuyết Phòng tránh chấn thương trong hoạt động TDTT . Theo tôi, trong suốt quá trình giảng dạy chúng ta thường xuyên nhắc lại để các em học sinh vận dụng thực hiện. Bên cạnh đó chúng ta phải thực sự nghiêm túc với chính bản thân mình, nghiêm túc với tất cả học sinh của mình. Lập kế hoạch dạy học cụ thể cho từng khối theo chương trình, soạn bài và giảng dạy theo phương pháp đặc thù bộ môn. Thường xuyên theo dõi hành vi, thái độ tập luyện của học sinh để nhắc nhở kịp thời. Đặc biệt không qúa vì thành tích mà hướng dẫn các em tập luyện thêm những động tác khó, những bài tập khó của những VĐV chuyên nghiệp .

VI. Những vấn đề cần kiến nghị.

+ Học sinh phải có trang phục tập luyện riêng.

Vì việc mặc trang phục không phù hợp làm ảnh hưởng tới việc luyện tập rất nhiều, nó còn là một trong nguyên nhân có thể gây chấn thương trong khi tập .

+ Mua sắm một số thiết bị đạt tiêu chuẩn để học sinh sử dụng trong quá trình tập luyện và thi đấu như: Xà nhảy cao, giầy chuyên dụng cho đá cầu và thi đấu điền kinh.

C. Kết luận.

Chấn thương là kẻ thù số một của TDTT, tập TDTT mà để xảy ra chấn thương là điều không tốt, nó đi ngược lại mục đích của người tập. Do đó phòng tránh không để xảy ra chấn thương là một việc rất cần thiết và quan trọng, ai cũng cần phải chú ý thực hiện. Có như vậy chúng ta mới tiêu diệt được kẻ thù của TDTT, mới phát huy hết vai trò của việc tập luyện TDTT vì mục đích cao cả là sức khoẻ của người luyện tập TDTT ..

Duyệt của TT Thiện Mỹ , Ngày 08 tháng 10 năm 2011

Người thực hiện

Lê Hoàng Cẩn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hiển thị tin liên quan
Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề