Tại sao phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Trần Đình Luân.Ảnh:NGUYỄN KIỂM

Phóng viên [PV]:Thưa ông, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa thế nào đối với việc gỡ “thẻ vàng” của EC?

Ông Trần Đình Luân:Việt Nam là quốc gia biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện, trong đó có 1.385 loài hải sản, nhiều loài quý hiếm. Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức, không đúng kích cỡ theo quy định đã và đang làm nguồn lợi hải sản ở các vùng biển có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng cả về trữ lượng và chất lượng; các hệ sinh thái biển cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện các quy định Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định [IUU] để gỡ "thẻ vàng" EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thácnguồn lợi thủy sảnvà sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai.

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Chính phủ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu chung là bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế...

Tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thác Bà [Yên Bái].Ảnh:DIỆP ANH

PV:Trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 theo hướng từ nay đến năm 2030 là tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản. Vậy thời gian tới,ngành thủy sảnsẽ làm gì để thực hiện chủ trương này, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân:Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, một trong những mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2030 là tổng sản lượng thủy sản trong nước đạt 9,8 triệu tấn [nuôi trồng 7,0 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn]. Để đạt mục tiêu trên, ngành thủy sản cần nhiều bước đột phá nhưng vẫn phải bảođảmcác giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội.

Để giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống còn 2,8 triệu tấn, ngành thủy sản cần triển khai đồng bộ các biện pháp giúp từng bước giảm số lượng tàu cá hoạt động thiếu hiệu quả trên biển; giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ; khuyến khích phát triển tổ, đội khai thác trên biển, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ thủy sản khai thác.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển sản xuất và tiêu thụ thủy sản nuôi chủ lực [tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra]; phát triển các loại có giá trị kinh tế cao như nhuyễn thể, tôm hùm, cá rô phi, cá nước lạnh... Tận dụng tiềm năng mặt nước như biển, sông, hồ chứa để phát triển nuôi thủy sản, gia tăng sản lượng. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển để vừa góp phần bảo vệ an ninh trên biển, vừa tạo ra lượng hàng hóa lớn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nước lợ, cá tra, các loài có giá trị kinh tế, lợi thế của địa phương. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi nuôi trồng thủy sản để tạo ra các giống mới có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao, sạch bệnh...

PV:Thưa ông, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới [FTA] như: EVFTA, CPTPP, RCEP, UVFTA... đem đến nhiều cơ hội phát triển đối với ngành thủy sản của Việt Nam. Vậy còn thách thức là gì?

Ông Trần Đình Luân:Các FTA thế hệ mới đã và đang đem đến cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất trong nước đối với ngành thủy sản Việt Nam. Nhưng song hành với cơ hội là những thách thức do các FTA có cơ chế thực thi rất chặt chẽ. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Hàng hóa không chứng minh được xuất xứ thì không được hưởng ưu đãi thuế, bị truy thu thuế nếu trước đó đã được hưởng ưu đãi thuế.

Khai thác thủy sản phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển được quy định tại Công ước UNCLOS 1982. Các quy định về thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững, dựa trên các khía cạnh kinh tế-xã hội và môi trường; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tương đương nhằm ngăn ngừa và loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại thủy sản giữa các bên...

Việc khuyến khích tuân thủ các hiệp định như: Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng [PSMA], Hiệp định thực hiện các điều khoản của Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa [UNFSA]... cũng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định [IUU] của FAO.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN NGHINH XUÂN[thựchiện]

Tiềm năng và thách thức

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017”. Tại Hội nghị, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản [Tổng cục Thủy sản] cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật. Bên cạnh đó, có mạng lưới sông ngòi vô cùng phong phú và tiềm năng, với tổng chiều dài hơn 41.900 km, 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên; trong đó có 109 sông chính và hàng nghìn hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, đây là hệ thống thủy vực có mức độ đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản cao. Tiềm năng thủy sản tự nhiên ở các vùng nước nội địa của Việt Nam rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng và sinh kế cho người dân.

“Ngành thủy sản Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng số tàu cá là 96.609 chiếc đang hoạt động với tổng công suất trên 10 triệu CV; sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 9 tỷ USD [năm 2018]. Tuy nhiên, hiện ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế [công nghiệp, du lịch…]; suy thoái hệ sinh thái [HST] thủy sinh như HST san hô, HST cỏ biển…”, ông Hùng cho biết thêm.

Thả cá tái tạo nguồn lợi tại Quảng Ninh – Ảnh: Trường Giang

Đồng quan điểm, Phó PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, các HST biển – ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy dưỡng đời sống sinh vật, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các HST đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ rất quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá và du lịch biển… Tuy nhiên, hiện nay các HST đang đứng trước các nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người và các quá trình tự nhiên. Chính vì thế, hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo chức năng điều hòa môi trường, nguồn giống và nguồn lợi hải sản; mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế lâu dài, đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái.

Bàn giải pháp bảo vệ

Để đảm bảo nguồn lợi thủy hải sản được duy trì một cách bền vững, ông Lê Trần Nguyên Hùng đã đề ra một số giải pháp như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Song song đó, cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương…

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng cho rằng, quản lý nghề cá dựa vào HST là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững và tạo ra các lợi ích về mặt sinh thái một cách tối đa trong các khu vực có hoạt động nghề cá. Việc quản lý dựa vào HST cần thông qua tăng cường năng lực và thể chế quản lý nguồn lợi ven bờ; tăng cường phục hồi HST và sáng kiến sinh kế bền vững.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017.

 >> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời gian qua đã đạt được một số kết quả; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, thời gian tới, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị thuộc Bộ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ để đạt mục tiêu bảo tồn 6% diện tích toàn vùng biển theo Nghị quyết 36 của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển.    

Hồng Thắm

Video liên quan

Chủ Đề